Chủ nhật, 30/06/2024, 21:28[GMT+7]

Công bố Quyết định công nhận bảo vật quốc gia 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Thứ 2, 23/11/2015 | 16:14:58
1,413 lượt xem
Sáng 23/11, nhân kỷ niệm 10 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức công bố Quyết định công nhận bảo vật quốc gia 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và khai mạc Triển lãm "Bia Tiến sĩ - Di sản văn hóa Việt Nam" tại Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Giới thiệu các hiện vật về bia tiến sĩ tại triển lãm.

Cùng với sự tồn tại của truyền thống khoa cử trong thời phong kiến, các triều đại quân chủ trước đây đều quan tâm xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long. Tại đây, ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn Miếu còn là nơi đề danh các vị đại khoa trên các tấm bia, gọi là bia tiến sĩ. Đây là những tấm bia đá lưu danh những người đỗ đạt trong các khoa thi tuyển chọn tiến sĩ kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê – Mạc (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17). Đồng thời, đây cũng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học và những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của dân tộc.

Ngày 14/1/2015, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam công nhận là bảo vật quốc gia.

Ngoài Văn Miếu ở kinh đô (trước đây là Thăng Long, thời Nguyễn, kinh đô chuyển vào Huế nên Văn Miếu T.Ư xây dựng tại Huế), triều đình còn xây dựng Văn Miếu ở các tỉnh thành. Nhìn chung, các Văn Miếu này đều lưu giữ được hệ thống văn bia có giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Triển lãm giới thiệu 100 hình ảnh, hiện vật về bia tiến sĩ tại Văn Miếu ở bốn địa phương gồm: Hà Nội, Huế, Bắc Ninh, Hưng Yên (tên gọi là Văn Miếu Xích Đằng).

Nếu như bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là hệ thống đồ sộ nhất, có giá trị lịch sử, văn học, nghệ thuật... nhất thì Văn Miếu tại các tỉnh lại có những giá trị riêng. Trong đó, 32 bia tiến sĩ tại Huế ghi danh những vị đại khoa thời Nguyễn, phản ánh lịch sử khoa cử thời Nguyễn, khi lãnh thổ nước ta mở rộng và bắt đầu có những vị đại khoa đến từ phương Nam. Hay riêng Văn Miếu Bắc Ninh đã có 12 tấm bia ghi danh 677 vị đại khoa của Kinh Bắc xưa (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và một phần Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên ngày nay). Các tư liệu tại triển lãm cho hậu thế hiểu thêm về truyến thống hiếu học, lịch sử khoa bảng, nghệ thuật điêu khắc... qua các thời kỳ, hiểu thêm về truyền thống khoa bảng tại một số địa phương.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa