Thứ 6, 02/08/2024, 13:23[GMT+7]

Ông thầy chèo Khuốc

Thứ 6, 20/11/2015 | 09:16:55
1,787 lượt xem
Đến làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng) hỏi thăm nghệ nhân hát múa chèo truyền dạy cho nhiều người, chúng tôi được người cao tuổi địa phương giới thiệu đến gặp ông Bùi Văn Ro.

Một buổi biểu diễn của nghệ sĩ chèo làng Khuốc. Ảnh: Tú Anh

Từ lúc còn là cậu bé 5, 6 tuổi, mỗi khi tiếng trống chèo nổi lên, các diễn viên, nhạc công trong đội chèo của làng tập hát, tập diễn, Bùi Văn Ro lại nhanh chân rảo bước đến xem. Mang trong mình dòng máu của người dân làng Khuốc, uống nước của làng Khuốc nên cậu bé Ro ngày ấy "học thuộc lòng" rất nhanh lời hát, các làn điệu, "bắt chước" rất nhanh cách diễn của các diễn viên. Say sưa với chèo quê hương, 15 tuổi, ông tham gia vào đội chèo của làng với vai trò là người nhắc vở. Sau gần 3 năm, ông được đảm nhận vai diễn đầu tiên trong đời, đó là vai lão say trong vở "Tôn Mạnh, Tôn Trọng". Với vai diễn này, ông Ro xuất sắc giành huy chương vàng trong hội diễn của tỉnh.

Ông Ro kể: Khi tham gia đội chèo của làng, bên cạnh việc cố gắng ghi nhớ, thể hiện tốt nhất các vai do các lão nghệ nhân trong đội truyền dạy, tôi thường học lỏm cách diễn, cách múa hát của các vai khác thông qua việc quan sát các diễn viên trong đội truyền dạy cho nhau. Nhờ tích cực học hỏi trong quá trình đội tập luyện, đi diễn, ông Ro nhanh chóng thuộc trọn vẹn các trích đoạn chèo cổ nổi tiếng, biết cách diễn các nhân vật. Yêu chèo, có tâm với nghệ thuật truyền thống, là người nắm giữ nhiều "chất chèo" của làng Khuốc, ông Ro được cán bộ, nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ chèo xã Phong Châu, được các câu lạc bộ văn nghệ trong xã, trong huyện mời dạy. Cứ như vậy, mấy chục năm qua, mặc dù chỉ tự học, chưa kinh qua một lớp đào tạo hát múa chèo chuyên nghiệp nào nhưng bằng cái tâm muốn gìn giữ, trao truyền nghệ thuật truyền thống, ông đã trực tiếp truyền dạy cho thành viên 9 câu lạc bộ của các thôn, đoàn thể trong xã Phong Châu và nhiều người dân các xã khác trong huyện như Đông Dương, An Châu, Trọng Quan, Liên Giang...

Dạy cho rất nhiều người biết hát chèo, diễn chèo nhưng điều khiến ông Ro lo ngại nhất hiện nay là cái tâm của những học trò "lớn tuổi" trong việc gìn giữ chất chèo làng Khuốc không cao. Nhiều người nhận vai diễn nhưng không tuân theo vốn cổ mà tự thêm nếm, tự sáng tạo, cải biên khác trước. Ông lo chèo Khuốc sẽ dần phôi pha theo tháng năm, mất đi những đặc trưng riêng có. Ông mong, thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, nhất là chèo làng Khuốc, để chèo làng Khuốc mãi là niềm tự hào của người dân Phong Châu nói riêng, Thái Bình nói chung.

Quỳnh Thanh

  • Từ khóa