Thứ 7, 17/05/2025, 15:30[GMT+7]

Viết thêm về trí tuệ siêu phàm của Lê Quý Ðôn

Thứ 2, 01/08/2016 | 09:38:23
6,379 lượt xem
Giáo sư sử học Văn Tân, một trong những chuyên gia hàng đầu về Lê Quý Ðôn đã viết một bài luận khá dài có tiêu đề Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Lê Quý Ðôn. Bài viết này đã được in trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học và sau đó nhiều sách, báo, tạp chí của Việt Nam và nước ngoài đã cho in lại. Trong bài viết, Giáo sư Văn Tân khẳng định: “Lê Quý Ðôn đã nắm được tất cả các tri thức mà con người Việt Nam hồi thế kỷ XVIII có thể có được. Có thể nói, Lê Quý Ðôn là cái tủ sá

Tượng đài danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Cường.

 

Tại hội nghị chuyên đề về những cống hiến khoa học của Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Lê Quý Đôn do UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức, Giáo sư Văn Tân đã trình bày tham luận Những điểm cần học tập của Lê Quý Đôn, trong đó nhấn mạnh: “Nếu như bác học là nhân vật có những hiểu biết sâu và rộng về một hay nhiều môn học thì Lê Quý Đôn quả là một nhà bác học lớn nhất của Việt Nam, không phải chỉ ở thế kỷ XVIII mà còn ở thế kỷ XI, XII, XIII, XIV, XV, XVI, XVII và thế kỷ XIX nữa. Câu nói của Bùi Huy Bích: “Nước ta trong mấy trăm năm mới có một người như thầy” không còn đúng sự thật nữa. Sự thật là từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIX, Lê Quý Đôn xứng đáng là nhà bác học lớn nhất của Việt Nam. Sự hiểu biết của ông không chỉ giới hạn ở sử học, ở văn học, ở địa lý học, ở dân tộc học mà bao quát hầu như toàn bộ các tri thức mà người trí thức Việt Nam có thể có được hồi thế kỷ XVIII”.

 

Lê Quý Đôn là người đọc rộng và có phương pháp khoa học để tiếp cận và phân tích những gì ông đã đọc được. Khi đề tựa sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, một bộ sách đồ sộ vốn vẫn được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam, Tiến sĩ Hình bộ thượng thư Trần Danh Lâm, bạn thân đồng triều của Lê Quý Đôn đã viết: “Lê Quế Đường người huyện Diên Hà, không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ra ngay thành sách, sách chứa đầy bàn, đầy tủ, kể ra khôn xiết”.

 

Qua các công trình khảo cứu của Lê Quý Đôn, chúng ta được biết trí tuệ của ông đã vượt xa các trí thức nho học cùng thời với ông và cả sau ông nữa. Do có tác phong hơn hẳn các nhà nho đương thời là “không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng” nên Lê Quý Đôn đã tự vươn lên được, thoát ra khỏi cái vòng cương tỏa của nho giáo mà trở thành người Việt Nam đầu tiên tiếp thu kiến thức của toàn nhân loại để phục vụ cho việc trước thuật của mình. Chính vì thế mà Lê Quý Đôn được xem như một hiện tượng đặc biệt về trí tuệ. Nếu tôn vinh Lê Quý Đôn là một danh nhân có trí tuệ trùm đời, “là một ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam” thì có lẽ cần phải nhấn mạnh thêm Lê Quý Đôn là một ngôi sao mọc sớm.

 

Khi đi sứ ở Trung Quốc, Lê Quý Đôn chăm chú đọc những cuốn sách của các giáo sĩ phương Tây viết và tri thức của ông được mở mang từ đó. Ngày nay, chúng ta không còn biết được trong hai năm đi sứ ở Trung Quốc, Lê Quý Đôn đã đọc được bao nhiêu cuốn sách đông, tây, kim, cổ, nhưng qua Vân đài loại ngữ ta thấy ông nhắc đến các cuốn sách của Ly Mã Đậu người Italia, Nam Hoài Nhân người Bỉ và của Thang Nhược Vọng người Đức... Lê Quý Đôn không coi đó là tà thuyết, là dị đoan mà ông luận về các cuốn sách ấy “sâu sắc và mới lạ vô cùng... có nhiều điều tiên nho ta chưa tìm ra, nói ra được”.

 

Chính từ những cuốn sách ấy, Lê Quý Đôn đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam biết về người châu Âu viết về quả đất tròn và ông giới thiệu: Luận thuyết về quả đất tròn đã làm cho “người Trung Quốc đều dốc lòng tin, không ai dám chê cả”. Cái đáng khâm phục ở Lê Quý Đôn là từ những tri thức tiếp thu được qua đống sách vở của nho gia, ông đã tự vượt lên tiếp thu những tri thức mới lạ, nắm bắt được nó, chấp nhận nó, luận bàn về nó một cách khá tỏ tường. Chẳng hạn, nho giáo và các học thuyết duy tâm khác đều cho rằng tinh thần có trước vật chất nhưng Lê Quý Đôn đã dành hẳn một chương sách để bàn luận và khẳng định vật chất là cái có trước tinh thần. Người Việt Nam từ cổ xưa vẫn quen với khái niệm “trời tròn, đất vuông” thì Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên khẳng định quả đất tròn và ông luận về các kinh tuyến, vĩ tuyến, xích đạo, các đại lục, đại dương một cách thông tỏ. Khi làm một cuốn lịch riêng cho Việt Nam, ông đã tham khảo tất cả các loại lịch mà ông biết được, trong đó có lịch của châu Âu và ông nhận xét: “Phép làm lịch của người Tây Dương (châu Âu) cũng lấy số 360 làm độ chu thiên và 96 khắc làm một ngày, khiến mỗi giờ có 8 khắc, không có số lẻ để tiện quy tính, phép ấy rất là giản tắt”. Đọc cuốn sách Khôn dư đồ thuyết của Nam Hoài Nhân người Bỉ, Lê Quý Đôn nhận xét: “Bàn về địa lý, địa cầu, núi non, sông biển, thủy triều lên xuống, gió mưa… phần nhiều là phải lẽ”.

