Thứ 7, 24/05/2025, 07:45[GMT+7]

Lung linh đèn Trung thu

Thứ 5, 15/09/2016 | 08:10:35
2,269 lượt xem
Đối với người Việt Nam, tết Trung thu vốn được coi là tết dành riêng cho trẻ em. Vào ngày này, bên cạnh tiếng trống ếch rộn ràng, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo quen thuộc trong mâm cỗ trông trăng, không thể không kể đến sự góp mặt của những chiếc lồng đèn tạo nên sắc màu lung linh. Rước đèn là phong tục truyền thống được duy trì từ lâu trong đời sống văn hóa Việt Nam. Ở xã Đông Hoàng (Đông Hưng), tục rước đèn vẫn được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Ðêm hội ánh sáng

Hàng năm, cứ đến ngày 13/8 âm lịch, người dân xã Đông Hoàng lại háo hức chờ đón đêm hội rước đèn, đây cũng là hoạt động mở đầu cho lễ hội Trung thu kéo dài ba ngày tại địa phương. Ngay từ 7 giờ tối, trên khắp các nẻo đường, người dân đã nô nức kéo về sân vận động trung tâm. Sau nhiều ngày tất bật "ăn, ngủ" cùng lồng đèn, đây là dịp con em họ được trình làng những tác phẩm do chính mình tạo ra, người lớn trong nhà cũng khấp khởi chẳng kém gì những đứa trẻ, vừa muốn đến xem thành quả của con mình vừa muốn thưởng thức không khí lễ hội sôi nổi. Sau chương trình khai mạc tết Trung thu do đoàn thanh niên phát động, lúc này, dưới ánh sáng vằng vặc của vầng trăng, thiếu nhi các thôn tay cầm lồng đèn cùng hợp thành một đội hình hàng trăm người đứng chờ hiệu lệnh của ban chỉ huy liên đội. Sau khi hiệu lệnh được phát đi, hàng trăm chiếc đèn lớn nhỏ đồng loạt giương cao, không gian lễ hội rực sáng cùng muôn sắc màu xanh, đỏ, đẹp tựa dòng sông ánh sáng. Dòng người diễu hành tràn về tất cả các thôn làng trong tiếng trống múa lân, tiếng nói cười, reo hò vang vọng, không gian làng quê vốn thường ngày yên ả, tĩnh mịch nay rộn ràng, cảnh vật cũng hòa chung cùng niềm vui với con người.

Bà Tô Thị Vinh ở thôn Hùng Việt năm nay đã 60 tuổi nhưng chưa một năm nào lỡ hẹn với rước đèn. Bà cho biết: Từ nhỏ đã tham gia rước đèn nên đến bây giờ nó cũng thành cái nếp trong suy nghĩ của tôi rồi, hơn nữa đó lại là truyền thống của quê hương nên mình cần có ý thức tham gia hưởng ứng, đi rước đèn vừa vui vừa gặp gỡ nhiều người, chẳng có lý do gì mà ở nhà khi cả làng ai cũng tham gia dự hội.

Tục lệ cổ truyền

Không biết từ khi nào tục rước đèn xuất hiện tại xã Đông Hoàng nhưng các bậc cao niên trong làng đều nói rằng từ thuở còn nhỏ đã cùng bạn bè tự tay làm nên những chiếc đèn ông sao rước trong đêm hội. Bà Nhâm Thị Nhung ở thôn Thái Hòa 1 năm nay đã 82 tuổi say sưa kể về tục rước đèn quê mình: Tôi được đi rước đèn từ khi lên 5, lên 6 tuổi. Ngày ấy, cứ gần đến Trung thu là trong nhà ngoài làng đi đâu cũng thấy người ta phơi đầy nan tre, những tốp trẻ con, người lớn ngồi buộc khung, dán giấy, làm đèn, không khí những ngày cận rằm vô cùng náo nhiệt, đâu đâu cũng rộn tiếng nói cười. Đèn Trung thu ngày xưa rất đơn giản, chủ yếu chỉ là đèn ông sao, vật liệu làm áo sao được tận dụng từ giấy báo bản, mảnh nilon, có khi là vỏ bao xi măng, chúng tôi dùng nhựa sung, keo hồ để phất áo, làm xong đèn người nào cầu kỳ còn vẽ thêm hoa lá cành, tuy đơn sơ, giản dị là thế nhưng là thành quả do chính mình tạo ra nên ai cũng nâng niu, trân trọng.

Vẫn sử dụng các nguyên liệu truyền thống nhưng ngày nay mẫu mã của những chiếc đèn Trung thu ở Đông Hoàng ngày càng có sự đa dạng, phong phú hơn. Tùy vào sức sáng tạo của các bạn nhỏ mà tới lễ hội, người xem còn có cơ hội chiêm ngưỡng những mô hình máy bay, ô tô, tàu hỏa vô cùng cầu kỳ, sinh động. Ngày nay, đèn nến cũng được thay thế bằng những bóng điện màu, những đèn nhấp nháy vì vậy những lồng đèn càng thêm lung linh, nổi bật trong đêm hội. Em Tô Hoàng Minh, học sinh lớp 8B Trường THCS Đông Hoàng chia sẻ: Năm nào em cũng tự tay làm lồng đèn Trung thu. Đèn của chúng em không chỉ dùng để rước theo tục lệ mà đèn đẹp còn được trưng bày trong đêm phá cỗ, vì thế bạn nào cũng cố gắng làm nên những chiếc đèn đẹp nhất.

Một điểm nhấn làm nên sức lôi cuốn của hội rước đèn ở Đông Hoàng ngày nay không thể không kể đến đó là những "siêu đèn lồng" do người lớn thực hiện. Những chiếc "siêu đèn lồng" thường cao tới 4 - 5m, phải huy động đến cả chục người khiêng. Anh Tô Văn Thành, một thành viên của tổ làm đèn thôn Thanh Long cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ cách đêm rước đèn khoảng 10 ngày, anh em trong thôn lại tập trung thành một đội làm đèn. Ngày còn bé làm đèn quen rồi, lớn lên vẫn cứ làm đèn cho vui. Theo anh Thành chia sẻ, để làm được một chiếc đèn, đội thợ phải đo đạc kích thước một cách chi tiết, dùng khoan để chốt các mấu nối lại với nhau, rồi phải bắc thang để căng áo sao, trang trí những chi tiết lớn rất kỳ công. Mặc dù chuẩn bị trước đến 10 ngày nhưng chuyện phải mặc áo mưa để làm đèn, thức đêm để trang trí là điều hết sức bình thường mỗi dịp Trung thu, bởi nếu không làm như vậy khó có thể hoàn thiện được các chi tiết của chiếc đèn cỡ lớn.

Chuẩn bị cho một đêm hội rước đèn là không ít những vất vả nhưng chưa bao giờ tinh thần của người dân Đông Hoàng bị xao động. Có một đêm hội rước đèn thành công chính là thành quả lớn nhất mà người dân nơi đây mong đợi, bởi vậy ai cũng cố gắng, ai cũng quyết tâm.

Thảo Tiên

  • Từ khóa