Thứ 5, 09/05/2024, 13:31[GMT+7]

Đình Quán - nơi phụng thờ An Hạ Đại Vương

Thứ 2, 28/11/2016 | 08:37:34
4,124 lượt xem
Đình Quán, thôn Lê Lợi, xã Đông Xuân (Đông Hưng) là nơi phụng thờ An Hạ Đại Vương (tướng quân Trần An Hạ). Xưa kia, đây là nơi ngài cùng phu nhân Đàm Chiêu Trinh về sinh sống, dựng nghiệp, chiêu dân, lập làng trước khi vào Châu Hoan (Nghệ Tĩnh) dẹp loạn và trấn giữ vùng đất phía Nam Đại Việt. Sau khi hai vị qua đời, hài cốt được nghinh thỉnh về Quán thôn. An Hạ Đại Vương được sắc phong An Hạ Đại Vương Thượng đẳng thần, thờ tại đình Quán.

Bức cuốn thư cổ ghi chép bài thơ của Quan tiến sĩ Vĩnh Xuyên (Trung Quốc) ca ngợi triều Lý được lưu giữ trong đình.

Cặp vợ chồng tài đức

Theo văn bản chữ Hán "Quán thôn từ điển" viết năm 1922, làng Quán xưa cùng bốn ngôi làng khác gồm Kênh, Miễu, Cộm, Nha ở thế kỷ thứ XII thuộc đất Thang Mộc ấp của tướng quân Đàm Thì Phụng. Vị tướng quân này có hai người con gái, một người là Nguyên phi hoàng hậu Đàm Thị An Toàn, vợ vua Lý Cao Tông, một người là Đàm Chiêu Trinh được gả cho An Hạ Đại Vương (con trai thứ của Hoằng Nghị Đại Vương, anh ruột Thái sư Trần Thủ Độ). Quán thôn vốn là nơi bà Chiêu Trinh trồng hoa để tiến dâng cho triều đình, khi kết duyên cùng An Hạ Đại Vương hai người đã về đất ấy sinh sống, chiêu dân trong vùng khẩn hoang cấy cày, lập làng, mở chợ... Tài đức của An Hạ Đại Vương cùng phu nhân vang danh khắp chốn, kinh tế ngày một phát triển, người từ các nơi kéo về hương Động Nhuế giao thương ngày một nhiều biến nơi đây thành vùng đất đô hội sầm uất, nổi tiếng một thời.

Năm 1202, năm Thiên Gia Bảo Hựu, giặc Chiêm Thành vào đánh phá Châu Nghệ An, Thanh Hóa, vua Lý Cao Tông hạ chiếu sai An Hạ Đại Vương cùng các tướng lĩnh đem quân vào đánh dẹp. An Hạ Đại Vương đánh tan quân xâm lược, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi Đại Việt, đất nước trở lại thanh bình, vua Lý Cao Tông lại hạ chiếu cho An Hạ Đại Vương làm Bá trưởng trấn giữ Châu Hoan (Nghệ Tĩnh). Mười sáu năm trấn giữ Châu Hoan, An Hạ Đại Vương ba lần dẹp tan giặc Chiêm (các năm 1202, 1216, 1218), giữ yên bờ cõi phía nam Đại Việt. Công lao của ngài được triều đình Lý Cao Tông ghi nhận, phong tước Bá trưởng Châu Hoan (Nghệ Tĩnh), phong hầu, ban thực ấp 7.500 hộ, thực phong 1.500 hộ.

Năm 1224, vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, xuất gia vào chùa Chân Giáo tu hành. Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, An Hạ Đại Vương vẫn được nhà Trần trọng dụng, giao trấn giữ Châu Hoan.

Về phần Đàm Chiêu Trinh phu nhân, mặc dù chồng đi chinh chiến phương xa bà vẫn giữ tròn gia đạo, vững vàng cáng đáng mọi công việc nơi quê nhà. Bà dạy dân cách làm ăn, mở làng, khơi sông, thay chồng gánh vác những trọng trách cao cả. Bà cho dựng chùa làm nơi khấn cầu, chăm lo đời sống nhân dân, được người dân trong vùng hết lòng yêu kính. Khi kinh tế quê hương đã thịnh vượng, bà trở vào Châu Hoan đoàn tụ cùng chồng. Năm 1268, hai ông bà lần lượt quy tiên, An Hạ Đại Vương hưởng thọ 93 tuổi, phu nhân Đàm Chiêu Trinh hưởng thọ 90 tuổi, hai người không có con. Ông bà được an táng tại đất Châu Hoan.

Mười năm sau, năm Bảo Phù thứ 6, vua Trần Thánh Tông truy xét công lao to lớn của An Hạ Đại Vương và phu nhân Đàm Chiêu Trinh đã truy tặng công lao đức hạnh, gia phong tước hầu xứng với tài năng và trí tuệ và những chiến công oanh liệt của hai ông bà cho hai triều Lý, Trần. Vua ra chiếu chỉ cho dân nghinh thỉnh hài cốt của Đức ông, Đức bà về quê hương, khi ấy là Mãi Hạnh Trang. Vua ban hai cây gỗ làm hai cỗ quan tài, tạc hai pho tượng Đức ông, Đức bà, làm kiệu hoa, bài vị cho các làng, khắc bia đá ghi tên tuổi và ban thần hiệu: Đức ông "Lý triều Hoàng tông vinh tộc bằng Quý Thịnh Hầu, truy tôn "An Hạ Đại Vương"; Đức bà "Lý triều hoàng Đàm Chiêu Trinh phu nhân tôn thần" và ban câu đối: "An Hạ Hầu, An Hạ Vương, công tích liệt oanh tồn quốc sử. Vi Phương Phi, Vi Hậu Muội phương danh nghiệt ngã tại thiên thu" – "Danh tướng kiệt xuất, ái quốc trung quân, hậu nhân trí đức, tài đức song toàn, Quán thôn, tòng đạo phụng sự".

Nặng lòng nơi phụng thờ

Bà Nguyễn Thị Hà ở thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân chia sẻ: Công lao của Đức ông, Đức bà đối với quê hương, đất nước vô cùng to lớn. Nhưng trong suốt mấy trăm năm, nơi thờ phụng ngài thường xuyên bị di dời, thay đổi. Có những khi ngài phải "sang nhờ" làng khác, điều đó khiến người dân làng Quán chúng tôi không khỏi day dứt, băn khoăn.

Thực vậy, trong 700 năm, nơi thờ thành hoàng làng có tới 9 lần di chuyển, chưa kể những lần "ngự" tại nhà dân trong những lần tu bổ đình. Năm 1294, dân làng Quán đã dựng miếu Hương Thị thờ hai vị trên gò đất cao Thổ Phụ Ninh Cường. Năm 1329, nơi thờ được chuyển tới cạnh ao Từ Hàng Tổng. Đến năm 1906, Pháp làm đường 10 Hải Phòng - Nam Định, đình bị động, nhân dân chuyển đình xuống xóm Bến. Do địa hình bị trũng, thấp, thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng đến hoạt động tâm linh, năm 1939 - 1943 đình Quán lại được chuyển lên gần chùa Quán. Cuối năm 1950, Pháp về đóng bốt tại làng, đình bị phá hủy hoàn toàn. Hòa bình lập lại, cuối năm 1957, các cụ trong làng mua lại ba gian nhà gỗ lim của ông Bùi Văn Lũ làm ba gian đình ngoài và xây một gian hậu cung đồng thời rước Đức ông từ đình Miễu về thờ. Tuy nhiên, đến năm 1960, UBND xã xây trụ sở, đình Quán lại tiếp tục phải tháo dỡ, tượng Đức ông lại được chuyển vào đình Nha. Tháng 4/1992, các cụ trong làng rước Thánh từ đình Kênh về miếu Bà Bình, xóm 3. Năm 1994, đình Quán được xây dựng ở vị trí đặt bia chiến thắng (diện tích khoảng 700m2) bên cạnh sân vận động của xã, phục dựng ba gian đình ngoài, một gian hậu cung đồng thời rước tượng Đức ông về thờ. Tuy nhiên, toàn bộ cụm kiến trúc đình Quán thời điểm ấy nằm trên thửa đất thấp, thường xuyên bị ngập úng, đồ thờ trong đình sau hai thập kỷ cũng đã cũ kỹ, hỏng hóc. Tâm nguyện của nhân dân địa phương và khách thập phương là được phục dựng ngôi đình cho xứng tầm với công lao to lớn của An Hạ Đại Vương cùng Đàm Chiêu Trinh phu nhân.

Cuối năm 2013, được sự đồng ý của UBND tỉnh, UBND huyện Đông Hưng, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã Đông Xuân, đình Quán được xây dựng mới với lối kiến trúc truyền thống Lý - Trần trên diện tích 3.000m2 tại thôn Lê Lợi 2. Sau ba năm thực hiện, đình đã hoàn thiện, mang diện mạo khang trang, bề thế gồm nghi môn (cổng tam quan), 5 gian đại bái, 5 gian đình trong, 3 gian cung cấm, tả vu, hữu vu mỗi bên 3 gian, cửa quy hướng Đông Nam, các công trình phụ trợ gồm sân trước, sân sau, cổng phụ, tường rào, nhà từ..., tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Có được công trình như ngày hôm nay là nhờ sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương, đóng góp của các tập thể, cá nhân, con em xa quê, hậu duệ nhà Trần công đức, tiến cúng tu bổ, tôn tạo di tích. Ngôi đình mới đã thỏa lòng mong mỏi của người dân về nơi thờ Thánh, xứng tầm với công lao to lớn của An Hạ Đại Vương và Đàm Chiêu Trinh phu nhân đối với dân tộc nói chung, quê hương Đông Xuân nói riêng.

Ngày 4/12/2016 (tức ngày 6/11 năm Bính Thân), UBND xã Đông Xuân, Ban Quản lý di tích lịch sử đình Quán tổ chức lễ khánh thành đình làng Quán. Đây là dịp để nhân dân địa phương, quý khách thập phương cùng con em xa quê cùng tụ hội, thể hiện đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", dâng nén hương thơm ngưỡng vọng công lao to lớn của hai vị tiền nhân đối với quê hương, đất nước.

"Không chỉ được biết đến là nơi phụng thờ An Hạ Đại Vương và Đàm Chiêu Trinh phu nhân, đình Quán trong Cách mạng Tháng Tám còn là nơi nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về hoạt động cách mạng như các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười, Hoàng Quốc Việt..."

Bà Vũ Thị Hạnh, cán bộ văn hóa xã Đông Xuân

Trước sự xuống cấp trầm trọng của di tích lịch sử đình Quán, chính quyền địa phương đã chấp thuận nguyện vọng của nhân dân làng Quán, thôn Lê Lợi 2 về việc xây dựng, tôn tạo các hạng mục của đình. Đến nay, sau ba năm thực hiện, bằng nguồn vốn xã hội hóa, việc xây dựng đình Quán đã cơ bản hoàn thành, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử của quê hương.

Ông Vũ Văn Bột, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đình Quán

Đình Quán vừa là nơi sinh hoạt tâm linh vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân làng Quán, thôn Lê Lợi 2. Có một nơi khang trang thờ thành hoàng làng là nhu cầu chung của nhân dân, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Việc xây dựng đình Quán luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các cấp lãnh đạo, người dân địa phương cũng như con em xa quê.

Ông Vũ Tiến Lại, thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân

Nhiều năm về trước, dân làng chúng tôi luôn áy náy vì nơi thờ thành hoàng làng không cố định, không gian thờ phụng mục nát, xuống cấp, không tương xứng. Đến nay, đình Quán đã được xây dựng khang trang, không chỉ tôi mà toàn thể nhân dân trong làng đều rất phấn khởi, tự hào.

Thảo Tiên

  • Từ khóa