Chủ nhật, 04/08/2024, 13:16[GMT+7]

Kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 2/8/2016) Những đóng góp của Lê Quý Ðôn vào việc nâng cao vị thế đất nước và khẳng định chủ quyền quốc gia

Thứ 3, 26/07/2016 | 09:10:37
22,127 lượt xem
Lê Quý Ðôn (1726 - 1784), từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, thi đỗ Tam nguyên Bảng nhãn khoa Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752). Sau khi thi đỗ, ông được bổ dụng làm quan, khi mất được triều đình phong Công bộ Thượng thư, tước Quận công.

Những tác phẩm của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đang được lưu giữ tại Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh.

 

Người đương thời xác nhận Lê Quý Đôn là “Đệ nhất nhân tài nước Nam” (Tần Triều Vu, Trung Quốc). “Nước ta vài ba trăm năm mới có một người như thầy” (Phan Huy Ích). Cuối thế kỷ XX, Lê Quý Đôn được xác nhận là nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII, “Một ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam” (Trường Chinh).

 

Khi còn sống, làm việc, Lê Quý Đôn đã đóng góp nhiều cho dân, cho nước. Khi đã mất, qua di sản văn hóa để lại, ông tiếp tục cống hiến cho đời. Trong bài viết này, tôi trình bày “Những đóng góp của Lê Quý Đôn vào việc nâng cao vị thế đất nước và khẳng định chủ quyền quốc gia”.

 

Trong cuộc đời làm quan, Lê Quý Đôn một lần được cử đi sứ phương Bắc (1760 - 1762) cùng Trần Huy Mật chánh sứ, Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Chú phó sứ, Lê Quý Đôn là người trẻ tuổi nhất (36 tuổi). Trong chuyến đi này, Lê Quý Đôn có dịp tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức Trung Hoa và Triều Tiên, mỗi cuộc trao đổi là một dịp để Lê Quý Đôn nói về cái hay, cái đẹp của đất nước mình, đề cao dân tộc mình.

 

Một lần, Tần Triều Vu, viên quan được nhà Thanh cử đón và đưa đoàn sứ bộ Đại Việt trong suốt chuyến đi và về hỏi: Bên quý quốc có bao nhiêu quan chức?

 

Lê Quý Đôn trả lời: Có độ bốn năm trăm người!

 

Tần Triều Vu thắc mắc: Sao ít thế?

 

Lê Quý Đôn liền nói: Cần người làm được việc tốt chứ không cần nhiều người. Rồi ông nói thêm: Cổ nhân có câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” là như vậy.

 

Khi được hỏi về sản vật ở nước ta, Lê Quý Đôn cho biết: Các thứ quý như như trầm hương, bạch đàn, nhục quế nổi tiếng thiên hạ, vàng, bạc, đồng, sắt nhiều chốn có sẵn, sơn hào hải vị nhiều không kể xiết... Ông còn viện dẫn sách của Trung Quốc từng chép: “Cỏ lạ, cây kỳ đều ở phương Nam”.

 

Một lần khác, được hỏi về việc thi tiến sĩ ở nước ta, về việc tuyển chọn ba vị chánh, phó sứ trong đoàn, Lê Quý Đôn nói: Ở trong nước chúng tôi, các bậc tài học hiển danh rất nhiều. Những vị như quan chánh sứ Trần của đoàn chúng tôi cũng có đến mấy chục, còn những vị như phó sứ Trịnh và tôi thì ở Hàn lâm viện rất đông.

 

Nói về thi cử, Lê Quý Đôn giải thích: Nước chúng tôi có coi trọng khoa thi tiến sĩ nhưng việc sử dụng hiền tài thì còn được coi trọng hơn. Ông viện dẫn Tể tướng lúc đó của Đại Việt (Phạm Huy Đĩnh) chỉ đỗ cử nhân mà tài năng văn võ ít ai bì. Nghe Lê Quý Đôn nói, Tần Triều Vu phụ họa: “Thế mới là cách dùng người”.

 

Mỗi chặng đường đi mắt thấy tai nghe những phong cảnh mới, đẹp, ông đều ghi chép lại và so sánh với cảnh đất nước mình. Trong một bài thơ viết gửi Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Kiến, Lý Huy Trung - những quan chức của Trung Quốc, ông so sánh Tản Viên, Nhị Hà (sông Hồng) của Đại Việt như Tùng Sơn, Áp Lục của Trung Hoa:

 

Tản Viên đẹp, giống Tùng Sơn đẹp

Áp Lục dài như Nhị Thủy dài.

 

Đặc biệt, trong chuyến đi sứ lần này, Lê Quý Đôn có mang theo hai tác phẩm Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm do ông biên soạn. Đọc qua hai tác phẩm của Lê Quý Đôn, các văn thần Trung Hoa, các sứ thần Triều Tiên đều khen ông là người tài giỏi có một không hai. Tần Triều Vu một lần nữa khẳng định: “Ngài thực là bậc tài cao, học rộng”. Lại căn dặn ông: “Ở thiên hạ thật hiếm những người tài cao như túc hạ. Tuy vậy, ở đời tài càng cao bao nhiêu lại là cớ cho kẻ khác ghen ghét bấy nhiêu. Mong túc hạ giữ gìn thận trọng…”.

 

Cũng trong chuyến đi này, Lê Quý Đôn còn gặp đoàn sứ bộ Triều Tiên gồm chánh sứ trạng nguyên Hồng Khải Hy và hai phó sứ tiến sĩ Triệu Vinh Kiến,  Lý Huy Trung, những người này vô cùng khâm phục khi đọc sách và thơ của Lê Quý Đôn.

 

Trên đường về nước, Lê Quý Đôn lại gặp gỡ, trao đổi với tổng đốc Quảng Tây Chu Bội Liên, viên tổng đốc hỏi: Cớ sao các phủ, huyện (ở Đại Việt) lại không xây thành quách?

 

Lê Quý Đôn liền trả lời: Nước nhỏ và nước lớn không giống nhau. Nay quý quốc thi hành chính sách hữu hảo, việc bang giao bình thường, hai nước như một nhà, không có gì đáng lo ngại. Nhưng trước đây như thời Tống, Nguyên, Minh chả hạn, gặp lúc bọn biên thần tham nhũng, tìm điều bịa đặt, gây ra chuyện hận thù, can qua binh lửa nổi lên. Nếu chúng tôi tụ họp trong một ngôi thành như vậy có khác gì tự mình ngồi để cho kẻ khác vây bọc. Kế đó không phải kế hay. Chúng tôi cho rằng trăm họ đều là quân lính, thôn xóm đều là kho tàng, ở lẻ ra nhiều nơi có muốn đánh cũng không biết đánh ở đâu là chính, có muốn cướp cũng không biết cướp ở đâu là nhiều. Nhân đó chúng tôi tìm chỗ kẻ địch sơ hở, kỳ binh, phục binh mà chặn đánh lại, ngõ hầu mới bảo vệ được đất nước yên lành.

 

Chu Bội Liên lại nêu thắc mắc về ghi chép của Cao Hùng Trưng, tác giả sách An Nam chí: Nước Nam từ khi được Giải Tấn dạy bảo mới biết xu hướng về việc học, nên họ gọi Giải Tấn là Giải phu tử?

 

Lê Quý Đôn trả lời: Giải Tấn nhà Minh vì trái ý thánh tổ phải truất chức và cho làm tham nghị Giao Chỉ, không đầy một năm phải triệu về… thì làm gì có thời gian mà “dạy bảo”?

 

Sau đó, Lê Quý Đôn đưa cho Chu Bội Liên xem sách Trích diễm thi tập - tuyển tập thơ thời Lý - Trần do Hoàng Đức Lương biên soạn, Chu Bội Liên hiểu rằng từ thời Lý - Trần nước ta đã có nhiều văn học, thi chương, không phải từ Giải Tấn (thời nhà Minh) người nước ta mới biết văn học.

 

Lê Quý Đôn cũng đưa cho Chu Bội Liên xem hai tác phẩm Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm do ông biên soạn. Sau khi xem xong, Chu Bội Liên nói: Lê lão gia thực là đệ nhất nhân vật của quý quốc.

 

Đoàn sứ bộ của Lê Quý Đôn đi từ tháng Giêng năm Canh Thìn (1760) mãi đến tháng Chạp năm Tân Tỵ (1761) mới về đến Quảng Tây. Theo quy định, trước khi qua cửa ải, các đoàn sứ bộ đều phải qua phủ lỵ Nam Ninh làm các thủ tục. Trong cuộc gặp gỡ, thấy các thuộc lại nhà Thanh thường dùng chữ “di quan” (nghĩa là “quan mọi rợ”) để xưng hô và viết công văn với sứ bộ nước ta, Lê Quý Đôn được giao thay mặt đoàn thảo văn thư gửi cho phủ đường nhà Thanh đề nghị hủy bỏ chữ “di” rồi đưa đến phủ đường. Bố chính Quảng Tây Diệp Tồn Nhân thoái thác, cho là do “thói quen”. Lê Quý Đôn kiên trì đấu tranh và yêu cầu không chỉ bỏ trong cách xưng hô mà còn phải bỏ cả khi viết trên công văn giấy tờ, lại yêu cầu phủ tổng đốc phải có văn thư gửi cho các cấp thuộc hạ thực hiện… Cuối cùng thì tổng đốc Quảng Tây phải chấp nhận, viết công văn gửi cho các thuộc lại không được xưng hô và viết trong công văn giấy tờ chữ “di quan” đối với các đoàn sứ bộ Đại Việt. Từ đấy, sứ thần Đại Việt được gọi là “An Nam cống sứ”.

 

(Còn nữa)

Phạm Minh Đức

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa