Thứ 5, 15/05/2025, 23:41[GMT+7]

Lê Quý Ðôn trong trí tuệ thiên hạ và trong trái tim người dân Thái Bình

Thứ 2, 01/08/2016 | 09:10:48
5,347 lượt xem
Xưa và nay, người Thái Bình thường vẫn có những “sự kiêu hãnh” riêng để tự hào về quê hương mình ở nhiều phương diện. Người trong cả nước thường truyền tụng câu châm ngôn “Thái Bình là đất ăn chơi”, nếu nói về “sự ăn” thì Thái Bình tự hào là quê lúa, là quê hương năm tấn; nói về “sự chơi” thì Thái Bình tự hào là quê hương “sáng rối, tối chèo”; nói về “địa linh” thì Thái Bình tự hào là đất phát nghiệp vương triều Trần; nói về “nhân kiệt” thì Thái Bình tự hào là quê hương của danh nhân văn hó

 

Khi người Thái Bình nói về niềm tự hào rằng Thái Bình là miền quê hiếu học - thành danh, rằng dưới thời nho học đã có hơn 120 ông trạng, ông nghè được bảng vàng, bia đá lưu danh thì có người đã nói rằng chỉ cần có Lê Quý Ðôn cũng là quá đủ để tự hào về trí tuệ của người Thái Bình rồi.

 

Xét từ lịch sử khoa cử nho học của Việt Nam thì thấy có khá nhiều khoa thi, người Thái Bình chiếm tỷ lệ đỗ cao, một số khoa có từ 30 - 50% người đỗ quê ở Thái Bình. Có một khoa thi khá độc đáo, có thể coi là một trường hợp hy hữu trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đó là khoa thi năm Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13, đời vua Lê Hiển Tông (1752).

 

Khoa thi này khá đặc biệt là chỉ lấy đỗ có 6 người. Ðây là một trong những khoa thi lấy ít người đỗ nhất trong các khoa thi ở thời Lê - Trịnh. Ðặc biệt hơn là trong số 6 người đỗ khoa thi này thì có tới 4 người quê ở Thái Bình. Ngoài Lê Quý Ðôn lẫy lừng khoa danh với học vị Tam nguyên Bảng nhãn còn có người đỗ thứ hai là Ðoàn Nguyễn Thục (1728 - 1795), quê làng Hải An, nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, là bố đẻ của danh nhân văn hóa Ðoàn Nguyễn Tuấn và là bố vợ của đại thi hào Nguyễn Du. Tiếp theo là Tiến sĩ Nghiêm Vũ Ðằng, người làng Kỳ Nhai, nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, rồi đến Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên, người làng Hoàng Xá, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư. Còn lại là Tạ Ðình Hoán, người làng Ðại Ðịnh, nay thuộc thành phố Hà Nội đỗ thứ năm và Nguyễn Xuân Huy, người làng Nhuế Ðông, nay thuộc tỉnh Bắc Giang đỗ thứ sáu. Xét thế đủ thấy trí tuệ của người Thái Bình thật đáng tự hào.

 

Khi Lê Quý Ðôn chào đời đã được cha mẹ đặt tên cho là Lê Danh Phương (tên thơm, tiếng thơm họ Lê), sau đổi là Lê Quý Ðôn, tự Doãn Hậu (đầy đủ sự đôn hậu và trung thực), hiệu Quế Ðường (nhà quế, vườn quế). Từ thuở ấu thơ, Lê Quý Ðôn đã nức tiếng thần đồng, đến khi bước vào con đường khoa cử đã hiển đạt khoa danh; khi ra làm quan trong triều, ngoài trấn đã là một học quan có danh cao vọng trọng, kiêm toàn văn võ, lo nước thương dân; khi đi sứ đã lẫy lừng đất Bắc và đặc biệt là sự nghiệp trước tác với trí tuệ trùm đời, vượt xa thời đại. Lê Quý Ðôn đã tỏa rạng danh thơm, vườn quế Diên Hà đã tỏa ngát hương. Hơn 200 năm đã qua, Lê Quý Ðôn như một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, thu hút sự tập trung trí tuệ của biết bao thế hệ học giả trong và ngoài nước nghiên cứu, phẩm bình, đánh giá.

 

Dưới thời phong kiến, kể từ khi Lê Quý Ðôn còn sống đến khi ông đã qua đời, nhiều bậc trí thức nho học đã dành những lời lẽ trân trọng để luận bình, khẳng định tài năng, trí tuệ và nhân cách của ông. Không chỉ ở Việt Nam mà còn khá nhiều học giả nước ngoài (tập trung nhiều hơn cả là các học giả Pháp) đã có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về Lê Quý Ðôn dưới nhiều góc độ khác nhau. Một số viện nghiên cứu có tiếng ở Pháp đã có những chuyên gia nghiên cứu sâu và đã lưu trữ được khá nhiều tư liệu về Lê Quý Ðôn. Có những trường đại học lớn của Pháp lưu trữ khá nhiều tài liệu Hán Nôm của Việt Nam, trong đó có khá nhiều trước tác của Lê Quý Ðôn. Các chuyên gia giảng dạy về lịch sử, văn hóa Việt Nam của trường này thường rất chú trọng giới thiệu về Lê Quý Ðôn ở những phương diện khác nhau.

