Thứ 6, 26/07/2024, 02:49[GMT+7]

Tọa đàm khoa học quốc tế ' Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý - Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu"

Thứ 5, 25/02/2016 | 19:03:14
3,559 lượt xem
Nằm trong chuỗi hoạt động của tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý - Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu”, đoàn các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản đã có buổi thực tế tại Hành cung Lỗ Giang, thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà.

Khu di tích đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

 

Trung tâm Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý - Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu” nhằm công bố một số kết quả nghiên cứu mới trong 5 năm 2011 - 2016 dưới nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ và sử liệu. Trong đó, đoàn đã thảo luận về quy mô, những giá trị lịch sử và ý nghĩa của khu di tích Hành cung Lỗ Giang, một công trình khảo cổ học còn khá mới mẻ.

 

 

Một số hiện vật khảo cổ khai quật tại Hành cung Lỗ Giang.

 

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Bảo tàng tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh thành tiếp tục tiến hành khai quật mở rộng tại khu di tích Hành cung Lỗ Giang với diện tích 800m2. Qua 2 đợt khai quật khảo cổ học, Hành cung Lỗ Giang - một trong những hành cung lớn được nhà Trần cho xây dựng trên đất phát tích Long Hưng, thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay, đã dần được hé lộ. Đây không chỉ là mặt bằng của một công trình kiến trúc mà là một tổ hợp ít nhất ba công trình, kết nối với nhau trong một chỉnh thể có quy mô và sự nguy nga, tráng lệ được xây dựng công phu, đẹp đẽ mang tính chất cung điện, hoàng gia.

 

Chuyến thực tế tại Hành cung Lỗ Giang mang tới cho các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản cái nhìn tổng quan về quy mô, những giá trị lịch sử của một hành cung có quá trình phát triển liên tục, không đứt đoạn và được kế thừa qua các triều đại phong kiến.

 

 

PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam

 

Giữa Hành cung Lỗ Giang của vùng đất Long Hưng ngày xưa với vùng đất kinh đô Thăng Long trong thời Trần có liên hệ với nhau rất mật thiết. Bởi vì các vua Trần sinh ra ở khu vực này, đóng đô ở Thăng Long. Mối liên hệ thể hiện rất rõ qua những dấu tích kiến trúc và dấu tích về nghệ thuật. Khi giai đoạn khai quật lần thứ 3 triển khai xong thì chúng ta sẽ hiểu được rõ hơn quy hoạch tổng thể của Hành cung Lỗ Giang và như vậy chúng ta có thể lần đầu tiên biết được quy mô tổng thể của một hành cung thời Trần.

 

PGS, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành

 

Ở đây chúng ta tìm thấy dấu tích của Hành cung Lỗ Giang và khẳng định là nơi ở của các vua nhà Trần. Nhưng để cho quần chúng nhân dân nhận diện được kiến trúc ở đây có vẻ đẹp như thế nào, hình dáng ra sao thì nếu không đầu tư nghiên cứu và tổ chức những cuộc tọa đàm khoa học sẽ không thể nói được. Như vậy sẽ không thể trả lại giá trị cho cuộc sống, cho xã hội. Những kết quả nghiên cứu và cố gắng của các nhà khoa học đang mang lại những ý nghĩa rất lớn cho tương lai.

 

Anh Tú

  • Từ khóa