Thứ 6, 09/05/2025, 11:26[GMT+7]

Kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 2/8/2016) Lê Quý Ðôn bàn và thực thi sách lược trị nước

Thứ 5, 28/07/2016 | 16:31:25
5,685 lượt xem
Lê Quý Ðôn thi đỗ Bảng nhãn năm Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) khi mới 27 tuổi. Thời ấy, khi vào thi Ðình, các sĩ tử bắt buộc phải làm bài thi văn sách, phải bàn về phép trị nước. Mặc dù mới 27 tuổi song Lê Quý Ðôn đã tỏ rõ sự am tường chính trị, xã hội sâu sắc.

Một bức họa về danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn trưng bày tại Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Cường.

 

Sách lược trị nước được ông trình bày khá rõ ràng, dựa trên 41 câu hỏi do vua đề ra, được khái quát bằng ba việc lớn:

 

Phải làm sao thấu suốt được đời sống của nhân dân, thế nước luôn mạnh, làm cho xã tắc muôn đời giữ được nghiệp đế. Đó là cái gốc. Theo ông: “Cái gốc lớn của thiên hạ ở chỗ tình người ly hay hợp. Nếu tình người đã ly tán thì tình thân trong một gia đình cũng không thể gò ép được. Sự đồng tình trong một khối thì dù sự xa nhau trong bốn bể cũng chẳng dễ gì lung lay được. Cho nên, bậc thánh nhân nắm vững lòng người, làm cho cái nghĩa khắp thiên hạ liên lạc thân cận với nhau, có thể bỏ hết cái thói tranh giành ngỗ ngược, thiên hạ là một nhà, cả nước là một người”.

 

Đất nước rộng bao la, sinh dân như muôn cây hợp lại thành rừng, muôn họ đông đúc, người giỏi cai trị hẳn có kỷ cương, pháp độ quán xuyến chỉnh tề khiến ai nấy phải tuân theo lẽ phải, không sinh ra thói ngỗ ngược chống đối. Đạo trị thiên hạ của bậc minh quân là chế định phép nước, chỉ huy quyền hạn của bách quan, phương hướng bảo hộ muôn dân, xử lý sao cho quân bình là điều cực kỳ to lớn..., làm cho trên dưới, bốn bề đều quân bình ngay thẳng, người người đều đúng vị trí, trách nhiệm của mình thì thiên hạ sẽ yên bình.

 

Cùng với “pháp trị”, Lê Quý Đôn cũng chủ trương cả “đức trị”. Ông viết: “Khi mà nhân nghĩa là cơ sở lãnh đạo dân chúng thì đó là đầu mối của ông vua mở ra cái công đức của một thời”.

 

Coi việc sửa sang nền trị giáo, chăm lo đến quân đội, tìm kẻ sĩ tài năng làm trọng, có thể nói, công việc ấy là hàng đầu, đặc biệt khẩn cấp. Ông nhấn mạnh: “Những quan lại tài giỏi, mưu trí, những người có tên tuổi về văn chương, học thuật, các bậc vương giả các thời đều quý trọng họ”.

 

Sau khi nêu những việc lớn trong phép trị nước, Lê Quý Đôn chứng minh việc thành bại trong lịch sử dựng nước ở Trung Hoa và Việt Nam qua các thời kỳ.

 

Ông viết: “Nước Việt ta các triều đại chính thống kế thừa nhau, duy trì được vương nghiệp, nhà nào có chế độ của nhà ấy song cái công năng của việc trị nước thì có giỏi, có kém, niên đại có lâu, có chóng... Cùng với các triều Tống, Nguyên phương Bắc, các triều Đinh, Lý, Trần nước Việt ta đều làm đế một phương: vua Đinh Tiên Hoàng dựng nước ở Hoa Lư, lập niên hiệu; Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long - nơi trung tâm để cai trị; vua Trần Thái Tông lên ngôi - đó là ba triều đại chính thống kế tiếp nhau trị nước.

 

 

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Nguyễn Dũng.

 

Nhà Đinh chế định các nghi chế văn võ, có tên gọi của Thập đạo quân, các ban đều có tước phẩm, trang phục có quy định màu sắc.

 

Thời Lý từ Long Trị trở đi có chiếu khuyến nông, thời Chương Thánh có định hạn ngạch cho các quân sĩ, thời Thái Ninh có quy chế rõ ràng về thi cử, học tập. Thành tích kiến lập quy mô có thể thấy rõ.

 

Nhà Trần năm Kiến Trung thường làm theo thời Lý. Năm Nguyên Phong có định bậc trong phép thi cử, dựng Bình doãn đường để xử các vụ kiện, giam ngục. Đặt Bình bạc ty để giữ bốn thành, tu sửa các điển chương, mặt nào cũng có đầy đủ để duy trì được vương nghiệp, không nhà nào không có chế độ của nhà nấy.

 

Song nhà Lý thì trong nước cường thịnh, tứ Di đều thuận theo. Nhà Trần thì lòng dân mừng vui yêu mến, trăm họ giàu có. Sự cường thịnh của nước Nam chưa có thời nào vượt được. Nhà Đinh thì quân Chiêm Thành quấy nhiễu phương Nam, quân Tống lăm le xâm lược phía Bắc, sao không suy yếu được? Nhà Lý truyền được tám đời, cộng 214 năm, nhà Trần truyền được 20 niên hiệu, cộng 175 năm, nhà Đinh chỉ truyền được hai đời, có 12 năm. Sao lại ngắn vậy? Đấy há do khí vận không bằng nhau ư?

 

Vấn đề là nhà Đinh khi mới dựng nước, chính thống đang được mở mang, sự quyến cố của mệnh trời có chừng ấy, sự mến mộ của lòng dân mới đang được gây dựng. Hai triều Lý, Trần được thừa hưởng thành quả đã đạt được ở triều Đinh. Các triều đại ấy chính về lễ nghĩa, nền phong hóa của dân chúng thuần hậu. Danh phận của mỗi người được nghiêm cách, quốc pháp sáng rõ, coi trọng và có quân đội ở kinh sư, không để xảy ra phản loạn. Phong các tôn tử ở các lộ, không có cái lo làm lung lay gốc. Chọn kẻ sĩ phải qua thi cử, nhân tài đều được bổ nhiệm, cất nhắc, phân chia văn quan và võ quan được nắm quyền hành nhất định để đề phòng tứ Di mà không xem thường việc gây ra việc binh đao.

 

Lấy pháp lệnh mà ràng buộc các tướng thần, không để họ chuyên vào việc binh chính. Quy mô dựng nước của thời đại Lý, Trần được như thế là do đạt được một nền an ninh cao độ. Còn như nhà Đinh thì cùng lập 5 hậu phi mà đạo tường có nhiều sai sót, trường học chưa xây dựng, buông xuôi việc giáo dục, quan Thập đạo quyền lớn hơn cả các đại thần, tối tăm trong phương pháp ứng xử khi thường cũng như khi biến. Đắm say trong quần áo sang trọng, coi nhẹ sự răn đe, phòng ngừa những thói tệ xấu đến nỗi ở chốn nghiêm cẩn cũng xảy ra những chuyện đấu đá làm cho lòng kẻ gian có chỗ nhòm ngó... Lại quá nghiêm khắc về hình ngục làm cho lòng người lìa tan, khó mà bó bện lại. Thế thì giữ sao cho đất nước ở ngôi lâu dài được. Cho nên, việc trị nước có giỏi, có kém, niên đại có lâu, có chóng khác nhau là do ở nơi thực hành có được, có mất không giống nhau vậy”.

 

(Còn nữa)

Minh Đức

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa