Thứ 7, 10/08/2024, 16:16[GMT+7]

Lễ hội Tiên La và tục thờ Thánh Mẫu ở Thái Bình

Thứ 2, 18/04/2016 | 08:44:29
20,060 lượt xem
Trong đời sống tâm linh của người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến nhất. Từ nhiều thập kỷ qua, giới nghiên cứu tín ngưỡng dân gian trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định: tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian giàu tố chất nhân văn độc đáo của Việt Nam.

 

Thuở trước, dường như làng xã nào ở châu thổ Bắc Bộ cũng có các thiết chế thờ Thánh Mẫu. Ngoài Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thiên (Mẹ của trời), Mẫu Thoải (Mẹ của nước), Mẫu Ðịa (Mẹ của đất), Mẫu Thượng Ngàn (Mẹ của rừng)…, còn có các vị Thánh Mẫu là những nhân thần với lai lịch khác nhau. Theo tâm thức “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, hội Phủ Giầy (Nam Ðịnh) và hội đền Tiên La (Thái Bình) là hai tâm điểm của tục thờ Thánh Mẫu.

 

 

Rước kiệu tại lễ hội Tiên La năm 2016.

 

Ðền Tiên La từng được coi là một thắng cảnh giữa đồng bằng, là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng. Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy, nơi tọa lạc của ngôi đền đã tạo ra sự cộng hưởng diệu huyền, có sức hút khôn lường du khách muôn phương tìm về như một sự hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt.

 

Theo thần tích thì bà chúa được thờ ở đền Tiên La tên là Vũ Thị Thục, sống vào thời thuộc Hán ở trang Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ), đã đính hôn với con trai huyện trưởng Chu Diên (huyện, quận Chu Diên thời thuộc Hán nay thuộc đất Nam Ðịnh, Thái Bình, Hưng Yên và một số vùng phụ cận). Thấy nàng nhan sắc, sau khi ép nàng làm vợ nhưng bị cự tuyệt, Tô Ðịnh đã nổi giận tàn sát bố mẹ nàng và triệt hạ trang Phượng Lâu. Thục nương được gia nhân che chở, xuống thuyền xuôi dòng sông Hồng rồi dừng thuyền ở vùng đất này khởi binh chống Hán trả thù nhà đền nợ nước. Khi đã thu phục hiền tài trong vùng, xây dựng vùng Tiên La thành cứ hiểm, Vũ Thị Thục đã đưa cả lực lượng tham gia chiến đấu dưới cờ của Hai Bà Trưng, được phong là Ðông Nhung đại tướng quân, lập được nhiều võ công diệt giặc Hán. Cuối cùng, vì thế giặc mạnh, bà đã tự sát tại gò Kim Quy. Chính tại nơi bà tuẫn tiết, nhân dân đã dựng đền Tiên La để muôn đời tưởng niệm. Cùng với hội đền Tiên La được mở từ mùng 10 đến 20 tháng ba, hội làng của các làng trong vùng cũng được mở vào dịp này. Hệ thống miếu, đền của nhiều làng thuộc Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư thờ tướng lĩnh của bà chúa Tiên La được mở làm cho không khí “giỗ mẹ tháng ba” sôi động hơn với tâm thức nhớ về thuở chống Hán buổi đầu Công nguyên mà hội đền Tiên La là một trung tâm.

 

Theo định lệ, hội đền Tiên La được khai hội vào ngày mùng 10, chính hội vào những ngày 17 và 18 tháng ba. Càng về những năm gần đây thì hội đền Tiên La năm sau càng đông hơn năm trước. Du khách từ nhiều nơi trong và ngoài nước đổ về vừa với tâm thức tưởng niệm bà chúa có đức thiêng vừa để thưởng ngoạn một công trình kiến trúc cổ quý hiếm bên dòng sông Tiên Hưng với cảnh quan thơ mộng. Trên các ngả đường đổ về trảy hội đền Tiên La, du khách còn có thể dự hàng chục hội làng khác có tục thờ Thánh Mẫu diễn ra trong cùng thời điểm nhưng sự lệ, trò chơi, trò diễn dân gian mỗi hội mỗi vẻ.

 

Là vùng quê hội tụ cư dân từ nhiều vùng miền đổ về hợp cư nên tục thờ Thánh Mẫu ở Thái Bình được xem là phổ biến nhất, phong phú nhất. Nếu không kể đến những am, phủ, điện thờ Mẫu ở các tư gia thì dường như không có làng xã nào không có đền Mẫu, phủ Mẫu trong quần thể đình, đền, chùa, miếu của làng.

 

 

Biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ hội Tiên La năm 2016.

 

Qua danh mục thần tích, thần sắc và khảo sát từ thực tế có thể biết được, ở các làng quê trong tỉnh có tới hàng trăm vị Thánh Mẫu có lai lịch khác nhau. Có vị là thiên thần, có vị là nhân thần. Có vị được thờ ở nhiều làng quê trong cả nước nhưng cũng có khá nhiều vị chỉ được một làng hoặc một vài làng thờ phụng. Có vị được phong làm thành hoàng, được thờ tại đình làng nhưng cũng có vị được thờ làm phúc thần, có đền, miếu, am, phủ, điện thờ theo điển lệ tế tự riêng hoặc được phối thờ tại các thiết chế tín ngưỡng chung của làng.

 

Thuở trước, ở Thái Bình, dường như làng nào cũng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Hàng trăm làng dựng đền, am, phủ, điện thờ riêng, còn lại là phối thờ. Ðiều dễ nhận thấy là ở những phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh thường phối thờ Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Có những nơi phối thờ Thiên phủ, Thoải phủ và Ðức Thánh Trần, đến nay vẫn là những trung tâm hầu bóng hát văn lớn ở Thái Bình như đền Ðồng Bằng (Quỳnh Phụ), đền Tiên La (Hưng Hà), đền Tam Tòa (Thái Thụy), đền Phú Hà (Hưng Hà)...

 

Xét theo thần tích thì lai lịch của các vị Thánh Mẫu là nhân thần được thờ ở các làng xã trong tỉnh thật phong phú. Có một số làng thờ Mẫu Âu Cơ, có khá nhiều làng thờ Thánh Mẫu công chúa của các đời vua Hùng, một số làng thờ các nữ tướng thời Hai Bà Trưng, còn lại khá nhiều làng thờ các vị hoàng hậu, công chúa từ thời Lý, Trần (nhiều hơn cả là các công chúa thời Trần); một số làng nghề thờ nữ thần là tổ nghề như tổ nghề gai vó, tổ nghề đan giành, tổ nghề bèo dâu...

 

Tục thờ Mẫu thường gắn với nghi thức hầu bóng hát văn trong các tiết lệ và thường được tổ chức có quy mô, bài bản ở  những nơi có thờ tam phủ, tứ phủ. Có thể kể đến một số trung tâm hầu bóng hát văn lớn hiện đang thu hút các gánh đồng ở nhiều vùng miền trong cả nước về chầu hầu như đền Ðồng Bằng (Quỳnh Phụ), đền Tiên La (Hưng Hà), đền Cửa Lân (Tiền Hải), đền Chòi (Thái Thụy), đền Phú Hà (Hưng Hà), đền Hệ (Thái Thụy), đền Mộ Ðạo (Kiến Xương)...

 

Cho đến nay, nghi lễ hầu bóng hát văn ở Việt Nam đang từng bước được khẳng định là một loại hình diễn xướng dân gian nhưng với khá nhiều nơi, trong không gian thiêng thờ Thánh Mẫu, nghi thức này thường vẫn phải hoạt động trong tình trạng “bán công khai” vì nhiều cơ quan quản lý các cấp vẫn dè dặt cho là chưa có văn bản chính thức nào của nhà nước chấp thuận.

 

Nguyễn Thanh

Vũ Quý, Kiến Xương

  • Từ khóa

Vũ Tú - 7 năm trước

hay quá

Tải thêm