Thứ 6, 02/08/2024, 01:27[GMT+7]

Ấn tượng bảo tàng làng Quảng Nạp

Thứ 2, 16/05/2016 | 09:30:02
3,007 lượt xem
Không chỉ lưu giữ và trưng bày những di sản liên quan đến sự hình thành và phát triển của làng Quảng Nạp, Bảo tàng làng Quảng Nạp (xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy) còn là nơi người dân địa phương thể hiện sự tôn trọng của mình đối với lịch sử quê hương.

Bộ dụng cụ đo lường.

Chung tay xây dựng

Ðể có được công trình Bảo tàng làng Quảng Nạp hoàn thiện như ngày nay, nếu không nhận được sự đồng lòng nhất trí của nhân dân làng Quảng Nạp, sự ủng hộ của cán bộ và nhân dân xã Thụy Trình thì sẽ rất khó để có thể duy trì hoạt động. Năm 2011, xuất phát từ ý tưởng xây dựng bảo tàng nhằm giáo dục truyền thống cho con em địa phương của ông Tạ Quốc Trị, ban điều hành đã xin ý kiến và nhận được sự nhất trí cao của chính quyền địa phương. Năm 2012, sau khi xã Thụy Trình hợp nhất các điểm mẫu giáo về khu trung tâm, cơ sở hạ tầng của trường mẫu giáo làng Quảng Nạp cũ được bàn giao cho ban điều hành làm khu bảo tàng. Là người đặt nền móng cho sự hình thành của Bảo tàng làng Quảng Nạp, ông Trị cho biết: Chúng tôi bắt đầu gây dựng bảo tàng từ con số 0 khi mà không có bất cứ một hiện vật nào trong tay, không tư liệu, không cán bộ chuyên trách... Ðể có được kho hiện vật như hiện nay, chúng tôi phải đến từng thôn tuyên truyền, gặp gỡ từng gia đình, kêu gọi người dân quyên góp, ủng hộ hiện vật. Thời gian đầu nhiều người còn nghi ngại không hợp tác nhưng khi hiểu được mục đích tốt đẹp của công tác sưu tầm, họ đã nhiệt tình giúp đỡ. Vậy là chẳng bao lâu sau chúng tôi đã có một bộ sưu tập kỷ vật lên tới ba con số. Bảo tàng làng Quảng Nạp đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương như Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Trình, hội đồng hương Thụy Trình tại các tỉnh, thành phố..., từ đó ban điều hành có điều kiện hoàn thiện cơ sở vật chất, cải tạo khuôn viên bảo tàng khang trang còn trang thiết bị phục vụ hoạt động trưng bày được bổ sung đầy đủ.

Chuyên nghiệp trong tổ chức

Ðiều khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng là với quy mô của một làng nhưng Bảo tàng làng Quảng Nạp có cách tổ chức, quản lý hết sức chuyên nghiệp, không kém bảo tàng cấp tỉnh. Hơn 400 hiện vật trưng bày tại đây được phân loại theo hai khu chuyên đề. Khu chuyên đề thứ nhất là những hiện vật lao động, sản xuất làng Quảng Nạp trước thời kỳ công nghiệp hóa. Tại đây có thể tìm thấy những vật dụng mà hiện tại người ta không còn sử dụng, đó là những chiếc cối xay, giã gạo, những chiếc guốc mắc võng từ những năm 20 của thế kỷ XX, bộ sưu tập công cụ đo lường gồm thước dây, bàn tính, nồi đồng, niêu đất có tuổi đời gần trăm năm... Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng dành khu vực đẹp, trang trọng để tôn vinh nghề làm nón truyền thống nổi tiếng xã Thụy Trình và công cụ nghề mộc. Khu chuyên đề thứ hai như một dòng chảy thời gian xuyên suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đó là kỷ vật quân trang, quân nhu của bộ đội, chiếc ba lô, bộ thường phục mặc trong thời kỳ kháng chiến hay chiếc dù pháo sáng thu được của địch trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972... Mỗi kỷ vật đều được chú thích thời gian, địa điểm, tên chiến dịch, qua đó người xem có thể phần nào liên tưởng được về cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của thế hệ đi trước để mang lại hòa bình, độc lập cho thế hệ hôm nay. Các hiện vật đều được bảo quản trong điều kiện tốt, luôn có cán bộ thường trực làm công tác giới thiệu, thuyết minh và bảo vệ hiện vật. Tại Bảo tàng còn có sổ lưu niệm, sổ lưu giữ kỷ vật để người xem tiện theo dõi và ghi cảm nhận khi đến đây.

