Chủ nhật, 28/07/2024, 15:14[GMT+7]

Những "nghệ sỹ" của đồng quê 

Thứ 6, 29/04/2011 | 15:13:13
16,130 lượt xem
Không biết tự bao giờ, con dế đã trở thành thú chơi, món ăn quen thuộc ở các làng quê Việt Nam. Chỉ thấy rằng mỗi độ cuối xuân đầu hè khi những cơn mưa rào đổ xuống làm mềm mặt đất cho cây cỏ xanh rờn, thì từ dưới đất lại có những con dế chui lên ăn cỏ béo mập. Và nông dân sau buổi làm đồng, cắt cỏ lại bắt dế về nuôi nghe chúng kêu, xem chúng đấu đá và chế biến các món ngon.

Trong các côn trùng ảnh hưởng đến mùa vụ, con dế có nhiều lợi ích hơn hẳn nhờ biết đào hang bửa đất tơi xốp. Con dế còn biết kêu hay, đá giỏi nên được trẻ già yêu thích, vào mùa dế từ xuân tới đông thường tổ chức các trò vui thi dế gáy, dế đá sôi nổi. Tuy chỉ bé bằng lóng tay những nghệ sĩ dế đem lại cho dân quê sự giải trí hết sức to lớn với những giấc ngủ dịu êm, những tiếng cười sảng khoái xua tan bao mệt nhọc.

Trong thiên nhiên có cả chục loại dế, tùy nơi sống có dế cây, dế đất, dế đá, dế đồng, dế động và kích thước có dế trâu, dế chó, dế bầu, dế cơm,... tựu chung thân có màu nâu hoặc đen, chia làm ba phần gồm đầu, ngực và bụng, dài từ 1,5 đến năm centimét, có ba đôi chân nằm trên ngực, hai đôi râu trên đầu và hai cặp cánh liên kết với đốt ngực 2, 3. Trong sáu chân, thì hai chân sau phát triển to sụ thành một đôi càng chắc giúp con vật nhảy cao và xa gấp 30 lần chiều dài cơ thể; bốn chân trước thanh mảnh, dưới khuỷu gối có chấm nhỏ chính là màng tai linh động nghe được âm thanh rất xa.

Tuy có cánh nhưng dế ít khi bay. Chúng chạy trốn kẻ thù bằng cách đứng yên và búng càng ra xa. Phần lớn các loài đều giao phối vào hè. Con cái nhảy lên lưng con đực cho thụ tinh và đẻ khoảng 300 trứng vào cuối hè đầu thu; một số nở vào đông, một số nở vào xuân. Con non mới đầu màu trắng sau đậm dần, một tháng đã sinh sản được. Chúng ăn chủ yếu rễ, lá rau củ và uống sương đêm.

Mỗi loại dế đều phát ra những âm thanh mê ly, gọi là tiếng dế kêu hay dế gáy. Thường các con dế kêu không phải bằng miệng mà bằng cách cọ hai đôi cánh vào nhau. Mặt dưới của mỗi cánh đều có một đường gân lớn chứa từ 100 đến 1.000 cái răng cưa, và khi con vật cọ cạnh cánh này lên gân cánh kia sẽ phát ra tiết điệu vui tai. Tuy nhiên, chỉ dế đực mới kêu hay, quyến rũ, trong, đều và lặp. Nó cũng chỉ kêu khi muốn ve vãn dế cái và đánh đuổi kẻ thù là các con đực khác lai vãng. Khi tán tỉnh, nó kêu rất êm - cờ-rích, cờ- rích song khi xua đuổi, đấu đá thì kêu to và ngắt- cờ-réc cờ- réc. Khi lôi cuốn dế cái, dế đực cũng phát ra hai kiểu kêu: một cách quãng để mời gọi và một liên tục nhằm kích thích giao phối. Phát hiện dế cái tới gần, nó sẽ chạm râu và ve vuốt dế cái bằng những rung động đặc biệt của cơ thể, như khua râu, cọ cẳng, búng chân, phồng cánh, rang ra cụp vào điệu nghệ. Để quá trình giao hợp mỹ mãn, dế đực còn tiết ra một chất ngây ở gáy cho dế cái ăn. Khi nó kêu, dế cái cũng đáp lại bằng tiếng ỉ ỉ nho nhỏ.

