Thứ 5, 01/05/2025, 10:59[GMT+7]

Viết tiếp những chiếng chèo...

Thứ 4, 01/06/2016 | 09:34:24
4,218 lượt xem
Khi những đứa trẻ chưa đầy mười tuổi tự tin “một mình sắm cả ba vai chèo” thì chiếu chèo trở nên độc đáo và sôi nổi hơn bao giờ hết.

Một buổi tập chèo tại gia của các em nhỏ làng Khuốc.

 

Những “mạch ngầm” còn chảy

 

Có lẽ, không một người mê chèo, sành chèo nào lại không biết đến chèo làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng - mảnh đất vốn nức tiếng gần xa với những làn điệu chèo cổ độc đáo vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Chèo Khuốc có tự bao giờ, bản thân người dân nơi đây cũng không nhớ rõ. Hàng thập kỷ qua, lớp lớp người dân làng Khuốc vẫn lớn lên, trưởng thành trong làn điệu chèo mượt mà, đằm thắm, trữ tình của mảnh đất quê hương.

 

Đến làng Khuốc một chiều tháng 5 nắng vàng như rót mật, dừng chân bên chiếu chèo mới phục dựng cạnh UBND xã, tôi bất ngờ được nghe một em bé đang ngâm khúc chèo “Thái Bình quê lúa”: “Gửi lời ca đến muôn nơi/Thái Bình quê lúa là nôi hát chèo/Cháu con lớp lớp noi theo/Giữ gìn truyền thống hát chèo quê hương”... Nếu chỉ nghe mà không thấy người, hẳn không ai nghĩ đó lại là tiếng hát của một em bé chưa đầy mười tuổi. Hỏi ra mới biết đó là Hằng, em đang học lớp 3 Trường Tiểu học Phong Châu. Dáng người nhỏ thó, lanh lẹ, nước da nâu giòn tạo cho em một vẻ ngoài khỏe khoắn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống với chèo, ông nội Hằng là một trong những người có tiếng là hay chèo của làng Khuốc. Khi Hằng còn bé, ngày nào ông cũng ru em bằng những làn điệu chèo bình dị, mượt mà. Những làn điệu chèo thân thuộc đến nỗi gắn luôn cả với sinh hoạt hàng ngày. Hằng thụ hưởng niềm đam mê chèo từ ấy. Chẳng biết từ khi nào, chèo đã ngấm vào máu thịt, là niềm vui thích mỗi lúc ông cháu sum vầy. Hằng nhanh chóng khẳng định tài năng và cái duyên với chèo của mình. Ngay từ khi 5 tuổi, em đã tham gia các chương trình giao lưu nghệ thuật mầm non và đạt nhiều giải cao.

 

Bé Quách Mạnh Hùng cũng được người ta biết đến như một trong những tài năng nhí của “nôi chèo đất Bắc”. Hùng là bạn diễn “ruột” của Hằng trong các hội diễn chèo. Người làng không còn ai xa lạ với hình ảnh hai nhóc tì nhỏ nhắn đáng yêu tay trong tay mỗi lần lên sân khấu. Chị của Hùng - Hoàng Thị Mai Trang hiện đang là sinh viên năm cuối Khoa Chèo, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Cũng như Hằng, hai chị em Trang và Hùng đều được kế thừa niềm đam mê chèo từ gia đình. Được uốn nắn từng lời ca, tiếng hát từ bé bởi người mẹ, cũng là người thầy, hai em nhanh chóng bộc lộ mình là “con nhà tông” chính hiệu.

 

Đã nhiều năm trôi qua nhưng các nghệ sĩ Nhà hát chèo Thái Bình vẫn không khỏi trầm trồ trước một Quách Thị Hồng Xiêm trẻ tuổi, tài năng. 25 tuổi đời, 20 năm tuổi nghề, cô gái đang là giảng viên Khoa Sân khấu, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình vẫn khiến người ta vẫn nhớ về mình với hình ảnh cô bé 5 tuổi đạt giải vàng trong cuộc thi Tiếng hát hoa phượng đỏ.

 

Ðánh thức tình yêu với nghệ thuật truyền thống

 

Ra đời và tồn tại dựa trên nền tảng của những trò diễn xướng dân gian từ xa xưa và dân ca, dân vũ đồng bằng Bắc Bộ, trải qua thời gian, chèo Thái Bình phát triển nở rộ nhất vào thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám với ba vùng chèo nổi tiếng: Hà Xá, Sáo Đền và Khuốc.

 

Ông Quách Văn Cương, người đã gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật chèo tâm sự: Cùng một làn điệu nhưng chèo Thái Bình mộc mạc, giản dị hơn, phụ âm hư tự và nguyên âm luôn cân bằng âm lượng. Cùng một tiết tấu nhưng chèo Thái Bình rộn rã, xáo động, phóng khoáng hơn. Lối hát chèo Thái Bình không đi sâu vào nhịp phách phức tạp, không nhả chữ theo lối khôn ngoan nhà nghề, không làm lẫn phụ âm. Bên cạnh đó là sự sáng tạo trong phần đệm với dàn nhạc bốn cây: nhị, trống đế, trống cơm và mõ. Tiếng mõ đánh đều, giữ nhịp trường canh ở tốc độ nhanh và rất nhanh, tạo sự căng thẳng và tính kịch cho âm nhạc... Có lẽ, do tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt mà độc đáo đó nên chèo Thái Bình dễ đi vào lòng người hơn.

 

Phạm Thị Nhung, sinh viên Khoa Chèo, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình chia sẻ: Say chèo cũng như say… điếu vậy. Không chỉ có lời ca tiếng hát, em còn bị phấn khích bởi tiếng trống dồn dập, tươi vui, tiếng đàn nhị - líu - hồ nhấn vuốt, luyến láy, tiếng sáo - tiêu vừa trong sáng, bay bổng vừa mơ hồ, xa xăm, tiếng đàn bầu - đàn tranh da diết, cảm thương, ngân nga, vang vọng, lúc giãi bày suy tư thầm kín lúc uẩn khúc bi thương. Tất cả đã tạo cho chèo một màu sắc rất riêng. Nhiều vở chèo truyền thống không chỉ tái hiện lịch sử hào hùng của ông cha ta trong đánh giặc giữ nước mà còn là những câu chuyện sâu sắc về tình đời, tình người, hướng công chúng tới những chân giá trị cao đẹp của cuộc sống, của con người.

 

Đặc biệt, khi những đứa trẻ chưa đầy mười tuổi tự tin “một mình sắm cả ba vai chèo” thì chiếu chèo trở nên độc đáo và sôi nổi hơn bao giờ hết. Ở đó có sự ngây ngô, vụng dại của trẻ thơ, sự sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời và có cả tâm tư, tình cảm của mẹ cha, ông bà đã ngấm vào trong từng lời ca, tiếng hát. Thế cho nên, mỗi lần có hội diễn hay chương trình giao lưu văn nghệ, người ta lại mê đi khi có những “Hằng”, những “Hùng”, những “Hồng Xiêm” mới 5 tuổi nhưng đã khiến vạn người “say tiếng hát, rộn tiếng lòng”.

 

Anh Vũ Đình Cương, một trong những nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát chèo Thái Bình cho biết: Để khuyến khích lớp trẻ gắn bó nghệ thuật truyền thống, năm 1999 - 2000, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thử nghiệm mô hình “Sân khấu học đường”. Là một trong những tỉnh được chọn thực hiện, Thái Bình đã tổ chức thử nghiệm “Sân khấu học đường” trong lĩnh vực chèo; từ tổ chức các nhóm nghệ nhân ở địa phương tập lại những trích đoạn chèo truyền thống đến biểu diễn giới thiệu trong nhà trường và tại địa phương cho học sinh xem; đồng thời, tuyển chọn những em có năng khiếu để rèn giũa, truyền nghề; bước đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa sân khấu. Tuy nhiên, được vài năm thì phong trào cũng lặng.

 

Cuộc sống hiện đại đang từng ngày gây sức ép với sự tồn tại của nghệ thuật chèo truyền thống. Bên cạnh đó là sự quan tâm chưa đúng mức từ các cơ quan chức năng. Để giới trẻ yêu chèo, muốn gắn bó với nghệ thuật chèo phải bắt đầu từ người lớn. Tuy nhiên, thực tại, lớp cha ông - những nghệ sĩ thực thụ còn lại không nhiều. Những hạn chế về chính sách đãi ngộ cũng ít nhiều khiến lớp trẻ bớt mặn mà với nghệ thuật chèo. Phần vì chất lượng đào tạo chưa tốt, cơ hội rèn giũa nghề nghiệp không nhiều cộng với đời sống khó khăn khiến nhiều diễn viên trẻ bị phân tán, không thể dành trọn tâm huyết cho nghề. Sự thiếu vắng những tài năng trẻ trở thành một trong những nguyên nhân khiến nghệ thuật  chèo đứng trước nguy cơ mai một.

 

Làm sao để thế hệ trẻ hiểu, yêu thích, muốn gắn bó và được phát huy một cách tốt nhất nghệ thuật chèo truyền thống, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp để không chỉ giữ chân được những người có tâm, có tầm với nghề mà còn vì sự phát triển bền vững của một nền nghệ thuật truyền thống đã có từ rất lâu rồi.

 

"Cần có nhiều dự án, sân chơi, nhiều lớp dạy chèo cho các em để duy trì vốn cổ, nhất là khi nghệ thuật chèo đang đứng trước nguy cơ mai một như hiện nay. Bên cạnh sự truyền dạy của gia đình, nhà trường, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho các em tình yêu với nghệ thuật chèo truyền thống. Đối với những em đạt giải trong các cuộc thi, nhà trường cũng nên có phần thưởng để động viên, khuyến khích các em, qua đó góp phần bảo tồn nghệ thuật chèo."

 

(Cô Mai Thị Thanh Huyền, giáo viên Tổng phụ trách Trường Tiểu học Phong Châu, Đông Hưng)

 

Thùy Dung

  • Từ khóa