Thứ 2, 01/07/2024, 01:18[GMT+7]

Lời thề bến Tượng

Thứ 2, 14/03/2016 | 14:30:49
3,466 lượt xem
Ðã trôi qua nhiều thế kỷ nhưng những chứng tích của một thời lịch sử hào hùng được khang trang, tôn tạo vẫn luôn truyền đi thông điệp của quá khứ anh hùng trên đất A Sào, Quỳnh Phụ.

 

Dòng sông Hóa hiền hòa chảy qua địa phận xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ không chỉ tưới mát cho ruộng đồng, chuyển vận các luồng giao lưu và tạo dựng vẻ đẹp cảnh quan tuyệt vời cho đất nước mà còn là nơi ghi dấu sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta thời hào khí Ðông A, nhà Trần.  Năm 1288, Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn đi lập đại võ công trên sông Bạch Ðằng, khi vượt sông Hóa voi chiến bị sa lầy, ngài đã trỏ gươm xuống sông cùng câu thề chiến trận vang vọng lịch sử đất nước:  “Nếu trận này không thắng được giặc Thát ta thề không về bến sông này”.

 

Lịch sử hào hùng

 

Vùng đất A Sào, nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ vốn là nơi Trần Quốc Tuấn có nhiều năm tháng gắn bó từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành.

 

Nhà Trần dù khởi nghiệp giành được vương triều từ đất Long Hưng - Hưng Hà, nhưng biết vùng đất A Cảo (sau có tên A Sào) là nơi hội tụ khí thiêng sông biển, có địa thế hiểm yếu về quân sự nên đã giao cho Trần Quốc Tuấn về xây dựng lực lượng. Nơi đây đã trở thành căn cứ dự trữ binh lương để triển khai kế sách chống giặc Mông - Nguyên. Cũng từ ấy mà nhiều địa danh ở vùng quê này đã gắn liền với lịch sử chống giặc và khắc ghi dấu tích kho lương của đại binh nhà Trần, như Mễ Thương (kho gạo); Am Qua (kho gươm); Ðại Nẫm (kho thóc lớn); A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần) và đặc biệt là A Sào mang ý nghĩa: cái tổ của nhà Trần.

 

Ðình Mễ Thương tọa lạc trên nền đất đặt kho gạo thời Trần, là nơi thờ Ðức Thánh cùng thân phụ, thân mẫu của ngài. Từ xa xưa nơi đây vẫn được lưu danh là Mễ Thương thắng tích. Theo định lệ từ ngàn đời nay, du khách thường về dự tế lễ Ðức Thánh Trần tại Ðệ nhị sinh từ, sau đó đến lễ tại đình Mễ Thương, rồi ra bến Tượng, nơi thờ voi trận của ngài.

 

 

Tòa đại bái. Ảnh: Thành Tâm.

 

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ ba, khi Hưng Ðạo Ðại Vương cưỡi voi đi chỉ huy chiến dịch, trên đường vượt sông Hóa truy đuổi quân giặc qua bến A Sào, voi chiến bị sa lầy. Dân chúng cứu voi không được đã đóng thuyền, bè mảng đưa Trần Hưng Ðạo cùng tướng sĩ sang sông và giã hàng ngàn chiếc bánh dày cho quân đội làm lương thực trên đường tiến công giặc.

 

Cảm kích trước tấm lòng của nhân dân và để khích lệ quân sĩ, Trần Hưng Ðạo đã tuốt gươm chỉ xuống sông mà thề: “Nếu trận này không thắng được giặc Thát ta thề không về bến sông này”. Câu thề chiến trận ấy biểu trưng cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng trước mọi kẻ thù xâm lược và quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của dân tộc Việt Nam ta. Ðồng thời cũng ghi dấu cuộc chia tay đẫm nước mắt có một không hai trong lịch sử dân tộc, đầy tính nhân văn và nghĩa tình giữa một chủ tướng và voi chiến trung thành. Ðể rồi, vượt thời gian, không gian và những biến thiên của lịch sử, cuộc chia tay ấy đã trở thành một huyền thoại tâm linh.

 

Rộn ràng lễ hội truyền thống

 

Năm 2014, đền A Sào trên khuôn viên rộng 6.745m2 được khánh thành. Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã có đền thờ xứng đáng với cuộc đời và sự nghiệp của vị thánh tướng đời Trần. Niềm vui lại càng nhân lên gấp bội khi vào tháng 10 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố lễ hội đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

 

Tượng Ðức Thánh Trần oai phong lẫm liệt tại đền A Sào.

 

Bởi vậy mà từ năm nay sẽ càng có nhiều hoạt động văn hóa dân gian được lưu truyền, gìn giữ và tổ chức với quy mô lớn. Theo xuân thu nhị kỳ, lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch hàng năm là dịp để nhân dân tưởng nhớ, tri ân Hưng Ðạo Ðại Vương, 1 trong 20 vị tướng huyền thoại của nhân loại.

 

Từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Ðạo Ðại Vương, dân làng A Sào long trọng tổ chức hội tế lễ Ðức Thánh Trần và lễ hội làng A Sào. Năm nay, lễ rước bộ với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách thập phương sẽ là điểm nhấn quan trọng trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Lễ rước bộ với các đoàn đi dài ven đê, trống dong cờ mở rợp trời tạo nên một khung cảnh tráng lệ và nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã từ thuở xa xưa.

 

 

Bến Tượng - nơi thờ voi trận của Ðức Thánh Trần.

 

Ðến với lễ hội đền A Sào diễn ra vào tháng 2 âm lịch năm nay, ngoài các hoạt động tế lễ của hơn 30 đoàn tế trong và ngoài tỉnh, du khách cũng sẽ được tham gia vào nhiều trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ như thi pháo đất, thi cờ tướng... Ðặc biệt, giải vật tự do tỉnh Thái Bình diễn ra vào sáng ngày 12/2 âm lịch hứa hẹn một không khí lễ hội sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian khi quy tụ các vận động viên đến từ 8 huyện, thành phố trong tỉnh và tỉnh Bắc Ninh.

 

Cùng với lễ hội đền Trần diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà), lễ hội đền A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) góp phần lưu giữ, tôn vinh tinh thần “Sát Thát” của triều đại nhà Trần trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Khu du lịch văn hóa và lịch sử phát huy truyền thống, tôn thờ và tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo ngày càng nguy nga, hoành tráng và thiêng liêng sẽ là nơi đón mời các cuộc hành hương đến từ mọi miền đất nước, nhân đó mà khơi dậy tiềm năng và nguồn lực, tạo thêm thuận lợi cho sự phát triển thịnh vượng của vùng đất và người A Sào, Quỳnh Phụ.

 

Anh Tú

  • Từ khóa