Thứ 3, 21/01/2025, 14:33[GMT+7]

Hiệu quả giáo dục truyền thống và quảng bá về Thái Bình của Bảo tàng tỉnh

Thứ 4, 30/03/2016 | 21:57:59
2,062 lượt xem
Bảo tàng tỉnh là một đơn vị sự nghiệp được thành lập khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đến nay vừa tròn 30 năm nhưng các hoạt động bảo tồn di sản trong cả nước nói chung và ở Thái Bình nói riêng đã được triển khai ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 theo hệ thống các quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển nền văn hóa mới. Ba mươi năm qua, dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII

Các đồng chí lãnh đạo trung ương và lãnh đạo tỉnh tham quan trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Nhất quán với những quan điểm được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của sự nghiệp phát triển văn hóa trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam, trong đó đã xác định cụ thể hơn nội dung, nhiệm vụ của công tác giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động về bảo tồn di sản. Vận dụng đúng đắn, sáng tạo những quan điểm, đường lối của Đảng ta, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để phát triển văn hóa xây dựng con người ở Thái Bình, trong đó có hoạt động bảo tồn di sản.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang  trong tỉnh tham quan triển lãm. Ảnh: Thành Tâm

Kế thừa thành quả và kinh nghiệm của các lớp trước, trên hành trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Bảo tàng tỉnh đã kế tiếp nhau triển khai nhiều hoạt động góp phần có hiệu quả vào lĩnh vực bảo tồn di sản và giáo dục truyền thống ở tỉnh nhà. Hàng nghìn di tích trong tỉnh đã được kiểm kê, hàng trăm di tích đã được lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều công trình nghiên cứu, xuất bản cùng các hoạt động khảo cổ học và những hiện vật, tư liệu sưu tầm được, trong đó có một phần được trưng bày tại nhà Bảo tàng Thái Bình là sự kết tinh thành quả hoạt động đáng ghi nhận của đơn vị Bảo tàng tỉnh.

Xưa và nay, Thái Bình vốn vẫn được sử sách tôn vinh là một miền quê văn hiến. Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật minh chứng cho bề dày truyền thống văn hiến của Thái Bình.

Từ khi khánh thành đến nay, Bảo tàng tỉnh là một trong những thiết chế văn hóa đã khẳng định được vị thế, phát huy tốt chức năng hoạt động. Các hoạt động của Bảo tàng tỉnh không chỉ góp phần có hiệu quả vào công tác giáo dục truyền thống với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh mà còn phát huy tốt chức năng tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người Thái Bình.

 Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tham quan triển lãm. Ảnh: Thành Tâm

Dường như hầu hết du khách đến Thái Bình sau khi đã tham quan Bảo tàng tỉnh đều có thêm những ấn tượng sâu đậm về quê hương Thái Bình. Mấy năm về trước, nhiều người cho rằng Thái Bình là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước đã sớm xây dựng được nhà bảo tàng tỉnh có quy mô hiện đại, nội dung trưng bày phong phú, khoa học.

Bảo tàng tỉnh kỷ niệm 30 năm thành lập vào đúng thời điểm Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đang phấn khởi, nỗ lực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Chắc chắn là với những thời cơ mới, thuận lợi mới, Bảo tàng tỉnh sẽ phát huy hơn nữa những kinh nghiệm, thành tựu đã đạt được về giáo dục truyền thống và quảng bá những tiềm năng, lợi thế của quê hương Thái Bình, góp phần có hiệu quả vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định.

Phạm Văn Sinh
(Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình)

 

  • Từ khóa