Thứ 4, 24/07/2024, 00:21[GMT+7]

Kỷ niệm ngày Truyền thống ngành Du lịch Việt Nam 9/7 Du lịch Thái Bình - Cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư

Thứ 5, 09/07/2015 | 09:14:14
3,229 lượt xem
Thái Bình - quê hương năm tấn, là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Du lịch Thái Bình nếu được quan tâm, đầu tư đúng hướng, trong tương lai sẽ là ngành kinh tế quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Du khách đến với khu du lịch sinh thái cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải).

Tiềm năng sẵn có
Thái Bình có hơn 2.000 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) và khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà); có 109 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó đền A Sào, đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ), đền Tiên La, đền Lưu Xá, từ đường nhà bác học Lê Quý Đôn (Hưng Hà), đình An Cố (Thái Thụy)… là những di tích có cảnh quan đẹp, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Về di sản văn hóa phi vật thể, Thái Bình nổi tiếng là cái nôi của nghệ thuật chèo, múa rối nước; nhiều lễ hội có các trò chơi, trò diễn độc đáo như lễ hội đền Trần với tục rước nước sông Hồng, thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi pháo đất; lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) với múa giáo cờ giáo quạt; lễ hội làng Lộng Khê, làng Hiệp Lực (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) với múa bát dật...

Ngoài ra, Thái Bình cũng là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) với nghề làm bánh cáy, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương), làng nghề chiếu Hới (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà), làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư)… Cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) và cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) với bãi biển hoang sơ và hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận thuộc khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để tỉnh có thể phát triển đồng thời ba loại hình du lịch: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch tham quan làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái biển.

Nhưng phát triển chậm
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển song những năm qua du lịch Thái Bình vẫn chậm phát triển. 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Keo và khu lăng mộ đền thờ các vị vua triều Trần đã hoàn thiện các hạng mục công trình, vào mùa lễ hội rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương chiêm bái. Tuy nhiên, khi mùa lễ hội qua đi, hàng ngày lượng du khách đến với những nơi này rất khiêm tốn. Điều đó không chỉ xảy ra với 2 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh mà còn khá phổ biến tại một số điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong tỉnh như đền Tiên La, đền A Sào, đền Đồng Bằng, từ đường nhà bác học Lê Quý Đôn.

Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Ảnh: Minh Đức

Trong khi các điểm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh được đầu tư xây dựng quy mô song số lượng du khách đến trong ngày chưa nhiều thì du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thu hút rất đông du khách trong mùa hè. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, dịch vụ lại chưa được đầu tư, còn rất thiếu thốn. Bãi biển cồn Vành đẹp hoang sơ, thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Năm 2008, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Dự án “Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái cồn Vành trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao”. Tuy nhiên, qua hơn 7 năm, việc triển khai Dự án rất chậm. Hiện, số lượng nhà hàng, nhà nghỉ ở cồn Vành chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, chưa có khu vui chơi, các dịch vụ đơn giản mới chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của du khách khi đi tắm biển, nghỉ ngơi trong ngày. Công tác vệ sinh môi trường khu vực bãi biển, công tác cứu hộ, cứu nạn còn nhiều bất cập nên cồn Vành chưa giữ được chân, chưa thu hút được nhiều du khách tỉnh ngoài, nước ngoài. Tại cồn Đen, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Phú đã được UBND tỉnh giao 70ha trong tổng số 1.150ha đầu tư xây dựng. Hiện nay, Công ty đã xây dựng xong hệ thống nhà hàng, khu nhà nghỉ và mới bước đầu đi vào hoạt động nên số lượng du khách còn thấp. Bên cạnh đó, du lịch làng nghề chưa khởi sắc, việc phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề chưa thực sự được các địa phương quan tâm đúng mức.

Du lịch cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư
Để thúc đẩy du lịch Thái Bình phát triển, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến du lịch Thái Bình đã tổ chức buổi tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo trung tâm xúc tiến du lịch một số tỉnh, thành phố phía Bắc, đại diện một số công ty du lịch trong nước. Diễn ra sau một ngày các đại biểu đi thực tế tại các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, chùa Keo, đền Đồng Bằng, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, khu du lịch sinh thái cồn Đen, buổi tọa đàm đã được nghe các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: trên các tuyến giao thông chưa có biển hướng dẫn, biển chỉ báo khiến cho du khách rất khó khăn khi tìm đường vào điểm du lịch; tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần chưa có hướng dẫn viên giới thiệu giá trị lịch sử to lớn của di tích; tại chùa Keo có tình trạng ép giá khách mua hàng; tại đền Đồng Bằng là tình trạng hàng quán bày bán lộn xộn…

Nguyên nhân các đại biểu đưa ra là do ban quản lý các di tích chưa thực sự sâu sát đến việc xây dựng hình ảnh điểm du lịch có cảnh quan đẹp, hiếu khách, tạo ấn tượng tốt để giữ chân du khách; ngành Du lịch Thái Bình chưa thực sự quan tâm đến những vấn đề nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực và lâu dài. Để du lịch Thái Bình phát triển, các đại biểu cho rằng, tỉnh cần quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, có biện pháp quản lý người bán hàng, đặt các biển chỉ dẫn tại các ngã ba, ngã tư trên đường dẫn vào điểm du lịch... Hơn hết, du lịch Thái Bình cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng cơ sở vật chất, dịch vụ tại các điểm du lịch sinh thái, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Làm được như vậy sẽ phát huy được tiềm năng du lịch sẵn có, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Đỗ Dương Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Ninh Bình

Du lịch Thái Bình khá đa dạng về loại hình song chưa có điểm nhấn. Du lịch tâm linh, du lịch làng nghề ở tỉnh nào cũng có song điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở các tỉnh còn rất ít. Với những điều kiện thiên nhiên ban tặng, Thái Bình nên ưu tiên đầu tư cho loại hình du lịch sinh thái tại cồn Đen, cồn Vành.

 Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Thái Nguyên

Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch rất quan trọng. Thái Bình cần xác định được điểm nhấn du lịch là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh hay du lịch làng nghề để có hướng tuyên truyền hiệu quả. Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh nên tích cực kết nối với trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành để tuyên truyền, quảng bá du lịch.

 Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty MPV Tours

Thái Bình là quê lúa, với đặc trưng này tỉnh có thể phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Du khách nước ngoài, trẻ em thành phố nếu được thử cảm giác là nông dân, được đi cấy, đi gặt, làm những công việc đồng ruộng… sẽ rất thích thú. Quốc lộ 10 chạy qua Thái Bình nối hai tỉnh có ngành du lịch rất phát triển ở miền Bắc là Quảng Ninh và Ninh Bình. Nếu tỉnh phát triển được loại hình du lịch trải nghiệm, đây sẽ là điểm dừng chân thú vị cho du khách, nhất là những du khách nước ngoài thích khám phá.

Vũ Hường

  • Từ khóa