Thứ 7, 23/11/2024, 12:17[GMT+7]

Đỏ thắm trời quê bông gạo lay

Thứ 3, 05/04/2011 | 16:02:02
4,262 lượt xem
Mỗi độ xuân về, khi đất trời còn se sắt trong những cơn gió lạnh mưa phùn và sương khói bảng lảng, thì trên khắp các ngả quê lại bừng lên sắc đỏ của những tán hoa gạo. Đỏ rừng rực in lên trên nền trời xa thẳm, đỏ nổi giữa màu xanh bao la của đồng lúa, vườn tược và đỏ nhuộm thắm mặt đất, dòng nước, mái nhà dân.

Hoa gạo có sức hút diệu kỳ đến nỗi ai qua đường cũng muốn dừng chân ngắm ngía, nghỉ ngơi và vui chơi bên cây. Với dân quê, gạo là một loài cây cổ thụ hết sức thân thương gắn với những sinh hoạt dân dã. Đây không chỉ là tặng vật thiên nhiên đem lại vẻ đẹp cho vùng đất mà còn là biểu tượng no đủ, hạnh phúc, yên ấm của làng quê.

Trong các đại thụ miền quê, gạo mang những nét dị biệt không lẫn vào đâu được, chỉ cần thoạt nhìn thậm chí từ xa vẫn nhận ra. Cây có thân thẳng tắp, tán tròn hình nấm. Khi nhỏ thân phủ gai, khi lớn gai giảm dần, thay vào đó là cành nhánh khô khốc, ở phần gốc cũng nổi dầy u cục, hang hốc cho dáng vẻ già lão. Lá gạo có hình chân vịt, mùa hè xanh tốt nhưng thu đông rụng hết. Hoa gạo có hình chén, năm cánh dày đỏ son, nhiều nhị vàng đen đầu, hoa nở rộ vào xuân trong tháng giêng, hai âm lịch và đậu quả tròn chứa sợi trắng khi khô xổ bung theo gió.

Không chỉ vậy, cây còn có sức chống chịu trước mọi biến đổi thời tiết. Mùa hè nắng đốt các loài thực vật khác cháy xém thì nó vẫn xanh ngời, tán nào tán nấy xoè ra mướt mát. Mùa đông sương buốt giá, trong khi mọi vật co mình vì lạnh thì nó trút sạch lá đứng phong phanh giữa đồng suốt mấy tháng trời khô nứt và chỉ cần có mưa xuân thì ở trên thân nhánh bắt đầu ló ra vô vàn nụ xanh, mới đầu bé bằng đầu đũa rồi quả trứng chẳng mấy chốc nở thành những đóa hoa rực rỡ. Mùa hè thường có những trận giông, bão kinh khủng nhưng gạo không hề suy chuyển nhờ bộ rễ to khỏe bám chắc vào lòng đất. Những lúc trời đông u ám, nhìn cái cây đứng rắn rỏi bên đường có cảm tưởng đó như là một cái trụ chống cho bầu trời khỏi sập xuống.

Nếu đa, si muỗm, vả nằm ở đầu làng nơi xóm thôn đông đúc thì gạo hay mọc ở cuối làng nơi có ruộng đồng xa vắng trên con đường chạy về phía tây, hướng của mặt trời lặn rẽ ra bãi tha ma. Nó tự thân tạo cho mình một không gian riêng trầm mặc, huyền bí. Tán lá khum cong như cổ mộ. Cành cây lúc nào cũng có vẻ u linh, kỳ quái và khi chiều tối tịch mịch, thâm nghiêm.

Tuy nhiên, cây vẫn hết sức sống động. Mùa xuân, hoa trổ mãnh liệt, những chùm đỏ lựng đơm đầy cành. Dưới những bông gạo chói lòa như lửa, mỗi ngả đường đều trở nên lộng lẫy. Mùa hè lá xanh um, lủng lẳng những quả non tròn. Cây vạm vỡ như chàng lực điền ưỡn ngực dướn thân che đỡ những cơn mưa xối xả và những cơn nắng nóng bỏng rát mặt đường. Mùa thu lá vàng rụng tả tơi, quả gạo khi còn trên cây đã tự nứt vỏ xổ ra từng cuộn xơ rối thốc bay theo gió. Những nắm sợi trắng tinh lãng đãng, dính bết lên vòm cây, nhà cửa, áo quần... Mùa đông, cành gạo trơ trọi, gầy khô loằng ngoằng như những nét bút viết trên trời cao. Để chống lại cái lạnh, hình như các cành xoắn vào nhau, hang hốc, vết nứt lộ ra sâu hoắm.

