Thứ 6, 16/05/2025, 00:16[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2015) Truyền thống 70 năm ngành Văn hóa Thái Bình

Thứ 2, 24/08/2015 | 09:24:22
1,641 lượt xem
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngành Văn hóa ra đời như một tất yếu lịch sử khách quan với sứ mệnh cao cả: Xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, con người mới. Quá trình hoạt động và trưởng thành về mọi mặt của ngành Văn hóa gắn liền với những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam.

Thi đấu keo co tại giải kéo co và cầu lông tranh Cúp REVILO Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

70 năm qua, quy mô tổ chức của ngành Văn hóa đã nhiều lần được thay đổi. Theo đó, tên gọi qua từng thời gian cũng có sự đổi thay cho phù hợp: Lúc đầu là Ban Tuyên truyền, khi là Ty Thông tin, Ty Tuyên truyền - Văn nghệ, Ty Văn hóa, Ty Văn hóa - Thông tin, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao và từ tháng 4/2008 đến nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước ngày sáp nhập thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động văn hóa tuy còn những khó khăn, tồn tại trong quá trình xây dựng và phát triển như: Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu; trình độ cán bộ hạn chế; sự hưởng thụ văn hóa, thông tin giữa các vùng miền còn nhiều chênh lệch... nhưng với quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, hướng về cơ sở, với phương châm không ngừng củng cố về tổ chức, từng bước nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời với việc tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng giai cấp công nhân, văn hóa đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xu thế phát triển chung của sự nghiệp cách mạng cả nước, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những thành tựu nổi bật được ghi nhận là: Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng rãi và có độ bền vững, làm cơ sở để ươm mầm, phát triển các tài năng nghệ thuật bổ sung cho các đoàn nghệ thuật công lập (chèo, ca múa nhạc, cải lương) trên địa bàn tỉnh. Đời sống văn hóa cơ sở phong phú, đa dạng từ thành thị tới nông thôn, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, xóa bỏ dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh. Xây dựng được một hệ thống thiết chế văn hóa không ngừng củng cố và phát triển. Đội ngũ cán bộ đông đảo, yêu nghề, có chuyên môn nghiệp vụ, giàu nhiệt tình cách mạng, có quan điểm, tư tưởng và nghệ thuật vững vàng, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Từ năm 2008 đến nay, cùng với các hoạt động trên lĩnh vực thể thao và du lịch, hoạt động văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Sự nghiệp văn hóa tiếp tục được củng cố và có những bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu. Năm 2015, toàn tỉnh đã có 80% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa;  60% thôn, tổ dân phố văn hóa; 31,8% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; 36,8% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tiếp tục phát triển sâu rộng, hiện đã có trên 30% số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, 20% gia đình thể thao. Thể thao thành tích cao tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích và khẳng định được vị thế trên đấu trường khu vực và quốc tế. Nhiều môn thể thao phát triển mạnh như cầu lông, bóng bàn, kéo co, vật, bơi chải, thể dục dưỡng sinh... Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư và phát triển ở cả 4 cấp. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao tiếp tục được duy trì, phát triển, góp phần vào sự nghiệp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong suốt chặng đường 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã đạt được nhiều thành tích, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của địa phương và của dân tộc.

Trong điều kiện hiện nay, cần gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa văn nghệ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển thể thao và du lịch nhằm tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hàng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức “đề kháng” với các sản phẩm độc hại. Tiếp tục đẩy mạnh việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức và thể chất; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, gây rối trật tự công cộng, tệ nạn mại dâm, ma túy, cờ bạc. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch gắn với xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng,  tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bùi Công Phượng
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

  • Từ khóa