Có thể nghe tiếng dế ở mọi nơi. Dế cây kêu trên cây; dế đồng, dế đất ở mặt đất; dế dũi dưới hang hốc ven sông hồ. Đa số kêu vào tối đêm, một số kêu ban trưa. Nếu khí hậu ấm áp chúng sẽ kêu suốt từ tối đến sáng. Vào mùa hè, dế kêu ra rả, vang dội nhất. Cuối hè khi trời trở lạnh chúng có thiên hướng kêu lạm vào ngày. Dế cũng kêu khi có cơn mưa nhẹ và sẽ im bặt nếu xung quanh quá ồn ã hoặc xuất hiện tiếng kêu của con đực khác. Thường nó kêu một mình thì nhịp điệu sẽ nhanh, gấp hơn là khi có hàng xóm. Mỗi giây phát ra từ 4, 5 tới 200 tiếng cờ-rích cờ-rích.
Ngoài gáy hay, dế còn rất hiếu chiến. Khi có con dế lạ lọt vào lãnh thổ, con dế chủ sẽ xông ra đập cánh, búng càng lao vào cắn xé và đá cho đối phương gãy giò, rách cách lăn quay mới thôi.

Trong văn hóa dân gian và đời sống nông nghiệp, con dế đóng một vai trò tối quan trọng. Dế gắn liền với đất nên được xem là biểu tượng của đất, của sự trồng trọt. Ở đâu có nhiều dế ở đó đất lành- mềm, ướt, tơi xốp, trồng lúa lúa tốt, trồng cà cà sai. Bởi dế luôn tích trữ thức ăn trong hang, ở lì rất lâu, không ra khỏi ổ thì không gì làm hại được nó nên nơi nào có tiếng dế nơi đấy đồng nghĩa với của cải tiềm tàng, cửa nhà an toại. Những con dế có màu xám sẽ cho mảnh đất, gia chủ nhiều tiền bạc, màu xanh cho sự sinh sôi, phát triển. Nhờ sự đông con và hang ổ dế cũng là hiện sinh của hạnh phúc, yên ấm. Những ai mới chuyển tới hay sắp canh tác trên thửa đất, mà gặp dế, nghe tiếng dế kêu sẽ gặp điềm lành, may mắn.

Đối với nhà nông, con dế là một trong những sinh vật tiên quyết báo hiệu mùa màng. Mùa xuân, khi dế chui ra khỏi hang, nông dân biết đã vào tiết kinh trập - sâu nở, tiết trời ấm áp có thể đi cày bừa, cuốc xới để làm vụ mới. Tùy vào tiếng kêu của dế, người dân cũng tiên đoán được khí hậu, thời tiết. Hễ dế kêu to thì trời nực sắp sửa có mưa lớn, kêu nhỏ thì trời lạnh gió khô se sắt. Dế ít kêu hoặc ngừng kêu thì đã cập đông, và phụ nữ tới lúc cần may áo rét cho chồng con.

Không chỉ có ý nghĩa mùa vụ, con dế còn là một hình ảnh thân thiết đặc trưng của làng quê. Do không gian yên tĩnh, xóm thôn lúc nào cũng vang rân tiếng dế. Tiếng dế ngân nga như những bản nhạc đồng quê trữ tình, thấm vào hồn người đưa lại cảm giác an nhàn, thư thái. Những người tha hương luôn thèm nhớ tiếng dế, vì nó gợi lại trong họ hình ảnh của quê hương cội nguồn với cảnh vật tịch mịch, nguyên sơ và những phong tục tập quán lâu đời.

Từ xưa, dân quê đã có thú chơi nghe dế kêu (có nơi gọi là dế hót, dế rúc, dế gáy) và chọi dế (đá dế). Người ta nhốt từng con dế đực vào các lồng tre hoặc bao diêm, khi cần nghe tiếng kêu thì đặt chỗ râm, yên tĩnh dưới những tán cây, lũy tre, hộc bàn, đầu giường, con vật tưởng đang ở trong hang an toàn nên thả sức mà hót, tiếng ca lúc êm lúc rạo, rinh rích vui tai khiến những người khó ngủ nhất cũng có thể tĩnh tâm, say giấc. Khi chọi dế, thì cho hai con đực vào chung một chuồng để chúng tỉ thí. Con dế không có mỏ nhọn, chỉ có đôi càng chắc khỏe để đá và kẹp đối thủ. Trò chơi thể hiện sức mạnh, sự dũng mãnh, tinh thần thượng võ nhờ thế người chơi có thể rút ra những kinh nghiệm cho mình. Trong các loại dế gáy thì du dương nhất là dế than (mình đen thui giống anh chàng đốt than) và đá hay nhất là dế lửa (mình nâu cánh vàng y chang một nhà quý tộc vương giả). Cả hai loại đều đẹp, đầu to, bụng thon, râu dài lúc lắc, dáng điệu oai phong, cảnh vẻ.

