Thứ 2, 19/05/2025, 02:51[GMT+7]

Chùa Keo nghìn thuở linh thiêng

Thứ 2, 10/10/2016 | 08:46:04
2,725 lượt xem
Từ xa xưa đã lưu truyền câu ca mà đến nay vẫn nồng nàn vang vọng, câu ca ấy có sức sống lâu bền, vượt qua mọi khoảng cách, thời gian, xuyên suốt không gian, kết nối mọi miền quê hương đất nước, lắng sâu trong tâm thức bao người.

 

Dù cho cha đánh mẹ treo

Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

 

Vịn vào câu ca sâu thẳm nghìn năm, chúng tôi hòa vào dòng người tấp nập hành hương chiêm bái chùa Keo - danh lam  thắng tích nổi tiếng, kiệt tác nghệ thuật kiến trúc độc nhất vô nhị được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Keo được khai mở đều đặn hàng năm, mùa xuân vào ngày 4 tết Nguyên đán, mùa thu vào ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch.

 

Chùa Keo được khởi dựng tại thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư trên một thế đất bằng phẳng, rộng rãi, thoáng mát, phía trước là sông Hồng chở màu mỡ phù sa bồi đắp cho mùa màng châu thổ, vạn vật tốt tươi, cư dân đông đúc, làng quê trù phú, phong cảnh hữu tình.

 

Theo thần tích: Ðầu thế kỷ XI (1016), ở hương Hải Thanh (nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh) có gia đình họ Dương làm nghề chài lưới sinh được một trang nam tử khôi ngô, kỳ vĩ lạ thường, đặt tên là Dương Minh Nghiêm. Vốn tinh anh thông tuệ, lại hiếu học nhân hậu, đặc biệt rất hâm mộ đạo Thiền nên đến năm 29 tuổi Dương Minh Nghiêm xuất gia tu hành, ngài cùng thiền sư Giác Hải, thiền sư Từ Ðạo Hạnh cùng nhau chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Cõi Tây Trúc xa xăm nghìn trùng chưa từng ai đến được nhưng với lòng mộ đạo, kiên nhẫn, ba vị thiền sư đã đóng thuyền ngược sông Hồng lặn lội sang Tây Trúc thỉnh Phật, khổ hạnh tu hành đắc đạo.

 

Năm 1061, thiền sư về nước dựng chùa Nghiêm Quang làm nơi ẩn nhẫn thuyết pháp giảng đạo, hộ quốc an dân.

 

Không Lộ thiền sư thường chu du khắp vùng sơn thủy dựng chùa truyền bá đạo Phật, giúp nước, giúp dân, giúp đời, được suy tôn là vị thánh tổ thứ chín của phái Thiền Việt Nam. Ông đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý nên được phong làm quốc sư triều Lý. Ngày 3 tháng 6 năm Giáp Tuất (1094), Ðức thánh tổ quốc sư Dương Không Lộ viên tịch, thọ 79 tuổi.

 

Năm 1167, vua Lý Anh Tông ban chiếu đổi tên chùa là Thần Quang và tên Thần Quang Tự có xuất xứ từ ngày ấy. Ðến năm Tân Hợi (1611), gặp lúc tang thương bĩ cực, một trận đại hồng thủy đã cuốn trôi ngôi chùa, người dân Ấp Keo phải di chuyển đi nơi khác chia thành hai làng, một làng ở hữu ngạn sông Hồng (nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh), một làng ở tả ngạn sông Hồng (nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cùng phát tâm xây lại chùa theo tên nôm là chùa Keo, thượng nguồn phía Thái Bình là Keo trên, hạ nguồn phía Nam Ðịnh là Keo dưới để phân biệt.

 

Chùa Keo (Thần Quang Tự) do quận công Hoàng Nhân Dũng và vợ là Lại Thị Ngọc Lễ đảm nhận vận động và xây dựng, mời Ðông cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Trân làm hội chủ danh dự và Cường dũng hầu Nguyễn Văn Trụ thiết kế kiểu dáng. Năm 1630 khởi công, đến tháng 11 năm 1632 hoàn thành.

