Thứ 5, 09/05/2024, 15:19[GMT+7]

Ngày gia đình Việt Nam: Nghĩ về giá trị truyền thống

Thứ 7, 25/06/2016 | 19:29:02
2,874 lượt xem
“Nhà là nơi bố đồng tình cùng con lao vào bếp, mẹ vừa nếm đã tươi cười: đồ ăn ngon...” Có lẽ, giữa nhịp sống hiện đại hối hả thường nhật, những câu ấy là định nghĩa giản dị, gần gũi mà cũng thật sâu sắc về nhà - về mái ấm mà mỗi người đều mong muốn được trở về để cùng sẻ chia bao yêu thương, ngọt ngào, dù sau một ngày làm việc nhiều mỏi mệt, lo toan, hay thành công, viên mãn.

Gia đình ông Thơ, bà Cách (thị trấn Vũ Thư) cùng bảo tồn nghệ thuật hát văn của quê hương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Bởi vậy mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ từng gia đình.

Ngày lễ nhỏ ý nghĩa lớn

Từ năm 2001, ngày 28/6 chính thức được lựa chọn là ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định này với ý nghĩa nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, đồng thời qua đó bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thế hệ mầm non của đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc.

Trải qua nhiều thế kỷ dựng nước và giữ nước, những truyền thống quý báu của dân tộc như lòng yêu quê hương nồng nàn, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau... vẫn luôn được mỗi gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy. Cấu trúc và quan hệ trong gia đình hiện đại dù có thay đổi để phù hợp với nhịp sống công nghiệp hóa, nhưng gia đình vẫn là nhân tố quan trọng, tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ðối với mỗi người, tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất, tự nhiên xuất phát từ mối quan hệ gắn bó thường ngày, bởi vậy luôn bền chặt và không thể thay thế. Cuộc sống chẳng phải lúc nào cũng viên mãn, bởi vậy mà khi ta đã "lưng chùng gối mỏi" sau những tháng ngày tất bật trên đường đời, gia đình lại trở thành điểm tựa vững chãi, là nguồn động lực lớn lao.

Như Barack Obama, vị Tổng thống của nước Mỹ đã từng nói rằng: Cảm hứng của tôi được tạo ra từ tình yêu thương mà mỗi bậc cha mẹ dành cho con cái. Nguồn cảm hứng đó tôi còn nhận được từ những đứa con của tôi, chúng làm trái tim tôi trở nên ấm áp và ngập tràn tình thương. Chúng làm tôi muốn làm việc để cải thiện thế giới dù chỉ là đôi chút. Và hơn cả, những đứa con làm tôi trở thành một người tốt hơn.

Thực trạng đáng suy ngẫm

Vậy nhưng, trong tâm trí của tôi cứ mãi vang lên câu nói tưởng chừng như cứ nửa đùa nửa thật mà xót xa lắm từ một người mẹ đã đi qua cả cuộc đời dầm sương, dãi nắng ngoài biển cả xa xôi, để rồi tần tảo sớm hôm mang về con tôm, con tép nuôi chồng, nuôi con, mẹ bảo: Bọn trẻ bây giờ sao nhiều đứa "chúng bay" buồn cười lắm! Chưa lấy nhau thì sống như vợ chồng, mà "cố sống chết" lấy rồi thì lại lạnh nhạt như thể người dưng...

Quả thực, tỷ lệ ly hôn tại nước ta ngày càng cao, những gia đình chỉ có bố hoặc chỉ có mẹ không phải hiếm. Ngoài nguyên nhân từ sự không chung thủy, hôn nhân đổ vỡ chủ yếu xuất phát từ những bất đồng trong suy nghĩ, lối sống của vợ chồng. Một thực tế khác, độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa. Nhiều cặp vợ chồng trẻ có trình độ học vấn, có kiến thức xã hội nhưng không có kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Có những cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng chỉ vì chồng thích ăn món mà vợ không ưa, vợ thích mặc quần áo có màu sắc, chồng không thích... Cá tính của những trí thức trẻ đã được thể hiện rõ hơn. Lối sống phương tây du nhập khiến họ mạnh mẽ trong việc trung thực với bản thân về cả nếp sống, suy nghĩ. Nhưng hệ quả là người ta dễ tự do thể hiện bản thân mà quên mất cuộc sống hôn nhân cần lắm sự vị tha, nhường nhịn lẫn nhau.

Không những vậy, như một đợt sóng ngầm đang diễn ra trong nhịp sống của những phụ nữ trẻ trung, hiện đại, đó là hiện tượng tự nguyện làm mẹ đơn thân. Họ có trình độ học vấn, có kinh tế vững vàng, đủ điều kiện chăm lo tốt cho đứa con của mình. Trên hết, họ sợ những ràng buộc, những mỏi mệt của cuộc sống hôn nhân những khi chẳng "thuận vợ thuận chồng", sợ mối quan hệ "mẹ chồng nàng dâu" những khi "cơm không dẻo, canh không ngọt". Lựa chọn tự nguyện làm mẹ đơn thân là bản thân họ cũng tự nguyện một mình đương đầu với mọi sóng gió, nhưng trên hết, những người phụ nữ ấy đã phần nào mất đi niềm tin vào cuộc sống, vào "một nửa" còn lại.

Có ai đó đã từng chia sẻ: "Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc". Hạnh phúc đâu phải là thứ dễ dàng trao nhận, đó là cả chặng đường cùng kiên trì cố gắng vun đắp, để rồi, như một câu nói: "Không một gia đình nào là hoàn hảo. Vẫn có cãi vã, có "chiến tranh", thậm chí là sự lạnh lùng trong một thời gian rất dài, nhưng cho đến cuối cùng, gia đình vẫn là gia đình, nơi tình yêu luôn luôn hiện hữu".

Ông Trần Hồng Sắc, xã Nam Hưng (Tiền Hải)

Tôi làm nghề sông nước thực ra rất vất vả. Về việc chia sẻ cuộc sống vất vả này thì đằng sau mình là người vợ. Nếu thiếu vai trò của người vợ thì mình có làm gì cũng không làm được. Xây dựng văn hóa thuộc về phạm trù đạo đức, gia phong. Mình học hỏi những thế hệ đi trước, thấy điều gì chưa được là tự gia đình mình uốn nắn kịp thời. Các cháu hàng ngày thấy bố mẹ phấn đấu làm kinh tế, ứng xử trong gia đình, thôn xóm thì các con cũng học tập theo.

Bà Nguyễn Thị Huyền, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư)

Mọi thành viên trong gia đình nhà chồng tôi đều có tình yêu với nghệ thuật hát văn truyền thống của quê hương. Tôi về làm dâu được bố mẹ, anh chị dạy hát văn, rồi mỗi ngày lễ, tết sum họp gia đình, hay những dịp cuối tuần đông đủ, cả nhà lại người trống, người phách, người đàn, người hát, đến như con trai và con gái của tôi, mới 4 tuổi nhưng đã biết gõ nhịp, đánh trống cho mẹ hát. Ðiều đó tạo nên nét văn hóa riêng của gia đình mà từ tình yêu nghệ thuật hát văn, mọi thành viên đều gắn bó, yêu thương nhau hơn.

Anh Tú

  • Từ khóa