Chủ nhật, 11/08/2024, 18:18[GMT+7]

Thi pháo đất – nét độc đáo của lễ hội đền Trần

Thứ 2, 22/02/2016 | 15:39:24
3,284 lượt xem
Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào ngày 13 tháng giêng âm lịch, đông đảo du khách thập phương lại về với lễ hội đền Trần - Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (thôn Tam Đường, xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà). Ngoài các hoạt động tế lễ tâm linh, lễ hội đền Trần còn có nhiều hoạt động, trò chơi dân gian hấp dẫn, trong đó có thi pháo đất, hoạt động tái hiện một cách thức rèn luyện sức khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ của binh lính nhà Trần xưa.

 

Mỗi “cỗ pháo” với 10 nam nhi khỏe mạnh, khéo léo, giàu kinh nghiệm được chọn từ các làng tham dự. Nhiều ngày trước cuộc thi, các đội đã tuyển lựa đất rất công phu. Đất làm pháo là đất sét xám, có độ dẻo cao, không lẫn tạp… để dễ làm và khi quăng pháo mới nổ to và cho “thước pháo” đẹp.

 

Khi giám khảo phát lệnh, đất được những thành viên khỏe mạnh trong các đội cho vào khuôn định hình và dùng chày giã kỹ cho đất quánh lại, sau đó nặn thành từng cỗ pháo thành dày đều, miệng pháo phẳng, đáy pháo mỏng đều để khi tiếp đất tạo áp lực không khí để khi vỡ sẽ phát tiếng “nổ” to.

 

 

Tạo “thước pháo” là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất trong cuộc thi, những thành viên dùng đôi bàn tay khéo để tạo thước hình bầu dục, cắt đoạn… nếu viền không kỹ, cắt đoạn không khéo, khi quăng pháo chỉ có tiếng nổ nhưng thước không bung ra được, người chơi sẽ không được tính điểm và bị coi là thợ vụng. Sau khi pháo làm xong, các thành viên trong đội dùng sức khỏe và sự khéo léo nâng pháo lên cao.

 

Nhận pháo từ tay đồng đội, một thành viên dùng sức để nâng pháo, xoay người tạo đà …

 

…và quăng về phía bức ván gỗ đã đặt sẵn trong khu vực thi.

 

Trong dòng người trẩy hội đầu xuân, tiếng pháo đất nổ, tiếng hò reo của các đội chơi và của khán giả làm không khí cuộc thi thêm sôi nổi, hào hứng. Sau khi pháo tiếp đất, thước pháo bung ra, ban giám khảo sẽ đo độ dài của thước pháo…và tính điểm.

 

 

 

Các thành viên sẽ lần lượt thi, sau đó tính tổng điểm để xếp hạng. Tại lễ hội đền Trần năm 2016, giải nhất đã thuộc về đội thôn Minh Khai (xã Chi Lăng) với 169 điểm.

 

Trải qua 8 thế kỷ, phong tục cổ truyền thi pháo đất từ thời Trần vẫn được lưu giữ và duy trì trong mỗi dịp lễ hội đền Trần hàng năm, không chỉ là một trò chơi dân gian đậm tinh thần thượng võ, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ đến các vị vua Trần, mà còn là nét đẹp văn hóa của người và đất Hưng Hà, đất phát tích và khởi nghiệp vương triều Trần, huyện nông thôn mới.

 

Trịnh Cường

  • Từ khóa