Thứ 6, 02/08/2024, 19:11[GMT+7]

Bản giao hưởng trên không

Thứ 2, 04/07/2016 | 15:21:08
8,641 lượt xem
Xa xưa, chơi diều sáo là một thú chơi tao nhã, tạo nên nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mỗi buổi chiều hè, trên cánh đồng mênh mông sóng lúa, những cánh diều sáo chao liệng trên không với những âm thanh êm ả, du dương vẽ nên một bức tranh làng quê thanh bình, nuôi lớn tình quê trong mỗi người… Theo dòng chảy thời gian, ngày nay, nét văn hóa dân gian ấy vẫn được gìn giữ, phát triển song người chơi, cách chơi và cách đón nhận diều sáo đã có nhiều

Ông Nguyễn Lăng Hồng ở phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình), một trong số rất ít nghệ nhân diều sáo ở Thái Bình chia sẻ với tôi như thế về thú chơi diều sáo của các cụ xưa. Là người say mê diều sáo từ nhỏ, có nhiều năm mày mò, nghiên cứu về diều sáo, ở tuổi ngoài bảy mươi, ông Hồng được xem như là gạch nối, nhân chứng sống chứng kiến sự tiếp biến của thú chơi diều sáo qua hai thế kỷ. Ông kể: Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, lúc đó dân quê còn nghèo lắm, chỉ những người khá giả mới có diều sáo để chơi. Diều được làm thủ công từ những nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống, có hình dáng giống chiếc lá, cái thuyền hay mảnh trăng, màu đất và không có đuôi như bây giờ. Khung diều được làm bằng tre, uốn cong. Áo diều (phất diều) làm bằng giấy bản. Ðể áo diều chắc chắn, các cụ xưa thường lấy nhựa quả hồng xiêm, nhựa mít, nhựa sung để gắn 2 - 3 lớp giấy và quét một lớp nhựa ở ngoài để diều không bị mốc và thấm nước, sau đó đem phơi khô trong bóng râm để tránh nứt. Ðể làm được một cuộn dây diều phải chọn những cây tre bánh tẻ, chẻ nhỏ thành những sợi nan, tùy theo kích cỡ của diều, sợi sẽ được vót to hay nhỏ sau đó đem luộc từ 7 - 8 tiếng cùng với một chút muối để sợi mềm, dẻo và bền. Sáo diều được làm bằng ống tre, nứa, thường có một ống, hai hoặc ba ống, miệng bịt bằng gỗ mít. Kích cỡ các sáo trong mỗi bộ theo tỷ lệ nhất định và không hoàn toàn giống nhau nhưng đều phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Sáo diều một ống nghe ầm ì, đủng đỉnh, êm ả; sáo hai ống, ba ống nghe như tiếng chuông chùa. Ở thời đó, khi công nghệ thông tin còn lạc hậu, làng quê yên ả, nhà cao tầng chưa nhiều, đồng quê mênh mang lúa, trong những ngày hè nóng nực hay buổi đêm thanh vắng, diều sáo cất lên nghe quyến rũ như tiếng đàn trời, ấm áp tình quê, ngọt ngào như lời mẹ ru, ai cũng muốn nghe và nghe mãi không chán…

Xã hội ngày càng hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày càng được nâng lên. Mấy năm gần đây, thú chơi diều sáo phát triển mạnh thành phong trào. Nếu như trước kia chỉ những người khá giả (thường là người cao tuổi) mới chơi diều sáo thì giờ đây, đối tượng chơi diều sáo mở rộng hơn từ người cao tuổi đến tầng lớp trung niên và đặc biệt phát triển trong thanh niên. Tại nhiều xã trong tỉnh, các câu lạc bộ diều sáo ra đời; trên trang mạng xã hội facebook, nhóm Hội quán diều sáo Thái Bình thu hút sự tham gia của hơn 3.000 thành viên. Diều sáo thay vì được làm thủ công, đơn giản đã được cải tiến khá nhiều. Áo diều thay vì giấy bản một màu, người chơi đã thay thế bằng vải dù, nilon đa màu sắc, đa chủ đề. Sáo diều thay vì 1 - 3 ống như trước đây đã tăng lên thành dàn sáo, có những dàn gần hai mươi ống. Diều có thêm đuôi, gắn thêm đèn nháy…

Theo những người cao tuổi chơi diều sáo như nghệ nhân Nguyễn Lăng Hồng và ông Nguyễn Xuân Giao (câu lạc bộ diều sáo xã Tiến Ðức, Hưng Hà): Xưa kia, sáo ít ống, âm thanh của một bộ sáo thường được các nghệ nhân định vị gắn với tiếng chuông chùa, tiếng tù và. Gần đây, thanh niên có xu hướng chơi dàn sáo nhiều ống, âm thanh của dàn sáo nhiều ống có phần rộn rã hơn, nghe như tiếng máy cưa, tiếng còi tàu… chứ không còn êm ả, du dương như tiếng sáo diều ngày xưa nữa. Ðiều đó là do thị hiếu thẩm mỹ của người chơi mỗi người một khác, mỗi thời một khác. Song những người chơi diều sáo lâu năm và có kinh nghiệm đều đồng thuận rằng một bộ sáo hay phải có âm thanh "tròn vành rõ tiếng" không có tạp âm và phải có độ ngân tốt.

Chơi diều sáo là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Ðây cũng là thú vui có thể rèn luyện được sức khỏe, thư giãn tâm hồn, sự khéo léo và tránh xa các tệ nạn xã hội. Với tất cả những ai chơi diều và đam mê tiếng sáo diều thì những âm thanh trầm bổng là rất hay, quyến rũ song với những người đón nhận thụ động tiếng sáo diều không phải ai cũng thích. Nhiều người chơi cùng một lúc, tại một vị trí, diều thả suốt đêm ngày đang khiến nhiều người dân quanh khu vực thả diều tức tối, bực bội vì "bị tra tấn" bởi tiếng sáo diều. Chưa kể đến những hiểm họa diều đứt dây vướng vào dây điện dẫn đến chập điện, mất điện ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Thả diều là thú chơi lành mạnh nhưng người chơi diều nên lựa thời gian, địa điểm, kiểm tra độ chắc chắn của diều trước khi mang diều đi thả để thú chơi diều sáo mãi là nét đẹp văn hóa trong tâm hồn người Việt.

Vũ Hường

  • Từ khóa