Thứ 7, 03/08/2024, 01:13[GMT+7]

Sáu trăm năm nghe lời ru linh mộc

Thứ 2, 04/07/2016 | 15:18:34
1,927 lượt xem
Chuyện về hai cây thị có tuổi đời ngót nghét sáu trăm năm ở làng Đô Kỳ, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, thân cây sáu người ôm không xuể, lõi cây đã mục ruỗng mà vỏ ngoài vẫn tươi, lá vẫn xanh, cành, tán vẫn xum xuê, đêm ngày người dân vẫn nghe tiếng chạm của lá mỏng mảnh như lời ru, thầm thì kể chuyện Tam quốc công thần (Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ) của làng có công lớn với triều đình nhà Lê thế kỷ XV. Thời gian trôi đi, người dân nơi đây vẫn canh cánh nỗi lòng tại sao hai “cụ” vẫn chưa được công nhậ

Lối ngõ đi về luôn có hai “cụ” linh mộc đón đưa.

Không biết chính xác hai cây thị được trồng vào năm nào, chỉ nghe các cụ cao niên, các bậc tiền bối trong làng kể lại, khi hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi hoàng đế, ngự trên ngai vàng vẫn luôn nhớ về làng Ðô Kỳ, vùng quê đùm bọc ông thời thơ ấu. Ðể ghi nhớ dấu mốc lịch sử hoàng đế Lê Thánh Tông sinh ở quê mình, Tam quốc công thần Ðinh Liệt đã trồng hai cây thị phía trước chùa Ðô Kỳ.

Trong ký ức của người dân Ðô Kỳ, chùa làng có tòa tiền tế xây theo lối "hồi văn cách bản", đại bờ đắp hoa chanh, cấu trúc nội thất "lòng thuyền tứ trụ". Các vì kèo làm theo kiểu chồng rương, chạm trổ tứ linh tinh xảo. Ngoài ra chùa còn có tòa trung tế, hậu cung và cấm cung. Các vì kèo kiểu "thượng chồng rương, hạ chắp mảng" theo lối tứ quý, tứ linh, các nghé đỡ, đấu hoa văn dây lá và đầu rồng uy linh. Những bức chạm "thông - cúc - trúc - mai" được cách điệu công phu thành những con rồng dáng dữ dội mà đường bệ. Phần đầu rồng được kết bởi những cành cội do trí tưởng tượng của nghệ nhân chạm khắc tạo ra. Thân cây được kết thành thân rồng, lá trúc thành vuốt rồng, hoa mai trở thành những đám mây vần cuộn trôi...

Chiến tranh, phong hóa của thời gian đã biến ngôi chùa thành phế tích. Cảnh cũ người xưa đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn lại trong trí nhớ người dân như người xưa gửi gắm tình cảm chứa chan vào hồn làng. Rất may, mạch nguồn văn hóa vẫn chảy trong huyết quản người Ðô Kỳ, các thế hệ người dân ở đây đã dựng lại chùa trên nền đất cũ, phỏng lại các mảng chạm khắc và nét kiến trúc của ngôi chùa cổ trong trí nhớ đến nao lòng về dấu tích đã từng là nơi ẩn náu, dưỡng dục đức vua anh minh. Hai cây thị trồng nơi cổng chùa qua 6 thế kỷ vẫn hiên ngang trước phong ba bão táp, là chứng nhân lịch sử bao cuộc binh đao, bao trận chiến "máu chảy, đầu rơi" chống quân xâm lược.

Hai cây thị cổ vẫn xanh tốt qua 6 thế kỷ.

Người mất người còn nhưng giống như sự trường tồn của dân tộc, hai cây thị vẫn cắm sâu cội rễ vào lòng đất của làng, bền bỉ đội nắng mưa, ngăn bão tố phong ba, thân đứng thẳng chịu chém xước tên bay, đạn lạc…che chở cho cháu con làng Ðô Kỳ. Sử cũ còn ghi: Ba anh em họ Ðinh làng Ðô Kỳ theo cha là Ðinh Lan tìm về Lam Kinh, dự hội thề Lũng Nhai rồi sát cánh cùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Ðất nước ca khúc khải hoàn, Lê Lợi lên ngôi vua, phong "Tam quốc công thần" cho ba anh em Ðinh Lễ, Ðinh Liệt, Ðinh Bồ. Dã sử truyền kỳ về lời thề bất hủ, có đoạn tạm dịch: "Nay ở nước tôi, tôi phụ đạo Lê Lợi đứng đầu với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ. Tuy phần vinh hiển có khác nhau nhưng nguyện đem tình đối xử với nhau như người không khác họ". Những cuộc chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn non sông gấm vóc diễn ra khốc liệt, Tam quốc công thần Ðinh Liệt trong một trận chiến không cân sức đã bị địch bắt. Chúng dụ dỗ, mua chuộc nhưng không thể khuất phục khí phách kiên cường của tướng quân Lam Sơn nên đã chém đầu ông. Tương truyền, bỗng dưng hai cây thị trước cửa chùa lá úa, héo hon. Biết có chuyện chẳng lành, nhiều người đem lễ vật cầu cúng nhưng cây vẫn rũ lá. Sau khi biết người trồng hai cây thị là Tam quốc công thần Ðinh Liệt đã tử trận, người trong làng cùng các nhà sư lập đàn cầu siêu cho anh linh của ông. Lạ thay, hai cây thị lá lại tươi xanh trở lại.

