Thứ 3, 07/05/2024, 01:56[GMT+7]

Lời đề dẫn hội thảo khoa học kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Ðôn (2/8/1726 - 2/8/2016)

Thứ 2, 01/08/2016 | 19:18:38
3,487 lượt xem
Thái Bình là miền quê nổi tiếng về hiếu học - thành danh. Trải gần một nghìn năm khoa cử dưới thời phong kiến, các làng xã nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình đã có hơn 120 trí thức Nho học thi đỗ đại khoa, với các học vị từ Phó bảng đến Trạng nguyên, trong đó có Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn - từng vẫn được coi là một biểu tượng ngời sáng về tinh thần, trí tuệ Việt Nam, trí tuệ Thái Bình.

 

Nhân dịp kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn (02/8/1726 - 02/8/2016), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa học với chủ đề: Danh nhân Lê Quý Đôn (1726 - 1784) cuộc đời và sự nghiệp. Thay mặt Lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức hội thảo, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo đại diện các Ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các nhà khoa học cùng toàn thể quý vị trong cuộc hội thảo quan trọng này. Kính chúc các đồng chí, các vị đại biểu sức khỏe và hạnh phúc.

 

Kính thưa các các quý vị.

 

Chúng ta đều đã biết, Lê Quý Đôn là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử dân tộc. Những cống hiến của ông về sự nghiệp chính trị và sự nghiệp trước tác là vô cùng lớn lao. Từ gần 300 năm trở lại đây (đặc biệt là từ hơn nửa thế kỷ qua) các bậc học giả trong và ngoài nước đã dành nhiều tâm lực để khảo cứu, phẩm bình, luận định về cuộc đời và sự nghiệp của Ông. Đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học về Lê Quý Đôn được tổ chức với những quy mô khác nhau và dường như mỗi công trình khảo cứu, luận bàn về Lê Quý Đôn cũng đều vẫn chỉ được coi là sự thể hiện một cách nhìn, một cách tiếp cận ở những góc độ khác nhau trước những di sản rất đồ sộ mà Ông để lại.

 

Vì thế, cuộc hội thảo khoa học lần này về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn sẽ thêm một lần nữa khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Ông đối với nền văn hóa Việt Nam, góp phần hoàn thiện chân dung Lê Quý Đôn. Đồng thời, cũng chính là dịp để Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, cùng những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam (cả trong và ngoài nước) có thêm cơ hội tiếp nhận những thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Đôn - một danh nhân kiệt xuất vào bậc nhất của nước nhà, một nhà bác học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tới thời điểm hiện nay, người con ưu tú của quê hương Thái Bình.

 

Theo các nguồn sử liệu thì chúng ta được biết, Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức ngày 2/8/1726) trong chiếc nôi: Văn Hiến Truyền Gia ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

 

Tổ tiên của Lê Quý Đôn vốn dòng họ Lý, truyền đời thế gia vọng tộc ở huyện Đông Ngàn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Vị tổ 5 đời của Lê Quý Đôn từng làm quan tới chức Binh bộ Thượng thư. Tổ 4 đời của Ông về làm quan ở huyện Diên Hà, sau đổi ra họ Lê, định cư ở làng Diên Hà. Vì gia cảnh nên ông nội Lê Quý Đôn chỉ thi đến Tú tài rồi ở nhà mở trường dạy học. Thân phụ của Lê Quý Đôn là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ (1694 - 1782), làm quan đến chức Hình bộ thượng thư, được phong tước Công, từng nổi danh là một học quan thanh liêm, cương trực. Thân mẫu của Lê Quý Đôn là cụ Trương Thị Ích, con gái của Tiến sĩ Hoàng phái hầu Trương Minh Lượng, người làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên, nay thuộc tỉnh Hà Nam.

 

Theo các thư tịch cổ và những giai thoại còn truyền lại thì từ thuở ấu thơ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thần đồng. Các sách chép về Ông đều nói là lên 5 tuổi, Ông đã đọc được nhiều bài trong kinh Thi; 11 tuổi học sử mỗi ngày thuộc được tám, chín, mười chương; 14 tuổi đã  học hết Tứ thư, Ngũ kinh và đọc đến cả Chư tử. Trong một ngày có thể làm 10 bài phú mà không phải viết nháp.

