Ngôi đình hơn 300 năm tuổi gìn giữ hồn quê
Nơi gìn giữ hồn quê với cây đa, bến nước, sân đình.
Di tích 300 năm
Đình làng Bồng Tiên là một trong những quần thể kiến trúc độc đáo của Thái Bình. Ban đầu, đình có tên là Bồng Lai. Sau, đến thời Lê - Nguyễn, do cơ cấu lại đơn vị hành chính phân ấp nên người dân chia thành hai đình là Bồng Lai và Bồng Tiên. Cả hai đình đều thờ vị thành hoàng là danh tướng Yết Kiêu. Theo sử chép, Yết Kiêu (tên thật là Phạm Hữu Thế, người làng Hạ Bì, huyện Gia Phúc, Hải Dương) là một gia tướng tài giỏi của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai và lần thứ ba (năm 1285 và 1288). Tương truyền, vào cuộc chiến chống Nguyên - Mông lần hai; được Hưng Đạo Vương giao trọng trách đánh quân địch bằng đường thủy, ông đã đi khắp các vùng ngư dân ven biển để tuyển chọn những trai tráng thạo sông nước, bơi tài, lặn giỏi vào đội quân chống xâm lược, góp phần đánh dẹp thủy tướng Ô Mã Nhi và Toa Đô. Là một trong những nơi được tuyển lựa, cũng là vùng đất gắn với chiến công của Yết Kiêu nên người dân nơi đây nhớ công ông, tôn ông làm thành hoàng làng và xây đình thờ tự.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Bồng Tiên là nơi các cán bộ Việt Minh địa phương hội họp. Các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, chuẩn bị kháng chiến trường kỳ cũng đều được phát động tại đây. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình (1950 - 1954), đình là nơi lực lượng bán vũ trang địa phương sử dụng làm cơ sở kháng chiến, cất giấu cán bộ. Đây cũng là nơi tiễn hàng trăm người con ưu tú của địa phương lên đường vào Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và rất nhiều trong số họ là những anh hùng, liệt sĩ, xây dựng nên truyền thống oai hùng của hào khí Đông A thuở nào.
Được xây dựng vào năm 1691, đình có tuổi thọ 325 năm, với lối kiến trúc chữ Tam, gồm 3 tòa: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Trong đó, tòa Tiền đường gồm 5 gian được xây theo kiến trúc "hồi văn năm đấu", mái lợp ngói vảy rồng. Giàn mái gồm hoành và rui đều làm bằng gỗ lim. Trên mỗi hàng cột đều bài trí hoành phi, câu đối, đại tự bằng chữ Hán. Tòa Trung đường cũng có kiến trúc như Tiền đường với khung kiến trúc bằng gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Tòa hậu cung gồm 3 gian, khung kiến trúc cũng bằng gỗ tứ thiết, được xây theo kiểu tứ trụ lòng thuyền với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, đình cũng có đền thờ mẫu Liễu Hạnh và hai lầu thờ hậu thần là các vị thủy tổ của hai dòng họ Trần - Lê.
Vào mỗi tiết rằm tháng 2 hàng năm, người dân Vũ Tiến đều hướng tâm quy tụ về đình để làm lễ rước, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, đồng thời tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống như: chơi cờ tướng, bắt vịt, chọi gà, kéo co, bịt mắt bắt dê... Đặc biệt, hai trò chơi được người dân hào hứng và thích thú nhất, cũng là phần đặc sắc nhất của hội, đó là thi giã bánh dày và cúng cá trắm. Ông Trần Quyết Chiến, Trưởng ban khánh tiết đình cho biết: Theo tích truyền, khi tướng Yết Kiêu đi đánh trận đã cho người dân giã gạo, làm bánh dày mang theo mình để làm lương khô. Thắng trận trở về lại miền ven biển nên ngài đã cho làm tiệc cỗ cá để khao quân. Nên có tục giã bánh và cúng cá trắm là vì vậy. Người dân nơi đây tin rằng, nước rước từ "dòng sông mẹ" về giã bánh sẽ làm cho cuộc sống của họ được mát mẻ, sung túc và đủ đầy hơn.
Từ lâu, hình ảnh đình làng Bồng Tiên giản dị, bình yên với cây đa, bến nước, sân đình đã gắn bó sâu sắc với đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Nếu có dịp về thăm nơi đây, hẳn người ta sẽ trầm trồ ngạc nhiên trước thân đa cả mấy người ôm không xuể. Từng nhánh rễ sần sùi chắc chắn bám chặt vào đất mẹ, hút lấy sinh dưỡng, tỏa bóng cho người đời. Bóng đa hơn 400 năm tuổi đã che chở cho từng lớp thế hệ dân làng Bồng Tiên; từ khi họ còn nằm ụ theo mẹ ra đồng đến khi lớn lên, chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng về thì nghỉ dưới gốc đa, nghe sáo diều reo. Sân đình trở thành nơi vui chơi của con trẻ mỗi giờ tan học; nơi tập dưỡng sinh cho các cụ già. Bến nước trong mát bốn mùa nằm tĩnh lặng ngay trước cổng đình. Thỉnh thoảng có chú trâu già sau buổi cày mệt mỏi, nghiêng mình soi bóng xuống dòng nước xanh, rồi lại nghếch cổ lên kêu "ò...ò...".
Lễ rước đình làng Bồng Tiên diễn ra vào ngày 14/2 âm lịch hàng năm thu hút hàng nghìn người dân địa phương cùng du khách.
Trăn trở nỗi lo bảo tồn
Trải bao thăng trầm lịch sử, đình làng Bồng Tiên tuy không còn được nguyên vẹn, nhưng người dân nơi đây vẫn ngày ngày bảo vệ, giữ gìn. Khi được hỏi về việc trùng tu, tôn tạo, ông Chiến cho biết: Năm 2011, khi bái đường của đình bị xuống cấp, dân làng đã tổ chức đóng góp trùng tu lại bái đường. Năm 2012, thì mở rộng thêm sân đình; sang năm 2013, chúng tôi tiếp tục đại tu lại hệ thống cung cấm, nâng cấp cầu phía bắc, xây dựng cầu phía nam, đổ xung quanh đường kiệu, kè bờ hồ... Cứ thế, mỗi năm định ra một hướng để gìn giữ và làm đẹp cảnh đình.
Tuy nhiên, trước làn sóng xã hội hóa và sự ồ ạt trong việc công nhận di tích với số lượng lớn như hiện nay, việc giữ gìn bảo tồn đình Bồng Tiên cũng gặp khá nhiều khó khăn. Khi di tích trở thành "phong trào", nguồn kinh phí để trùng tu di sản vì thế trở nên eo hẹp. Không thể chờ đợi nguồn cung từ Nhà nước, người dân địa phương phải tự góp công, góp của để gìn giữ đình làng.
Thực tế cho thấy, ở một số nơi do thiếu hiểu biết cộng với tâm lý "hoành tráng", trùng tu trở thành... xây dựng lại. Sự lỏng lẻo trong quản lý của các cấp, thiếu sự tư vấn, giám sát trong trùng tu công trình đã biến nhiều di sản thành các công trình thương mại bị "cải lão hoàn đồng" hoặc biến tướng lễ hội. Thực tế đã chứng minh, ở xã Vũ Tiến hiện tại có hai ngôi đình đều thờ tướng Yết Kiêu, đó là đình Bồng Lai và đình Bồng Tiên. Xong, trước thực tại đáng buồn "tiền trảm hậu tấu" của việc tu sửa di tích bằng cách... dỡ ra, xây lại của đình Bồng Lai, đã làm mất dần đi giá trị cũng như vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình gần 800 năm tuổi. Nét đẹp văn hóa ấy liệu có cứu vãn được hay không chỉ còn phụ thuộc vào ngôi đình Bồng Tiên hơn 300 tuổi còn lại.
Người dân nơi đây vẫn ngày ngày trăn trở, liệu Bồng Tiên có trở thành một Bồng Lai thứ hai khi khen thưởng chỉ trên giấy tờ và chưa có sự quan tâm đúng mức từ các nhà quản lý? Liệu "hội bô lão" ban khánh tiết có "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" được mãi? Và khi lớp trẻ đang ngày một bớt mặn mà với những di sản "cũ, mòn"? Vấn đề đặt ra là phải làm sao và bằng cách nào để có thể gìn giữ, phát triển được nét di sản đình Bồng Tiên mà không làm mất đi giá trị truyền thống vốn có của nó. Điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức, quản lý của Ban Quản lý di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình cùng các cơ quan dưới cấp.
Thùy Dung
(Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2025 09.03.2025 | 18:18 PM
- Gần 350 vận động viên nữ tham gia hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần 14.02.2025 | 17:30 PM
- Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội đền Trần 13.02.2025 | 15:57 PM
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
Xem tin theo ngày
-
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh