Thứ 6, 26/07/2024, 18:21[GMT+7]

Kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 2/8/2016) Những đóng góp của Lê Quý Ðôn vào việc nâng cao vị thế đất nước và khẳng định chủ quyền quốc gia

Thứ 4, 27/07/2016 | 08:22:21
4,304 lượt xem
Đọc sử sách của người xưa để lại, việc đề cao vị thế của đất nước, của dân tộc luôn được các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt quan tâm, không chỉ các sứ thần Đại Việt ra ngoài nước mà ngay cả ở trong nước cũng được sắp xếp để các sứ thần Trung Hoa thấy được thế nước của ta. Thời tiền Lê, khi Lý Giác (nhà Tống) sang nước ta, vua Lê Đại Hành cử Thiền sư Đỗ Pháp Thuận làm giang sứ đưa đón, Lý Giác rất thích nói chuyện văn thơ, nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui,

Bức đại tự Lẫm Lẫm Anh Phong do triều đình hậu Lê ban tặng. Ảnh: Lê Quang

 

Vào thời Trần, sau khi bị quân dân Đại Việt đánh bại, nhà Nguyên cử Trần Cương Trung sang nước ta. Trước khí thế hừng hực chiến thắng của quân dân Đại Việt, khi về nước, Trần Cương Trung có bài thơ “Sứ hoàn cảm sự” (Cảm tưởng sau khi đi sứ trở về). trong đó có câu:

 

“Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng

Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa

Được sống trở về mừng vẫn khỏe

Còn ghê khí độc giặc nam kha”.

 

Lịch sử quan hệ bang giao giữa nước ta và Trung Hoa đã có hàng nghìn năm. Thời phong kiến, phương châm hành xử của các sứ thần nước ta được gói gọn trong một câu ngắn gọn: “Toàn quân mệnh, tráng quốc uy” (nghĩa là: Làm tròn mệnh vua, làm tăng thế nước). Lê Quý Đôn đã làm được điều đó và cũng không chỉ làm tăng thế nước trong một chuyến đi mà trong cả cuộc đời mình, Lê Quý Đôn luôn tự hào và ca ngợi truyền thống văn hiến của dân tộc, ca ngợi hai triều Lý - Trần: “Nước Nam ta hai triều đại nhà Lý, nhà Trần có tiếng là văn hiến”.

 

Lê Quý Đôn mất năm 1784, cách ngày nay hơn 230 năm nhưng những trước tác của ông để lại đã giúp ích nhiều cho đời. Với thói quen đi đến đâu, thấy việc gì ông cũng suy ngẫm và ghi chép lại, trong chuyến công cán vào đàng trong, vào Thuận Hóa (nay là các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa), ông đã viết về vùng đất này, lấy tên sách là Phủ biên tạp lục. Những ghi chép trong sách đã góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông.

 

Trong quyển II, khi nói về hình thế núi sông xứ Thuận Hóa, ông viết:

 

“Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có nước ngọt, trong đảo có bãi cát vàng, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ để khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bên bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt”.

 

Sau khi miêu tả đảo Hoàng Sa, Lê Quý Đôn nói về tổ chức quản lý, khai thác đảo của chúa Nguyễn ở đàng trong. Theo ông: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên cứ mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày, 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn... Cỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về...”.

 

Ngoài đội Hoàng Sa còn có đội Bắc Hải có nhiệm vụ tuần phòng, khai thác ở các đảo phía Nam Hoàng Sa… tận đến Hà Tiên. Lê Quý Đôn viết tiếp: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của các tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản”.

 

 

Hồ Lê Quý (thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà) - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Quang Viện.

 

Người Trung Quốc khi đó đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Đại Việt. Lê Quý Đôn đã viết: “Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: Năm Kiến Long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh, đội Cát Liêm, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam, ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, dạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán, Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thức trọng hầu làm thư trả lời”.

 

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn (cách ngày nay gần 300 năm) thì từ trước khi Lê Quý Đôn vào Thuận Hóa, chúa Nguyễn ở đàng trong đã cho người ra quản lý, khai thác ở đảo Hoàng Sa và các đảo ở phía Nam.

 

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cùng với nhiều nguồn thư tịch khác là những cứ liệu khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông.

 

Nhân kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, xin viết đôi điều về ông, về những đóng góp to lớn của ông cho dân tộc, cho đất nước.

 

Phạm Minh Đức

(Thành phố Thái Bình)

 

Bài viết tham khảo các sách:

- Lê Quý Đôn của Bùi Hạnh Cẩn - Nhà xuất bản Văn hóa - Hà Nội 1985.       

- Lê Quý Đôn toàn tập - tập I - Phủ biên tạp lục - Nhà xuất bản KHXH 1977.

  • Từ khóa