Thứ 3, 23/07/2024, 06:24[GMT+7]

Văn hóa đọc cần được quan tâm đúng mức

Thứ 5, 21/04/2016 | 07:57:54
1,227 lượt xem
“Sách mở rộng trước mắt ta những chân trời mới” (Maxim Gorki). Xã hội càng hiện đại thì việc đọc sách càng trở nên cần thiết. Thế nhưng hiện nay, số người tìm đến với sách ngày càng giảm. Làm gì để phát triển văn hóa đọc, đó là câu hỏi cần được quan tâm hơn.

 

Thiếu nhi thích đọc sách, thanh niên thích “lướt” facebook

 

Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh có hơn 10 vạn bản sách, báo, tạp chí với 5 phòng thường xuyên mở cửa phục vụ bạn đọc. Bà Vũ Thị Chiên, Giám đốc Thư viện cho biết: Khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, số lượng bạn đọc tại các phòng đều giảm, duy chỉ có phòng đọc thiếu nhi là không ngừng tăng lên. Hàng ngày, cứ vào khoảng hơn 4 giờ chiều, sau khi tan học, ngày chủ nhật, dịp nghỉ hè, tại phòng đọc thiếu nhi, các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Thái Bình đến đọc rất đông, còn nhìn chung các đối tượng bạn đọc khác ngày càng vắng bóng.

 

Tại không gian đọc Bương Hạ (xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ), một trong những không gian đọc được Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh đánh giá là có thời gian hoạt động dài và hiệu quả nhất tỉnh, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, không gian đọc Bương Hạ được bà thành lập hơn 7 năm nay nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương, nhất là các cháu học sinh có sách để đọc miễn phí. Để duy trì hoạt động của không gian đọc, bên cạnh nguồn sách được các tập thể, cá nhân ủng hộ, bà Nga còn thường xuyên bỏ tiền đi mua sách bổ sung. Tâm huyết, nỗ lực hết sức với phong trào đọc của địa phương nhưng theo bà Nga, so với thời gian đầu khi mới thành lập, hiện nay lượng bạn đọc đến với không gian đọc của bà giảm đi khá nhiều. Nguyên nhân là do các cháu học sinh tiểu học, trung học cơ sở rất thích đọc sách nhưng sách dành cho hai cấp học này tại không gian đọc của bà Nga không có nhiều trong khi đó sách dành cho học sinh THPT, sách dành cho người lớn có số lượng nhiều, thuộc đủ mọi lĩnh vực nhưng lại ít người đọc.

 

Với rất nhiều lý do, văn hóa đọc giảm mạnh trong đối tượng thanh niên. Khảo sát tại một số cửa hàng sách trên địa bàn thành phố Thái Bình, học sinh THPT, sinh viên vẫn đến chọn mua sách nhưng rất ít người chọn những cuốn sách kinh điển, sách phục vụ học tập mà các đầu sách được nhóm tuổi này lựa chọn thường là truyện ngôn tình. Trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, nơi tập trung nhiều thanh niên là thành viên, có thể nhận thấy thực tế học sinh THPT, sinh viên, người đi làm vẫn có thời gian đọc và việc đọc vẫn rất thường xuyên nhưng xu hướng đọc thiên về giải trí, bình luận những thông tin “hot” trên mạng, những câu chuyện chia sẻ mang tính cá nhân…

 

Làm gì để phát triển văn hóa đọc

 

Theo thống kê của Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, hiện nay, ở 8 huyện, thành phố trong tỉnh đều có thư viện cấp huyện, 43 xã có thư viện xã, gần 30 tủ sách dòng họ, khoảng 10 không gian đọc, tuy nhiên hệ thống thư viện huyện hoạt động kém hiệu quả. Để phát triển văn hóa đọc tại địa phương, tạo nguồn sách, báo phong phú, thu hút bạn đọc, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, trung tâm văn hóa thể thao các huyện, thành phố thường có kế hoạch luân chuyển sách, báo xuống thư viện xã, tủ sách dòng họ, không gian đọc. Tuy nhiên, việc luân chuyển này mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu đọc của nhân dân. Vốn sách, báo dành cho lứa tuổi thiếu nhi ít, không có kinh phí để bổ sung thường xuyên, các thư viện xã, tủ sách dòng họ, không gian đọc ở nông thôn được nhiều cá nhân, dòng họ mở ra với những mục đích cao đẹp nhưng sau một thời gian hoạt động phần lớn đều rơi vào tình trạng trầm lắng khiến phong trào đọc khó phát triển bền vững.

 

Trong khi đó, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với các phương tiện nghe nhìn ngày càng hiện đại đã khiến cho văn hóa đọc bị lấn lướt bởi văn hóa nghe nhìn. Số lượng xuất bản phẩm gia tăng nhưng lại rất thiếu những cuốn sách có chất lượng tốt, không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến việc giới trẻ - nhất là học sinh THPT, sinh viên thiếu định hướng trong việc đọc, tích lũy kiến thức. Bên cạnh đó, đất nước ta đang chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, cường độ làm việc, khối lượng công việc kèm theo áp lực mưu sinh đối với người trong độ tuổi đi làm tăng… khiến cho người đi làm ngại tiếp xúc với những cuốn sách kinh điển vốn phải mất nhiều thời gian nghiền ngẫm…

 

Phát triển văn hóa đọc là một bộ phận của phát triển văn hóa, là một giải pháp quan trọng không thể thiếu để xây dựng thành công một xã hội học tập, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước, góp phần vào thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đọc đối với sự phát triển của từng cá nhân, cần có cơ chế, chính sách và sự quan tâm nhiều hơn nữa đến việc duy trì và phát triển các thư viện, tủ sách, không gian đọc tại cơ sở, phát động phong trào đọc và làm theo sách, báo trong nhân dân. Ngoài ra, việc phát huy vai trò của nhà trường trong định hướng đọc, giúp học sinh, sinh viên hướng đến xu hướng đọc lành mạnh, cũng cần được coi trọng hơn nữa.

 

Vũ Hường

  • Từ khóa