Chủ nhật, 02/06/2024, 10:23[GMT+7]

Yêu sao hạt lúa quê mình

Thứ 6, 27/05/2011 | 07:28:53
11,268 lượt xem
Đất nước ta tự hào có nền nông nghiệp trồng lúa lâu đời hơn 4.000 năm lịch sử. Đi khắp các vùng miền Tổ quốc, nơi đâu cũng bắt gặp những ruộng lúa cò bay thẳng cánh, lá xanh, bông trắng, hạt vàng. Không chỉ tạo cho làng quê một bức tranh hữu tình mà còn biểu thị về một cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.

Lúa là một loài cây có thân cỏ, rễ chùm, lá dài và mỏng. Vòng đời của cây chỉ kéo dài khoảng ba, bốn tháng. Đầu tiên là hạt nảy mầm, ra lá, cây vào thì con gái, trổ bông, chín hạt và rụng. Thường hôm trước hạt sa xuống đất, hôm sau đã mọc rễ ra mạ -cây non, được vài ngày thì đẻ nhánh, vươn cao. Sau hai mươi hôm thì đứng cái, ôm đòng và nở hoa. Hoa trắng mọc thành chùm tự thụ phấn, hình thành phôi nhũ tức phần tinh bột của hạt và nhanh chóng tròn đầy, chín vàng.

Ở Việt Nam có nhiều giống lúa như lúa tẻ, lúa nếp, lúa nương...  lúa nổi, lúa cấy một lần, hai lần. Tựu chung thuộc hai loại lúa: Lúa nước mọc ở các đồng bằng châu thổ, vùng ngập nước ven sông ven biển nơi có nhiều phù sa màu mỡ, được trồng bằng cách gieo mạ, sản lượng cao, chất bột mềm dẻo. Lúa cạn mọc trên các triền đất, sườn đồi khô ẩm chịu được hạn và trồng bằng cách chọc lỗ tra hạt, sản lượng thấp, chất bột khô cứng. Hiện nay, cả nước có đến hàng trăm giống lúa trong đó hơn 30 giống lúa quốc gia. Mỗi địa phương đều có một bộ giống lúa riêng. Nhiều giống lúa quý cứng cây, chịu rét, kháng sâu, nhiều nhánh, hạt to ngọt, thơm.

Không loài cây nào hữu ích như lúa. Hạt lúa là lương thực chính nuôi sống con người, thân lá lúa là rơm rạ để lợp nhà, dựng vách, làm thức ăn gia súc, chất đốt và phân bón. Từ hạt lúa sau khi xay sát sẽ cho hạt gạo trắng ngần chế biến món ăn. Từ xưa trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám, dân gian đã ăn cơm, cháo nấu từ lúa gạo. Người Việt thường ăn cơm gạo tẻ, đồng bào các dân tộc ăn cơm gạo nếp hoặc cơm lam trong ống tre. Ngoài ăn no còn làm được nhiều món ngon truyền thống thưởng thức như bánh chưng, bánh dày, bánh nếp, bánh tẻ, bánh đúc, bánh cuốn, bánh gai, bánh giò, bánh bột lọc, bánh rán, bánh đa, bún, phở, cháo, xôi, cốm, chè, rượu... dùng trong các lễ cúng gia tiên, cưới hỏi, mừng thọ, mừng nhà mới. Trong hạt gạo chứa rất nhiều dưỡng chất, cung cấp sinh tố như thiamin B1, riboflavin B2, niacin B3, vitamin B6... giúp da dẻ hồng hào, mắt sáng, tóc xanh, phòng ngừa các bệnh về ruột, dạ dày, tim mạch.

Lúa gạo luôn gắn liền với từng thời kỳ thăng trầm của lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Mỗi vùng miền, làng xóm Việt Nam đều phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp. Với nhà nông, hạt thóc, hạt gạo là hạt giống trồng trọt, cho cái ăn cũng là vật giá trị có thể đem trao đổi lấy tiền bạc, hàng hóa. Vì vậy, người dân luôn giữ gìn sao cho trong nhà có nhiều thóc gạo. Ngoài bán, thường tích trữ để dành trong các bồ (bị) hay kho lúa thể hiện sự giàu có và vị thế của gia đình với làng xã. Chính quyền luôn cố gắng đảm bảo an ninh lương thực nhằm bình ổn đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Những năm chiến tranh, đói kém đều mở kho thóc cứu tế nạn dân. Bông lúa do đó là biểu trưng của an sinh, thịnh vượng, được thấy trong nhiều lĩnh vực mà nổi bật trên Quốc huy Việt Nam.

Nhờ đất đai màu mỡ đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long là hai vựa lúa lớn nhất nước ta, ngoài cung cấp lương thực đầy đủ cho nhu cầu nội địa còn xuất khẩu sang nước bạn. Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai khu vực và thế giới với khoảng năm triệu tấn/năm trong đó đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cung cấp đến 80% lượng gạo xuất khẩu. Việt Nam cũng có nhiều loại lúa gạo quý như ở miền Bắc có tám xoan, tám thơm, tám thái, miền Nam có nàng hương, nàng sóc, nàng thơm chợ đào... 

Ở miền Bắc, hiện nay nông dân chủ yếu trồng hai vụ lúa là vụ chiêm xuân cấy tháng hai, gặt tháng năm và vụ mùa cấy tháng bảy, gặt tháng 12. Ở miền Nam và Trung, trồng ba vụ lúa là vụ đông xuân cấy tháng 10 - gặt tháng tư, vụ hè thu cấy tháng tư - gặt tháng chín và vụ mùa cấy tháng năm - gặt tháng 11. Trong việc trồng lúa, tùy thổ nhưỡng người ta trồng lúa nước hay lúa cạn song phổ biến hơn cả là lúa nước.

Trồng lúa nước phải trải qua hai giai đoạn. Ban đầu là gieo hạt, gây mạ trên ruộng cạn, khi mạ đã đủ cao thì cấy xuống ruộng sâu. Để làm mạ, người ta chọn những hạt thóc vàng, to, mập mang đi ngâm nước độ hai ngày rồi ủ cho hạt nảy mầm dài chừng 1/2 chiều dài hạt và gieo xuống ruộng nông. Khi mạ có khoảng năm rễ to thì nhổ cấy. Thời gian làm mạ ngắn hay dài tùy thuộc vào giống, mùa vụ và phương pháp gieo trồng. Nếu gieo trên sân cần khoảng 18 ngày; gieo ở ruộng với giống lúa ngắn ngày thì 30 ngày, giống lúa dài ngày thì ở vụ mùa khoảng 40 ngày, vụ đông xuân 50 ngày. Khi mạ được tuổi, cây ra ba, bốn lá (loại ngắn ngày), 5, 6 lá (trung ngày) và 6-7 lá (dài ngày) thì nhổ lên cấy lại thật đều đặn trên ruộng sâu cho rễ cắm vừa đủ vào bùn đất giúp cây mau hồi, mọc rễ mới và đẻ nhánh. Nếu được chăm bón tốt, nhất là khi có những cơn mưa rào mang theo nhiều dưỡng chất thiết yếu cây lúa sẽ phổng phao làm đòng trổ bông sớm, hạt đều, mẩy, tròn.

Trong việc trồng lúa, nước là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt là ở các vùng khô hạn, nhiễm chua, nhiễm mặn. Vì cây lúa chỉ mọc tốt trong môi trường ẩm ướt nên vào các dịp nắng nóng, để cây không bị khát nông dân luôn phải dẫn nước, tát nước nhập điền qua các kênh rạch và bằng gàu giai, gàu sòng, cũng phải làm thủy lợi cân bằng lưu lượng tránh úng lụt. Mực nước thuận lợi cho lúa tăng trưởng là từ 10 đến 15 centimét.

Kế sau nước, phân cũng là yếu tố tối thiết cung cấp dưỡng chất cho cây phát triển. Xưa kia, không có phân hóa học, dân quê thường dùng phân chuồng, phân xanh, than rạ bón ruộng.

