Kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 2/8/2016) Tiếng chuông vẳng cõi tâm hồn
Cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình, chùa thôn Phúc Lộc (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy).
Trong chuyến điền dã mới đây, tôi được các cụ cao niên ở thôn Phúc Lộc kể cho nghe về bài văn khắc trên chuông đồng ở chùa Phúc Khánh do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn. Theo lời kể, tôi tìm đến chùa Phúc Khánh để được tận mắt chiêm ngưỡng bài văn. Chuông vẫn được treo trong chùa nhưng từ lâu chuông được coi là bảo vật vô cùng quý giá nên nhà sư trụ trì không muốn cho ai chiêm ngưỡng và tuyệt đối không ai được gõ chuông. Cách ngày nay 263 năm, chuông chùa Phúc Khánh được đúc lại, không phải chuông cũ không có tiếng, nó vẫn có tiếng nhưng tiếng không vang, người dân và các tín đồ Phật tử gom góp tiền vàng đúc lại chuông và mời Thị thư Hàn lâm viện Lê Quý Đôn viết bài văn khắc trên chuông. Mặc dù bận rộn với công việc chốn quan trường nhưng Lê Quý Đôn vẫn dành thời gian hạ bút viết nên những áng hùng văn lay động lòng người. Năm ấy, ông 28 tuổi.
Làng quê Phúc Lộc.
Bài văn được viết bằng chữ Hán Nôm, dài 639 chữ kèm bài minh dài 96 chữ. Với sự trợ giúp của dịch giả Đào Hồng, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tồn (Bảo tàng tỉnh), tôi có dịp tiếp cận tinh thần bất hủ của áng văn cổ. Mở đầu bài văn, Lê Quý Đôn viết: "Ta thường đọc Kinh Lăng Nghiêm, có nói rằng: Cái thể của chân giáo phương này thanh tịnh, chính ở âm thanh nghe được, muốn có được Tam Ma Đề (Thiền định nhất tâm, sáng suốt) ắt phải bằng con đường nghe thấy. Ta chợt giác ngộ mà than rằng: Chí lý thay! Nghe được điều huyền diệu ấy trong tai. Tuy ở trong lục trần mà muốn giác ngộ pháp môn, tất phải qua đôi tai làm sáng tỏ tam muội…". Bài văn được khắc lên chuông, chuông được đúc lại tại chùa, chùa được xây dựng năm 1701 theo lối chữ Đinh, có chùa trong và chùa ngoài, thờ Phật. Chuông chùa được đúc lại ngày 16 tháng 5 năm Quý Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753). Chuông nặng bốn tạ, cao 1,8m, đường kính 1,6m. Bài văn khắc trên chuông của Lê Quý Đôn có nhan đề: Đúc lại chuông chùa Phúc Khánh. Lời văn dung dị mà khúc triết, toát lên triết lý nhân văn sâu sắc. Thông qua việc đúc lại chuông, ngẫm thế sự đổi thay để mỗi người khi đến chùa, trước cửa từ bi hãy nhìn lại mình mà tự chỉnh mình. Ông viết: "Phàm là nhất động, nhất tĩnh, nhất thanh, nhất âm đều có thể dấy lên, có được cơ duyên mà trở thành cảnh trí bình thường. Vậy nên đức Phật ta mở mang đại pháp, tuyên giáng từ bi…". Bài văn cũng mô tả cảnh vật, địa giới vùng đất Phúc Lộc, chứng tỏ ông đã đến vãn cảnh ngôi chùa lấy cảm hứng mà viết: "Phía Đông Nam của làng ta có huyện gọi là Đông Quan, có xã tên là Phúc Lộc. Xã có chùa, chùa có chuông vốn do bọn viên mục điện tiền trong ấp là Bùi Văn Phụng đã quyên góp tiền của đúc ra. Đến năm Canh Thân bị cướp phá nên chuông đã hỏng". Ông cũng tự thuật trong bài: "Bọn kỳ mục trong làng đến xin ta viết văn ghi lại. Ta nhận lời nói rằng: Đây quả thực là việc thiện vậy". 28 tuổi đã là đại quan trong triều nhưng Lê Quý Đôn với lối sống theo triết lý người xưa "Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu tự phẩm cao", ông chỉ thích đọc và viết sách. Hình bộ thượng thư Trần Danh Lâm, người bạn thân thiết cùng triều của ông đã từng viết: "Lê Quế Đường người huyện Diên Hà, không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết thành sách, sách chứa đầy bàn, đầy tủ, kể ra khó xiết". Quả đúng như nhận xét của Hình bộ thượng thư, mọi việc Lê Quý Đôn đều suy xét đến cùng, ông viết về chuông chùa Phúc Khánh mới được đúc lại mà như đang tâm giao với người dân Phúc Lộc rằng: "Quả chuông này lúc trước bị hỏng mà không có tiếng, nhưng chẳng phải phải thật không có tiếng đâu, cái tính vốn sẵn của nó vẫn còn. Nay đúc lại mà có tiếng, chẳng phải bỗng nhiên có tiếng, cũng là do cái tính vốn sẵn của nó còn đó. Cái bản nguyên của tiếng chuông hòa vào vũ trụ, ngụ ở hình khí, theo hư không mà có, theo hư không mà không, chưa bao giờ có, chưa bao giờ không. Con người dựa vào âm thanh mà phát mở nhĩ căn, tùy duyên tu tập, hiểu được tính nhân, làm cho thân tâm thanh tịnh, bỗng thoát khỏi cõi trần nhơ bẩn, vượt lên ra khỏi cõi không mà giác ngộ được chính giác cao nhất. Còn như mong mỏi phúc điền ích lợi, khoa trương công đức viên thành thì đó là thứ mà ta biết vậy".
