Thứ 4, 14/05/2025, 14:17[GMT+7]

Danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn: Ham học lưu truyền đến muôn đời

Thứ 2, 01/08/2016 | 08:58:58
14,962 lượt xem
Trở về với nền văn hiến thế kỷ XVIII, những người con quê lúa Thái Bình có thể tự hào về một nhà đại trí thức trong suốt chiều dài chế độ phong kiến Việt Nam. Ham hiểu biết, thích sưu tầm, ưa khám phá, lại có một trí nhớ siêu việt... đó là những tố chất để ông trở thành một vị danh nhân, được mệnh danh là “túi khôn của thời đại”. Ông là danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn.

Tủ sách Lê Quý Đôn tại từ đường dòng họ thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

 

Tài trí hơn người

 

Danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn, tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Lê Quý Ðôn nổi tiếng thông minh, ham học hỏi từ nhỏ, có trí nhớ rất tốt, có tài đối đáp trôi chảy. Bởi vậy mà người đương thời coi ông là thần đồng.

 

Những năm tháng tuổi ấu thơ của Lê Quý Ðôn, với tư chất hơn người, tới nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại. Trong số ấy, không thể không nhắc tới bài thơ nôm “Rắn đầu biếng học” mà ông ứng biến khi Quan Thượng đến thăm nhà. Quan Thượng thấy ông thông minh nên muốn ông phải ứng khẩu một bài thơ. Khi Lê Quý Ðôn xin đề bài thì Quan Thượng nói rằng: “Phụ thân cậu đã bảo cậu rắn đầu, rắn cổ, vậy cậu cứ lấy đó làm đề bài”. Sau một thoáng suy ngẫm, Lê Quý Ðôn đã đọc bài thơ với ngụ ý tự trách mình nhưng đã khiến cho Quan Thượng phải thán phục, và khen: “quả là thần đồng”. Bài thơ ấy đến nay vẫn lưu danh trong sử sách:

 

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà,

Rắn đầu biếng học lẽ không tha.

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,

Nay thét mai gầm rát cổ cha.

Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,

Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.

Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

 

Bởi gia đình có truyền thống hiếu học, lại là con của tiến sĩ Lê Trọng Thứ nên năm 14 tuổi, Lê Quý Ðôn đã theo cha lên kinh đô Thăng Long theo học thầy là tiến sĩ Lê Hữu Kiều. Nhờ trí tuệ uyên thâm mà 17 tuổi ông đã thi Hương đỗ đầu; 27 tuổi thi Hội đỗ đầu; thi Ðình đỗ Bảng nhãn. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, Lê Quý Ðôn dấn thân vào thế sự bể dâu, đắm mình trong thực tiễn cuộc sống. Di sản văn hóa tinh thần ông để lại là cả một bách khoa toàn thư, với hơn 50 bộ sách, gồm hàng trăm quyển ở nhiều lĩnh vực. Thấm nhuần tư tưởng nho gia, ông hành sự giúp đời, giúp người, là hiện thân, biểu tượng sống động của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa học và hành. Bởi vậy, trong lời đề tựa cho sách “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Ðôn, Tiến sĩ Bùi Danh Lâm đã viết: “Lê Quế Ðường người huyện Diên Hà không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách...”. Lịch sử coi Lê Quý Ðôn là cây đại thụ thế kỷ XVIII, là nhà đại trí thức trong suốt chiều dài chế độ phong kiến Việt Nam.

 

Trao truyền tiếp nối

 

Về từ đường dòng họ Lê, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà - quê hương của danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn, có lẽ, điều ấn tượng với bất cứ du khách thập phương nào đều là tủ sách của dòng họ. Hàng nghìn cuốn sách với nhiều thể loại phong phú được sắp xếp ngay ngắn, cẩn thận trong những ngăn tủ gọn gàng. Ðó là những cuốn sách đến từ các nhà xuất bản trong và ngoài nước, không chỉ phục vụ cho con em trong dòng họ mà còn là thư viện tại nhà của nhiều bà con trong vùng. Ðây cũng là cách mà dòng họ Lê giáo dục các thế hệ con cháu tiếp nối truyền thống hiếu học để trở thành những người có ích cho xã hội.

 

Là người thường xuyên gắn bó với tủ sách của dòng họ đã từ nhiều năm nay, ông Lê Quý Tự, hậu duệ đời thứ 8 của danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn chia sẻ: Tủ sách đón tiếp nhiều bạn đọc nhất là vào dịp cuối tuần. Từ ngày có tủ sách dòng họ, điều đáng mừng là không chỉ các con các cháu trong dòng họ Lê mà cả các em học sinh trong vùng cũng đều chăm chỉ tới mượn sách để phục vụ nhu cầu học tập nhiều hơn, ra sức phấn đấu noi gương danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn. Nhân dân và du khách thập phương, khi muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời danh nhân văn hóa họ Lê cũng đều tìm đến với tủ sách của dòng họ.

 

Ðến đọc sách, mọi người đều có ý thức giữ gìn “vốn liếng” chung. Bởi, một phần nguồn sách của dòng họ được trích từ quỹ khuyến học để mua. Ðồng thời, dòng họ cũng huy động thêm sách báo từ bà con trong dòng họ xa quê. Biết tin về tủ sách dòng họ Lê, các thư viện của tỉnh, của huyện, các nhà văn hóa cũng đã tặng thêm nhiều sách giáo khoa và những bộ sách quý về cuộc đời danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn. Ðiều đáng mừng là ngoài những thành viên, con em trong dòng họ thì người dân làng trên, xóm dưới, bà con từ nhiều dòng họ khác cũng đến để đọc và tìm hiểu về sách những lúc nông nhàn.

 

 

Từ đường dòng họ Lê tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà.

 

Bởi vậy mà từ đường họ Lê ở xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà không chỉ là nơi linh thiêng thờ cúng, tưởng niệm và thể hiện được phần nào thân thế, sự nghiệp vĩ đại của danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn, mà còn là nơi trao truyền, tiếp nối tới thế hệ trẻ truyền thống hiếu học, lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Với sự đầu tư, quan tâm thích đáng của các cấp chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của con cháu dòng họ trên mọi miền Tổ quốc, vùng đất thiêng xưa ở xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà sẽ được đánh thức để du khách trong nước và quốc tế có thể trở về nơi đây để cùng chiêm bái, tưởng nhớ về ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam.

 

 

Ông Lê Quý Lương, hậu duệ đời thứ 7 của danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn

 

Dòng họ và bản thân mỗi thành viên đều luôn ngưỡng mộ, tự hào về cụ Lê Quý Ðôn là người tài ba, học một biết mười. Các con, các cháu đều noi theo tấm gương danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn để học tập thật giỏi, xứng danh là con cháu của cụ. Ðể khích lệ tinh thần học tập tốt hơn, trước khi vào năm học mới, dòng họ đều tổ chức chia sẻ về truyền thống, tấm gương của cụ Lê Quý Ðôn và đánh giá kết quả học tập trong năm đã qua của các con, các cháu.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh

 

Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn có thể khái quát thành 5 điểm nhấn: Lê Quý Ðôn thần đồng, lừng lẫy khoa danh, làm quan lo nước thương dân, đi sứ làm rạng danh đất nước, viết sách để lại cho đời. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành trong nước đều là con em người Thái Bình, đều là hậu duệ của Lê Quý Ðôn.

 

Em Lê Phương Thúy, hậu duệ đời thứ 9 của danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn

 

Vào những giờ tan học hay ngày nghỉ cuối tuần, em cùng các bạn thường xuyên đến tủ sách Lê Quý Ðôn của dòng họ để tìm hiểu thêm, bổ sung vào những kiến thức được học trên trường lớp. Vì em sẽ thi khối C nên em thường mượn những cuốn sách về lịch sử, văn học. Em cảm thấy rất tự hào. Năm sau em sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia, em mong muốn có thể học tập thật tốt, có kết quả cao, xứng đáng với truyền thống của dòng họ.

 

Anh Tú

  • Từ khóa