Suốt ngày lê la với đồng đất, bãi cỏ trẻ quê là đối tượng thích và chơi dế nhiều nhất. Vào các ngõ xóm, chỗ nào cũng gặp lũ trẻ túm năm tụm ba chơi dế. Trò chơi cuốn hút đến nỗi sau buổi chăn trâu, hái rau, đào củ các em nhỏ lại rủ nhau bắt dế, nhiều đứa ham vui đến nỗi bỏ cả việc nhà, việc học lang thang cả ngày trên đồng bãi, quần áo lấm lét nhưng miệng cười toe toét vì bắt được nhiều dế.

Việc bắt dế chơi đòi hỏi khá nhiều công phu và sự kiên nhẫn. Đầu tiên phải dậy sớm khi sương hãy còn vương lần theo tiếng kêu và dấu chân của con dế dẫn tới tổ vì độ bốn, năm giờ sáng con dế đã bò ra khỏi hang kiếm cỏ non. Kế đó, để xác định chính xác cái tổ phải áp tai xuống đất nghe xem tiếng kêu phát ra rõ nhất từ đâu, rồi lật bụi cỏ mà tìm hang. Nếu cái hang có lỗ to bằng hai đầu đũa xung quanh nham nhở vụn lá, rễ cỏ thì đó đúng là tổ dế. Bấy giờ sẽ đổ nước vào hang cho chúng ngột nước nhảy ra. Cũng có khi vì hang sâu nhiều lối thoát, dội nước không hiệu quả, bọn trẻ sẽ đào đất ép dế chui ra. Khó nhọc nhất là tìm và chụp được những con dế cụ từ sáu tháng đến gần năm tuổi. Chúng to gấp đôi con dế khác, mình bằng lóng tay cái, đầu vuông, ngực nở, cánh hoa, càng vâm. Dế cụ rất khỏe và tinh ranh khi bị bắt sẽ đá và cắn vào tay người đau điếng, và chạy cực nhanh khiến phải chật vật mãi mới tóm nổi.

Để nuôi dế béo và đúng cách, trẻ quê thường làm lồng cho dế. Đơn giản thì lấy bao diêm, ống bơ bên trong nhét cỏ khô để dế rúc vào ngủ. Mặt trên đính một tấm lưới cho dế phơi sương và cạnh bao đục lỗ cài then làm cửa đưa thức ăn và sau này thả con dế vào võ đài. Cầu kỳ thì đóng lồng tre, mây đan. Cũng giống lồng chim, chuồng gà nó được đan bằng các nan nhỏ vót nhẵn, trong đó đặt bát đựng nước, cám bã, thức ăn và gắn móc treo cao tránh ẩm mốc. Tuy nhiên, nuôi dế khá đơn giản. Do dế là loài ăn tạp nên mỗi ngày chỉ cần cho chúng ăn no đủ, thứ gì cũng được, miễn không chứa chất độc, bao gồm các loại cỏ non, rau quả tươi, nước sương, nước mưa hoặc nước giếng trong.

Giấu trong túi áo vài cái bao dế, lũ trẻ thường kéo nhau ra bãi cỏ rộng ven sông hoặc triền đê đấu dế. Đứa này đấu với đứa nọ hoặc nhóm này - nhóm kia, xóm trên - xóm dưới. Để thi dế gáy, các em đặt nhiều lồng dế đực cạnh nhau, rồi giả tiếng dế kêu thúc chúng đáp lại và lắng nghe con nào hót lâu, gáy lặp hoặc cất nhiều tiết điệu nhất. Để dế láy hay, nhiều đứa thường đặt thêm bên cạnh dế đực một lồng dế mái. Thấy dế cái, dế đực sẽ phấn khích hát say sưa.