 

Năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), Lê Quý Đôn thi hương ở trường Sơn Nam đậu Giải nguyên. Mười năm sau đó Ông ở nhà viết sách. Đến khoa thi năm Nhâm Thân (1752), Lê Quý Đôn thi đỗ đầu cả hai kỳ thi hội và thi đình với học vị Tam nguyên Bảng nhãn. Sau khi đỗ, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Thị thi ở Hàn lâm viện. Ít lâu sau, được bổ nhiệm chức Hàn lâm Thừa chỉ sung Toản tu Quốc sử quán. Năm Bính Tý (1756) được cử giữ chức Liêm phóng sứ ở Sơn Nam. Sau khi đi liêm phong về, Lê Quý Đôn được biệt phái sang phủ Chúa giữ chức Chưởng phiên binh và được cử đi hiệp đồng với các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa, sau được thăng chức Thị giảng viên Hàn lâm.

 

Năm Cảnh Hưng 21 (1760), Lê Quý Đôn được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Chuyến đi sứ kéo dài tới gần 2 năm này, tài năng bang giao của Lê Quý Đôn đã được các danh sĩ Trung Hoa và cả các sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản phục nể. Đề đốc Quảng Tây Chu Bội Liên, một học giả nổi tiếng đời nhà Thanh phải thốt lên: “Nước tôi có nhiều nhân tài, nhưng những người có tài như sứ quân chỉ một vài”, hoặc như tiến sĩ Quy Hữu Quang khen tụng: “Tài năng như Ông, ở nước tôi thật hiếm có”. Mặt khác, trong những lần đàm luận về học thuật cùng các quan lại nhà Thanh, Lê Quý Đôn đã bằng sức học vấn uyên bác và tài trí thông minh lỗi lạc của mình để vạch trần sự xuyên tạc của các nho sĩ Trung quốc về lịch sử nền văn hóa, văn minh Đại Việt. Cũng trong chuyến đi sứ này, Lê Quý Đôn đã lập luận đanh thép buộc triều đình nhà Thanh đã phải bỏ chữ “di quan” (quan lại mọi rợ) và thay bằng chữ “An Nam công sứ” trong xưng hô và trong công văn giấy tờ giao dịch. Khi về nước, ông được bổ nhiệm chức Học sĩ của Bí thư các.

 

Sau nhiều năm tháng trăn trở, dự định và chuẩn bị, Lê Quý Đôn bắt đầu triển khai thực hiện hoài bão lớn trong sự nghiệp chính trị là việc dâng sớ thiết định pháp chế vào năm 1764 nhưng không được triều đình quan tâm đến. Lê Quý Đôn tuy có nản chí nhưng vẫn kiên trì dâng tiếp một số tờ khải điều trần về việc ngăn chặn tệ tham quan ô lại, về việc khẩn hoang, mở đồn điền, những mong để yên nước, yên dân. Năm Cảnh Hưng 25 (1764) Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh). Chưa đầy một năm sau, Ông lại được bổ nhiệm làm Tham chính xứ Hải Dương. Lần này thì Lê Quý Đôn cương quyết chối từ và dâng khải xin “treo ấn từ quan” về nhà “đóng cửa viết sách”, mặc dù tuổi chưa đến bốn mươi.

 

Năm Đinh Hợi (1767), Trịnh Sâm ban sắc dụ vời Lê Quý Đôn trở lại triều đình, khôi phục chức Thị thư và giao cho Ông tham gia biên tập Quốc sử kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám. Ông say sưa, tâm đắc việc đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Năm Kỷ Sửu (1769), Lê Quý Đôn bị cử đi đánh, dẹp các cuộc khởi nghĩa. Liền những năm sau đó, Lê Quý Đôn liên tiếp được cử đi thanh tra, khám đạc ở nhiều vùng, rồi lần lượt được thăng, thưởng những chức vụ cao như Thị lang bộ Công, quyền Đô ngự sử (1770), Nhập thị  Bồi tụng (1773).