Quạt mo từ năm 1960.

Phát huy vai trò của bảo tàng

Ông Tạ Quốc Trị cho biết: Tới thời điểm hiện tại, Bảo tàng làng Quảng Nạp đã hoạt động được bốn năm, thực hiện tốt sứ mệnh đề ra là giáo dục văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ địa phương, là nơi quảng bá hình ảnh đẹp của đất và người Quảng Nạp. Bảo tàng liên tục đón khách tham quan, phối hợp với Trường Tiểu học và Trường THCS Thụy Trình tổ chức các chương trình ngoại khóa giúp học sinh tìm hiểu lịch sử quê hương. Bên cạnh đó, mỗi năm Bảo tàng đều mở cửa tự do hai lần vào dịp lễ hội phục vụ người dân địa phương và khách thập phương. Không dừng lại ở số lượng hiện vật đang trưng bày, Bảo tàng làng Quảng Nạp vẫn đang tiếp tục thu thập, sưu tầm thêm hiện vật. Thời gian tiếp theo, Bảo tàng sẽ nỗ lực phát hành văn bản thuyết minh hiện vật phục vụ khách tham quan.

Trong khi nhiều nơi đang loay hoay tìm kiếm giải pháp bảo tồn di sản, làng Quảng Nạp đã có một bước đi vượt trội, huy động được ý thức trách nhiệm của toàn dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của quê hương. Mong rằng, từ thành công của Bảo tàng làng Quảng Nạp, nhiều địa phương sẽ tìm ra hướng đi phù hợp cho mình, chung sức cùng cộng đồng gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Nguyễn Bá Thâu, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Thượng, làng Quảng Nạp, xã Thụy Trình

Bảo tàng làng Quảng Nạp được xây dựng trên tinh thần đồng lòng nhất trí cao của nhân dân làng Quảng Nạp. Bảo tàng phản ánh lịch sử, văn hóa địa phương, qua đó tác động tích cực đến việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.  

Ông Tạ Quốc Trị

Là đơn vị trực tiếp quản lý Bảo tàng làng Quảng Nạp, ban điều hành văn hóa làng Quảng Nạp sẽ nỗ lực hết sức mình trong việc duy trì hoạt động của Bảo tàng để Bảo tàng làng Quảng Nạp phát huy hết chức năng và hiệu quả. Ðiều mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là nhân dân địa phương nói riêng, nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc nói chung sẽ có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, không lãng quên quá khứ, làm tiền đề xây dựng hiện tại, hướng tới tương lai, góp phần tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Học sinh Phạm Ðức Tuân, Trung tâm Giáo dục thường xuyên I Thái Thụy

Em đã được tham quan Bảo tàng làng Quảng Nạp hai lần. Tại đây, chúng em có cơ hội tìm hiểu lịch sử quê hương, được nhìn thấy những hiện vật xa xưa mà với thế hệ như chúng em ít có cơ hội được tiếp xúc. Qua việc tham quan Bảo tàng em thấy tự hào hơn về quê hương mình. Em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để góp phần xây dựng quê hương, xứng đáng với truyền thống vẻ vang mà thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.

Thu Hiền
(Đông Tân, Đông Hưng)

 

  • Từ khóa