Chủ nhật, 30/06/2024, 21:28[GMT+7]

Lễ rước nước đền Trần

Thứ 2, 18/01/2016 | 09:37:32
3,090 lượt xem
Năm 2015, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ðến với lễ hội truyền thống nơi đây, được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, du khách ấn tượng với nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian độc đáo, trong đó đặc biệt nhất là lễ rước nước trên sông.

Lễ rước nước tại lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Ảnh: Thành Tâm.

 

Lễ rước nước là một loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Các nghi lễ diễn ra ở thời điểm đầu mùa với ý niệm cầu mong tổ tiên và các thế lực siêu nhiên trợ giúp cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, âm dương tương hợp.

 

Mở màn cho chuỗi hoạt động trong lễ hội đền Trần là lễ rước nước trên sông Hồng, năm nào cũng được tổ chức rất long trọng. Ðây không chỉ là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa, nông nghiệp phát triển mà còn tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.

 

Khởi hành

 

Lễ rước nước bắt đầu khi các vị cao niên thắp hương kính cẩn mời anh linh các vị vua triều Trần chứng giám.

 

 

Ði đầu đoàn rước là đội múa lân rồi tới kiệu mang liệt vị liệt tổ nhà Trần: Trần Kình, Trần Hấp, Trần Thừa, Trần Lý và Thái sư Trần Thủ Ðộ. Tiếp theo là đoàn rước thuộc các làng, xã trong và ngoài huyện.

 

 

Ðoàn rước nước có trống dong cờ mở, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng, khởi từ đền thờ các vua Trần ở làng Tam Ðường đi vòng quanh đền, chùa rồi mới lên đê. Dọc đường đi tới bến sông, cờ lễ hội cắm rợp trời, chiêng trống vang lừng, nhân dân từ già tới trẻ háo hức đi theo lễ rước nước, khung cảnh tấp nập, đông vui. Ai ai cũng một lòng hướng về tổ tiên, cầu cho năm mới an lành, may mắn.

 

Lênh đênh trên sông nước

 

Quan trọng nhất trong lễ rước chính là việc lấy nước thánh, nơi dòng nước trong sạch, tinh khiết giữa sông Hồng. Khi đoàn rước tới đê đã có đội thuyền chờ sẵn dưới mép sông. Lúc này, kiệu được để lại trên bờ, những thanh niên trai tráng của làng khiêng chiếc chum nhỏ để chứa nước lên thuyền. Theo sau các cụ cao niên trong làng là nhân dân và cả những du khách thập phương, ai ai cũng háo hức tham gia cuộc hành trình đặc biệt này.

 

 

Một phần không thể thiếu trong mỗi chuyến đi đến nơi nguồn nước trong sạch, tinh khiết nhất là mọi người cùng nhau làm lễ, cầu nguyện trên thuyền. Giữa không gian mênh mông của sông nước, đối với mỗi người, điều này lại càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.

 

Sôi động nhất là khi đoàn thuyền ra tới nơi giao lưu của sông Luộc gặp sông Hồng và sông Thái Bình. Nước được lấy ở nơi trong sạch, tinh khiết này. Ai ai cũng mong muốn được tận tay múc gáo nước thiêng đổ vào chum rồi lấy chút nước sánh ra ấy xoa lên mặt, lên đầu với mong muốn cầu cho trí tuệ minh mẫn.

 

 

Trên đường từ sông Hồng trở về, trong niềm hân hoan đã lấy được nước thiêng, mọi người cùng nhau ca hát. Những con người xa lạ, dù chưa một lần gặp mặt bỗng chốc trở nên thật gần gũi, thân thương. Giữa không gian sông nước, họ trao nhau những nụ cười ấm áp, sẻ chia một chút lộc may mắn đầu năm và hẹn ngày này năm sau lại cùng hội tụ dự lễ rước nước trên sông.

 

Hân hoan trở về

 

Ðoàn thuyền trở về trong sự mong chờ, đón đợi. Ðã ở tuổi “xưa nay hiếm”, dù đôi mắt không còn sáng rõ nhưng cụ Nguyễn Thị Chanh (xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà) vẫn chăm chú quan sát từ trên đê và vui mừng khi nghe mọi người nói đoàn thuyền đã trở về. Cụ bảo rằng, ngày hôm nay “vui nhất thế giới”. Tôi có đi được ra đây đâu, toàn là các con, các cháu cõng nhưng chúng nó nói ngày hôm nay vui nhất phải đưa cụ ra đây.