 

Năm Giáp Ngọ (1775) Lê Quý Đôn được thăng chức Tả thị lang bộ Hộ rồi được cử đi làm chức Hiệp trấn Tham tán quân cơ tại Thuận Hóa. Ở miền đất mới này, chỉ trong vòng 6 tháng, Lê Quý Đôn vừa phải lo sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính, thiết định luật lệ, tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, mở mang việc học hành, ổn định đời sống xã hội cho nhân dân Thuận - Quảng, vừa viết xong bộ sách đồ sộ mang tên Phủ biên tạp lục. Khi trở về triều, Lê Quý Đôn được thăng chức Hành tham tụng nhưng ông xin đổi sang võ ban giữ chức Hữu hiệu điểm, quyền phủ sự, được phong tước Nghĩa phái hầu.

 

Đỉnh cao của danh vọng trên con đường làm quan của Lê Quý Đôn là chức hành Tham tụng được trao năm Mậu Tuất (1778) thì liền ngay đó ông bị giáng chức vào năm Kỷ Hợi (1779). Về nguyên do của việc bị giáng chức đã được nhiều sử gia xưa và nay làm sáng tỏ để khẳng định: Lê Quý Đôn một nhân cách lớn.

 

Sau khi bị giáng chức ít lâu, Lê Quý Đôn lại được sung chức Quốc sử quán tổng tài, rồi lại bổ ra làm chức Hiệp trấn xứ Nghệ An (1783). Chưa đầy một năm sau lại được điều về triều để thăng chức Công bộ Thượng thư.

 

Có lẽ, vừa do bệnh trạng vừa do tâm trạng nên khi về triều được ít ngày Lê Quý Đôn xin về quê ngoại ở Duy Tiên (Hà Nam) dưỡng bệnh và mất tại đó vào ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn (01-6-1784). Biết tin Lê Quý Đôn qua đời, triều đình Lê - Trịnh đã ban lệnh bãi triều ba ngày để tỏ lòng thương tiếc một hiền tài và cử Tham tụng Bùi Huy Bích vốn là một trong những học  trò xuất sắc của Lê Quý Đôn về Duy Tiên và Diên Hà để làm quốc tang.

 

Về sự nghiệp chính trị: Lê Quý Đôn là con người hành động, con người thực tiễn, giầu năng lực và đầy nhiệt huyết, nhiều tiết tháo và lắm ưu tư; luôn dốc tâm hành động vì dân, vì nước. Ông mang hoài bão lớn giúp nước để yên dân nhưng vì không gặp được vua sáng tôi hiền nên đã mang trong mình nỗi “bất đắc ý” và niềm ưu thời mẫn thế sâu nặng để ra đi.

 

Bình sinh, Lê Quý Đôn có hai hoài bão lớn: Kinh bang tế thế để giúp nước, yên dân và đọc sách, viết sách. Hoài bão thứ nhất vì không gặp thời nên mặc dù suốt hơn ba mươi năm trăn trở, dốc tâm thực hiện nhưng ông chỉ làm được một cách không đắc ý. Hoài bão thứ hai là đọc sách và viết sách, thì Lê Quý Đôn đã làm được quá nhiều. Sự nghiệp trước tác của ông bao la, ngoài sức tưởng tượng.

 

Lịch sử tôn vinh Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn bởi vì hiểu biết và trước tác của ông rất rộng lớn. Ông đã đi sâu vào hầu hết các lĩnh vực: Thơ ca, văn học, lịch sử, triết học, địa lý, thiên văn, nông học, y học,… Theo các nguồn sử liệu cho biết, Lê Quý Đôn đã viết đến hơn 50 bộ sách - thật khó tưởng tượng nổi cường độ làm việc của ông đến mức nào để có một khối lượng tác phẩm đồ sộ như vậy? Những khảo luận của ông đến nay vẫn mang nhiều giá trị thực tiễn, được nhiều ngành khoa học kế thừa và phát huy.

 

Có thể khẳng định, trong lịch sử Việt Nam thời kỳ phong kiến, không ai đọc nhiều và viết nhiều như Lê Quý Đôn. Hình bộ thượng thư Trần Danh Lâm, bạn thân đồng triều của Lê Quý Đôn đã viết: “Lê Quế Đường người huyện Diên Hà, không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ra ngay thành sách, sách chứa đầy bàn, đầy tủ kể ra khôn xiết”.

