Thứ 6, 09/08/2024, 05:22[GMT+7]

Giỗ Tổ Hùng Vương: Hành trình trở về nguồn cội

Thứ 2, 18/04/2016 | 09:17:03
1,247 lượt xem

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

 

Chưa có một dân tộc nào trên thế giới có cùng ngày giỗ tổ, có cùng cội nguồn như dân tộc Việt Nam. Bởi vậy mà hàng năm, cứ tới ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân trên mọi miền Tổ quốc và đồng bào xa xứ lại nô nức, thành kính hướng về Đền Hùng, biểu tượng thiêng liêng của cội nguồn dân tộc.

 

Truyền thống cha ông

 

Mỗi người dân, dù đang sinh sống trên đất liền hay đang đánh bắt thủy sản ngoài biển cả xa xôi, dù sống ở miền xuôi hay đến từ miền ngược, đã là con dân đất Việt thì đều mang trong mình ý thức cội nguồn sâu sắc, mang trong mình lịch sử hào hùng và những phong tục, tập quán cổ truyền của dân tộc.

 

Thời kỳ Hùng Vương được ngợi ca là thời kỳ đỉnh cao của xã hội khi ấy bởi nhân dân sống trong no đủ, thuần hậu, cùng gìn giữ lệ làng, phép nước. 18 đời vua Hùng đã gây dựng nên truyền thống văn hóa, văn hiến tốt đẹp, ăn sâu bám rễ trong tâm trí mỗi người dân đất Việt. Bởi vậy mà dân tộc Việt Nam không dễ gì bị đồng hóa dù trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói, phong tục, tập quán...

 

Những nét đẹp văn hóa từ mấy nghìn năm lịch sử vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay. Đó là tục lệ thờ cúng tổ tiên, hướng về gia đình, vun đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là lòng thành kính biết ơn, tôn vinh, thờ cúng những bậc anh hùng đã xả thân vì nước, vì dân. Đó còn là tục lệ tổ chức hội làng, hội hè tưng bừng, náo nhiệt sau mỗi mùa vụ bội thu. Những nét đẹp văn hóa ấy cho tới ngày nay vẫn là bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam, không đâu có được.

 

Bởi vậy mà ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, là ngày mà mọi trái tim dù ở muôn nơi đều chung một nhịp đập, mọi ánh mắt đều chung nhìn về một hướng, cùng hồi tưởng về lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng rất đỗi tự hào, biết ơn công lao to lớn của cha ông và cùng quyết tâm cho một ngày mai tươi sáng hơn. Với lòng thành kính, con dân đất Việt về với Giỗ Tổ - Đền Hùng là về với cội nguồn, hướng về chốn linh thiêng, trước là cầu may mắn, tài lộc cho bản thân, gia đình, sau là cầu yên bình, phồn thịnh cho quê hương, đất nước.

 

Rộn ràng lễ hội

 

Từ xa xưa, Giỗ Tổ Hùng Vương ngoài bảo lưu những hoạt động tế lễ cổ truyền với ý nghĩa tâm linh hướng về tổ tiên, biết ơn những người anh hùng có công với dân, với nước còn là dịp hội hè của toàn dân. Từ thanh niên trai tráng tới các bậc bô lão, từ người lớn tới trẻ nhỏ, tất cả đều náo nức tham gia lễ hội với những trò chơi truyền thống như đua thuyền, đánh trống, múa dân gian... và bảo lưu văn hóa ẩm thực có từ thời Vua Hùng thứ 6, đó là gói bánh chưng, giã bánh giày dâng cúng tổ tiên.

 

 

Năm nay, lễ hội Đền Hùng được tổ chức với quy mô lớn, lượng du khách trong và ngoài nước trở về rất đông, ước tính khoảng 6 - 7 triệu người. Tuy nhiên, trong lễ rước bánh chưng, bánh giày - hoạt động truyền thống hàng năm, những vật phẩm không đúng với thuần phong mỹ tục, văn hóa, lịch sử như chiếc bánh chưng nặng hơn 2 tấn hay chai rượu chứa tới 4.000 lít như một số năm trước đây sẽ không được chấp nhận, tránh phô trương, lãng phí.

 

Điểm nhấn của lễ hội Đền Hùng năm nay là lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương Quốc Mẫu Âu Cơ, lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương. Các hoạt động trong phần lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng, gắn với các hoạt động của phần hội nhằm tiếp tục tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Bên cạnh đó, lễ hội năm nay có sự tham gia của ba tỉnh: Hưng Yên, Bình Thuận, Cà Mau, bởi vậy mà chương trình của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào và du khách về dự lễ hội cũng đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn hơn thông qua phần trình diễn của Nhà hát chèo Hưng Yên, Nhà hát ca múa nhạc Bình Thuận và Đoàn cải lương Cà Mau.

 

Về với lễ hội Đền Hùng là trở về với cội nguồn dân tộc, trở về với lịch sử hào hùng của cha ông. Người dân tham dự lễ hội với tấm lòng thành kính, hướng về tổ tiên cùng những lễ vật giản dị, gần gũi trong đời sống. Lễ Giỗ Tổ đã đi vào lịch sử, ghi sâu trong tiềm thức của mỗi người dân, phản ánh những nét đẹp trong sinh hoạt và đời sống tâm linh của đồng bào ta từ ngàn đời nay. Đây cũng là dịp để người dân từ mọi miền Tổ quốc cùng đoàn tụ, sum họp, cùng chia sẻ niềm vui, cùng chơi hội.

 

Vũ Tú Anh

  • Từ khóa