Thứ 5, 22/05/2025, 11:46[GMT+7]

Kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 2/8/2016) Lê Quý Ðôn bàn và thực thi sách lược trị nước

Thứ 6, 29/07/2016 | 09:41:22
1,474 lượt xem

Học sinh, sinh viên tìm hiểu một số trước tác của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và tác phẩm viết về ông tại Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Cường.

 

(Tiếp theo và hết)

 

Từ thực tế đất nước và tình hình xã hội lúc ấy, Lê Quý Đôn đã trình bày kế sách: Đạo trị nước là công sức chung của mọi người, phải lấy đạo trung chính làm trung tâm, lấy sự công bằng làm phép tắc, ngăn chặn cửa ngõ của sự cong queo, mở ra con đường thẳng ngay cho mọi người. Người ở trên cao phải gương mẫu, “trên thế nào thì dưới thế vậy, hình ngay thì bóng mới thẳng, bên trên là nguồn nước, bên dưới là dòng chảy, nguồn trong thì nước sạch”. Coi trọng sự tuyển lựa quan lại, chọn người thanh liêm, cần kiệm, công bằng. Những con người khảng khái, dám lãnh trách nhiệm, coi việc nước là việc nhà. Việc tiến cử, tuyển chọn phải có phép tắc khiến cho bọn quan lại yếu kém rõ ra là một cỗ xe vô tích sự. Đình chỉ việc tuyển chọn những kẻ tham lam tiền của..., ngăn chặn con đường tắt của tệ chạy chọt, bôn xu... Cái gốc chính đã thẳng thì phong tục tự sẽ thuần hậu, ai nấy nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp. Triều đình ngay thẳng thì đất nước thịnh trị.

 

Việc trị nước từ xưa kỷ cương phải luôn được nêu cao, luật pháp phải được ban bố rõ ràng, việc truyền đạt luật pháp, kỷ cương phải thật kỹ càng, thật đầy đủ. Người làm quan phải nói được, làm được. Bên trong thì bách quan phải tuân thủ, bên ngoài phải chấp hành nghiêm chỉnh, không được phạm sai sót nhỏ để dễ thành thói quen trái lệnh.

 

Tập hợp vỗ về dân chúng, tô, thuế phải quy định tỷ lệ răn đe sự hà lạm. Người vâng mệnh thu thuế trước hết là thu thuế, sau là nuôi dưỡng con em, nuôi dưỡng nhân dân. Làm chính trị ắt là phải lấy lòng khoan dung làm gốc song khoan dung quá trở nên phóng túng vốn là không thể được. Nghiêm khắc quá hóa ra hà khắc, cũng không thể được, chỉ khoan dung với người lương thiện còn nghiêm khắc với kẻ tàn bạo. Phàm thi hành một chính sách, một pháp lệnh phải có ý thức thành thực cảm hóa lòng tin của quần chúng, không lấy văn chương sáo rỗng để lừa dối họ. Thi hành hình luật phải đúng tội, không theo ý cá nhân mà bẻ queo sự thật.

 

Bài văn sách thi Đình của Lê Quý Đôn còn đề cập đến những thói tệ của xã hội đương thời, những việc phải làm để xóa bỏ những thói tệ đó. Kết thúc bài văn sách, Lê Quý Đôn viết: “Kẻ bề tôi ngu muội này chưa giữ một chức vụ nào nhưng tự coi mình đang giữ chức trách của cơ quan... để trình bày những điều trên vì lòng mong ước đời sống của nhân dân ngày thêm phong phú, quốc thể ngày luôn cường thịnh”.

 

Lê Quý Đôn khi thi Đình mới có 27 tuổi, sự hiểu biết của ông về chính trị và xã hội cũng là bài học cho thế hệ trẻ ngày nay.

 

Sau khi thi đỗ và ra làm quan, Lê Quý Đôn có ham muốn làm sao cho nước giàu, dân mạnh. Theo ông:  “Gốc của nước là ở dân, mệnh vận của vua cũng là ở dân. Có thể triều đình có kẻ toan lũng đoạn chiếm đoạt, ngoài bờ cõi có kẻ toan xâm lấn, gây rối, như vậy cũng chưa đáng lo lắm.Nhưng nếu một khi lòng dân đã xao động, oán thán thì sẽ nảy ra mầm mống cái đáng sợ hãi ngay từ bên trong”. Lê Quý Đôn còn lấy dẫn chứng trong lịch sử “về những cuộc bạo loạn bên trong” và chỉ rõ nguyên nhân của những cuộc bạo loạn ấy “chủ yếu là do mất mùa, đói kém cộng thêm quan lại tham nhũng nên lòng dân chán nản đi theo bọn bạo loạn chống lại triều đình”.