 

Trong bài điếu đọc tại lễ tang của Lê Quý Đôn, Tham tụng Bùi Huy Bích, vừa với tư cách thay mặt triều đình Lê - Trịnh, vừa là tư cách thay mặt các thế hệ học trò đã từng theo học Lê Quý Đôn, có đoạn viết: “Học vấn sâu rộng, văn chương lỗi lạc, thông minh nhất đời, trước tác không biết mệt. Nước Nam ta trước khoảng vài trăm năm nay mới có một người như thầy…”.

Giáo sư sử học Văn Tân trong bài Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Lê Quý Đôn đã từng nhận xét: “Lê Quý Đôn đã nắm được tất cả các tri thức mà con người Việt Nam hồi thế kỷ XVIII có thể có được. Có thể nói, Lê Quý Đôn là cái tủ sách tổng hợp biết nói của nước Việt Nam hồi thế kỷ XVIII. Trên thì thiên văn, dưới thì địa lý, giữa là con người, không gì Lê Quý Đôn không biết. Hiểu biết của ông rất rộng, lại rất sâu”.

 

Xưa nay, khi muốn tìm hiểu bất cứ một ngành khoa học nào, bất cứ một lĩnh vực nào ở thế kỷ XVIII của Việt Nam người ta thường tìm đến Lê Quý Đôn. Bởi vì, Lê Quý Đôn là “tập đại thành” mọi tri thức của thời đại. Chỉ xét riêng cuốn Vân đài loại ngữ cũng đủ thấy đóng góp của Lê Quý Đôn vào kho tàng văn hóa dân tộc là vô cùng kỳ vĩ. Các học giả trong và ngoài nước vẫn coi Vân đài loại ngữ là một bộ bách khoa đại từ điển của Việt Nam. Muốn tìm hiểu nền văn hiến Việt Nam không thể không đọc Vân đài loại ngữ. So với Vân đài loại ngữ thì những bộ sách khác của Nhà bác học họ Lê như: Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục… tuy có nhỏ hơn về quy mô và sự đa dạng về tư liệu, nhưng muốn tìm hiểu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó thì mỗi bộ sách lại có những giá trị riêng. Ví như muốn tìm hiểu chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì phải tìm đọc Phủ biên tạp lục.

 

Giới sử học Việt Nam xưa nay vẫn từng tự hào có một sử gia lớn đáng tin cậy là Lê Quý Đôn. Những bộ sách lớn của sử gia họ Lê để lại như: Đại việt thông sử, Bắc sứ thông lục, Phủ biên tạp lục… không những chỉ là những kho tư liệu vô giá cho giới sử học trong và ngoài nước mà còn cung cấp cho những người làm sử một phương pháp sử học khoa học và tiến bộ mà nhiều người đã trân trọng phân định một cách đặc thù: phương pháp Lê Quý Đôn.

 

Đọc các công trình biên tập và khảo cứu của Lê Quý Đôn, các nhà thư mục học Việt Nam đều đã dễ dàng đi đến nhận định: Lê Quý Đôn là nhà thư mục học đầu tiên của Việt Nam và là nhà thư mục lớn nhất Việt Nam thời phong kiến.

 

Giới nghiên cứu văn học cổ Vỉệt Nam nhờ có bộ Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn mới nắm bắt được một cách có hệ thống 2.319 bài thơ, 175 tác giả từ thời Lý đến thời Lê Tương Dực. Không những thế qua các mục Thiên Chương của Kiến văn tiểu lục, mục Văn nghệ và mục Âm tự của Vân đài loại ngữ… các nhà nghiên cứu được kế thừa một khối tư liệu đồ sộ về văn học viết, văn học dân gian và cứ liệu về ngôn ngữ văn tự. Mặt khác, Lê Quý Đôn đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về phương pháp sưu tầm, biên khảo, về lý luận văn học và những tiến bộ trong quan niệm văn học so với thời đại của Ông. Qua các tác phẩm Quế đường thi tập, Bắc sứ thông lục… chúng ta còn tiếp thu được một số lượng thơ khá lớn có giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao của Lê Quý Đôn - một nhà thơ lớn.

 

Các nhà nghiên cứu về nông học, y học, địa lý, khí quyển, địa chất, khí tượng thủy văn, lịch pháp…đều đã khai thác được những tư liệu có giá trị lớn qua Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục và các trước tác khác của Lê Quý Đôn.