 

Các học giả là Việt kiều ở Pháp như Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Khê, Tạ Trọng Hiệp... khi nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam thường vẫn dẫn nguồn tư liệu Lê Quý Ðôn đã viết. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Giáo sư Tạ Trọng Hiệp đã nhiều lần từ Paris tìm đến các thư khố ở Bắc Kinh tìm đọc hàng trăm tác phẩm mà Lê Quý Ðôn đã trích dẫn trong các tác phẩm để đối chứng, so sánh và đã đi tới kết luận việc viện dẫn tư liệu từ nguồn sử sách của Trung Quốc trong các tác phẩm của Lê Quý Ðôn là hoàn toàn chính xác. Không chỉ ở Pháp mà dường như hầu hết các nhà nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam học trên thế giới đều có những chuyên đề khoa học nghiên cứu về Lê Quý Ðôn.

 

Từ sau năm 1954 đến nay, việc tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Ðôn ở Việt Nam ngày càng được quan tâm hơn, tập trung hơn cả là vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Lê Quý Ðôn (2/8/1726 - 2/8/1976) và 200 năm ngày mất của ông (1784 - 1984). Vào hai dịp ấy, hai hội nghị chuyên đề về những cống hiến khoa học của Lê Quý Ðôn đã được tổ chức tại Thái Bình. Có thể coi đó là hai cuộc hội thảo khoa học mang tầm quốc gia, thu hút một cách tập trung những thành tựu nghiên cứu về Lê Quý Ðôn ở Việt Nam, trong đó có những chuyên gia đầu ngành như các Giáo sư Văn Tân, Phạm Huy Thông, Trần Quốc Vượng, Vũ Khiêu, Bùi Duy Tân... đã luận định về tài năng, nhân cách và những cống hiến của Lê Quý Ðôn ở nhiều phương diện khác nhau với lịch sử dân tộc.

 

Từ hơn nửa thế kỷ qua, việc tôn vinh Lê Quý Ðôn ngày thêm được chú trọng, chân dung Lê Quý Ðôn ngày thêm tỏa sáng hơn. Tiểu sử, sự nghiệp của Lê Quý Ðôn được giới thiệu ở nhiều bộ từ điển trong và ngoài nước. Tác phẩm của Lê Quý Ðôn được trích đưa vào sách giáo khoa của các bậc học, ngành học của Việt Nam. Ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có những ngôi trường mang tên Lê Quý Ðôn. Nhiều thành phố ở Việt Nam có đường phố và những công trình văn hóa mang tên Lê Quý Ðôn. Một số ngành, địa phương đã có giải thưởng Lê Quý Ðôn về khoa học công nghệ hoặc về văn học nghệ thuật. Ngoài các công trình nghiên cứu còn có các tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh, hội họa, điêu khắc được sáng tác về đề tài Lê Quý Ðôn...

 

Tại Thái Bình, Lê Quý Ðôn trong tâm thức của các thế hệ cư dân không chỉ là những giai thoại được lưu truyền mà còn là sự tri ân.

 

Cách đây chừng 40 năm, chúng tôi có nhiều dịp về quê Lê Quý Ðôn ở Hưng Hà để tìm hiểu về ông và đã được nghe nhiều giai thoại về những năm tháng ông cáo quan về quê. Ðó là những năm tháng Lê Quý Ðôn sống gần gũi với những người nông dân nghèo khổ, thấp hèn trong tình làng nghĩa xóm để rồi tên tuổi của ông Bảng Ðôn in đậm vào sự mến mộ của nông dân ở quê hương ông.

 

Nhiều cụ già ở các làng cổ nay thuộc huyện Hưng Hà đã kể lại rằng, tổ tiên họ trước đây do điều kiện sinh kế khó khăn đã phiêu dạt đến sống ở đây và để có một dòng họ lớn đến ngày nay là do Lê Quý Ðôn đã cấp tiền giúp tổ bà, tổ ông của họ làm lễ cưới cheo. Cũng có cụ kể rằng, nhờ Lê Quý Ðôn nói giúp với bọn chức dịch trong làng mà tổ tiên họ được miễn khoản tiền để nhập tịch vào làng, tránh được tiếng dân ngụ cư. Lại có người kể rằng, tổ khai sinh ra dòng họ của các cụ ấy khi chết không có tiền làm tang ma đã được Lê Quý Ðôn chu cấp cho, đến nay, vào ngày giỗ tổ, các cụ thường đem chuyện ấy ra kể lại với con cháu để nhớ về cái thuở xa xưa, nhớ về công đức của quan Bảng Ðôn. Gia phả của dòng họ Lê Quý còn ghi những việc làm trên của Lê Quý Ðôn vào những năm ông cáo quan về quê.

