Thứ 6, 02/08/2024, 01:27[GMT+7]

“Ông đồ” Khắc Siêu và duyên nợ với nghệ thuật thư pháp

Thứ 2, 04/07/2016 | 15:26:17
4,929 lượt xem
Tuổi 60 mới tập tành viết chữ Hán, 65 tuổi trải “mực tàu giấy đỏ” thảo những nét “rồng múa phượng bay”, 76 tuổi trở thành người viết Hán Nôm có tiếng, sự nghiệp thư pháp của “ông đồ” Khắc Siêu nghe qua đã thấy nhiều điều thú vị. Dường như tuổi tác không là vấn đề quan trọng đối với thứ người đời gọi là đam mê.

Bút nilon, mực nước lã

Ðầu những năm 2000, ông Phạm Văn Khiếu (tên thật của thư pháp gia Khắc Siêu) chào tạm biệt anh em đồng chí tại Tổng cục IV Bộ Công an về quê an hưởng tuổi hưu. Vốn thấy mình "sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán", lại có niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp, ông quyết dành toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp "mực tàu, giấy đỏ".

"Những năm ấy tôi tự mày mò mua sách về học, chẳng có thầy nào dạy cả, cũng không biết ai hiểu chữ Hán mà theo, cứ như một mình độc bước trên sa mạc nhưng lúc nào cũng tự nhắc nhở mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa" - ông tâm sự. Sổ hưu còn để trên Hà Nội nên tháng nào ông cũng lên thủ đô lĩnh lương, lương ông mang về... toàn sách. Ông bảo: Lương tháng có 800.000 đồng thì mua sách đến 1.000.000 đồng tại nhìn thấy sách mình không kìm lòng được. Tủ sách Hán Nôm mà ông sưu tầm sau 15 năm theo đuổi sự nghiệp thật đáng ngưỡng mộ, số đầu sách lên tới hàng trăm, trong đó phần lớn là sách về từ điển Hán - Việt, từ điển thư pháp, thơ Ðường, thơ Việt Nam qua các thời kỳ.

Những ngày đầu tiếp xúc với chữ, "ông đồ" Khắc Siêu có cách luyện tập vô cùng độc đáo. Ông chế ra cây bút làm từ sợi nilon, lấy nước lã làm mực rồi viết lên nền sân, tường nhà. Cách này giúp ông luyện dẻo tay, viết được nhiều lần mà không tốn tiền mua giấy mực. Khổ luyện đến 5 năm trời ông mới sử dụng bút lông, mực tàu. Tích lũy được vốn Hán văn nho nhỏ, ông bắt đầu mở rộng mối giao kết với những thư pháp gia cùng chung niềm đam mê với nghệ thuật "viết chữ đẹp", tham gia các sự kiện thư pháp trong và ngoài tỉnh, trở thành thành viên tích cực của câu lạc bộ thư pháp Hán Nôm các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Tâm huyết với nghệ thuật thư pháp

Năm 2016, Khắc Siêu cùng 14 thành viên yêu thư pháp trong và ngoài tỉnh đã tập hợp, thành lập câu lạc bộ thư pháp Thái Bình, cá nhân ông được suy tôn làm chủ tịch danh dự câu lạc bộ đồng thời cũng là thành viên lớn tuổi nhất tham gia sinh hoạt. Là chủ tịch danh dự câu lạc bộ, Khắc Siêu luôn nỗ lực hết mình nhằm duy trì hoạt động. Hàng tháng, câu lạc bộ luôn có các chương trình giao lưu giúp các thành viên nâng cao năng lực đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Ông cũng áp dụng thành công việc sử dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu các tác phẩm thư pháp đến đông đảo công chúng. Trang facebook câu lạc bộ thư pháp Thái Bình thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ, không chỉ có độc giả, ký giả trong nước mà còn có độc giả, ký giả nước ngoài, trong đó có những người đến từ Ðài Loan, Nhật Bản. Khắc Siêu cho biết: Chúng tôi đang hướng tới một môi trường sáng tạo nghệ thuật không biên giới, khi mà những người cùng chung niềm đam mê được thỏa sức thể hiện những tác phẩm của mình, gửi đến cho bạn bè trên khắp thế giới. Ngôn ngữ có thể ngăn cách hoạt động giao tiếp nhưng nghệ thuật hiểu nhau bằng sự đồng điệu của tâm hồn. Cũng theo Khắc Siêu, sự giao lưu với nhiều thư pháp gia nước ngoài, đặc biệt là những nước có bề dày lịch sử thư pháp đã góp phần giúp chuyên môn của các tay bút Việt được nâng lên, đó là điều ông rất hài lòng.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, Khắc Siêu vẫn đau đáu một nỗi băn khoăn: Các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ đều đã có câu lạc bộ Hán Nôm, chỉ riêng Thái Bình vẫn nằm ngoài hệ thống, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý cũng như làm hạn chế các hoạt động của câu lạc bộ đối với cộng đồng như tham dự các hội thi thư pháp, tham gia các hoạt động xã hội...

Ðã ở vào tuổi "xưa nay hiếm", Khắc Siêu vẫn giữ cho mình thói quen "luyện chữ dưỡng tâm". Ông dường như rắn rỏi và minh mẫn hơn rất nhiều so với bạn bè đồng niên. Với Khắc Siêu, thư pháp chính là liều thuốc tinh thần bổ ích giúp ông sống vui, sống khỏe, sống có ý nghĩa. Ngôi nhà nhỏ của ông giờ đây trở thành nơi lui tới thường xuyên của những người bạn cùng chung đam mê thư pháp. Ngôi nhà ấy cũng luôn mở rộng cửa đón chào những người trẻ tuổi, biết yêu và thưởng thức nghệ thuật thư pháp.

Thu Hiền 
(Đông Tân, Đông Hưng)

  • Từ khóa