Chủ nhật, 28/07/2024, 15:29[GMT+7]

Bâng khuâng nắng mới

Thứ 6, 22/04/2011 | 16:08:29
5,756 lượt xem
Qua thanh minh, chấm dứt những ngày nồm ẩm khó chịu, cỏ cây, đất trời hân hoan đón nắng mới. Thời tiết không ẩm, không khô, nắng nhưng không chói chang, một chút lạnh, xen một chút ấm áp, thơm tho của đất trời đang mùa sinh sôi, nảy nở. Những búp non trước thanh minh còn e ấp, gặp nắng mới như đứa trẻ sơ sinh vừa hết cữ, qua giấc ngủ dài, mở mắt, cứng cỏi ngóc đầu dậy ngơ ngác khám phá thế giới. Tất cả sẽ bắt đầu khi nắng mới lên.

Có lẽ những ngày nắng mới là khoảng thời khắc đẹp nhất trong năm. Đất trời chan hòa trong nắng. Cây cỏ tràn đầy nhựa sống. Những ô cửa mùa đông đóng chặt được mở toang, nắng mới tràn vào xua đi hơi ẩm mốc, cũ kỹ đã ngự trị suốt mùa đông dài lạnh giá. Reo vui cùng đất trời đón nắng mới, lòng người cũng hân hoan khác lạ.  Một cảm giác mơ hồ đón nhận những điều mới mẻ, tốt lành. Trong nắng mới, đẹp nhất có lẽ là những đứa trẻ và các cô con gái. Trút bỏ bộ quần áo xù xì của mùa đông, khoác lên người chiếc áo cánh cộc,  dưới nắng mới, những búp tay trần càng thêm nõn nà, khơi gợi lòng người muốn đặt ngay lên đó một nụ hôn vụng trộm.

Chạy xe trên phố, một thoáng rùng mình, đó là chút lạnh mùa đông còn rơi rớt lại làm ta liên tưởng đến người đã cất bước nhưng còn chần chừ muốn ngoái nhìn lại. Và trong cái cảm giác ngoái nhìn không thể không nhớ tới những câu thơ đẹp huyền hoặc của Lưu Trọng Lư:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Long rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không…”

Thời gian trôi đi, mọi vật cứ lặng lẽ đổi thay theo sự chuyển dịch của vũ trụ. Nắng mới sau sáu, bảy mươi năm so với nắng mới của Lưu Trọng Lư đã khác. Tôi được nghe kể lại rằng, vào thời của nắng mới xưa, ngay cả những đứa trẻ con nhà khá giả chứ chưa nói đến con nhà nghèo cũng chỉ có 1,2 manh áo bông mặc ấm mùa đông. Vì vậy, trong những ngày nắng mới, các bà, các mẹ bao giờ cũng rất nâng niu đem hong khô những tấm áo, gói ghém, cất kỹ dành cho mùa đông năm sau.

“Tôi nhớ mẹ tôi thủa thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
áo đỏ người đưa trước dậu phơi…”

Hình ảnh những người phụ nữ đem áo phơi trước dậu trong nắng mới đã là hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong thơ ca và trong ký ức của nhiều thế hệ. Trong ký ức của tôi vẫn in đậm hình ảnh bà tôi giữa mảnh sân gạch trước nhà với đầy ắp đồ đạc hong nắng. Mấy tấm chăn chiên, mấy tấm chiếu, vài mẹt đậu, mẹt đỗ lại thêm mấy cái hũ sành… Cảm giác như trong nhà có vật gì bà đều đem ra sân hong nắng hết.  Bên thềm, ngồi khâu, vừa canh chừng lũ gà bà vừa giảng: ít đậu đỗ này bà để dành từ năm ngoài, nắng mới lên, phải phơi ngay cho kịp không có lại mọt hết. Mang ra rồi lại mang vào, hết cả tuần, khi tất cả đã khô giòn, thơm phức mùi nắng mới được gói ghém, cất kỹ. Chăn, chiếu được gác lên mái nhà. ít đậu, đỗ cho vào hũ đậy chặt.

Đã qua đi nhiều mùa nắng mới, tôi không còn là cô bé tóc đỏ hoe lăng xăng chạy đuổi gà bới thóc, bà tôi cũng đã thành người thiên cổ. Nhưng mỗi dịp nắng mới, cái cảm giác háo hức, mơ hồ đón nhận những điều mới mẻ lại trở về. Bâng khuâng nhớ bà, tôi đem đồ đạc trong nhà ra phơi. Những nhà hàng xóm cũng vậy. Có nhiều thứ đã đổi thay nhưng có những điều không bao giờ thay đổi. Cũng như đất trời luân chuyển bốn mùa và lòng người dằng dặc những nỗi nhớ muôn đời. Tôi úp mặt vào tấm áo mùa đông đã khô giòn, mùi nắng mới không thể lẫn vào bất cứ thứ mùi nào khác. Thân thuộc mà không thể gọi tên, hiện hữu mà không thể nắm bắt, giống như những ngày đã qua, lại như những ngày chưa đến, mùi của tha thứ và lãng quên, mùi của cái đã mất và những cái còn đang chờ đợi…

Trần Thu Hương

 
       

  • Từ khóa