 

Nhờ tiếp thu được những thông tin mới lạ về vũ trụ của người châu Âu mà Lê Quý Đôn đã giới thiệu cho người Việt Nam hiểu biết thêm về những phương trời mới. Trước đây, sách thánh hiền chỉ dạy cho người Việt biết có Trung Quốc. Trung Quốc là “thiên hạ” nhưng bây giờ theo Lê Quý Đôn thì thiên hạ có bốn đại lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và cũng qua những trang sách của mình Lê Quý Đôn được ghi nhận là người Việt Nam đầu tiên viết về nước Nga...

 

Từ thế kỷ XVIII trở về trước, khi người Việt Nam chỉ hiểu rằng có một thứ chữ duy nhất là chữ thánh hiền thì những trang viết của Lê Quý Đôn còn giới thiệu về tính ưu việt của chữ “ngoại quốc” (ngoài Trung Quốc), đó là thứ chữ ghi âm của người Tây Dương và chữ Phiên, chữ Hồi, chữ Phạn, chữ Nữ Chân..., khác với chữ ghi ý của người Trung Quốc. Về mặt này, chúng ta phải ghi nhận Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên biết đến chữ Latinh và các ngôn ngữ văn tự khác, đồng thời cũng là người đầu tiên của Việt Nam đặt vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh.

 

Cũng có thể kể thêm một điều là trước Lê Quý Đôn và cả sau ông nữa, người Việt Nam chỉ biết đến trên thế gian này có một nền văn minh, đó là nền văn minh Hoa Hạ (nền văn minh Trung Hoa) thì Lê Quý Đôn đã nhắc đến bốn nền văn minh khác nhau trên thế giới, đó là văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ, văn minh Ả rập và văn minh châu Âu. Nếu như các nhà nho trước và sau Lê Quý Đôn coi rằng trên đời này chỉ có một thánh nhân là thầy Khổng Tử và một vị á thánh là Mạnh Tử thì Lê Quý Đôn khẳng định trên đời còn nhiều thánh nhân khác như Phật Thích Ca, như Mô-ha-mét... Và như vậy, ở một phương diện khác, cũng có thể nói rằng Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên trở thành một môn đồ không trung thành, không ngoan đạo của đạo nho.

 

Còn có thể kể thêm về người Việt Nam đầu tiên này đã có công khai móng, đắp nền, xây dựng một loạt ngành nghiên cứu về dân tộc học, bách khoa thư, Việt Nam học... Đến ngày nay, những bộ môn nghiên cứu ấy đã trở thành ngành, thành viện nhưng xét về lịch sử thì Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu ở Việt Nam.

 

Thời đại ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, việc giao lưu những thông tin khoa học không còn mấy trở ngại. Nhìn chiếc đồng hồ điện tử hoặc vi điện tử, siêu điện tử đi nữa thì những đứa trẻ cũng chẳng lấy làm lạ lẫm nhiều. Nhưng ở thế kỷ XVIII, lịch sử đã phải ghi nhận Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên biết rằng có một loại đồng hồ chạy bằng bánh xe và ông đã luận về nó “thật là tuyệt diệu” để giới thiệu với mọi người…

 

Nhà bác học Lê Quý Đôn hơn hẳn các nhà nho thời bấy giờ là vẫn sôi kinh nấu sử ở cửa Khổng sân Trình để đạt tới đỉnh cao khoa danh mà vẫn ham thích tìm đến những tri thức mới về văn hóa văn minh, về khoa học kỹ thuật của các nước ngoài Trung Quốc và “suy xét đến cùng” để tiếp nhận nó. Tiếc thay, ở thế kỷ XVIII, xã hội Việt Nam đang còn tăm tối và trì trệ về nhiều phương diện nên chưa thể có tiền đề cho những điều mới lạ ấy có chỗ đứng để phát triển. Trong cái bầu trời Việt Nam đang còn “tối mò” ấy, Lê Quý Đôn đã tự mình vượt lên như một ngôi sao lấp lánh. Nhưng trong bầu trời đêm đen tối, một ngôi sao mọc sớm chưa đủ để thắp sáng một phương trời.

 

Có thể tóm lại: Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, Lê Quý Đôn là một học giả kiệt xuất nhất, một nhà khoa học lớn nhất, đã có những đóng góp hết sức to lớn vào kho tàng văn hóa của dân tộc, làm rạng rỡ nền văn hiến nước nhà và cho đến nay, nhiều ngành khoa học ở nước ta còn phải kế thừa những thành tựu lớn lao của ông để phát huy, phát triển.

 

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa