Thứ 2, 05/05/2025, 11:41[GMT+7]

“Tháng 8 giỗ cha” trong tâm thức người Việt

Thứ 2, 26/09/2016 | 15:09:46
23,690 lượt xem
Khi cái nắng hanh vàng của mùa thu trải dài trên cánh đồng lúa chín cũng là lúc người dân Thái Bình cùng du khách thập phương với tấm lòng thành kính nô nức trở về với lễ hội đền Ðồng Bằng, nơi thờ Ðức Vua Cha Bát Hải Ðộng Ðình. Bởi, “tháng 8 giỗ cha” từ lâu đã trở thành nét đẹp tâm linh, mang bản sắc, tín ngưỡng văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng.

Lễ rước truyền thống trong lễ hội đền Đồng Bằng.

 

Hồn cốt của văn hóa dân gian với những câu ca ngọt ngào say đắm và những lễ hội trao truyền tiếp nối qua bao đời đã trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi người dân Thái Bình. Ðặc biệt, trong nét văn hóa ấy là tín ngưỡng tâm linh một lòng thành kính hướng về Ðức Vua Cha. Cũng bởi thế mà có câu ca: “Dù ai buôn xa bán xa/27 tháng 8 giỗ cha thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/25 tháng 8 nhớ về Ðào thôn”.

 

Những vị anh hùng dân tộc

 

Ðền Ðồng Bằng tọa lạc trên đất An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, là biểu tượng uy linh, tôn kính bên dòng sông cổ Mai Diêm thơ mộng. Hơn 2.000 năm trước, vào thời vua Hùng thứ 18, trong cuộc chiến đấu cam go chống lại quân Thục xâm lược, thế giặc quá mạnh, triều đình đã lập đàn triệu linh sơn tú khí về giúp sức dẹp giặc. Thủy thần làng Ðào Ðộng khi ấy đã có công đầu trong việc trấn giữ 8 cửa bể phía Tây, bởi vậy đã được vua sắc phong “Trấn tây An Nam - Tam kỳ linh ứng - Vĩnh công Ðại vương Thượng đẳng thần”. Ngài có tên Vĩnh Công. Sau này, vua Lý Thánh Tông vì cảm phục tài năng, công lao to lớn trong việc dẹp giặc ngoại bang, giữ yên đất nước mà phong cho là Vĩnh Công Ðại Vương Bát Hải Ðộng Ðình. Từ ấy, dân gian tôn thờ ngài là Vua Cha Bát Hải Ðộng Ðình. Vùng đất Ðào Ðộng khi xưa được coi là địa linh, khắp nơi bái vọng.

 

Thế kỷ XIII, khi giặc Nguyên - Mông hung hãn tràn vào bờ cõi nước ta, làng Ðào Ðộng lại là nơi đóng quân và tập luyện binh pháp của quân tướng nhà Trần. Trước khi xung trận, Hưng đạo Ðại vương đã cùng binh sĩ về nơi đây dâng hương Ðức Vua Cha, cầu nguyện âm phù diệt giặc. Sau ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông, nhà Trần đã cho tôn tạo lại ngôi đền. Khi Trần Hưng Ðạo mất, ngôi đền Ðồng Bằng cũng là nơi thờ Ðức Thánh Trần, hàng năm mở hội giỗ cha từ ngày 20/8 âm lịch.

 

Trong những ngày “giỗ cha”, ở đền Ðồng Bằng bảo lưu, gìn giữ những nghi thức tế lễ độc đáo như lễ rước, hội thi đua thuyền, hát chầu văn kèm theo nghi thức lên đồng với ý niệm giải trừ tà ma, cầu mong cuộc sống yên bình, tươi đẹp.

 

Trở về với tổ tiên      

 

Ngày “giỗ cha” vào mỗi dịp tháng 8 âm lịch hàng năm là một trong những ngày lễ hướng về tổ tiên của mỗi người dân đất Việt.

