Thứ 2, 06/05/2024, 22:26[GMT+7]

Lời chào mừng hội thảo khoa học kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Ðôn (2/8/1726 - 2/8/2016)

Thứ 2, 01/08/2016 | 19:15:02
2,522 lượt xem

 

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Thưa các nhà khoa học cùng toàn thể hội thảo!

 

Thái Bình là miền quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Xưa và nay, các thế hệ cư dân trong tỉnh thường vẫn tự hào là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt. Dưới thời Nho học, người khai khoa cho vùng đất Thái Bình là Tiến sĩ Đặng Nghiêm, đỗ khoa Bính Thìn (1185), khoa thi đầu tiên của các triều đại phong kiến Việt Nam. Người đỗ ở khoa thi cuối cùng là Tiến sĩ Trịnh Hữu Thăng, đỗ khoa Kỷ Mùi (1919). Trải hơn 700 năm khoa cử đó, bảng vàng bia đá đã lưu danh hơn 120 người con Thái Bình thi đỗ đại khoa, trong đó Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn từng vẫn được coi là biểu tượng về trí tuệ của Việt Nam, trí tuệ Thái Bình.

 

Từ nhiều thập niên qua, đặc biệt vào năm 1976, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Lê Quý Đôn, giữa muôn vàn khó khăn, Thái Bình đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về những cống hiến khoa học của Lê Quý Đôn trong hai ngày 14 và 15 tháng 9. Vào tháng 6/1984, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Lê Quý Đôn, tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học về Lê Quý Đôn. Các cuộc hội thảo đã thu hút đông đảo các viện sĩ, giáo sư, các nhà khoa học của các giới nghiên cứu sử học, văn học, triết học, xã hội học và các ngành khoa học khác tham gia. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 2/8/2016), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã sớm có chủ trương tổ chức nhiều hoạt động đồng bộ, thiết thực để tôn vinh ông. Mọi hoạt động được triển khai trong dịp này đều nhằm hướng tới việc tiếp tục tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục về những cống hiến của Lê Quý Đôn với lịch sử dân tộc, trong đó có việc phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa khọc với chủ đề Danh nhân Lê Quý Đôn (1726 - 1784) cuộc đời và sự nghiệp. Đây là một hoạt động khoa học bổ ích, góp phần quan trọng vào lộ trình tôn vinh Lê Quý Đôn xứng tầm hơn trong những năm tiếp theo, đồng thời khẳng định Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn nhất quán phương châm chú trọng khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương, nỗ lực tìm ra những điểm tựa từ truyền thống để từ đó tạo thành những sức bật mới trên các chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Sự hiện diện của các vị đại biểu khách quý cùng đông đảo các nhà khoa học tại cuộc hội thảo khoa học này không chỉ là sự biểu thị lòng ngưỡng mộ và tri ân một nhân tài lỗi lạc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta mà còn là sự quan tâm, cổ vũ, là tình cảm ưu ái, nhiệt thành đối với quê hương Thái Bình - nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng Lê Quý Đôn khôn lớn, trưởng thành.

 

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các vị đại biểu khách quý cùng các nhà khoa học đã về tham dự hội thảo. Xin kính chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp!

 

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Thưa các nhà khoa học cùng toàn thể hội thảo!

 

Dường như, trong tri thức của không ít người dân Việt Nam mỗi khi nhắc đến Lê Quý Đôn là nhớ ngay đến một người nổi tiếng không những uyên bác về kiến thức mà còn phong phú về những hiểu biết thực tiễn xã hội đương thời. Qua di sản của Lê Quý Đôn, người ta thấy như ông nắm hết mọi hiểu biết mà thời đại ông cho phép: từ lịch sử xa xưa của Việt Nam và các nước đến những việc cụ thể hàng ngày của cư dân như sinh hoạt và ăn uống, từ những đặc điểm của chim muông, cây cỏ đến những phong tục, tập quán của từng vùng... Các tác phẩm của ông bao trùm các vấn đề của thiên nhiên, xã hội, con người, thể hiện tài tăng và trí tuệ của một danh nhân lỗi lạc về mọi mặt: triết học, xã hội học, sử học, văn học, nghệ thuật học, kinh tế học, chính trị học... Những ghi chép của quần đảo Hoàng Sa trong tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã trở thành một trong các chứng cứ hiển nhiên về chủ quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Với những người thường quan tâm và yêu thích tìm hiểu lịch sử Việt Nam thì đều đã biết Lê Quý Đôn nổi tiếng là một thần đồng, lừng lẫy khoa danh, một ông quan đại thần, nặng lòng lo nước thương dân, một sứ thần lỗi lạc và là nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến. Vì vậy, việc tìm hiểu, đánh giá để kế thừa có phê phán những giá trị tinh thần của ông cha ta để lại sẽ giúp chúng ta phát huy tinh thần dân tộc phù hợp với quy luật khách quan trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tự hào là quê hương của danh nhân Lê Quý Đôn, trong hơn nửa thế kỷ qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động bằng những hình thức khác nhau để tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh ông, như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, đặt tên đường phố, trường học, xây dựng các công trình văn hóa, đặt các giải thưởng sáng tạo khoa học mang tên Lê Quý Đôn… Cụm di  tích lịch sử văn hóa quốc gia từ đường họ Lê thờ Lê Quý Đôn và lăng mộ Lê Trọng Thứ ở xã Độc Lập huyện Hưng Hà đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo. Khu tưởng niệm Lê Quý Đôn tại quê hương ông cũng đang được xây dựng khang trang.

