Thứ 5, 01/05/2025, 11:47[GMT+7]

Danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn: Ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam

Thứ 2, 01/08/2016 | 09:19:38
3,696 lượt xem
Trong những ngày tháng tám lịch sử, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình tập trung cao độ nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng đúng dịp kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn (2/8/1726 - 2/8/2016). Ðây là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình.

Các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm gian trưng bày các trước tác của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại từ đường họ Lê (thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà).

 

Hưng Hà, miền đất địa linh nhân kiệt, nơi mỗi người sinh ra có thể thuộc lòng câu ca:

 

“Ðã là con mẹ, con cha

Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê”.

 

Ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức ngày 2/8/1726) niên hiệu Bảo Thái thứ 7, ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, gia đình Trung hiến tướng công Lê Trọng Thứ mừng vui khôn xiết khi cậu bé Lê Danh Phương cất tiếng khóc chào đời. Lên năm tuổi, Danh Phương đã học được nhiều bài trong Kinh thi; mười một tuổi học sử mỗi ngày thuộc được tám chín mười chương, học Kinh dịch mỗi ngày được một phần Cương lĩnh và Ðồ thuyết; mười bốn tuổi học hết Ngũ kinh, Tứ thư, sử, truyện và đọc đến cả Chư tử; trong một ngày làm đến mười bài phú không phải viết nháp, nổi tiếng thần đồng. Cậu bé đó sau này là danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn. Lê Quý Ðôn thuở nhỏ có tên là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Ðường. Năm 14 tuổi, ông theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long khi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. Ông đỗ đầu cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội, thi Ðình. Khoa thi năm ấy triều đình không chọn tiến sĩ và ông là Tam nguyên Bảng nhãn.

 

Ông là người tài trí vẹn toàn, thấm đẫm triết lý sống của người xưa: “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu tự phẩm cao”, nghĩa là: “Luôn luôn nghĩ mình như thế là đủ thì tâm được yên vui. Không cầu cạnh ai điều gì thì phẩm giá được cao trọng”. Lê Quý Ðôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người “tập đại thành” mọi tri thức của thời đại bởi thời đại mà ông sống là xã hội phong kiến suy tàn, chất chứa đầy mâu thuẫn nhưng chính trong sự suy tàn quyền lực dòng đời lại nảy sinh những mầm mống tích cực. Nếu trước ông đã xuất hiện nhiều tên tuổi sáng láng như Ðoàn Thị Ðiểm, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Gia Thiều, Ðặng Trần Côn, Lê Hữu Trác... cùng nền tri thức văn hóa, khoa học của nhân loại và dân tộc được tích lũy từ hàng nghìn năm đã ở vào giai đoạn rực rỡ nhưng chưa được ghi chép, phân loại thì đúng lúc ấy ông xuất hiện và tỏa ánh hào quang như sao sáng trên bầu trời văn hiến của dân tộc. Giá trị của các trước tác mà ông là người ghi chép, phân loại như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu vĩ đại trong lịch sử văn hóa, văn hiến Việt Nam. Năm Nhâm Thân 1752, Lê Quý Ðôn thi đỗ Bảng nhãn và được bổ nhiệm chức Thị thư ở Hàn lâm viện. Trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục, ông viết: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời cha dạy, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt Bắc sang sứ Trung Quốc, mặt Tây bình định Trấn Ninh, mặt Nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Ði tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách”. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Ðôn còn giữ được có thể kể ra như sau: Quần thư khảo biện, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi; Vân đài loại ngữ, Lê Quý Ðôn làm xong lúc ông 30 tuổi, là một loại “bách khoa thư”, trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... và được sắp xếp theo thứ tự: vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... Vân đài loại ngữ là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam đương thời; Ðại Việt thông sử, còn gọi Lê triều thông sử là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống quân Minh; Kiến văn tiểu lục là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê... Ngoài ra, ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách, núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở...; Toàn Việt thi lục 6 quyển là công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Ðôn, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 - 1516). Lê Quý Ðôn trở thành người có công đầu tiên nghiên cứu về xứ đàng trong; Phủ biên tạp lục là tập bút ký Lê Quý Ðôn viết về đàng trong, nhất là xứ Thuận và xứ Quảng (Thuận Hóa và Quang Nam) từ thế kỷ XVIII trở về trước. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, sử gia Phan Huy Chú viết: “Lê Quý Ðôn tư chất khác đời, thông minh hơn người... Bình sinh làm sách rất nhiều, khi bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói đến điển cố thì đầy đủ, rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời”. Năm 1996, trong chuyến về thăm và làm việc với Ðảng bộ Thái Bình, đến dâng hương tưởng niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn, đồng chí Ðỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ghi lưu bút: “Những trước tác của ông để lại cho dân tộc, cho hậu thế gần như bao quát mọi mặt của nền văn hóa đương thời như lịch sử, địa lý, thơ, văn, ngôn ngữ, triết học, kinh tế, xã hội, nông học... và trong di sản đồ sộ đó có Vân đài loại ngữ được nhiều nhà khoa học đánh giá như bộ Bách khoa thư Việt Nam”.