 

Các đoàn rước lại cùng khởi hành với niềm hân hoan trở về tới đền thờ các vị vua triều Trần. Lễ rước nước với các đoàn rước đi dài ven đê, trống dong cờ mở rợp trời tạo nên một khung cảnh tráng lệ và nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã từ thời mở nước. Nước là một trong những yếu tố hàng đầu để hình thành nên nền nông nghiệp, chi phối mạnh mẽ đến mùa màng, đời sống của người nông dân, vì vậy họ đã tổ chức nghi lễ rước nước với tất cả tấm lòng thành kính dành cho một yếu tố trong ngũ hành hình thành nên sự sống.

 

Sau từ 3 - 5 ngày tế lễ, nước ở trong chum được lấy ra phân phát cho các giáp mang về chia cho các gia đình trong các thôn làng để lấy phúc.

 

Vào mỗi kỳ lễ hội đền Trần ở xã Tiến Ðức, ngoài lễ rước nước, người dân địa phương và du khách mọi miền còn tham gia vào những nghi thức tế lễ độc đáo, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi pháo đất... khiến mỗi con người như muốn sống chậm lại, trở về với những nét đẹp truyền thống của cha ông. Cũng từ đây, lịch sử dân tộc với những trận chiến oai hùng, những kế sách điều binh khiển tướng trở nên thật gần gũi, chân thực và sống động.

 

"Hưng Hà là vùng đất cổ, vùng địa linh nhân kiệt. Ðảng bộ và nhân dân Hưng Hà rất tự hào với bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước nồng nàn của quê hương, nơi đã nuôi dưỡng, chở che bao danh nhân tuấn kiệt, góp phần làm rạng danh quê hương đất nước. Huyện ủy, UBND huyện đã có những giải pháp tăng cường bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống ở lễ hội và đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể ở lễ hội đền Trần. Văn hóa đã trở thành động lực, sức mạnh để Hưng Hà xây dựng thành công nông thôn mới".

 

(Ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà)

 

Bà Lê Thị Hiền, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà

Tôi rất sung sướng và vinh dự, tự hào được đi rước nước đầu năm mới. Chúng tôi đi cầu phúc, cầu an cho đại gia đình và tất cả mọi người sang năm mới được an khang, thịnh vượng, sự nghiệp thành đạt, làm ăn phát tài.

Bà Vũ Thị Thoảng, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà

Rất vinh dự được về đền Trần tham gia lễ rước nước, chị em chúng tôi trong làng ai cũng phấn khởi mong cho đoàn đi đến nơi về đến chốn. Chúng tôi đi rước nước về cho làng, cầu mong mưa thuận gió hòa để làng được mùa bội thu; ngoài ra, làng làm nghề bánh đa thì làm đến đâu bán hết đến đó. Rất mong lễ rước nước năm nào cũng kéo dài, năm nào cũng đông vui.

Chị Julia Frotey, du khách Pháp

Tôi đến từ thành phố Lille, phía Bắc nước Pháp. Chúng tôi được một người bạn sống ở ngôi làng gần đây mời tham dự lễ hội này. Tôi thật sự cảm thấy rất thích thú khi tham gia lễ rước nước. Mọi người ở đây rất dễ mến, thân thiện và cởi mở. Ðiều khiến tôi ấn tượng nhất trong lễ rước nước là hình ảnh đoàn người thật dài. Chúng tôi chắc chắn sẽ quay trở lại nơi đây.

Anh Quentin Domachin, du khách Pháp

Tôi đến từ thủ đô Paris của nước Pháp. Thật là tuyệt vời khi được biết đến một nền văn hóa mới, một phong tục chưa từng có trong văn hóa phương Tây. Chúng tôi thật may mắn khi được một người bạn mời về đây. Ðiều tôi ấn tượng nhất là khi ở trên thuyền, mọi người đã cầu khấn, đã tung giấy tiền vàng, đã mang nước về. Thật là kỳ diệu!

 

Anh Tú

  • Từ khóa