 

Trong lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, triết học vốn là ngành phát triển chậm và cũng ít có thành quả đáng chú ý. Phải đến Lê Quý Đôn với Vân đài loại ngữ, Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Thư kinh diễn nghĩa… thì các nhà nghiên cứu về triết học, tư tưởng mới có thể tìm thấy nhiều nhân tố tiến bộ của Việt Nam.

 

Mặt khác, những giá trị lớn lao trong sự nghiệp trước tác của Lê Quý Đôn không chỉ là số lượng tác phẩm đồ sộ của Ông để lại mà còn là những giá trị tư tưởng tiến bộ được tỏa sáng từ các tác phẩm của Ông. Lê Quý Đôn là nhà trí thức có tư tưởng tự tôn, tự hào dân tộc. Tư tưởng chủ đạo trong toàn bộ sự nghiệp trước tác của ông là sự khẳng định và đề cao nền văn hóa, văn hiến của dân tộc. Ở Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn luôn coi trọng việc liên hệ thực tế Việt Nam trên tinh thần dân tộc đáng quý. Ở Kiến văn tiểu lục ông nhắc đi nhắc lại những sự kiện lịch sử vẻ vang thời Lý -Trần. Ở Quần thư khảo biện bàn về triết học, nhưng ông vẫn không quên nhắc đến việc nhà Tống phải học cách tổ chức quân đội của Đại Việt. Và cũng như vậy, trong Vân đài loại ngữ, ông đã viết về việc nhà Minh đã học cách chế biến thần cơ của cha con Hồ Quý Ly… Trong hầu hết các bài tựa sách của mình, Lê Quý Đôn đều khẳng định nước ta không thua kém gì Trung Quốc. Là người học rộng, biết nhiều, thông kim bác cổ, Lê Quý Đôn đã dẫn những cứ liệu từ sử sách Trung Quốc ca ngợi nền văn hiến Việt Nam và trong nhiều công trình khảo cứu của mình, Ông đã vạch trần sự xuyên tạc lịch sử của các sử gia Trung Quốc về truyền thống văn hóa, văn hiến của Việt Nam. Quế Đường thi tập là một tập thơ đậm đà tình cảm với non sông đất nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc của Lê Quý Đôn.

 

Một điểm rất nổi bật trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn là ý thức đề cao vai trò to lớn của nhân dân đối với lịch sử. Có thể khẳng định là tư tưởng yêu nước, thương dân đã chi phối toàn bộ sự nghiệp chính trị và sự nghiệp trước tác của ông quan Bảng họ Lê và nhà bác học họ Lê. Nếu như trong hành trang làm quan đã nhiều lần Lê Quý Đôn khuyên can bề trên “lấy đức mà khoan sức cho dân” và răn bảo kẻ dưới “làm quan thì phải biết thương dân” thì trong sự nghiệp trước tác Ông luôn chú trọng nhắc lại những nguyên lý mà người xưa đã vạch ra: “Dân là gốc của nước, gốc có vững chắc thì nước mới bền” hoặc “nguy cơ trong thiên hạ có thể là họa, có thể là phúc. Đó là dân chúng vậy”. Trong Thư kinh diễn nghĩa Lê Quý Đôn đã viết: “Thiên tử cùng các quan đại phu hàng ngày ăn, mặc đều lấy của dân. Những hạt cơm ở trên mâm đều là tân khổ của nông dân… đã không hiểu sự vất vả của nhân dân, thì sinh ra phóng dật, đã phóng dật thì tiêu dùng xa xỉ, tiêu dùng xa xỉ thì hại của, hại của nhất định hại dân”. Trong sách Quần thư khảo biện, Lê quý Đôn cũng nhấn mạnh: “Gốc của nước vốn ở dân, sinh mệnh của vua cũng ở dân. Cường thần nội biến, dịch quốc, ngoại họa cũng đều chưa đủ để lo âu, nhưng lòng dân một khi lung lay tức là đã có mối lo lớn ở đó”.

 

Đọc Quế Đường thi tập chúng ta thấy những bài thơ viết về người nông dân cấy gặt, về nỗi cực nhọc, những khi hạn hán, về nỗi vui mừng khi nắng hạn gặp mưa… chiếm một tỷ lệ khá cao. Lê Quý Đôn hơn hẳn các nho sĩ đương thời bởi tư tưởng và hành động của ông luôn gần gũi thực tế. Suốt cả cuộc đời ông lặn lội với thực tế để hành động để kiểm nghiệm những gì ông đã đọc, đã viết được. Thực tế sinh động Việt Nam không chỉ bồi đắp cho ông những tri thức đa dạng để tạo dựng lên sự nghiệp trước tác đồ sộ mà còn là chìa khóa mở đường cho ông từ nơi quyền quý về hòa nhập với quần chúng nhân dân lao khổ.

 

Một điều rất đáng chú ý nữa về sự nghiệp trước tác của Lê Quý Đôn là tri thức ông biết được đã vượt lên trên thời đại. Ông là người đầu tiên biết đến nhiều tri thức về khoa học tự nhiên trong điều kiện giao tiếp với các nước về mặt thông tin khoa học bị hạn chế. Khi đi sứ ở Trung Quốc, Lê Quý Đôn đã tìm đọc những sách của các giáo sĩ phương Tây viết và tri thức của ông được mở mang từ đó. Qua Vân đài loại ngữ ta thấy ông nhắc đến các cuốn sách của Ly Mã Đậu người I-ta-li-a, Nam Hoài Nhân người Bỉ và của Thang Nhược Vọng người Đức... Chính từ những cuốn sách ấy, Lê Quý Đôn đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam biết về người Châu Âu viết về quả đất tròn. Trước đây sách Thánh hiền chỉ dạy cho người Việt biết có Trung Quốc. Trung Quốc là “thiên hạ”, nhưng đến Lê Quý Đôn thì ông đã luận về thiên hạ có bốn đại lục: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và cũng qua những trang sách của mình, Lê Quý Đôn được ghi nhận là người Việt Nam đầu tiên viết về nước Nga. Cũng chính nhờ Lê Qúy Đôn mà người Việt Nam ở thế kỷ XVIII đã biết đến tính ưu việt của thứ chữ ghi âm của người “Tây Dương” và chữ Phiên, chữ Hồi, chữ Phạn, chữ Nữ Chân... khác với chữ ghi ý của người Trung Quốc. Cũng có thể thấy thêm là trước Lê Quý Đôn và cả sau ông nữa, người Việt Nam chỉ biết đến trên thế gian này có một nền văn minh, đó là nền văn minh Hoa Hạ (nền văn minh Trung Hoa), thì Lê Quý Đôn đã nhắc đến bốn nền văn minh khác nhau trên thế giới là: văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ, văn minh Ả Rập và văn minh Châu Âu. Nếu như các nhà nho trước và sau Lê Quý Đôn coi rằng trên đời này chỉ có một thánh nhân là thầy Khổng Tử và một vị á thánh là Mạnh Tử thì Lê Quý Đôn khẳng định trên đời còn nhiều thánh nhân khác như Phật Thích Ca, như Mô ha mét, như Ki tô… Cũng như vậy, Lê Quý Đôn là người đã khai móng, đắp nền xây dựng một loạt ngành nghiên cứu về dân tộc học, bách khoa thư, Việt Nam học... Đến ngày nay, những bộ môn nghiên cứu ấy đã trở thành ngành, thành viện nhưng xét về lịch sử thì Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu ở Việt Nam.

 

Kính thưa các đồng chí; thưa toàn thể các vị đại biểu.

 

Gần 300 năm qua, con người và sự nghiệp của Lê Quý Đôn từng thu hút sự tập trung trí tuệ của biết bao học giả trong và ngoài nước, để nghiên cứu, phẩm bình, đánh giá. Cố nhiên, rồi đây vẫn rất cần tiếp tục có những công trình nghiên cứu toàn diện hơn, cùng với những ý kiến luận bàn, thẩm định và khẳng định sâu sắc thêm. Bởi vì, lịch sử đã khẳng định một cách hiển nhiên rằng: Sự xuất hiện của Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII đã làm tỏa sáng thêm lịch sử văn hóa Việt Nam, làm rạng rỡ thêm nền văn hiến Việt Nam. Lê Quý Đôn là một thiên tài của dân tộc, mãi mãi là “ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam, làm vẻ vang cho giống nòi”.