Khác với muôn hoa chìm khuất trong lá, hoa gạo nổi bật trên cành bạc trắng, trên nền trời thiên thanh và cỏ cây rợp xanh. Hoa cũng nở trong sự chông chênh, hoang sơ bên các triền đê, mũi đất và sông nước mờ khói. Đóa hoa chót vót chỉ rụng xuống lúc cuối ngày hay khi gió giật. Rụng xuống mà vẫn diễm kiều, tươi dòn. Hoa không rụng thì thôi, chứ đã rụng lan man. Từ trên cao xoay tròn như cái chong chóng rơi xuống bồm bộp. Hoa gạo rụng nhiều vào đêm. Sáng ra đã thấy phủ đầy mặt đất và trôi bồng bềnh trên sông. Phải một tuần, cánh hoa mới tách ra, quặn khô và là lúc hoa hòa vào đất, không cần chi, mặc trâu bò, lợn gà dẫm nát.

Ai cũng yêu hoa gạo bởi vẻ đẹp hiền dịu, chân tình. Hoa cứ lặng lẽ một góc trời không gọi mà thành gọi, không vẫy mà thành níu kéo bao ánh mắt mê mẩn, bao cánh chim trời, ong bướm. Hoa gạo mộc mạc như người con gái quê mùa đôi tám, trẻ trung phô diễn và trao gửi trọn vẹn tuổi xuân son sắc. Như ngọn lửa tình yêu cháy bừng nhắc nhở người xem phải có niềm đam mê, yêu thương và sống hết mình. Như ánh mắt đỏ hoe của người ở tiễn người đi ngóng trông biền biệt.

Khi hoa gạo bập bùng trên cây cũng là lúc bừng sáng những khoảng trời mơ mộng của tuổi nhỏ. Trẻ quê thường túm tụm dưới gốc gạo chơi quay, bắn bi, nhảy dây và đuổi bắt... cũng lấy bông gạo làm trò vui như nhặt hoa đội đầu, đeo cổ và nấu cỗ... vui trò chú rể cô dâu; dùng súng cao su để bắn hoa hoặc lấy mũ nón chạy theo hứng hoa rụng. Lúc đói và mệt thì lượm lấy cánh hoa còn tươi nhấm nháp và nằm ngẩng cổ mà ngắm bông gạo từ trên cao rơi đánh xoẹt ngang trời. Đến mùa quả nứt cả bọn tru môi đuổi theo thổi những sợi gạo mỏng tang bay cao, bay xa.

Nhờ hoa gạo tươi sáng, khỏe khoắn mỗi buổi ra đồng thăm lúa đứng giữa màn mưa gió rét mướt, nhìn cành gạo đỏ nông dân vẫn cảm thấy ấm áp. Trên con đường xa, lữ khách cũng rộn ràng như thấy lại một khoảng trời quen thuộc của quê nhà và cảnh gia đình đoàn tụ. Nơi biên cương sóng gió, người chiến sĩ cũng như có thêm bạn sát cánh vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.

Trong văn hóa dân gian, gạo là một trong số ít loài cây tạo dựng nên vũ trụ bởi chứa đựng các yếu tố như: cao và xa - thân cây cao thẳng, cành lá vươn dài; biến động và kỳ ảo -  lớp vỏ xù xì, lồi lõm; tỏa nhiệt và tạo hạt nhân -chùm hoa đỏ lửa và quả khô phóng giải xơ trắng nhạt hòa như dải ngân hà... Cây cũng biểu thị về trái đất và trung tâm với tán, hoa, quả đều tròn, lá có năm chét, cả hoa và quả đều năm cánh, năm mảnh vỏ khi nở bung về ngũ phương. Giữa rễ, thân và lá (hoa) nối liền thành một trục ba tầng: thiên (trời), địa (đất) và nhân (người), ở đâu cũng sôi động sự sống (dưới gốc cây là thế giới các loài rắn rết, ếch nhái, đa trùng), bên cây là con người, gia cầm, gia súc, và trên ngọn là muôn loài chim chóc. Rễ cây khi mọc xuống đất có thể hút được mọi nguồn nước và biến thành rắn thần canh gác suối nguồn. Cành lá khi lao lên trời trở thành cái giá để treo các vì tinh tú tỏa sáng cho nhân gian khỏi lạnh lẽo. Vào mùa hoa, những tán gạo đỏ chính là hiện sinh của mặt trời, nắng ấm và sự sinh sôi... Cây cũng lôi kéo sấm sét, đem tới những trận mưa mát lành tưới tắm đồng ruộng.

