Thứ 3, 30/07/2024, 19:24[GMT+7]

Gạn “bóng” khơi “đồng” chao nét đẹp rộn ràng văn hóa

Thứ 2, 05/12/2016 | 08:45:47
1,304 lượt xem
Diễn xướng dân gian ba mươi sáu giá đồng trong hầu bóng ở một số đền, phủ trên địa bàn tỉnh như đền Đồng Bằng, đền Tiên La, đền Tam Tòa… được coi là sinh hoạt văn hóa mang hình thức tâm linh chứ không “dị đoan” như nhiều người lầm tưởng. Bởi hầu bóng là nghi lễ tôn vinh các nhân vật có thật trong lịch sử và công trạng của họ đối với đất nước thông qua hình thức hát xướng, là loại hình diễn xướng dân gian bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu (Chúa Liễu Hạnh) hoặc thờ Thánh (Đức Thánh Trần Hư

Giá đồng tái hiện cảnh Đông Nhung đại tướng quân chiến thắng giặc phương Bắc.

 

17 giờ 15 phút giờ địa phương (21 giờ 15 phút giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” hay còn gọi là hầu đồng, hát chầu văn đã chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tục thờ Mẫu (mẹ) ăn sâu trong tiềm thức người dân đất Việt nói chung, người dân Thái Bình nói riêng, do đó mà có câu ca “Một lòng thờ mẹ, kính cha” là như vậy. Theo lời kể của các bậc cao niên, nhân dân các vùng cửa sông (cửa Tuần Vường nơi giao lưu giữa sông Hồng và sông Trà Lý thuộc địa phận xã Hồng Lý, Ðồng Thanh, Tam Tỉnh, huyện Vũ Thư), cửa Luộc và các làng ven sông Luộc, cửa Tuần Tranh (giao lưu giữa sông Luộc và sông Hóa thuộc địa phận xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) và nhất là các làng ven sông Trà Lý... vẫn còn lưu giữ truyền thống văn hóa thờ Thánh Mẫu mà ở đó cứ mỗi khi làng vào hội, đền, miếu, phủ ở những địa phương này lại có hầu bóng, hát văn. Nhưng hoạt động diễn xướng dân gian đậm màu sắc tâm linh được nhân dân ưa chuộng thường được tổ chức như một nghi lễ quốc tế mà ta dễ gặp ở đền Ðồng Bằng, đền Tiên La, đền Tam Tòa...

Có một nguồn khảo luận đáng tin cậy giúp chúng ta nhận biết sâu hơn về nghệ thuật diễn xướng dân gian hầu bóng, hát văn thường gặp trong các mùa lễ hội của các làng quê trong tỉnh từ sự tích trong sách “Vân Cát thần nữ” của nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm thời nhà hậu Lê viết về Mẫu Thượng Thiên (Liễu Hạnh công chúa) và qua lời kể của các bậc cao nhân ở Thái Bình. Qua đây, “chân dung” Thánh Mẫu hiện lên lung linh, thật đúng là “lưu quốc sắc thiên hương”. Tương truyền, cõi Nam Giao đất rộng dân đông, cần có bậc “Mẫu nghi” chăm sóc, việc này vốn trước đã được giao cho tiên nữ Quỳnh Cung, dân Ðại Việt từ thuở khai cơ mở vận đã được ân đức bậc đại tiên nữ và phụng thờ ngài. Trong dân gian còn lưu truyền câu ca:

“Ðời vua Thái Tổ, Thái Tông

Thóc lúa đầy đồng chẳng có người ăn”.

Tìm lại nguồn cội câu ca từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, chuyện kể rằng: Nhà Minh (Trung Quốc) đem quân xâm sang lược nước ta, tàn phá xóm làng, hãm hiếp phụ nữ, triệt hạ đàn ông nhằm đồng hóa dân tộc. Vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Vâng mệnh trời, Lê Lợi đem gươm báu phá tan giặc Minh, bình được thiên hạ, cuộc sống trở lại yên bình, muôn dân trăm họ vui khúc hoan ca. Thấy vậy, tiên nữ Quỳnh Cung xin Ngọc Hoàng được giáng trần để góp phần giáo hóa muôn dân, cho tốt đời đẹp đạo. Thấu hiểu tấm lòng nhân hậu của Quỳnh Cung, Ngọc Hoàng đồng ý cho tiên nữ giáng trần.