Trải sáu thế kỷ, chứng kiến binh đao, khói lửa, vó ngựa quân xâm lược bạo tàn giày xéo đất quê, phá tan cảnh chùa nhưng hai cây thị vẫn hiên ngang vươn cành lá lên trời cao. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giặc càn quét làng, quyết tâm bắt sống chiến sĩ cộng sản, chứng nhân lịch sử linh mộc "mở lòng" nuôi giấu cán bộ trong thân cây già mục ruỗng, đợi ngày nước được độc lập, dân được tự do. Rồi lại đến những năm tháng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng ném bom miền Bắc cây thị vẫn hiên ngang giữa trời xanh. Có báo động, dân làng lại chạy đến núp dưới tán cây. Thanh niên trai tráng trong làng tòng quân lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngày nhập ngũ đi qua linh mộc cúi chào hai "cụ".

Sáu trăm năm qua, dân làng Ðô Kỳ đông hơn, phải chia thành thôn Tả, thôn Hữu. Mặt đất cũng dày dặn nhà ở, không gian dành cho hai "cụ" linh mộc không còn nhiều. Gia đình ông Ðinh Thế Thân và bà Ðinh Thị Bình quần cư bên gốc cây nhiều đời đã bỏ tiền của xây tường bảo vệ cây. Mùa quả chín, hương thơm tỏa bay khắp vùng, chim chóc kéo về ríu ran hót. Chim hái chọn quả chín vàng tươi, thơm ngon, người dân chỉ dám nhặt quả rụng rơi, không dám leo cành, bẻ trái. Ðô Kỳ nay đã về đích nông thôn mới, cảnh quan có nhiều đổi thay nhưng hai "cụ" linh mộc vẫn sừng sững chở che cho làng quê, tỏa hương thơm vương vấn kẻ ở người đi, thầm thì ru khẽ giấc ngủ yên bình của người dân.

Ông Ðinh Thế Thuận, người thừa kế trông coi linh mộc

Khi tôi lớn lên hai cây thị đã có rồi, to và xanh tốt. Bố mẹ tôi là người tự nguyện trông coi hai cây đại thụ này bởi vì cây nằm cạnh đất nhà tôi. Trước đây, xung quanh hai gốc cây dân làng vẫn đem trâu bò ra buộc, phân và chất thải ô uế, đã có thời gian cây vàng úa lá, tưởng chết. Gia đình tôi đã bỏ tiền mua gạch, vữa, xi măng xây quây hai gốc thị. Không còn ô uế, hai cây thị lại lên xanh tốt. Chúng tôi mong cấp trên lập hồ sơ xếp hạng cây di tích để lưu truyền vốn quý cho hậu thế.

Ni cô Thích Ðàm Hương, trụ trì chùa Ðô Kỳ

 

Hai cây thị cổ là di sản quý báu của chùa Ðô Kỳ, của làng Ðô Kỳ và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Rất mong các cấp chính quyền lưu tâm lập hồ sơ bảo vệ cây quý ngàn xưa để lại cho con cháu.

Chị Phạm Thị Hương, người dân làng Ðô Kỳ

 

 

 

Chúng tôi là lớp người trẻ tuổi, qua các câu chuyện được truyền lại chúng tôi thấy vô cùng tự hào bởi làng quê tôi có bề dày văn hóa, văn hiến. Ðiều đặc biệt là hai cây thị cổ thụ từ ngàn xưa để lại vẫn xanh tốt như nhắc nhở chúng tôi phải sống làm việc, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xứng với truyền thống văn hóa mà cha ông ta đã dày công xây dựng.

Quang Viện

  • Từ khóa