Trong trò đá dế, mỗi bên sẽ lấy từ bao diêm một con dế thả chung vào một cái lọ sâu lòng, và nếu là chuồng dế thì áp sát hai cửa lồng kéo then cho hai con dế chạy sang nhau đấu đá. Chọi dế cũng tuân theo quy ước về trọng lượng: con to đấu với con to, bé với bé, đồng màu, đồng loại với nhau, như dế cụ đấu dế cụ, dế choai đấu dế choai, dế than đấu dế than... và nếu khác loại thì bên có con yếu hơn sẽ yêu cầu bên kia phải đền bù hoặc nếu thắng sẽ có phần thưởng cao hơn mức quy định, ví thử phần thưởng là năm củ khoai, ba bắp ngô,... thì sẽ được gấp rưỡi hoặc gấp đôi mức này. Lúc đó, dế cồ (dế bậc trung) được đấu với dế cụ, dế lửa- dế dầu đấu dế than... Tùy đặc tính, cân trọng con dế, có thể phán đoán chiều hướng và kết quả cuộc thi. Dế dầu (có màu xám vàng) hay lượn lờ vừa đá vừa chạy. Dế than lầm lì chịu đòn đợi tới khi địch thù mệt mới đánh trả. Dế lửa điềm nhiên, luôn đứng xa, nghiêng ngó rồi bất thần bổ tới cắn vào gáy, càng hoặc đá vào lưng, miệng đối thủ...

Trước khi thi đấu một ngày, bọn trẻ thường cho dế nhịn đói và tại cuộc thi sẽ lấy que chọc, thổi và nhiều khi giật râu, buộc tóc vào chân con dế xoay cho chúng  hăng tiết và khi đang đấu con nào chậm chạp người chủ sẽ lấy cọng cỏ quất đít khiến cu cậu lồng lên phản đòn. Hai con dế hùng hổ lao vào nhau như hai đô sĩ, thay vì dùng tay thì chúng dùng răng và đôi càng sắc để đâm móc, nhiều khi chân và râu bị cắn đứt hiếu chiến cả hai vẫn nhảy tưng tưng. Thường mỗi trận đấu chỉ kéo dài dăm, mười phút và kết thúc khi có một con tháo chạy hoặc lăn cu đơ. Dế cũng được phân hạng cao thấp (con thắng một giải, con thắng hai giải, con thắng ba giải). Để cổ xúy con dế, bọn trẻ cũng la hét như người lớn xem bóng đá. Nhìn cháu con vui, ông bà cha mẹ cũng vui lây. Nhiều người chiều con chẻ tre vót nan đóng lồng, làm hộp gỗ đựng dế cho con mang đi chơi khoe với bạn bè.

Không chỉ là trò vui, dế còn là một món ăn bài thuốc ở vùng quê. Nông dân sau buổi nông nhàn lại vỡ đất đào hang hoặc chong đèn đêm vợt dế. Nhằm bắt nhiều dế, thường là dế cơm, dế sữa (loại dế mới nở và lột xác) mọi người thường ra bãi dâu, ngô, mía ven sông mà chụp. Tại đây đất mùn oai mục thức ăn dư thừa nên dế sống sát chân ruộng, không cần tốn công đào như nơi khác. Đặc biệt nhiều người chuyên bắt dế khi nước ngập đồng, mưa to, lũ lụt, nước ngập hang dế, chúng bị ngột thở tự khắc chui ra bò lên các ngọn cây lúc ấy chỉ cần tướt một chốc là túm được cả chục con mập mạp, bóng nhẫy mang về xiên que áp chảo, rang, rán, kho, rim, nấu canh, làm bánh... ăn cùng cơm nóng, chấm mắm tiêu ớt, nhấp nháp với chút rượu đế ngon tuyệt.

Cách chế biến dế khá đơn giản, nhanh gọn. Trước tiên cần vặt cánh, bỏ đầu, rút ruột (cũng có nơi để cả con non (dế sữa). Rồi rửa sạch bằng nước muối, để ráo và tùy ý chế ra các món khác nhau. Chẳng hạn với món dế chiên thì nhét vào bụng mỗi con dế một hạt lạc rang và thả vào chảo mỡ chiên giòn. Với dế xào thì phi hành thật thơm, cho các loại rau quả và dế vào đảo chín. Với dế tráng trứng thì đánh nhuyễn trứng với thịt dế nêm gia vị, hành, thì là, lá chanh rán vàng. Thịt dế nhiều đạm, khoáng chất có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng dương, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, chống phù thũng, nhức mỏi... Mùi vị bùi, ngậy, thơm, ngon, lạ miệng nhớ mãi không quên.

Chu Mạnh Cường

(Đống Đa, Hà Nội)


  • Từ khóa