Thứ 3, 20/05/2025, 13:47[GMT+7]

Lễ hội năm tới sẽ khắc phục những tập tục gây tranh cãi

Thứ 6, 03/07/2015 | 15:47:16
1,263 lượt xem
Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015, diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/7, có sự tham gia của lãnh đạo ngành văn hóa các tỉnh, thành, trong cả nước, đã đánh giá đúng thực trạng mùa lễ hội vừa qua đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những tập tục gây tranh cãi trong cộng đồng ở lễ hội 2015.

Lễ hội làng Ném Thượng, Bắc Ninh với nghi thức chém lợn. Ảnh: Báo Thể thao văn hóa.

Tục hiến sinh gây tranh cãi trong nhiều lễ hội
Theo đánh giá của ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), mùa lễ hội năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực về các mặt, tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức lễ hội của các địa phương cũng được nâng lên. Tuy nhiên, năm nay nổi lên vấn đề là tục hiến sinh trong một số lễ hội gây tranh cãi trong cộng đồng như lễ hội làng Ném Thượng, Bắc Ninh với nghi thức chém lợn; nghi thức đập đầu trâu ở trong lễ hội Cầu trâu ở Hương Nha, Xuân Quang, Phú Thọ...

Hiến sinh là yếu tố không thể không có trong một số lễ hội nhưng hiến sinh như thế nào cho phù hợp, mang giá trị nhân văn thì cần phải được xem xét và có ý kiến đánh giá, góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa. Tục hiến sinh phải được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, đó là ý kiến của Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn.

Thanh tra Bộ VHTTDL kiến nghị, cần phải nghiên cứu, giải quyết hài hòa, có lý, có tình về tục hiến sinh. Cái gì tốt thì giữ lại, phát huy, cái gì không còn phù hợp và cản trở sự phát triển của xã hội thì phải có sự điều chỉnh theo hướng vừa đảm bảo giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu về vấn đề tục hiến sinh trong một số lễ hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh khẳng định, công tác quản lý lễ hội năm tới sẽ được làm chặt chẽ hơn và sẽ không có tình trạng chém lợn, đập đầu trâu...

Các tập tục hiến sinh chứa đựng yếu tố bạo lực cần được thay thế thông qua quá trình giáo dục, nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng chủ thể văn hóa lẫn cộng đồng khách thể, trong đó có cả chính quyền địa phương nhằm tạo sự đồng thuận trong nhận thức, từ đó đưa ra những giải pháp thay thế phù hợp cho từng lễ hội của từng cộng đồng người ở mỗi vùng cụ thể.

Để lễ hội 2016 diễn ra an toàn, hạn chế tối đa những tiêu cực xảy ra.
Vai trò của các ngành, các cấp  trong hoạt động lễ hội cổ truyền là rất quan trọng, đặc biệt ở những lễ hội lớn mang tính liên vùng như: Lễ hội Đền Hùng, Côn Sơn – Kiếp Bạc, Chùa Hương… vì chỉ nếu riêng cộng đồng thì chắc chắn không đủ khả năng và điều kiện tổ chức, điều hành. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều hình thức lễ hội với mô hình quản lý khác nhau đang được thực hành nên không thể áp dụng một mô hình quản lý duy nhất cho tất cả các hình thức lễ hội, mà cần có sự phối hợp linh hoạt giữa Nhà nước và cộng đồng.

Thực tế cho thấy, những lễ hội nào có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng địa phương thì sẽ hạn chế được những tiêu cực tồn tại trong lễ hội.

Để mùa lễ hội 2016 diễn ra an toàn, hạn chế tối đa những tiêu cực xảy ra, Bộ VHTTDL đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, trong đó có tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, thống kê, quy hoạch lễ hội để có giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp; tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động lễ hội…

Theo qdnd.vn

  • Từ khóa