 

 

Du khách thập phương hân hoan trảy hội đền Ðồng Bằng.

 

Cũng bởi vậy mà mỗi dịp tháng 8 âm lịch hàng năm, theo quan niệm là ngày “giỗ cha” luôn được coi trọng. Ðó là sự tưởng nhớ, là hành trình trở về với cội nguồn của dân tộc trong tâm thức mỗi người dân. Tín ngưỡng tâm linh này góp phần tạo nên những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc như lòng hiếu thảo, nhân ái, tính cộng đồng, tinh thần yêu nước.

 

Cùng với các lễ hội tại các đình, đền trong cả nước vào mỗi dịp tháng 8 âm lịch, lễ “giỗ cha” trong lễ hội đền Ðồng Bằng là ngày hội tâm linh lớn, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước. Mỗi người khi đến lễ, cầu đều mang nỗi niềm tâm trạng riêng, nhưng tựu chung tất cả đều gặp nhau ở tấm lòng thành kính hướng về cội nguồn. Và trong lễ “giỗ cha”, những câu chuyện về cuộc đời cùng chiến công vang dội mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân của Ðức Vua Cha Bát Hải Ðộng Ðình cũng như Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã tạo nên cho chiều sâu của lịch sử những khát vọng, ước nguyện muôn đời.

 

 

Ông Ðinh Văn Thuẫn, Chủ tịch UBND xã An Lễ, Trưởng ban tổ chức lễ hội truyền thống đền Ðồng Bằng

 

Ðể tổ chức thành công lễ hội, ngay từ đầu năm, xã đã thành lập ban tổ chức cùng các tiểu ban, xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ bảo đảm tốt công tác tổ chức, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… Ðồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong ứng xử, giao tiếp để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương về người dân An Lễ nồng hậu, mến khách.

 

Ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Hạ, xã An Thái (Quỳnh Phụ)

 

Qua hơn 700 năm, tên tuổi của Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn gắn liền những chiến công hiển hách vang vọng hào khí Ðông A không chỉ được lưu giữ trên vùng đất cổ linh thiêng A Sào mà còn mãi in đậm trong tâm thức mỗi người Việt Nam. “Tháng 8 giỗ cha” là một phong tục đẹp trong tín ngưỡng văn hóa dân gian tưởng nhớ, tôn vinh công lao to lớn của Trần Hưng Ðạo, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, vào dịp 20/8 âm lịch (tương truyền là ngày mất của Trần Hưng Ðạo), huyện Quỳnh Phụ và dân làng A Sào mở hội tế lễ Ðức Thánh Trần và hội làng với nhiều hoạt động văn hóa dân gian được lưu truyền, bảo tồn và tổ chức với quy mô lớn như: lễ rước bộ truyền thống, lễ tế dâng hương tại đền, phần hội với các giải thi đấu pháo đất, cờ tướng, giã bánh giày, múa kéo chữ thể hiện tinh thần thượng võ của quân dân Ðại Việt thời Trần, tổ chức một số trò chơi dân gian của người dân An Thái và các địa phương lân cận như bắt vịt, đi cầu kiều…

 

Chị Lèo Thu Thương, thành phố Sơn La (Sơn La)

 

Ðược về Quỳnh Phụ tham quan, chiêm bái đền A Sào, đền Ðồng Bằng trong dịp “tháng 8 giỗ cha” khiến tôi và gia đình rất vui và quên đi những mệt mỏi trên quãng đường dài. Tôi rất ấn tượng khi thấy phong cảnh của huyện Quỳnh Phụ nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung đã thay đổi rất nhiều, ngày một khang trang, hiện đại. Người dân nơi đây rất mến khách và thân thiện, lễ hội tổ chức hoành tráng nhưng không mất đi sự trang nghiêm. Cũng như mọi người, tôi cầu mong Ðức Thánh Trần phù hộ cho quốc thái dân an, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.

 

Anh Tú - Trịnh Cường

  • Từ khóa