Thứ 2, 05/08/2024, 03:13[GMT+7]

“Nghệ sĩ nông dân” giữ lửa chèo

Thứ 2, 07/09/2015 | 09:01:12
698 lượt xem
Thái Bình là cái nôi của những làn điệu chèo. Bởi vậy mà ở nơi đây, trên chiếu chèo quê, những người nông dân cũng trở thành nghệ sĩ. Và nghệ thuật chèo truyền thống của quê lúa đã và đang từng ngày được gìn giữ, phát triển bởi những người “nghệ sĩ nông dân” ấy.

Một buổi tập của các thành viên Câu lạc bộ chèo Vũ Thắng.

 

Nghệ thuật chèo vốn có từ nhân dân, với chất mộc mạc mà tinh tế, giản dị mà trữ tình. Người dân quê yêu chèo như yêu chính bản thân họ, hát chèo là hát bằng cả tâm hồn. Cuộc sống lao động vất vả, nhọc nhằn nhưng những làn điệu chèo được cất lên đã xua tan đi sự mệt mỏi đó.

 

Ðã ở tuổi xưa nay hiếm, bà Tô Thị Dụng, thành viên Câu lạc bộ chèo Vũ Thắng (Kiến Xương) chia sẻ về niềm say mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống: “Trong những buổi lao động vất vả, chị em chúng tôi tối đến vẫn tập luyện múa hát để động viên nhau”. Còn ông Tô Hữu Thăng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Vũ Thắng thì bày tỏ: “Tôi nhận thức được là tham gia văn hóa văn nghệ làm cho con người sống vui, sống khỏe và trẻ trung hơn”. Không ai biết chính xác những làn điệu chèo có từ bao giờ nhưng mỗi khi tiếng trống chèo vang lên, người dân quê lúa lại say sưa cất tiếng hát. Giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật, chiếu chèo quê như khoảng lặng thu hút bao thế hệ người xem, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, là chiếc cầu nối giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Là khán giả đã gắn bó với chiếu chèo xã Vũ Thắng từ nhiều năm nay, ông Ðặng Xuân Bưởi chia sẻ: “Câu lạc bộ rất nhiệt tình, tâm huyết và rất tích cực xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ của Vũ Thắng”.

 

Hoa giữa đời thường

 

Trong hàng trăm câu lạc bộ chèo ở Thái Bình thì Câu lạc bộ chèo Vũ Thắng là một trong những đơn vị phát triển mạnh mẽ. Sau hơn 10 năm hoạt động, cùng với thời gian, Câu lạc bộ chèo Vũ Thắng giờ đây đã trở thành sân chơi tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người dân sau những ngày làm việc vất vả, mệt nhọc và đối với cả những cuộc thi, những cuộc liên hoan văn hóa văn nghệ do huyện, do tỉnh tổ chức. Có được những thành công bước đầu ấy, phải kể đến công lao của hai vợ chồng ông Tô Hữu Thăng và bà Vũ Thị Trình. Yêu chèo đến mức, dù chẳng có bổng lộc, thù lao, ông bà vẫn bỏ công, bỏ của, bỏ cả cơ sở của gia đình chỉ với mong muốn giản đơn là đem những làn điệu chèo đến với người dân. Và đó cũng chính là tôn chỉ hoạt động của câu lạc bộ này trong suốt thời gian qua.

 

Ông Tô Ngọc Tân, thành viên Câu lạc bộ chèo Vũ Thắng cho biết: “Tôi thấy vợ chồng anh Thăng, chị Trình rất nhiệt tình, rất tâm huyết, tình cảm với các thành viên trong Câu lạc bộ chứ cơ sở vật chất có đầy đủ đến đâu mà không có tình cảm, người ta cũng không theo”.

 

Ðã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” và cũng chưa qua lớp đào tạo nào về hát chèo nhưng với tình yêu, niềm đam mê và mong muốn bảo tồn loại hình nghệ thuật này ngay tại chính mảnh đất quê hương, ông Thăng, bà Trình đã tự bỏ kinh phí, đứng ra thành lập và duy trì Câu lạc bộ từ năm 2004 đến nay.

 

Người ta thường nói: Có tiền sẽ làm được tất cả. Ðiều đó có thể đúng ở chỗ này, chỗ khác nhưng ở câu lạc bộ này thì hoàn toàn không phải. Trong bao gian khó, vật chất mới chỉ là một phần. Ông Tô Hữu Thăng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Vũ Thắng chia sẻ: “Khi chúng tôi thành lập câu lạc bộ, cái khó nhất là về con người, các thành viên tham gia câu lạc bộ rất ít, phải đi vận động”.

 

Những ngày đầu tập luyện thật nhiều vất vả! Người dân quê đã quen với chân lấm tay bùn, với cả ngày dài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, giờ đây lại thướt tha trong những bộ váy áo, hát không đúng nhịp, sai phách là chuyện thường. Bởi thế, để nâng cao chất lượng, ông Thăng, bà Trình đã tự bỏ kinh phí, mời những người có chuyên môn về tận nơi giảng dạy, theo sát từng làn điệu chèo của Câu lạc bộ.