Lê Quý Đôn cho rằng: “Người cầm cân nảy mực ở trong triều, ngoài trấn phải thấy rằng, không thấu hiểu nhân tình, không chăm lo sức dân thì không thể bàn việc chính trị được. Vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan, việc nước không hiểu, tình dân không hay thì làm sao quốc trị, thiên hạ bình trị được. Muốn cho dân tâm ổn định, trước hết phải “khoan sức cho dân”.

 

Mặc dù biết Lê Quý Đôn có tài, quý trọng ông nhưng chúa Trịnh chẳng bao giờ giao cho ông một chức vụ đủ quan trọng để thi thố tài năng, để thực hiện những điều ông đã nghĩ, đã viết. Năm 1776, Lê Quý Đôn được cử vào Thuận Hóa giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ. Sáu tháng ở Thuận Hóa, ông đã thực thi chính sách thân dân của mình. Ông viết: “Bấy giờ quân dân ở lẫn với nhau, quân đội cậy thế cướp bóc, dỡ trại quân để làm củi, đặt đồn để chuyên khám xét, bắt bớ; tiền kẽm không tiêu, thóc gạo vọt đắt, dân nấu muối bỏ nghề; cựu quan cùng thổ dân tranh nhau ruộng đất mà sinh kiện cáo; quan dân ăn mặc lạ kiểu; kẻ khỏe thì to mồm, kẻ yếu thì uất ức. Tôi cùng đồng liêu bàn tính công việc khu xử, mới tạm đặt đề lại, định lệ kiện, cấm quan đồn xét kiện, việc nào huyện xét, việc nào trấn xét đều có quy chế. Sức cho tướng hiệu cấm quân lính không được ức hiếp, cướp bóc, không được sai quân đến núi Hòn Chén ở thượng lưu để hái củi, cắt cỏ, không được tự tiện vào nhà dân; cho dân gian tiêu tiền kẽm, cứ ba đồng ăn một đồng (tiền đồng); cho nguồn Cam Lộ chở thóc đến, bỏ các sở thuế tuần, thuế đò, thuế chợ rườm rà, ngoài ra xã dân nào xin ngồi thu thì cấp giấy cho, hoặc thu theo lệ hoặc thu giảm phần đều theo sở nguyện; gọi các thôn phường nấu muối, cấp bằng cho mở nấu, thuận tình mà bổ thuế; những chức sắc nhà Nguyễn cho trước đều theo cũ, quan lại, quân dân cho chiếu lệ cũ mà quân cấp ruộng với nhau; tuyên bố những điều hiểu thị, định lại hạn cầm ruộng, chuộc ruộng cho khỏi kiện nhau...”.

 

Những chính sách mà Lê Quý Đôn cho thực hiện - như ông viết: “...chỉ mong sao vỗ về trăm họ, yên tập một phương”. Lê Quý Đôn cho rằng, “trị dân bằng vô sự, không sinh việc cũng không bỏ việc thì dân tự cho là tiện; dân đã lấy làm tiện thì cũng là vô sự”.

 

Nhờ dân yên mà Lê Quý Đôn “được nhẹ áo, lỏng đai, tiêu dao ở khoảng Hà Khê, Thiên Mụ...”; “Đi dạo núi sông, hỏi di tích, xét xem lệ cũ, tìm kiếm nhân tài, tùy bút chép ra thành quyển, gọi tên là Phủ biên tạp lục”.

 

Lê Quý Đôn khiêm tốn cho rằng Phủ biên tạp lục “chỉ là vết mỏng chim hồng, tạm ghi nhớ việc bấy giờ”...nhưng ông cũng viết: “Các bậc quân tử tại triều, có xét sự tích cõi Nam, muốn không ra khỏi sân mà biết việc ngoài nghìn dặm thì tập sách này có thể xem qua một lượt”.

 

Sáu tháng ở Thuận Quảng, với trách nhiệm được giao, Lê Quý Đôn đã cho thực hiện một số cải cách để yên dân, để đưa Thuận Quảng trở về đàng ngoài, lại viết sách Phủ biên tạp lục. Cống hiến của ông cho đất nước, cho dân tộc là rất to lớn. Chỉ có ông, chỉ có bộ óc của một nhà bác học như ông mới làm được như thế. Ông không chỉ góp lời bàn mà thực thi việc trị nước, yên dân. Hai việc nói và làm ở ông đều trọn vẹn.

 

Những lời bàn về kế sách trị nước và những chính sách mà Lê Quý Đôn đã thực thi trên vùng đất Thuận Hóa trong những tháng ông trị nhậm ở đây đã trải qua gần 300 năm nay vẫn còn nguyên giá trị, là bài học cho các thế hệ sau.

 

Minh Đức

(Thành phố Thái Bình)

Bài viết dựa trên những tư liệu trong tập “Lịch đại sách lược” khắc in năm Gia Long thứ 13 (1814) do nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tiến Đoàn sưu tầm, dịch thuật (hiện lưu giữ tại Thư viện tỉnh).

  • Từ khóa