 

Một ông Bảng Ðôn đã lẫy lừng tiếng tăm ở cả hai nước Việt Nam - Trung Quốc, giờ đây lại là người mà thiên hạ gần xa tìm đến để tìm câu trả lời về chữ nghĩa, lời lẽ mà đến nay biết bao giai thoại chưa phai mờ trong ký ức của người dân Thái Bình.

 

Trong những năm Lê Quý Ðôn cáo quan về quê viết sách và dạy học thường có rất nhiều người xa gần tìm đến hỏi ông về chữ nghĩa nên dân gian đã lưu truyền câu phương ngôn: “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Ðôn” (Thiên hạ có điều gì không biết thì hỏi Bảng Ðôn).

 

 

Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Độc Lập, huyện Hưng Hà).

 

Từ nhiều thập kỷ qua, những hoạt động nhằm tôn vinh Lê Quý Ðôn ở Thái Bình đã được quan tâm triển khai. Từ đường họ Lê thờ Lê Quý Ðôn và khu lăng mộ thờ Lê Trọng Thứ tại xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1989 và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Khu tưởng niệm Lê Quý Ðôn nằm cận kề đó cũng đang được triển khai xây dựng. Tại trung tâm thành phố Thái Bình, Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh được mang tên Lê Quý Ðôn, kho địa chí của Thư viện có khá nhiều tác phẩm của Lê Quý Ðôn và tài liệu, sách báo, tạp chí viết về ông. Trước thềm thư viện có tượng đài Lê Quý Ðôn, một trong số khá hiếm tượng đài danh nhân được dựng tại Thái Bình. Bảo tàng Thái Bình cũng là một trong những cơ sở lưu trữ được những tư liệu có liên quan đến Lê Quý Ðôn. Một con đường lớn chạy dài từ bắc xuống nam thành phố Thái Bình được đặt tên là phố Lê Quý Ðôn. Trường THPT Lê Quý Ðôn trên địa bàn thành phố Thái Bình vốn là trường phổ thông cấp III đầu tiên của tỉnh được thành lập, có bề dày truyền thống hơn 60 năm. Xứng danh được mang tên vị danh nhân kiệt xuất của quê hương, hơn 60 năm qua, nhiều thế hệ học sinh từ mái trường này đã trở thành những nhà khoa học thành danh, những cán bộ quản lý, những sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, những doanh nhân thành đạt. Ủy ban nhân dân tỉnh có giải thưởng Lê Quý Ðôn về văn học nghệ thuật và giải thưởng về khoa học công nghệ, 5 năm một lần xét trao giải cho những công trình sáng tạo của các nhà khoa học và các văn nghệ sĩ trong tỉnh. Câu lạc bộ mang tên Lê Quý Ðôn vốn là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý đã nghỉ hưu, trong đó có hội viên từng là người tham gia chỉ đạo các hoạt động tôn vinh Lê Quý Ðôn trên địa bàn tỉnh vào những năm trước đây.

 

Thường niên, việc tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Ðôn đã được các thế hệ cán bộ và nhân dân trong tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau. Ở Thái Bình có khá nhiều gia đình gìn giữ các tác phẩm của Lê Quý Ðôn như một thứ gia bảo, trong đó có số ít gia đình giữ được một vài bản chữ Hán chép tay, còn lại là các bản dịch đã được xuất bản. Tôi được biết có một gia đình truyền đời mê say, ngưỡng vọng Lê Quý Ðôn. Người cha từng đọc hết, đọc kỹ các tác phẩm của Lê Quý Ðôn đã được dịch và xuất bản để rồi chính ông là người đọc diễn văn khai mạc tại lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của nhà bác học Lê Quý Ðôn vào năm 1984 tại Thái Bình. Tiếp bước cha, người con từng để tâm nhiều năm tìm mua trọn bộ tác phẩm của Lê Quý Ðôn đã xuất bản đem về hiến tặng tủ sách tại từ đường thờ Lê Quý Ðôn ở xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà, cũng là người đã tham gia chỉ đạo việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 290 năm ngày sinh Lê Quý Ðôn trên địa bàn tỉnh và thay mặt lãnh đạo tỉnh đọc lời chào mừng cuộc hội thảo này. Tấm lòng người Thái Bình đối với Lê Quý Ðôn là thế!

 

Nhân kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn (2/8/1726 - 2/8/2016), nhiều hoạt động thiết thực được triển khai tại Thái Bình và Hưng Hà, trong đó có hội thảo khoa học, lễ dâng hương tưởng niệm, chương trình nghệ thuật ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Ðôn, xuất bản sách về Lê Quý Ðôn…

 

 

Có thể khẳng định, Lê Quý Ðôn là một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử dân tộc, một danh nhân kiệt xuất của nước nhà, một vĩ nhân có trí tuệ trùm đời và là một nhân cách lớn. Chắc chắn rồi đây sẽ tiếp tục còn nhiều, còn mãi những công trình khoa học, công trình văn hóa luận định và tôn vinh ông xứng tầm hơn.

 

Nguyễn Thanh

Vũ Quý, Kiến Xương

  • Từ khóa