 

Trải gần 400 năm, biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, thời gian, chiến tranh, giặc giã, thiên tai và đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ thứ XVII, vẫn hiển hiện uy linh tỏa sáng, trường tồn cùng sự phát triển của Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Với tổng cộng 16 tòa, 126 gian trên diện tích 5,8ha, toàn bộ phối cảnh như một đóa sen lộng lẫy hào quang mà Ðức Phật ngự thiền với ý tưởng cao cả: vô nhiễm, trường thanh, kiên nhẫn, viên dung, thanh lương, hành trực, đẩu không, bồng thực.

 

Tổng công trình được thiết kế xây dựng theo kiểu dáng nội công ngoại quốc, tiền phật hậu thánh. Tòa Giá roi hoạch định địa giới, chùa Phật và đền Thánh. Ðặc biệt có tượng Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát cùng gần 100 pho tượng nguyên tác với những dáng vóc sống động, dung dị, thuần khiết theo nguyên tắc vừa cao siêu, huyền bí vừa gần gũi, hòa đồng, không cách ngăn thế tục trần gian.

 

Ðiểm nhấn của quần thể là tòa gác chuông chùa Keo với ba tầng mái kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau, bộ khung bằng gỗ dùng mộng để liên kết.

 

Trong bảng lảng thu không, tiếng chuông thỉnh lên nghe bồi hồi, xao xuyến như tín hiệu giao hòa giữa vũ trụ - con người và vạn vật, âm vang tiếng chuông cong vút hiện ra thế giới từ, bi, hỷ, xả, trong cõi vô thường sắc sắc không không ta bỗng ngộ ra những triết lý của đạo Thiền khuyên bảo con người tránh xa cám dỗ tham, sân, si để hướng tới những giá trị tốt đẹp, để cống hiến trí tuệ, công sức, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn mối giao cảm tương đồng giữa đạo với đời.

 

Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt, là viên ngọc sáng của nghệ thuật kiến trúc, là hồn cốt, niềm tự hào của quê hương Thái Bình. Mọi người cùng nhau bảo vệ, gìn giữ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt để chùa Keo mãi mãi là điểm hẹn hấp dẫn, là danh lam thắng tích thiêng liêng, thu hút, mời gọi tăng ni, Phật tử, con em quê hương, du khách thập phương tìm về dâng hương, chiêm bái, công đức ủng hộ, phấn đấu để lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm ngày sinh Ðức Thánh Dương Không Lộ.

 

Trảy hội chùa Keo

Ðã vơi công việc bộn bề

Thuận đường anh đón em về hội Keo

Sông Hồng sóng vỗ như reo

Lúa đồng ngậm mảnh nắng treo rực vàng

Lặng nhìn cong vút tam quan

Bốn bề thơm ngát khói nhang Phật đài

Cõi thiền neo giữa trần ai

Từ, bi, hỷ, xả, thiện tai lắng thầm

Cha ông lấy đức làm nhân

Gác chuông sừng sững ngàn năm giữa đời

Niềm vui rạo rực dòng người

Hương thu, hương đất, hương trời đắm say

Cùng em lễ Phật cầu may

Vọng từ sâu thẳm cõi này tâm linh

Non sông đất nước yên bình

Vũ Thư vững bước chuyển mình đi lên

Giữ gìn di sản tôn nghiêm

Nối vòng tay đến mọi miền gần xa

Nặng tình, nặng nghĩa thiết tha

Tỏa lan tiếng hát lời ca sớm chiều

“Dù cho cha đánh mẹ treo

Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”

Cao xanh chiếu rọi hồng ân

Dâng lên cõi Phật chữ Tâm rạng ngời

Vui cùng lễ hội người ơi

Chùa Keo kiệt tác nghìn đời linh thiêng.

 

Lại Tây Dương

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa