Chủ nhật, 28/07/2024, 17:18[GMT+7]

Giới thiệu sách Ai về bến đợi ?

Thứ 4, 15/12/2010 | 09:26:16
2,497 lượt xem
Chạm ngõ làng thơ, Thọ Trúc chân thành “Xin tặng hồn thơ” (NXB Lao động 2006).

Trải qua mưa nguồn chớp bể, cam quýt đèo bòng, Thọ Trúc lại có “Tình thơ”... (Hội VHNT Thái Bình năm 2007), lại ghềnh, lại thác, lại tháng bảy tháng ba mới ngộ ra một điều “Đi đâu cũng nhớ về làng./ Nhớ bao nhiêu cái cũ càng ngày xưa”. 

“Tiếng quê” ra đời (NXB Hội nhà văn 2008), lại những mối tơ vương, những khói lam chiều lãng đãng, thơ Thọ Trúc bắt đầu định hình. Từ đây trở đi, nhà thơ mới thấm “Vị Đời” (NXB Hội nhà văn 2009), một bên hào hứng sinh sôi, một bên “trái khoáy, hờn gió giận mây”. Bốn năm, bốn tập thơ ra đời, “cái chàng thi sĩ thôn lãng tử” muốn tìm đến “Bến đợi” (NXB Thông tin và truyền thông 2010) để tự bạch rằng: “Thơ đối với tôi là tiếng lòng, là lời chia sẻ và cảm nhận”.

Thọ Trúc cũng tiết lộ thêm anh làm thơ từ thuở học trò. Thơ học trò vốn hồn nhiên, chỉ cần cảm một đôi mắt, một lọc tóc mùa thu, một màu lụa trắng... là “Thơ học trò anh chất lại thành non”.

Cậu học trò Thọ Trúc mỗi lần qua lớp cũ trường xưa vẫn còn thấy bâng khuâng “Nơi đây rộn rã tiếng cười./ Đong đầy kỷ niệm của thời hoa niên”. Người đọc bị cuốn theo Thọ Trúc vì một hồn thơ, tình thơ, vì những “Tiếng quê”, “Vị Đời” để đến vưí “Bến đợi”... hôm nay.

Tập thơ bắt đầu bằng một câu nhắn: “Ai về bến đợi xa xôi” và kết lại bằng một câu gửi: “Một chút hương quê tỏa giữa đời”. Nhắn thì bâng khuâng, gửi thì chân thực. Đây là hai vế của một hồn thơ, song song bảng lảng thực hư. Những cái bến có thật và cũng là không có thật đã từng vào thơ.

Bến thơ Thọ Trúc, hấp dẫn ta đi cùng “con đò anh phiêu lãng, tình em một dòng xanh”. Thị Trúc hướng tới nỗi xa xôi của cái bốn đã được hình tượng hóa này. Không có nơi nào trên trái đất, người đợi người chờ lại trung trinh son sắt như ở đất nước ta. Yêu nhau hóa đá đợi chờ nhau. Đợi chờ đi vào cuộc sống và trở thành tên riêng cho nhiều vùng đất. Làng Đợi, chợ Chờ, ngã ba, cây đa, bến đò, là những nơi người đợi chờ nhớ thương xao xuyến, thường niên, thường nhật.

Thọ Trúc muốn nói tới cái xao xuyến “không thể dứt ra được” của những người yêu nhau, muốn nói tới lòng kính yêu cha mẹ, tình anh em, bạn bè, tình làng xóm quê hương. Bài thơ nào của Thọ Trúc cũng rất nặng tình, rõ ràng nhất là nặng tình yêu thơ:

“Thác ghềnh tìm kiếm ý thơ
Thả hồn trong cõi mộng mơ kiếp người
Gom góp cả tiếng khóc cười
Cho thơ có được vị đời sẻ chia”

Thơ được nhắc đến trong khá nhiều câu, nhiều bài, đọc một lần dễ nhầm là nhà thơ lắm mộng nhiều mơ. “Bến đợi” tưởng chỉ là kết quả của một tưởng tượng, tượng hình trên tầng mây xanh.

Tìm được một ý thơ, người làm thơ phải qua lắm thác ghềnh, phải ngheo bao nhiêu tiếng khóc, tiếng cười, nghĩa là phải từ buồn vui kiếp người, từ hiện thực cuộc đời... mới có được sự sẻ chia sâu sắc chân thành. Thơ Thọ Trúc có gốc rễ nhân sinh, có hậu phương thôn dã, lại có cái nhìn đúng đắn, vị tha, nên gặp những tình huống, những đề tài gay cấn, xót đau, vẫn có sự cảm thông ấm áp.

Sau những bôn ba cuối bể đầu non, nhà thơ trở về với những ngõ quê, giếng quê... bao nhiều thay đổi nổi chìm, muốn mặn, gừng cay mà “Hồn thơ vẫn nặng tình xưa, tranh quê vẫn đẹp vườn thơ thuở nào” nhờ có con mắt và tấm lòng nhân ái, người đọc dù có gặp trong thơ Thọ Trúc những câu thơ nghiệt ngã, những “lận đận phong trần”, những chuyện chia ly, những nỗi đau con đường, những sương sa trên phố, những xuân cũ bẽ bàng... vẫn tìm thấy tâm sự, tâm giao này:

“Dòng đời dẫu lỡ đò ngang
Tình thơ tình bạn mênh mang bến bờ”

Xưa nay, không ít nhà thơ đã gặp những lỡ dở, nhỡ nhàng. Có lẽ do có những nhỡ nhàng lỡ dở ấy nên mới có thơ và có sự chia sẻ của nhà thơ. Mối giao cảm ấy đã làm nên nét nổi trội trong thơ Thọ Trúc.

Người con gái chơi vơi, khắc khoải trong “hiện thực cô liêu; bông hoa dại “nở lắt lay bên đường”; các anh hùng liệt sỹ chưa có vợ; nhà giáo nhà thơ Trần Quang Thẩm làm thơ trên xe lăn, những cô “nữ sinh trường tỉnh”, người thành đạt, người “để gió cuốn đi bao cát bụi”... tất cả vào thơ Thọ Trúc, làm nên nhiều tầng ngữ nghĩa sâu xa.

Hướng đi của thơ Thọ Trúc được xây dựng trên sự mềm mại, uyển chuyển, tế nhị giúp cho người đọc cảm thấy thư thái, không bị những ám ảnh nặng nề.

Đọc “Bến đợi”, bên sự cảm thông với những lỡ dở, ta vẫn thấy niềm tin, ánh sáng mà tác giả muốn cùng ban đọc phân biệt được đẹp - xấu, thiện - ác, cao cả  thấp hèn, cái đáng rung đùi và cái đáng cho qua:

“Tóc sương... rạng rỡ nụ cười
Mở lòng bè bạn nói lời tâm giao”.

Rất nhiều lời tâm giao “đắm say” với “hương ngọc lan”, khát khai với “chuyện tình hoa phượng”, “chuyện tình của tôi”. Thơ Thọ Trúc có khá nhiều kỷ niệm, cũng như có khá nhiều “bất ngờ” và thật lắm câu hỏi. Kỷ niệm về một mái trường, về chiếc mũ cỏ, về cõi mưa nhung... “hình như người ấy đang yêu, nhìn mây mây thắm, nhìn chiều chiều tươi”.

Kỷ niệm thì thương, bất ngờ thì xót, mở tờ giấy gói xôi “có câu thơ của bạn”. Xót nhất là ngày trở về, cô bé của tuổi học trò “mười sáu trăng thanh” không còn bên dòng sông thơ “muộn chiều sầm sập đổ mưa./ Phượng xanh khóc nhớ người xưa tình đầu”.

Từ niềm thương nỗi xót, các nhà thơ hay viết những câu ở dạng nghi vấn. Nhà thơ lớn, có “Một câu hỏi lớn không lời đáp” đã đành, còn bao nhiều câu hỏi khác của từng người làm thơ, ai biết cho đây! Những bài “Còn chăng”, “Từ đầu”, “Hỏi con đê”, “Hỏi đời”... nhẩn nha ta đọc rồi sẽ ra lời đáp. Cái bệnh tương tư thương nhớ cố hữu của nhà thơ. Chẳng ai giống Thọ Trúc và Thọ Trúc cũng chẳng muốn giống ai.

Năm năm qua, Thọ Trúc viết khá nhiều, nhưng thơ của tác giả “Bến quê” có xu hướng viết ngắn lại dần dần “Ngắn mà chẳng ngắn ai ơi./ Một lời là cả một đời chắt chiu”. Một lời đánh đổi một đời, xu hướng này đang được làng thơ toàn cầu rủ nhau quay lại con đường đoản thi của Tứ tuyệt Trung Hoa, Hai-ku Nhật Bản, Ba-lát Tây Âu. Thơ hai câu, bốn câu, tám câu của Thọ Trúc đang có nhiều hứa hẹn đơm hoa.

Những bông hoa Thọ Trúc đã có trong bốn thi tập trước đây “Tiếng quê” vẫn là tiếng thơ dào dạt nhất, mang hương đồng gió nội, vỗ sóng sông quê về nơi “Bến đợi” góp ý góp lời ngợi ca cuộc sống. Người thơ này đã mang dáng thi nhân, vậy mà thơ vẫn có sự khiêm nhường giữa cái tôi và thơ tôi:

“Chỉ là con đom đóm
Trong bầu trời văn thơ
Chỉ là sợi chỉ nhỏ
Góp thêu mảnh vải đời”

Hình tượng “Sợi chỉ nhỏ” khá hay, hình tượng “con đom đóm” còn tuyệt vời hơn. Gocki đã từng viết: “Muốn làm bó đuốc, trước hết hãy là con đom đóm”. Lời khuyên những bạn viết trẻ ấy là chí lý chí tình, xin chúc mừng tác giả của “Bến đợi”, sẽ có ngày nâng cao “bó đuốc” giữa trời văn thơ.

Lương Hữu

CTV 

  • Từ khóa