Thứ 5, 08/08/2024, 23:18[GMT+7]

Nô nức trảy hội đền Trần

Thứ 3, 23/02/2016 | 09:26:51
2,100 lượt xem
Ðến hẹn lại lên, ngày 13 tháng Giêng năm nay, lễ hội đền Trần Thái Bình khai mạc để nhân dân và du khách thập phương về dự, thắp hương tưởng nhớ công lao của các vị vua triều Trần...

Lấy nước trong lễ cấp thủy rước nước đền Trần Thái Bình năm 2016.

 

Mặc dù phải đến tối ngày 13 tháng Giêng lễ hội mới khai mạc song từ sáng sớm đông đảo du khách đã đổ về Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần tại xã Tiến Đức (Hưng Hà) để tham dự lễ khai hội đền Trần Thái Bình 2016. Ông Nguyễn Cao Đại ở huyện An Lão (Hải Phòng) cho biết: Chúng tôi đến với lễ hội không chỉ là du xuân đầu năm mà sâu thẳm trong lòng là sự thành kính mong muốn được đến thăm nơi phát tích của nhà Trần và dâng hương tưởng nhớ công ơn của các vua Trần. Điều đáng nói trong lễ hội đền Trần Thái Bình là du khách không chỉ được tham quan các di tích văn hóa, lịch sử mà còn được chiêm ngưỡng những nghi lễ trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc của địa phương như thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo co... Bà Lê Thị Ngát đến từ thành phố Hà Nội cho biết: Năm nào tôi cũng về hội đền Trần Thái Bình. Đến đây, chúng tôi như được “chìm” vào bản sắc văn hóa dân tộc với những nghi lễ, trò chơi, hội thi dân gian truyền thống. Tôi mong muốn những lễ hội ý nghĩa như thế này ngày càng được giữ gìn và phát huy để giáo dục thế hệ trẻ biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, không để mai một theo thời gian.

 

Từ 13 giờ 30 phút ngày 13 tháng Giêng, lễ hội bắt đầu tấp nập với lượng khách đổ về ngày một đông để chứng kiến lễ rước nước trang nghiêm, màn biểu diễn múa lân rộn ràng và phần tế lễ của các đội tế đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Tại lễ khai mạc lễ hội, các đại biểu và nhân dân tham gia lễ dâng hương, bái yết các vua Trần và thưởng thức màn biểu diễn trống hội Long Hưng, hoạt cảnh sử thi “Sáng mãi một vương triều” và màn bắn pháo hoa kéo dài 15 phút. Về với lễ hội đền Trần Thái Bình năm nay, nhân dân các địa phương trong tỉnh và du khách thập phương còn được chia sẻ niềm vui nhân đôi của người dân Hưng Hà khi đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015. Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, đến nay, Hưng Hà đã có 29/33 xã về đích NTM và ngày 16/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận Hưng Hà là huyện NTM. Bà Phạm Thị Sáu ở xã Tiến Đức chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi, tự hào khi được tham dự lễ khai hội đền Trần và được chứng kiến huyện nhà đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đây là thành tích lớn lao, đặc biệt càng ý nghĩa hơn nhân kỷ niệm 790 năm ngày nhà Trần phát nghiệp đế vương.

 

 

Thi cỗ cá trong lễ hội đền Trần Thái Bình.

 

Năm 2014, lễ hội đền Trần Thái Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; năm 2016, Hưng Hà được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Có thể nói, những thành tựu của Hưng Hà chính là thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của ý Đảng lòng dân. Đây cũng là niềm tự hào, là sự động viên, cổ vũ lớn lao để Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà tiếp tục phát huy nội lực, đoàn kết xây dựng quê hương ngày  càng giàu đẹp, văn minh.

 

 

Bà Trần Thị Ðanh, xã Hồng An, huyện Hưng Hà

 

Tôi rất vui mừng khi đến đây được chứng kiến đền Trần Thài Bình khai hội và quê hương mình đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Tôi mong mình luôn sống khỏe, sống vui để tiếp tục dạy bảo con cháu “Uống nước nhớ nguồn”, làm việc có ích, góp sức xây dựng quê hương.

 

Ông Nguyễn Văn Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội

 

Đây là năm thứ hai tôi đến với lễ hội đền Trần Thái Bình. Lễ hội là sự kiện nhằm khẳng định, tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân. Lễ hội còn mang đến cho tôi niềm tự hào về thế hệ đi trước và giáo dục cho thế hệ trẻ phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.

 

Bà Lê Thị Nhoàng, thành phố Thái Nguyên

 

 Là một người con xa quê, mỗi lần về thăm quê lòng tôi lại vui mừng trước sự đổi thay của quê hương. Năm nay tôi rất phấn khởi khi quê mình được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Giờ đây, nông thôn Hưng Hà nói riêng, Thái Bình nói chung đã khoác lên mình tấm áo mới. Đó là điều đáng tự hào, là động lực để những người con xa quê như chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống, đóng góp công sức cho sự phát triển của quê hương.

 

Bà Trần Thị Sinh, Việt kiều Canada

 

 Tôi rời Việt Nam đã 30 năm, hiện đang định cư tại thành phố Vancouver (Canada). Trở về thăm quê dịp này, tôi rất may mắn lần đầu tiên được tham dự lễ rước nước đền Trần Thái Bình và được tham dự lễ đón Bằng công nhận huyện Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới. Thái Bình nói chung, Hưng Hà nói riêng đã thay đổi rất nhiều, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, quê hương ngày càng đổi mới. Lễ hội đền Trần Thái Bình 2016 không chỉ là niềm vui chung của nhân dân Hưng Hà mà còn là niềm vui của du khách thập phương đến chiêm bái và tham dự.

 

Ông Nguyễn Ðức Hoài, thành phố Thái Bình

 

 Mỗi lần đến với Hưng Hà là một lần tôi cảm nhận được sự đổi thay trên mỗi con đường, mỗi công trình... Lần này, đến lễ hội đền Trần Thái Bình, niềm vui của nhân dân Hưng Hà đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới như được “lan truyền” sang tôi. Xin chia sẻ niềm vui với cán bộ và nhân dân Hưng Hà, mong Hưng Hà tiếp tục phát triển, xứng đáng là nơi phát nghiệp của nhà Trần.

 

Mai Thư - Trịnh Cường

  • Từ khóa