 

“Lòng nhiệt tình, tâm huyết hiếm có” với những làn điệu chèo của ông Thăng, bà Trình không chỉ làm xúc động những người nghệ sĩ có tâm với nghề, không chỉ thu hút những người nông dân tảo tần, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, cây lúa, củ khoai, mà giờ đây, lòng nhiệt tình, tâm huyết ấy đã đến với thế hệ thanh thiếu niên. Sau giờ học, hàng tuần, các bạn nhỏ lại đến tận nhà để nghe ông bà hát chèo và được ông bà tận tình chỉ dạy cách hát, cách luyến láy, ngắt nhịp từng câu, từng chữ. Tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian vì thế cứ lớn lên từng ngày. Ông bảo, đây mới chính là con đường khôi phục phát triển và nhân rộng những làn điệu chèo nhanh nhất.

 

Từ những người chỉ biết nghe hát chèo và mê hát chèo, ông Thăng, bà Trình dần trở thành những nghệ sĩ hát chèo của đồng quê và giờ đây họ còn là tác giả của nhiều làn điệu chèo. Những cánh đồng lúa, những công trình nông thôn mới, những tấm gương sáng trong lao động sản xuất và cả những phong trào thi đua của địa phương được ông bà đưa vào những làn điệu chèo để kịp thời động viên, ngợi ca chính mảnh đất và con người quê hương mình, chính cuộc sống hàng ngày của nhân dân nơi đây.

 

Những khuôn mặt đã ghi dấu thời gian, những đôi bàn tay đã chai sần bởi công việc đồng áng, giọng hát cũng không được trong trẻo, thánh thót nhưng họ vẫn để nghệ thuật thăng hoa trong từng vở diễn, trong từng điệu chèo ngọt ngào, đằm thắm. Những người nông dân mê chèo, những con người của ruộng đồng ấy, đang cố gắng bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống. Và điều đáng trân trọng ở những con người chân lấm, tay bùn này là họ đang lặng thầm bảo tồn giá trị vĩnh hằng của nền văn hóa dân tộc. Ðồng thời góp sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương.

 

Phát huy truyền thống dân tộc

 

Với việc khôi phục những đội chèo, nhóm chèo, không gian văn hóa ở làng quê vốn thường ngày yên ả, nay đã bừng khởi sắc và trở nên sống động. Những làn điệu chèo đã đi sâu vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều vùng nông thôn Thái Bình. Cho dẫu cuộc sống thường ngày có khó khăn, nhưng lòng yêu chèo  ở đâu và lúc nào cũng có. Nhiều nghệ nhân của những làng chèo đã góp mặt và làm nổi danh bao gánh hát. Những người sành chèo, mê chèo vẫn luôn ấn tượng về những đào, những kép từ quê lúa Thái Bình. Ðến với những chiếu chèo quê, người cao tuổi muốn cho mình trẻ lại, người trẻ tuổi muốn mình trưởng thành hơn.

 

Chị Quách Thị Hồng Xiêm, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình chia sẻ: “Thật may mắn khi tôi được sinh ra tại làng Khuốc, ngôi làng có nghệ thuật chèo truyền thống từ rất lâu đời. Tôi cảm thấy tiếng hát chèo đã thấm vào tim mình ngay từ khi lọt lòng và đó cũng là dòng sữa thứ hai nuôi tôi khôn lớn cho đến bây giờ. Tôi rất cảm ơn các nghệ nhân đã để lại cho tôi những tiếng hát chèo và nó sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời”.

 

Năm 2008, nhã nhạc cung đình Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là kiệt tác của nhân loại. Những năm tiếp theo, lần lượt dân ca quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ và gần đây nhất là dân ca ví dặm Nghệ - Tĩnh đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Hơn 10 năm qua, vợ chồng ông Thăng, bà Trình vẫn hàng ngày miệt mài với gánh hát của mình và vẫn chìm đắm trong những làn điệu chèo. Ông bà và các thành viên Câu lạc bộ chèo Vũ Thắng ước mơ một ngày nào đó những làn điệu chèo của quê lúa cũng sẽ trở thành niềm tự hào chung của bao người con đất Việt, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

"Thông qua việc phát triển những câu lạc bộ chèo, thứ nhất là tiếp tục bảo tồn nghệ thuật truyền thống chèo, thứ hai là thông qua hoạt động này nâng cao được đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Còn trong xây dựng nông thôn mới, nghệ thuật chèo đã góp phần tích cực để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, Nhà nước cũng như của tỉnh đến với đông đảo quần chúng nhân dân".

 

(Ông Bùi Công Phượng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

 

Ông Ngô Xuân Tám, Chủ tịch UBND xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương

Trong thời điểm bây giờ, trong lúc các phong trào văn nghệ ở nông thôn hầu như không phát huy được thì riêng Câu lạc bộ chèo của ông Thăng, bà Trình thì phát huy rất tốt. Chính qua những điệu chèo đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất ở địa phương. Tình hình an ninh chính trị cũng tốt hơn. Người dân gần gũi quý mến nhau hơn. Tôi cho rằng đây là một điển hình cần duy trì và nhân rộng.


Cô giáo Phạm Thị Nga, Trường THCS xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương

Xem các chương trình biểu diễn của ông bà, các em học sinh cảm thấy rất hào hứng và thực sự cảm thấy yêu quê hương, đất nước của mình hơn, đặc biệt trong các giờ học văn được các cô giáo bộ môn khẳng định là truyền thống đó đã được đưa vào những lời văn của các em rất xúc tích.


Em Đinh Thị Phương Thảo, Trường THCS xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương

Ông bà dạy cho em hát chèo về quê hương Vũ Thắng. Em rất yêu quê hương Vũ Thắng anh hùng của em và em rất thích đến đây học hát cùng ông bà.

 

Anh Tú

  • Từ khóa