 

 

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn (xã Ðộc Lập, huyện Hưng  Hà).

 

Trong số những bộ sách đồ sộ Lê Quý Ðôn để lại cho hậu thế, Vân đài loại ngữ được coi là bộ bách khoa từ điển của Việt Nam. Chỉ riêng bộ sách này cũng đã khái quát đóng góp to lớn của ông vào kho tàng văn hóa của dân tộc ta. Hầu hết những nhà nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên đều tìm đến bộ sách đại từ điển này. Muốn hiểu và biết về nền văn hiến Việt Nam thì lời khuyên là nên đọc Vân đài loại ngữ, nhưng nếu muốn biết về phong tục tập quán của người Việt thì nên đọc Kiến văn tiểu lục... của Lê Quý Ðôn; muốn biết tình hình xã hội đàng trong thời phong kiến hãy đọc Phủ biên tạp lục, bộ sách này còn khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn lĩnh vực sử học, những người quan tâm không thể bỏ qua hai bộ sách là Ðại Việt thông sử hay còn gọi là Lê triều thông sử và Bắc sứ thông lục vì hai bộ sách này ngoài giá trị to lớn về kho tư liệu còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu về khoa học lịch sử phương pháp nghiên cứu sử học khoa học đặc thù của Lê Quý Ðôn. Khi viết Ðại Việt thông sử, ông đã sớm tổng kết: “Phép làm sử là phải nhặt đủ, không bỏ sót để cho người ta sau khi mở sách ra xem rõ được manh mối, biết được đầu đuôi, tuy không tận mắt thấy tai nghe mà rõ ràng như chính mình được thấy”. Những người yêu thích văn học cổ, có ý nghiên cứu không thể không đọc Toàn Việt thi lục vì sách ông viết là hệ thống thơ văn thời Lý - Trần. Trong bộ sách này, Lê Quý Ðôn đã chọn được 2.391 bài thơ của 175 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực. Trong Kiến văn tiểu lục có mục Thiên chương hay mục Âm tự và Văn nghệ trong Vân đài loại ngữ là một kho tàng đồ sộ về văn học viết, văn học dân gian và cứ liệu ngôn ngữ văn tự. Các kiến thức về nông học, y học, địa lý khí quyển, địa lý địa chất, khí tượng thủy văn... đều có thể khai thác khi đọc Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục...Ngay cả với triết học, một ngành khoa học xã hội chậm phát triển ở nước ta thời bấy giờ cũng được Lê Quý Ðôn đề cập sâu sắc trong Vân đài loại ngữ, Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Thư kinh diễn nghĩa... Ở những bộ sách này, tư tưởng triết học tiến bộ đã được ông đề cập khá rõ nét. Trong cuộc đời thăng trầm muôn nỗi, Lê Quý Ðôn vẫn canh cánh bên lòng nỗi thương dân, lo cho dân cái ăn, cái ở... Có thời, ba năm ông từ quan về quê viết sách, đây là quãng thời gian quý giá để ông hoàn thiện, tu chỉnh nhiều bộ sách còn dang dở và chuẩn bị viết những công trình đồ sộ như Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục... Cũng trong thời gian này, ông có dịp sống gần gũi với người nông dân, đầm ấm trong tình làng nghĩa xóm. Biết bao giai thoại về Tam nguyên Bảng nhãn với người nông dân không thể phai nhạt trong ký ức người dân Diên Hà và tên tuổi Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Ðôn mãi in đậm trong tâm trí người dân thôn quê khi ông sống chan chứa ân tình trong sự mến mộ của người nông dân nghèo khổ, địa vị thấp kém trong xã hội đương thời. Vốn tính ông sống thấm đẫm triết lý nhân sinh của người xưa: “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu tự phẩm cao”, càng thương người dân lam lũ nơi quê mùa ông càng ra sức trau dồi viết sách. Bộ sách Vân đài loại ngữ trong đó mục 43 viết chuyên về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ông liệt kê 320 điều phẩm vật đặc điểm tiêu biểu về lúa và các loại cây trồng nông nghiệp với 201 giống lúa. Lê Quý Ðôn chủ trương “Làm quan phải biết thương dân” và vì thế, ông chú ý miêu tả, nhận xét từ tên gọi, thời vụ, đặc điểm sinh vật đến chỉ tiêu kinh tế của các giống lúa. Ở một số giống, ông còn ghi cụ thể địa phương sản xuất, kỹ thuật trồng cấy, cách chăm bón...

 

Trong lịch sử văn hiến Việt Nam, Lê Quý Ðôn là học giả kiệt xuất, một nhà khoa học lớn, có những đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa của dân tộc, làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam. Những công trình, trước tác của ông thể hiện tư tưởng vĩ đại, tư tưởng khẳng định và đề cao văn hóa và văn hiến Việt Nam. Ông thực sự là niềm tự hào của các thế hệ người dân Thái Bình!

 

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hồng Chuyên

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • Từ khóa