Nét chữ khắc trên chuông.
Sinh thời, người đời thán phục sự uyên bác của Lê Quý Đôn nên đã tặng ông câu: "Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn". Quả là như vậy. Bài văn ông viết khắc trên chuông triết lý sâu xa, văn từ lắng đọng: "Từ khi đắc đạo ở Song Lâm (Hai cây Sala ở khu rừng mà đức thế tôn nhập diệt ở giữa hai cây Sala) thì ý nghĩa sâu xa của đạo pháp được ghi lại trong kinh sách, do vậy mà tiếng sóng Phạm âm (giọng nói, âm thanh của bậc Đại phạm Thiên vương), không phải kẻ tầm thường có thể nghe được. Điều nghe thấy được thể hiện ra ắt phải nhờ vào pháp khí, tức quả chuông này vậy. Nay xem quả chuông lớn thể tròn, hình cứng, đánh lên thì thông suốt trần gian, cảm động tới cả cõi người, cõi trời, giúp người ta dứt bỏ ý nghĩ sai lầm và mở rộng tầm mắt cho con người. Tai nghe được tiếng này, há chẳng sợ hãi mà nghĩ đến điều thiện".
Thật là may mắn cho quê ta vẫn còn giữ được nguyên vẹn bài văn khắc trên chuông do Thị thư Hàn lâm viện Lê Quý Đôn biên soạn. Trong lịch sử văn hiến Việt Nam, ông là học giả kiệt xuất, một nhà khoa học vĩ đại có công lao to lớn đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc, làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, trong đó có bài văn khắc trên chuông này.
Ông Lê Xuân Nhiễu, trưởng ban khánh tiết chùa Phúc Khánh Đây là niềm tự hào của địa phương chúng tôi. Phải chăng mảnh đất Phúc Lộc từ xa xưa đã đẹp và trù phú. Hạnh phúc biết bao khi một đại quan triều đình hạ bút viết văn khắc lên chuông chùa của làng quê tôi. Chúng tôi coi bài văn của Lê Quý Đôn là viên ngọc quý ngời lên vẻ đẹp diệu kỳ. Ông Bùi Trắc Côn, 82 tuổi, người dân thôn Phúc Lộc Chùa Phúc Khánh có chuông, chuông được khắc bài văn do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn thật là diễm phúc lớn đối với bao thế hệ người dân chúng tôi. Chúng tôi vô cùng tự hào, nâng niu, trân trọng. Ông Lê Hữu Tiến, cán bộ hưu trí thôn Phúc Lộc Tây Di tích lịch sử văn hóa chùa Phúc Khánh chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà đỉnh cao là bài văn của nhà bác học Lê Quý Đôn. Mỗi khi chùa vang tiếng chuông, làng quê chúng tôi thêm ấm áp. Bài văn như lời tri ân công lao to lớn của nhà bác học vĩ đại với quê hương, với người dân chúng tôi. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Hội Nhà báo Việt Nam - Hành trình “Về nguồn” 20.04.2025 | 17:10 PM
- Khai mạc lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2025 09.03.2025 | 18:18 PM
- Gần 350 vận động viên nữ tham gia hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần 14.02.2025 | 17:30 PM
- Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội đền Trần 13.02.2025 | 15:57 PM
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
Xem tin theo ngày
-
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ
- Ra quân tuần tra kiểm soát vũ trang, phòng chống tội phạm
- Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh: Ban hành 2 Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
- Quyết liệt xử lý các tồn tại để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chậm tiến độ
- Thống nhất chủ trương tiếp nhận Dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J tại khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải
- Thường trực HĐND tỉnh thống nhất thông qua kết quả thẩm tra các nội dung trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các anh hùng liệt sĩ
- Triển khai cuộc giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Kết luận số 44-KL/TW và Kế hoạch số 123-KH/TU