Đối với nhiều người, cây gạo còn là một thế giới thiêng liêng của những câu chuyện thần bí xa xưa về linh hồn, á quỷ và những con ma làng. Dân quê có câu “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” chỉ những cổ thụ là nơi ở của thần linh, nếu ai xúc phạm sẽ bị quở phạt và nếu biết tôn thờ sẽ gặp điều lành. Trong ba đối tượng thuộc ba loại cây trên thì linh thần là hiện tượng siêu nhiên có lẽ khó gặp nhất bởi các thần luôn ở nơi tôn nghiêm cách biệt trần thế; cú cáo cũng là linh vật xa vời, hoặc ở tít trên cao hoặc ở hố sâu thẳm; chỉ có ma là có vẻ gần gũi hơn cả.

Người ta thường nói “Chết ra ma” (người chết biến thành con ma), ở nhiều nơi vẫn có tục thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất, và hằng năm đều mong ngóng họ lui tới thường xuyên  phù hộ độ trì cho con cháu. Dân quê tin rằng, trong ba ngày đầu sau khi mất một số người chết hoá ma sẽ nương vào cây gạo, ở trong lớp vỏ xù xì và bám vào những mấu cành cộc như nấc thang mà leo lên trời, hóa thân vào mây gió và đầu thai về lại một gia đình nào đó trên dương gian. Nếu trong nhiều ngày không siêu thoát, ma sẽ hóa quỷ ở lì mà tác động xấu đến con người.

Theo đạo Phật, mọi kẻ xấu số, chết sông chết chợ, cô hồn, ma quỷ còn luyến tiếc cuộc sống đều được cơ hội siêu sinh nhờ leo cây gạo tới cõi niết bàn. Trên ngọn cây luôn có các thiên thần nâng đón. Nhưng không phải cô hồn nào cũng leo lên được một cách dễ dàng. Để lên được cõi cực lạc, họ phải trải qua nhiều thử thách, mà một trong đó là bước đi trên gai nhọn và cành gạo sắc nẻ. Nếu cô hồn không chịu được đau đớn sẽ tụt hậu mà rơi xuống. Về đêm người ta nghe được rất nhiều tiếng động từ cây, có người bảo đó là tiếng cành khô vặn gãy nhưng có người tin đó là tiếng chân leo cây bị trượt ngã. Vì thường ngày, trời tối lạnh dễ làm cô hồn lạc lối nên trong một năm khoảng ba tháng đầu xuân nhà trời sẽ đốt lửa trên ngọn gạo biến những đóa hoa đỏ thành những bát nến soi đường, chỉ lối cho đoàn người tới cõi tây phương. Những cô hồn bị rơi cũng có thể níu vào hoa mà không tan tác.

Có người cho rằng linh hồn hóa vào hoa nhờ thế mà hoa vẫn tươi khi rụng xuống và sẽ héo đi khi họ tiếp tục chuyến hành trình. Cây gạo như vậy là sự thể hiện chung nhất tính cộng đồng về mặt tâm linh hậu sự. Ai cũng tin đó là chỗ dựa tạm thời của người thân trên đường về thế giới bên kia. Khi đưa đám, qua cây gạo nhà táng luôn dừng lại thắp hương, hành lễ cho đô tùy được chở vai nhân tiện uống chén rượu, ăn miếng trầu xong đi tiếp. Nhiều nơi dưới gốc gạo đều xây dựng quán âm hồn, trước khi tảo mộ người dân luôn tới đây phúng viếng.

Có nơi còn thờ cây gạo với ý nghĩa thờ cúng vật tổ, những gì lâu đời của quê hương bản quán. Cạnh chùa chiền thường trồng gạo cho các chim thần trông coi chùa đậu và các sinh linh cô quả hướng Phật, nghe kinh siêu thoát. Dân gian xem gạo là cây mệnh trời, hoa nở vào chiều báo hiệu giờ phút đứng bóng của đời người. Ai đó sẽ đi về trời, được quầng lửa gạo hạ xuống đốt sạch mọi vướng bận đón về cõi mơ hồ.

Dân quê thường trồng gạo để trấn yểm các ngã ba ngã bảy, đầu hoặc cuối làng. Nhờ vóc dáng khổng lồ đây luôn là một điểm mốc trong cảnh quê. Từ xa đã thấy cây như người thân, bạn bè ngày nào cũng giang cành, vẫy tán chào đón người đi kẻ về. Mặc dù gỗ gạo làm được nhiều việc nhưng ít khi có người chặt gạo vì lo ngại có thể giải phóng khỏi cây những thế lực hắc ám, và cũng bởi họ tin rằng những linh vật lấy cây làm chỗ trú ẩn không cho phép.

Mọi tiếng động ở cây muôn loài cùng nghe thấy, nên để giảm hắc tính trước khi đốn cắt đều phải rót rải rượu xuống thân rễ gạo mà xin phép. Với niềm tin ma quỷ giữ của chặt chẽ không ai lấy nổi xưa kia nhà giàu thường chôn tiền vàng dưới gốc gạo, cũng vì vậy gốc gạo được xem là biểu tượng của kho báu, của cải tiềm tàng. Nhờ quả gạo có lõi to trắng như bát cơm, bát gạo, có sợi mềm mượt làm được chăn gối, quần áo; hoa gạo sai chi chít giúp ấm lòng an dạ gợi niềm vui no ấm nên dân quê gọi đây là cây gạo.

Khi trời giông gió, nhìn bông gạo bay trắng xóa, giăng mắc muôn nơi ai nấy đều mong ước năm nay sẽ được sung sướng, cơm no áo ấm. Người quê hay gắn cây gạo với sức sống của đất và sự phồn thịnh của làng. Năm nào cây tốt thì đất tốt, trồng trọt dễ dàng; năm nào cây xấu thì đất xấu, chăn thả khó khăn. Nếu cây sum suê làng dư thừa no ấm, nếu cây gầy guộc làng phải thắt bao buộc bụng. Nếu hoa nở nhiều làng được mùa lúa lớn, ngành nghề thuận lợi, thi cử đỗ đạt. Nếu hoa nở ít coi như thiếu vắng tin mừng.

Tuy mang nhiều yếu tố huyền bí song đối với người quê cây gạo cũng như bao cây trồng khác hết sức gần gũi, thân thiết. Đây là một cây lớn có thể ngăn lũ, chắn bão che chở xóm làng. Đi làm đồng nông dân đều ngồi nghỉ ngơi tránh mưa nắng, giao lưu văn nghệ dưới cây. Đặc biệt trẻ thơ không ngại ngần khi ôm chầm lấy cây, úp mặt chơi trò trốn tìm, leo trèo hái hoa, ăn quả...

Hoa gạo nở cũng là lúc mọi làng quê vào ngày hội, hân hoan và nhộn nhịp. Hoa cho lòng người thêm rạo rực, áo quần xênh xang làm dáng làm duyên, đong đưa đi dự hội làng. Vì hoa gạo vị ngọt, tính mát, dân quê thường nhặt hoa tươi, phơi nắng hoặc sấy, cán nhỏ sắc nước đun tắm hay làm trà thuốc uống thanh nhiệt, tiêu thũng, chữa kiết lỵ, viêm loét, trật khớp... Vì quả gạo có xơ dày trắng như bông, mọi nhà thường nhặt gỡ sợi, đánh tơi, nhồi vào làm ruột gối vừa êm vừa thoáng khí cho giấc ngủ say.

Đất quê ta nơi nào cũng sững sững cội gạo, đến mùa hoa nở là chìm trong sắc gạo đỏ. Những đốm lửa lập loè trên cao báo hiệu về một mùa xuân xinh đẹp, một mùa hè rạng ngời đang đến với đất trời.

Bài và ảnh: Chu Mạnh Cường
(Đống Đa, Hà Nội)


  • Từ khóa