 

Với tinh thần khách quan, khoa học, xưa và nay lịch sử đã tôn vinh Lê Quý Đôn là một danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Vì thế, trách nhiệm của chúng ta - thế hệ người Việt Nam hôm nay trước lịch sử, là phải tôn vinh Lê Quý Đôn xứng tầm hơn nữa để nhân loại biết đến Lê Quý Đôn là một danh nhân văn hóa của thế giới. Cuộc hội thảo khoa học này được coi là một trong những động thái khởi đầu trong lộ trình quan trọng ấy.

 

Sau một thời gian không dài phát động và đặt bài, đến trước giờ khai mạc hội thảo, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh viết về các chủ đề: Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn. Đối với từng cụm chủ đề, đều có những tham luận được trình bày mang tính tổng thể và những nghiên cứu mang tính chuyên sâu về một lĩnh vực, một thời điểm, hoặc một giai đoạn lịch sử cụ thể…

 

Điều rất đáng trân trọng là hầu hết các tham luận đã được viết công phu, tâm huyết, mang tính khoa học cao với nhiều sự tìm tòi, nghiên cứu mới nhất về Lê Quý Đôn, cùng những sự lý giải khoa học và hấp dẫn, trong đó có những tư liệu mới, rất đáng được quan tâm.

 

Những vấn đề được đặt ra từ các tham luận là rất phong phú, đa dạng. Trong khuôn khổ thời gian cho phép, chúng tôi đề nghị các tác giả tham luận cùng toàn thể hội thảo tập trung trao đổi về một số vấn đề chính sau đây:

 

Một là: Bằng những phương pháp tiếp cận khách quan, khoa học từ các nguồn sử liệu, tiếp tục đi tới thống nhất của các nhà khoa học hiện nay về sự nhìn nhận đánh giá của các sử gia phong kiến trước đây về hành trạng, cống hiến và nhân cách của Lê Quý Đôn trong sự nghiệp chính trị mà các cuộc hội thảo khoa học về Lê Quý Đôn trước đây đã đặt ra.

 

Hai là: Sự nghiệp trước tác của Lê Quý Đôn là vô cùng đồ sộ, một số tác phẩm đã thất lạc, một số tác phẩm còn tồn nghi có phải đích xác của Lê Quý Đôn hay không, rất cần được phát hiện, khảo cứu và thẩm định thêm; đặc biệt là việc kế thừa, phát huy tư tưởng tiến bộ và giá trị những di sản văn hóa, khoa học vĩ đại của Lê Quý Đôn trong thời đại ngày nay. Có thể là trong khuôn khổ của cuộc hội thảo này chưa giải quyết được thỏa đáng nhưng đề nghị các nhà khoa học lưu tâm đề cập đến những vấn đề cần được triển khai trong thời gian tới.

 

Ba là: Những phát hiện mới về di văn của Lê Quý Đôn được công bố tại cuộc hội thảo này cần được trân trọng thẩm định một cách khoa học, chuẩn xác nhằm góp phần đích thực vào quá trình nhận diện ngày càng hoàn thiện hơn về sự nghiệp trước tác của ông.

 

Bốn là: Những kiến nghị đề xuất với Trung ương, với tỉnh về việc phân định trách nhiệm tôn vinh danh nhân Lê Quý Đôn bằng những hình thức khác nhau.

 

Năm là: Trao đổi để đi tới thống nhất kết luận sự cần thiết phải triển khai các hoạt động khoa học và việc chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ trong lộ trình đề nghị công nhận Lê Quý Đôn là danh nhân văn hóa thế giới.

 

Vì khuôn khổ thời gian tổ chức hội thảo nên chắc chắn sẽ có những tham luận chưa được trình bày tại diễn đàn này. Ban tổ chức hội thảo mong được sự cảm thông của các nhà khoa học và trân trọng tiếp nhận, nghiên cứu để in vào kỷ yếu hội thảo.

 

Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo tỉnh, Ban tổ chức hội thảo và nhân danh cá nhân, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các vị đại biểu khách quý và các nhà khoa học đã nhiệt thành tham dự cuộc hội thảo mang ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc này. Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý, các nhà khoa học, cùng toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc hội thảo khoa học của chúng ta thành công tốt đẹp.

 

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Tiến sĩ  Nguyễn Hồng Diên

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

  • Từ khóa