Thứ 3, 30/07/2024, 03:33[GMT+7]

Nhiều lễ hội cổ truyền của Thái Bình cần đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 6, 14/10/2016 | 08:20:06
3,495 lượt xem
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 hội làng truyền thống được khôi phục, trong đó hàng chục hội duy trì được các trò diễn xướng, đua tài, thi khéo theo tục lệ cổ truyền. Hiện tại, Thái Bình được xác định là một trong những tỉnh, thành phố duy trì được nhiều hội làng truyền thống với những trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc.

Múa kéo chữ ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ). Ảnh: Hà Anh

Được biết, đến nay, Thái Bình mới có 4 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là các lễ hội: chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư), đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà), đền A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ). Đồng thời, cũng được biết thêm, Thái Bình còn là một trong số ít các tỉnh, thành phố chưa triển khai xong việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể.

Từ kết quả nghiên cứu về văn hóa truyền thống của Thái Bình, có thể không quá khó khăn khi cần sắp xếp các loại hình lễ hội dân gian theo các tiêu chí là di sản văn hóa phi vật thể như:

Loại hình lễ hội có các trò diễn xướng dân gian tiêu biểu: hội đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) với tục hát văn hầu bóng; hội làng Quang Lang (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) với tục múa ông Đùng bà Đà; hội làng Vọng Lỗ (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ) với tục múa Bệt; hội làng Lộng Khê (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) với tục múa Bát Dật; hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) với tục múa giáo cờ giáo quạt; hội làng La Vân (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ) với tục múa kéo chữ…

Loại hình lễ hội có các trò đua tài thi khéo, tiêu biểu là: hội làng Lạng (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư) với tục thi cỗ chay; hội làng Nghìn (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ) với tục gói bánh giày; hội làng Sáo Đền (xã Song An, huyện Vũ Thư) với tục thi thả diều; hội làng Bạt Trung xã Hòa Bình, hội làng Đa Cốc xã Nam Bình (Kiến Xương), hội làng Tống Vũ (xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình) với tục kéo lửa nấu cơm thi; hội làng Hới (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) với tục thi dệt chiếu…

Loại hình lễ hội có các trò thi đấu thể thao truyền thống mang tính thượng võ, gồm: hội đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương), hội đền Thuận Nghĩa (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) với tục đua chải; hội đền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy) với tục thi vật cầu; hội làng Thượng Phúc (xã Quang Trung, huyện Kiến Xương) với tục thi kéo co hố…

Loại hình lễ hội còn duy trì được nhiều nghi thức rước tế cổ truyền, tiêu biểu có: hội đền Hệ (xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy), hội đình đền Bổng Điền xã Tân Lập, hội chùa Phượng Vũ xã Minh Khai (Vũ Thư); hội đền Mộ Đạo (xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương); hội đền Phú Hà (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà); hội đền Chòi (xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy); hội đền Cửa Lân (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải)…

Đương nhiên, việc sắp xếp lễ hội theo các tiêu chí trên cũng chỉ mang tính tương đối bởi xét về tổng thể, giá trị di sản văn hóa phi vật thể của mỗi hội thường bao hàm nhiều yếu tố cấu thành. Ví như hội làng Lộng Khê không chỉ độc đáo về tục múa Bát Dật mà còn độc đáo ở tục đốt cây đình liệu. Cũng như vậy, hội đền Đồng Xâm không chỉ có đua chải mà còn có đấu vật, hát chèo; hội đền Đồng Bằng không chỉ có hát văn hầu bóng mà còn có đua chải; hội làng La Vân không chỉ tiêu biểu với tục múa kéo chữ mà còn độc đáo ở trò trình nghề tứ dân…

Có lẽ, cùng với việc hoàn tất dự án kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở Thái Bình là việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa các lễ hội truyền thống ở Thái Bình vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo một lộ trình khoa học để từ đó lập được một bản đồ di sản văn hóa phi vật thể của Thái Bình, thiết thực phục vụ sự nghiệp quảng bá du lịch văn hóa ở Thái Bình.

Cũng cần phải thấy rằng, duyên cớ ra đời ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống là để cổ vũ, tôn vinh các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian, trong đó có các môn thể thao truyền thống. Theo nguyên ủy thì tùy theo quy mô của từng năm, cứ vào dịp 14/10 hàng năm, các loại hình văn nghệ dân gian lại được huy động về trung tâm tỉnh để biểu dương lực lượng. Ở các địa phương được huy động, bà con thường náo nức chuẩn bị tập dượt để "mang chuông đi đấm trên tỉnh".

Hy vọng, cùng với việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ đề nghị những lễ hội đủ tiêu chí để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống 14/10 sẽ là dịp thắp thêm nguồn sáng từ những hội làng truyền thống.

 Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa