Chủ nhật, 28/07/2024, 17:20[GMT+7]

Thái Thụy Mảnh đất tiền tiêu qua các di tích lịch sử văn hóa

Thứ 2, 13/12/2010 | 08:31:21
9,221 lượt xem
Trong chương trình đi thực tế sáng tác của anh em văn nghệ sỹ Thái Bình tại Thái Thụy, trong các ngày 30 và 31/10/2010, chúng tôi được về thăm một số những di tích lịch sử- văn hoá nổi tiếng của Thái Thụy.

Một di tích lịch sử - văn hóa ở Thái Thịnh ( Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm

Thái Thụy là địa phương đậm đặc chất văn hoá duyên hải Bắc bộ với dày đặc các di tích LS-VH. Thái Thụy vừa là đất văn, vừa là đất võ “văn võ song hành”.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, thì trong các khoa thi dưới các triều đại phong kiến Việt Nam trong suốt 844 năm từ khoa thi năm ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông đến khoa thi cuối cùng năm Kỷ Mùi đời Khải Định triều Nguyễn (1919), Thái Thuỵ có tới 27 tiến sỹ.

Về võ, ngay từ thời Hùng vương đã có những anh hùng đánh giặc như hai vị thần là Trần Đông, Trần Điền có công đánh giặc Xích Tuỵ được thờ làm thành hoàng ở đền Chòi (có tài liệu mới đây cho rằng Trần Đông, Trần Điền là hai tướng của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống MôngNguyên, và quân Xích Tuỵ tức quân Mông- Nguyên).

Nơi đây còn là một trong những căn cứ đồn binh, có chòi gác tại cửa sông Hoá thời Trần chống Nguyên Mông (thời Trần gọi là cửa Đại Bàng). Tại đây, ngày mồng 8 tháng Giêng năm Mậu Tý (1288) đã diễn ra trận thuỷ chiến lớn giữa quân đội nhà Trần do Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão chỉ huy, ngoài tiêu diệt và nhấn chìm nhiều chiến thuyền của giặc, ta bắt được 300 chiến thuyền của quân Nguyên- Mông, góp phần chấm dứt cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 3 của quân xâm lược Nguyên- Mông.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Mậu Tý (niên hiệu Thiên Bảo thứ 4, đời Trần Nhân Tôn), Mùa Xuân, tháng giêng, Ô Mã Nhi đánh vào phủ Long Hưng. Ngày mồng 8, quan quân họp đánh ở ngoài cửa biển Đại Bàng, bắt được 300 chiếc thuyền đi tuần của giặc, chém được 10 thủ cấp. Quân Nguyên bị chết đuối nhiều”. Nơi đây cũng là một trong những căn cứ địa của phong trào Cần vương và văn thân, sỹ phu chống Pháp cuối thế kỷ 19.  

Cửa biển Đại Bàng trước thời Lý có tên là Đại ác. Cũng theo sách Đại Việt Sử ký toàn thư: “ Giáp Thân, năm (Minh Đạo) thứ 3 (đời Lý Thái Tôn  1044), ... Mùa xuân, tháng giêng, ngày Quý Mão, vua thân dẫn đại quân đi đánh Chiêm Thành. Ngày Giáp Thân, quân đi (theo đường thuỷ) từ Kinh sư, ngày ất Tỵ, đến cửa biển Đại ác gặp sóng gió yên lặng, đại quân qua biển dễ dàng, nên nhân đó (vua) đổi tên Đại ác thành Đại An”.

Quả nhiên, công cuộc bình Chiêm năm đó đại thắng. Tướng Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Xạ Đẩu ngay tại trận. Quân Chiêm từ đó một thời kỳ khá dài không dám quấy nhiễu biên giới phía nam của nước ta.

Chiều 30/10, chúng tôi vào thăm đình An Cố thuộc xã Thuỵ An, một di tích LS-VH cấp quốc gia, được Bộ Văn hoá xếp hạng từ năm 1962.  Nơi đây thờ tiến sỹ Nguyễn Thế Ân vốn quê gốc làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang (cũ) tỉnh Hải Dương. Ông đỗ tiến sỹ thời Đoan Khánh (thời Lê- Trịnh), làm việc ở phủ Thái sư Nhân Quốc công (Mạc Đăng Dung), có công lớn giúp Mạc Đăng Dung lên đến chức An Hưng vương, sau đó sáng lập nhà Mạc.

Đình An Cố kiến trúc đồ sộ với đặc trưng kiến trúc và mỹ thuật thời Lê trung hưng, là ngôi đình đồ sộ bậc nhất còn lưu giữ được ở Thái Bình do Trung quan Lỵ Quốc công dựng năm 1527-1528. Trong kháng chiến chống Pháp, đình An Cố là văn phòng Thành đội Hải Kiến, làng An Cố là cơ sở của đại đội 131 và đại đội 1 bộ đội Hải Phòng. Trong trận càn Mê-đuy (Méduyr), đích thân tướng pháp Đờ lát- Đtát-xi-nhi chỉ huy, ngày 27/4/1951, Pháp điều cả binh đoàn Âu-Phi số 1 đánh vào An Cố, chỉ có 1 đơn vị du kích thôn và 2 đơn vị bộ đội Hải Kiến đã đánh trả lực lượng hải-lục-không quân của địch, cầm cự hết ngày 27/4, giết 10 lính Pháp.

Mãi ngày hôm sau, Đtát-xi-nhi cho phi pháo mở đường mới dám hạ trực thăng vào đình An Cố, thì bộ đội ta đã rút an toàn.

Rời đình An Cố, chúng tôi đi thăm đền Hệ thuộc xã Thuỵ Ninh, theo thần tích, nơi đây thờ đức Ngô Đồng và bà ả, là tướng quân thời Hùng vương. Khi Lý Đạo Thành đi đánh quân xâm lược Chiêm Thành có đóng quân tại vùng cửa biển này, hai vị đã hiển linh báo mộng cho Lý Đạo Thành là sẽ âm phù cho ông thắng trận. Sau khi thắng giặc trở về, Lý Đạo Thành đã tâu xin vua cho sửa sang lại đền thờ các vị. Vua Lý đã chuẩn tấu, xuống chiếu sắc phong 2 vị làm phúc thần của làng Ninh Cù. Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, các vua Trần đã sai quan về cầu đảo xin thần âm phù cho thắng giặc. Các vua đều có sắc truy phong cho 2 vị, liệt vào bậc tối linh thượng đẳng thần. Đền Hệ còn là một công trình kiến trúc, chạm khắc lộng lẫy, một kho các đồ tế khí, cổ vật quý giá, được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích LS-VH cấp quốc gia.

Qua đình An Cố, chúng tôi về thăm khu di tích Cung Trần vương Lưu Đồn tại xã Thuỵ Hồng  Một căn cứ đồn trú chiến lược trong kháng chiến chống Mông-Nguyên giữa thế kỷ 13. Cung Trần vương (tức hành cung sơ tán của vua Trần) được xây dựng  tại các làng Lưu Đồn, Vạn Đồn, Tu Trình và vùng phụ cận. Cung Trần vương dã ngoại được dựng tại động Tam Khê. “Động” là một cồn cát rộng nằm giữa ba ngòi nước (Tam Khê), có cửa Rồng Vương thông ra sông Hoá. Trước động có “Đàm Thạch Thệ”, là nơi vua tôi chém đá thề “Sát Thát” (giết giặc Mông-Nguyên). Gần khu vực cung Trần vương còn có chùa Nam Triều (Nam Triều tự), là nơi nhà vua hội nghị quần thần bàn việc nước. Làng Lưu Đồn còn lưu giữ được các tư liệu thành văn như “Lưu Đồn phả ký”, “Gia phả họ Nguyễn”, các thần phả đền, miếu, từ đường dòng họ, các bia đá, đại tự, câu đối, giếng nước để vua dùng (Long Tỉnh) thời Trần.

Tất cả điều đó nói lên một thời kỳ nơi đây từng là một căn cứ đồn trú, vừa là nơi sơ tán, vừa là tiền tiêu chặn giặc từ hướng biển, đại bản doanh chỉ huy kháng chiến của vua tôi, quan quân nhà Trần trong các cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên.

Ngoài những địa danh được tham quan lần này, qua tìm hiểu, tôi còn được biết Thái Thuỵ là huyện có dày đặc các di tích LS-VH, như là một cuốn sử trải dài suốt hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta, từ thời đại Hùng Vương  đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ tổ quốc, mà mảnh đất này là một vị trí tiền tiêu đứng trước biển, với những chứng tích lịch sử không thể xoá mờ.

Ngoài những địa danh đã nêu, Thái Thuỵ còn có các di tích nổi tiếng khác như: đình Các Đông (xã Thái Thượng)  thờ vua Tiền Lý Nam Đế, là quân doanh của Đức vua khi Người khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương năm 542. Đền Thuận Nghĩa nằm ngay sát cửa sông Diêm Hộ thuộc thị trấn Diêm Điền. Tại đây, qua các triều đại từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều xây dựng hệ thống đồn binh của quân đồn trú (tựa như lực lượng bộ đội Biên phòng ngày nay) nhằm viễn tiêu bảo vệ đất nước từ phía biển. Đền thờ hai vị quận công triều Nguyễn quê tại Diêm Điền là Phạm Tài và Nguyễn Văn Cao, hai vị này có công vâng mệnh triều đình xây dựng hệ thống quân đội đồn trú vùng ven biển Diêm Điền vào giữa thế kỷ 19, bảo vệ yên lành cuộc sống của cư dân, chống nạn cướp biển. Khi thực dân Pháp  xâm lược nước ta (1858), hai ông được triều đình cử vào Nam cùng các quan đại thần Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển đốc chiến tại mặt trận Sài Gòn- Gia Định và đã hy sinh anh dũng.

Tại xã Thuỵ Văn có cụm di tích từ và chùa Hoành Sơn thờ tướng quân Phạm Tu, một tướng tâm phúc của Lý Nam Đế khi Người dựng cờ khởi nghĩa. Phạm Tu có công chiêu mộ binh mã, xây dựng phòng tuyến tại vùng đất ven biển dọc triền sông Hoá, sông Diêm. Tại đây, năm 543, khi quân Lâm ấp ( tức quân Chiêm Thành) vào cướp phá, Lý Bí đã sai ông  đem quân đi đánh, ông đã đánh tan giặc. Năm 544, Lý Bí lên ngôi, lập hai ban văn võ, ông được nhà vua phong làm đại tướng đứng đầu ban võ.

Như vậy, qua các di tích lịch sử hiện còn được lưu giữ trên đất Thái Thuỵ, có thể khẳng định vai trò, vị trí chiến lược quan trọng của mảnh đất này, là vị trí tiền tiêu bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lược của kẻ thù.

Ngày nay, trên địa bàn các xã, thị trấn duyên hải, có các đồn biên phòng cửa khẩu Diêm Điền, Hải đội 2, Trạm kiểm soát biên phòng Tân Sơn, đồn biên phòng 68 thuộc xã Thái Đô, các cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Thái Bình đang ngày đêm tiếp bước cha ông, giữ yên tuyến biên phòng ven biển, giữ vững chủ quyền của tổ quốc với chiều dài 27 km ven biển  thuộc huyện Thái Thuỵ thân yêu. Đất Thái Thuỵ thiêng liêng, người Thái Thuỵ anh dũng, kiên cường, cần mẫn đang tiếp bước anh hùng của cha ông trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc, xây dựng xã hội dân chủ, văn minh trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 này...

Đào Xuân Ánh

151 An Bình 2, thị trấn Vũ Thư - Thái Bình 

 

  • Từ khóa