Thứ 4, 21/05/2025, 14:48[GMT+7]

Hành cung Lỗ Giang - bí ẩn cung điện nhà Trần

Thứ 2, 16/11/2015 | 09:36:48
4,144 lượt xem
Năm 2014, tại khu vực đền Trần (Thái Lăng), xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà đã phát hiện những dấu vết của hành cung Lỗ Giang. Bởi vậy, lễ hội đền Trần (Thái Lăng) năm nay có nhiều điều khác biệt và mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Toàn cảnh Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Đền Trần (Thái Lăng) có cách đây gần 800 năm, được xây dựng trên vùng đất cổ nay thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà. Đền nằm ở hữu ngạn ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, ở chính giữa vùng đất Long Hưng và Tức Mặc (Nam Định). Xung quanh khu vực đền hiện còn lưu truyền nhiều địa danh gắn với một thời quá khứ của vùng đất này như bến Phạm Lỗ, cánh đồng Phủ, Càn Thiên mã… Tất cả những địa danh này đều gợi lại những dấu tích của một hành cung xưa gắn liền với lịch sử nhà Trần trên mảnh đất Hồng Minh ngày nay.

Do thời gian và sự biến thiên của lịch sử, hành cung xưa đã không còn nữa. Ngày nay, tại vị trí ấy, nhân dân đã xây dựng một ngôi đền nhỏ.

Lễ hội truyền thống

Vào tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân xã Hồng Minh lại long trọng mở hội đền Trần (Thái Lăng) với 3 ngày lễ hội. Đền Trần (Thái Lăng) ngoài thờ 7 vị tiên đế nhà Trần còn là nơi tưởng niệm những vị quốc mẫu nổi tiếng thời Trần. Lễ hội hàng năm là dịp để những người con xã Hồng Minh nói riêng, nhân dân huyện Hưng Hà nói chung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", ghi nhớ công lao chống giặc Nguyên Mông thế kỷ thứ 13 của các vua Trần. Ngày 14/10/2003, đền Trần (Thái Lăng) được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.

Sau khi các bô lão kính cẩn rước bài vị, chân linh của các vị tiên đế, nghi lễ dâng hương cũng được bắt đầu. Nén hương thơm mang theo tấm lòng thành kính, thơm thảo. Con cháu cúi đầu bái tạ, tưởng nhớ những vị anh hùng dân tộc đã có công dựng xây và bảo vệ quê hương, đất nước. Dưới tiết trời nắng nóng, từng hàng người vẫn kính cẩn, kiên nhẫn chờ tới lượt dâng hương của dòng họ mình. Lễ hội đền Trần (Thái Lăng) đã trở thành một phần không thể thiếu, gắn liền với đời sống tâm linh của mỗi người dân nơi đây.

Di tích khảo cổ

Dù năm nào cũng tham gia lễ hội với tấm lòng thành kính nhưng với người dân Hưng Hà thì lễ hội đền Trần (Thái Lăng) năm nay thật nhiều điều đặc biệt. Thu hút bất cứ người dân địa phương và khu khách thập phương nào là những hiện vật vừa được khai quật trong năm 2014. Không chỉ vậy, toàn bộ hình ảnh trong suốt quá trình điều tra, khai quật khảo cổ học cũng được trưng bày.

Ngay trong đợt khai quật đầu tiên, tại khu vực đền Trần (Thái Lăng), các nhà khoa học đã phát hiện hàng trăm di vật, hiện vật mang giá trị biểu trưng vương quyền như hàm rồng, mai rồng, diềm mái hình lá đề có hình rồng; nhiều đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như bát, đĩa làm bằng sành, sứ, gốm… Các hiện vật, di vật được tìm thấy sớm nhất có niên đại thế kỷ 13, ngoài ra có niên đại thời Lê sơ, thời Mạc, thời Lê Trung Hưng… Điều này cho thấy, đây là quá trình phát triển liên tục, không đứt đoạn và được kế thừa, phát triển qua các triều đại phong kiến. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh thành thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: Kết quả khai quật còn cung cấp những cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, so sánh, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về di tích, di vật thời Trần của khu di tích Hoàng thành Thăng Long nói chung và các di tích khác nói riêng. Kết hợp với tư liệu lịch sử, khu vực đền Trần (Thái Lăng) xã Hồng Minh hiện nay được xác định chính là hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, là hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiến Tông.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: Hành cung Lỗ Giang được ra đời vào thời điểm rất đặc biệt, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba. Khi ấy, vua tôi nhà Trần về tế tổ ở đất phát tích Thái Bình và bước vào thời kỳ phục hưng đất nước, phục hồi kinh tế. Với ý nghĩa to lớn ấy, hành cung Lỗ Giang được xây dựng với quy mô lớn.

Thời gian tới, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học sẽ tiếp tục được triển khai trên đất Hồng Minh, Hưng Hà. Đây là cơ sở khoa học phục vụ công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của địa phương.

PGS, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành

Các dấu tích kiến trúc tìm thấy ở đền Trần có quy mô lớn và kết cấu rất độc đáo. Nếu so sánh với hoàng thành Thăng Long thì đây là một loại hình kiến trúc có vẻ đẹp, sự hoành tráng, được xây dựng rất công phu không thua kém gì kiến trúc của hoàng thành Thăng Long.

Ông Bùi Quý Khen, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Trần (Thái Lăng)

Năm 2014, viện hàn lâm đã phát hiện rất nhiều những hiện vật quý của các vua Trần khi hướng nghiệp tại đây. Chúng tôi xác định đó là giá trị không gì có thể thay thế được. Vì lý do đó, kỳ lễ hội năm nay rất đặc biệt và rất có ý nghĩa với người dân xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà.

Ông Nguyễn Văn Xuyên, thôn Đồng Lâm, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà

Ngày mở hội này toàn dân chúng tôi rất phấn khởi, đi dự rất đông. Đây cũng là mốc lịch sử để giáo dục cho thế hệ con cháu có ý thức nghĩ về quê hương, đất nước.

Bà thủ nhang Nguyễn Thị Phiên

Từ lúc khó khăn mà đến bây giờ thì phấn khởi lắm. Nhiều bà con cứ hỏi bao giờ thì đến lễ hội, tôi mừng lắm. Lễ hội cứ ngày một vui hơn. Cảm xúc của tôi được đón chào nhân dân từ các nơi đi về, cờ dong trống mở, mừng lắm! Điều đó chứng tỏ sự tri ân với các vua Trần.

Anh Tú

  • Từ khóa