Kế thừa và phát huy những di sản của Lê Quý Đôn để lại, lớp lớp cư dân Thái Bình ở thời kỳ hiện đại đã nối tiếp nhau thắp sáng hơn tấm gương về nghị lực, phương pháp học tập, phương pháp làm việc khoa học và tư tưởng tiến bộ của ông bằng những hành động cụ thể. Có thể kể đến nhiều thành tựu trên các chặng đường đấu tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những thành tựu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Thái Bình đã mang đậm tố chất Lê Quý Đôn.

 

Sử sách thường vẫn từng ca tụng Lê Quý Đôn là một thần đồng nhưng cũng qua những nguồn sử sách đó chúng ta đã tiếp nhận được một thông điệp là nếu như không có tinh thần hiếu học cùng với một phương pháp học tập, làm việc khoa học thì thần đồng Lê Quý Đôn cũng không thể vươn tới đỉnh cao trí tuệ để trở thành một nhân tài kiệt xuất. Noi theo tấm gương hiếu học - thành tài của Lê Quý Đôn, các thế hệ tuổi trẻ Thái Bình luôn ấp ủ hoài bão tiến thân bằng quá trình học tập. Nhiều thập niên qua, lĩnh vực giáo dục ở Thái Bình đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, luôn vào diện tốp đầu trong cả nước. Cho đến nay, hơn 2.000 con em Thái Bình có học vị tiến sĩ thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó có hàng trăm người có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Nhiều người đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành học đã và đang đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt ở các bộ, ban, ngành trung ương, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học của Việt Nam và nước ngoài. Chúng tôi được biết, về dự cuộc hội thảo này có nhiều nhà khoa học ở các độ tuổi khác nhau vốn là con em của Thái Bình. Có thể coi đây là niềm tự hào, đồng thời là một trong những minh chứng về sự nối tiếp mạch nguồn trí tuệ, mạch nguồn hiếu học thành tài của Lê Quý Đôn trao truyền lại.

 

Lê Quý Đôn sinh ra và lớn lên ở đồng đất Thái Bình, một vùng quê có nền nông nghiệp phát triển sớm. Thuở bình sinh, ông say mê khảo cứu về nông học và đã viết nhiều về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, thổ nhưỡng, thủy hải sản... với ước muốn hướng tới sự phát triển một nền nông nghiệp toàn diện cho đất nước thì ngày nay, trên quê hương năm tấn, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã và đang vận dụng một cách sáng tạo trên bước đường phát triển nhanh và bền vững để xây dựng tỉnh Thái Bình có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Cũng như vậy, còn có thể điểm đến nhiều minh chứng khác về sự kế thừa và phát huy những di sản của lê Quý Đôn để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Thái Bình.

 

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Thưa các nhà khoa học cùng toàn thể hội thảo!

 

Khi được đọc các công trình nghiên cứu và các bài tham luận về Lê Quý Đôn ở các kỳ hội thảo trước đây, chúng tôi đã nhận thấy: Các nhà khoa học thường đã thống nhất cao một điều là dù có viết bao nhiêu trang, bao nhiêu dòng cũng khó có thể khắc học được một cách đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Đôn, một vị quan đại thần kiêm một học giả kiệt xuất vượt xa thời đại mình. Cũng từ nhận thức đó cho nên chúng ta đều hy vọng cuộc hội thảo này sẽ góp phần làm rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của Lê Quý Đôn, đồng thời làm sáng tỏ hơn những giá trị về tư tưởng, văn hóa và khoa học trong các tác phẩm của ông. Chúng ta cũng kỳ vọng là bằng tất cả nhiệt tâm và phương pháp khoa học của mình, tại cuộc hội thảo này, các tác giả tham luận sẽ tìm được lời giải lý thú cho những câu hỏi: Làm thế nào để phát huy những di sản mà Quế Đường tiên sinh đã để lại vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh Thái Bình, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Làm thế nào để từ những di sản đó có thể góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Thái Bình có bước phát triển mới và làm gì để hướng tới lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông.

 

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình trân trọng tiếp thu các giá trị văn hóa, khoa học của cuộc hội thảo, làm cơ sở để triển khai tổ chức thực hiện các công việc nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị di sản mà Lê Quý Đôn đã để lại.

 

Trước khi ngừng lời, một lần nữa tôi xin nhiệt liệt chào mừng và gửi lời chúc sức khỏe tới các vị đại biểu khách quý, các nhà khoa học cùng toàn thể các đồng chí tham dự hội thảo.

 

Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Đặng Trọng Thăng

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

  • Từ khóa