Lúc ấy, ở làng Trần Xá, huyện Ðại An (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh) có gia đình hào phú nọ chồng tên Phạm Chính, vợ tên Ðoàn Thị Trinh hiếm muộn đường con. Ông bà Phạm Chính lấy việc thiện nguyện làm vui. Phàm việc công đức, gia đình ông bà Phạm Chính đứng đầu lo toan. Ðức lớn của ông bà động lòng trắc ẩn của Ngọc Hoàng. Một đêm, ông bà Phạm Chính cùng mộng thấy Ngọc Hoàng phán bảo: “Nhà ngươi chăm lo việc phúc, nghĩa cử cả nhân gian ca tụng, ta cho đệ nhị công chúa giáng sinh vào cửa. Các ngươi càng phải tu nhân tích đức hơn nữa…”. Sau đêm mộng, bà Ðoàn Thị Trinh thụ thai. Ngày 6 tháng 3 năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình (1434) đời vua Lê Thái Tông, vào giờ Dần, trời quang mây tạnh bỗng dưng mây tầng tầng, lớp lớp cuộn về trên đầu nhà họ Phạm. Rồi hương hoa thơm nức dạt vào phòng bà Ðoàn, nghe văng vẳng tiếng sáo, tiếng đàn đâu đó cùng với những áng mây bảng lảng quây quanh người ta thấy như có bóng các nàng tiên rước Tiên Nga đến nhà họ Phạm. Hôm ấy là ngày sinh Thánh Mẫu giáng trần. Ông bà Phạm Chính đặt tên con là Tiên Nga. Sau 40 năm sống dưới trần gian, Ngọc Hoàng nhớ công chúa nên quyết định gọi về trời. Ðúng ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ (1473), Tiên Nga về cõi tiên cảnh. Về thượng giới, Tiên Nga không nguôi nhớ nhung hạ giới. Một lần hầu rượu Ngọc Hoàng, Tiên Nga trót lỡ làm rơi chén quỳnh, Ngọc Hoàng giận dữ đẩy Tiên Nga xuống trần gian 21 năm. Lần thứ hai giáng trần, Tiên Nga đầu thai làm con nhà họ Lê ở trang Vân Cát, xã An Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh nay, có tên là Lê Thị Giáng Tiên, tên húy là Thắng, tên tự là Liễu hay Liễu Hạnh, thần tích Quỳnh Hoa công chúa, bà chúa Liễu Hạnh hoặc Thánh Mẫu Liễu Hạnh (bà chúa Liễu Hạnh còn gọi Ðức Thánh Mẫu và được liệt vào hàng Thánh tứ bất tử). Năm 21 tuổi, Giáng Tiên bị gọi về trời. Sau này, nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm đã dồn hết tâm sức viết cuốn “Vân Cát thần nữ” được thánh hóa từ một truyền thuyết văn hóa dân tộc thế kỷ XVI. Nhưng theo sự tích thì Thánh Mẫu là một nữ danh tài có thật đã được tôn vinh thành thánh trong tín ngưỡng dân gian. Ngày nay, những câu chuyện kể về Liễu Hạnh công chúa đều lấy tích từ sách này. Nhiều làng xã ở Thái Bình có lập đền thờ bà chúa Liễu như các làng Hà Xá, Bùi Xá ở Tân Lễ), Thúc Thiên ở Tân Hòa (Hưng Hà), Ðào Xá ở An Ðồng, Hiệp Lực ở An Khê, An Vị ở Ðông Hải (Quỳnh Phụ), Gia Lễ, Tống Thỏ ở Ðông Mỹ, Sa Cát ở Ðông Hòa (thành phố Thái Bình), Long Bối ở Ðông Hợp, Ðông Trại ở Ðông Quang, Giống ở Bạch Ðằng (Ðông Hưng)... Các bậc đại lão thạo việc thờ cúng Thánh Mẫu cho rằng phàm các làng có đền thờ, miếu phủ thì đều có phủ Mẫu Liễu Hạnh, còn phối thờ bà chúa Liễu Hạnh thì làng nào cũng có và vì thế mà các phủ, các làng thờ Mẫu Thượng Thiên (thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh) đều có hầu bóng, lên đồng, hát văn dòng mẫu tứ phủ, tam tòa rất được nhân dân ưa chuộng.

Ngoài thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh theo nghi lễ tôn thờ đạo Mẫu của người Việt, nhiều làng quê ở Thái Bình còn thờ Mẫu Thượng Ngàn như làng Hiệp Lực xã An Khê, làng Ðào Ðộng xã An Lễ (Quỳnh Phụ). Nhiều nơi phối thờ Thánh Mẫu cùng với thiên phủ, thoải phủ nhưng có 3 nơi thờ với nghi lễ hoành tráng nhất là đền Ðào Ðộng (đền Ðồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ), đền Tiên La (Hưng Hà) và đền Tam Tòa (xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy). Ở những nơi này vẫn còn lưu dấu tích văn sắc của vua Lê Thần Tông ban tặng với những chữ vàng lưu mãi ngàn thu: “Ðức hậu sánh ngang trời, uyên thâm trùm vạn vật, biến ẩn khắp trẻ già, sừng sững đền thiêng, khói hương dâng tiến ngàn thu”. Và dân gian vẫn còn khắc ghi câu ca: “Mười hai cửa bể phải nể cửa Vường (cửa Tuần Vường), cửa Vường phải nhường cửa Luộc” hay: “Nhất cao là núi Tản Viên/Nhất sâu là nước Thủy Tiên - Phú Hà” (làng Phú Hà thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, nơi thờ Thủy Tiên công chúa hay còn gọi là Mẫu Thoải) và ở những địa danh trong tỉnh có thờ Thánh Mẫu, nhân dân nơi đây mượn lời ca, tiếng hát và cách diễn xướng dân gian độc đáo này để ngợi ca công đức các vị thánh hiền đã từng có công lớn giúp dân, giúp nước và nghi lễ đều có hầu bóng, hát văn rộn ràng.

Ông Phạm Minh Ðức, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở về trước, hầu bóng được coi là hoạt động mang màu sắc mê tín, dị đoan và bị cấm. Nhưng từ những năm 2000 trở lại đây, đặc biệt là sau Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì hầu bóng được trả về với đúng nghĩa là một hoạt động văn hóa dân gian. Xuất phát từ tục thờ Thánh Mẫu, tuy không phải là quê hương của hầu bóng, lên đồng nhưng Thái Bình lại là nơi dung dưỡng hoạt động văn hóa mang đậm màu sắc tâm linh này bởi miền quê Thái Bình với những dòng sông chảy ngang, chảy dọc hình thành nên những làng mạc trù phú, có nhiều đền, miếu, phủ thờ Thánh Mẫu với những nghi thức văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Nguyễn Ngọc Diệm, thủ nhang đền Vú Sữa, thôn Mậu Lâm, xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà

Trong các đền có thờ Ðạo Mẫu nhiều vị thần được sắp xếp theo các thứ bậc. Vị thần cao nhất của Ðạo Mẫu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được cho là công chúa của Ngọc Hoàng thượng đế. Bà sống đức hạnh, vì dân nên nhân dân nhiều nơi trong nước, trong tỉnh đã lập đền thờ bà. Bà là hiện thân mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam. Thông qua nghi lễ hầu đồng, hát văn, nhân dân mượn cách diễn xướng dân gian để ngợi ca đức hạnh các vị Thánh Mẫu, Thánh Trần.

Lê Quang

  • Từ khóa