Thứ 3, 06/05/2025, 10:07[GMT+7]

Gìn giữ hồn quê với cây đa, bến nước, sân đình

Thứ 3, 15/03/2016 | 09:07:24
5,272 lượt xem
Cây đa đình làng Bồng Tiên (xã Vũ Tiến, Vũ Thư) vừa được công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam. Với chính quyền và người dân nơi đây, đó vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa đòi hỏi trách nhiệm lớn lao gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Cây đa đình làng Bồng Tiên vừa được công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.

Đất thang ấp của danh tướng nhà Trần

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai và lần thứ ba, vùng sông Hồng thuộc huyện Vũ Thư ngày nay là chiến trường ác liệt của thủy binh nhà Trần và quân Nguyên - Mông. Theo thần tích, đình Bồng Tiên thờ vị thành hoàng là danh tướng Yết Kiêu (sử chép quê ông ở xã Hạ Bì, huyện Gia Phúc, tỉnh Hải Dương). Ông là gia tướng tài giỏi của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai và lần thứ ba (năm 1285 và 1288), ông đã tuyển chọn trai tráng vùng đất này vào đội quân chống xâm lược, góp phần đánh dẹp thủy tướng Ô Mã Nhi và Toa Đô. Sau chiến thắng, khi luận công, danh tướng Yết Kiêu được phong thực ấp ở vùng này. Khi ông qua đời, nhân dân đã tôn ông làm thành hoàng làng và xây đền thờ tự.

Đình làng Bồng Tiên cách thành phố Thái Bình khoảng 12km, thuộc xã Vũ Tiến (xưa có tên Vũ Tiên), huyện Vũ Thư. Theo các thư tịch cổ thì Vũ Tiến có từ thời Hậu Lê song đất đai, làng mạc được hình thành từ thời Lý, Trần. Đến cuối thời Trần, dòng họ Trần tại vùng đất này phát triển mạnh, có địa vị kinh tế, chính trị lớn, con cháu làm quan to trong triều. Sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, một số con cháu nhà Trần như Trần Bà Các, Trần Chính Giác, Trần Bà Lâu thay tên đổi họ, về vùng đất này ẩn thân. Khi nhà Hồ suy vong, trải qua binh đao loạn lạc, con cháu nhà Trần thoát nạn truy nã và tổ chức lập làng ven cửa biển, phát triển sản xuất, xây cất đình làng thờ phụng những người có công với triều Trần. Con cháu họ Trần phát triển đông đúc thành 30 chi, ngành lớn nhỏ, phân cư dọc theo hai bên tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng ven cửa biển Thái Bình, Nam Định.

Đình Bồng Tiên được xây dựng vào năm Tân Mùi 1691, như vậy đã có tuổi thọ hơn 320 năm. "Dựa trên những thần tích truyền đời, kể từ khi khai khẩn lập làng, lập ấp, người dân nơi đây đã quyên góp xây đình, rước Thánh Yết Kiêu về làm thành hoàng làng bởi khúc sông này cũng gắn bó với những chiến tích oai hùng của ngài. Ngài được phong là Tuấn Lương dực bảo trung hưng linh tế" - ông Trần Quyết Chiến, Trưởng ban khánh tiết đình Bồng Tiên cho biết.

Niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao

Các bậc cao niên trong làng kể lại, khi xây dựng đình Bồng Tiên vào năm 1691, người xưa đã chọn vị trí đắc địa có cây đa lớn, có sông nhỏ chảy qua, cửa đình nhìn ra sông Hồng lịch sử. Cây đa này vốn là nơi nghỉ ngơi của người dân đi làm đồng hay những khách qua đường dừng chân nghỉ tạm. Như vậy, theo khảo sát, nghiên cứu và lịch sử chứng minh, cây đa đình Bồng Tiên đã có khoảng 400 năm tuổi.

Trải qua quá trình phát triển, cây đa đã chống chọi với bão gió, thiên nhiên khắc nghiệt, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Trong kháng chiến chống Pháp, cây đa cùng với ngôi đình là nơi che chở cho hoạt động bí mật của dân quân, du kích, cũng là nơi bắc loa tuyên truyền kêu gọi nhân dân đoàn kết chống giặc. Tháng 10 năm 1934, lá cờ Đảng đột ngột xuất hiện nơi ngọn đa đã làm giặc Pháp kinh hoàng. Tới thập niên 1960 - 1970, gốc đa sân đình là nơi huấn luyện dân quân tự vệ, huấn luyện bộ đội chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 9 năm 1969, hàng nghìn người dân địa phương đã tập trung dưới gốc đa làm lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời.

Với những chứng tích lịch sử và truyền thống hào hùng đó, sau khi khảo sát, nghiên cứu và đánh giá, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã trao Bằng công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam cho cây đa đình làng Bồng Tiên.

Được nhận danh hiệu cao quý đối với di sản hàng trăm năm của quê hương là niềm tự hào không những của người dân địa phương mà còn là niềm vinh dự cho bà con trong huyện, trong tỉnh. Trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc cây di sản luôn được chính quyền và nhân dân trong xã đặt lên hàng đầu nhằm dung dưỡng và bảo tồn những giá trị ngàn đời của văn hóa làng Việt "Cây đa, bến nước, sân đình" cũng như lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng của cha ông truyền cho những thế hệ kế tiếp.

Quang Bách

  • Từ khóa

Trần Đông Giang - 7 năm trước

Mới đó mà đã xa làng Bồng tiên 40 năm rồi. Thửa nhỏ mình hay tránh nắnh dưới bóng cáy đa này

Tải thêm