Sau khi cấy khoảng ba tuần sẽ bón thúc cho lúa đẻ nhánh làm đòng. Việc cày bừa, tưới tắm, nhổ cỏ, bắt sâu, canh chuột hại lúa và chọn trồng những giống lúa tốt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai bản địa cũng như hiểu biết về khí hậu cũng giúp chăm lúa tốt. Nông dân đã đúc kết được các kinh nghiệm như:Trăng mờ lúa nỏ (khô), trăng tỏ lúa sâu; Khoai ưa lạ, mạ ưa quen; Nắng tốt dưa mưa tốt lúa; Trời nồm tốt mạ, trời giá tốt rau; Gió đông là chồng lúa chiêm, gió bấc là duyên lúa mùa; Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên...

Do 80% dân số làm nghề trồng lúa trong mỗi gia đình Việt Nam không ông bà cũng cha mẹ, cô bác, anh chị thân quen với cây lúa. Từ nhỏ, nhiều người đã biết gieo, cấy, gặt hái, sàng sảy. Ở quê, mọi nhà đều gắn bó, nương tựa vào lúa. Đói no, học hành phụ thuộc vào việc thu hoạch lúa thóc ít hay nhiều. Ai cũng lo lắng, lao động vất vả một nắng hai sương trên đồng để có một mùa lúa bội thu. Ngày nào cũng ra thăm đồng, ăn cơm đi ngủ làm gì cũng nghĩ tới lúa.

Vào mùa cấy, ba, bốn giờ sáng đã trở dậy ngâm chân dưới ruộng lạnh, cấy sao cho lúa thẳng hàng tới chiều vẫn chưa xong một mảnh ruộng. Những tháng mưa dầm phải đằm mình cấy đến tối đêm. Ở nhiều vùng do đất cứng khô không dùng tay cấy được, phải cầm nọc tức lấy que chọc lỗ tra mạ.

Vào mùa gặt, trời thường mưa bão, nông dân có nguy cơ phải gặt lúa đua với lũ. Phải nhanh tay không hạt lúa ngập nước sẽ nảy mầm. Ở các vùng nghèo nàn, chưa có máy móc mọi người còn phải đập lúa, đạp thóc: đặt bó lúa giữa sân, lấy tay đập và chân vò cho hạt thóc bong ra. Tốn bao công sức như vậy song nhiều khi vì lúa bị sâu bệnh, héo úa, năng suất thấp hoặc không được giá mà đời sống dân quê vẫn nghèo. Đi trên đường làng, nhìn lúa trổ đòng đòng như những mâm xôi trắng, lúa chín vàng óng ả tựa giọt mật lòng dậy niềm vui.

Vào mùa gặt, khắp nơi như mở hội. Trên đồng người người say sưa gặt hái. Dọc các ngõ xóm và sân hợp tác, nhà nhà xe lúa, quạt thóc, phơi rơm. Làng quê như được nhuộm vàng và thơm mát hương lúa, rộn ràng tiếng cười nói, hát hò, tiếng kẽo kẹt-lóc xóc-cành cạch của đòn gánh, xe bò, máy tuốt...

Khi mất, nông dân vẫn gần gũi với cây lúa. Thân thể nằm lại trong những ngôi mộ được xây ngay trên ruộng. Sở dĩ dân quê làm như vậy để cầu mong tổ tiên canh giữ ruộng đất, phù hộ mùa màng tươi tốt, chứng kiến thành quả vui buồn cùng con cháu. Vì yêu quý cây lúa, nông dân thường nhân hóa xem trọng lúa như người, cũng học hỏi, hun đúc cho mình những phẩm chất của lúa như bám đất, bám làng; thu vén, chắt chiu; tự cung tự cấp; cần cù, siêng năng; đoàn kết tương ái; sống có gia quy, cộng đồng.

Trong tiếng Việt thấy rất nhiều từ chỉ cây lúa và sản phẩm của lúa. Khi cây vẫn còn trên ruộng có lá lúa, bông lúa, hạt lúa. Khi hạt lúa được tuốt rời khỏi cọng có hạt thóc, xay giã bong lớp vỏ bọc có vỏ trấu, hạt gạo, với giống lúa cho hạt tròn nấu lên dẻo dính có gạo nếp và cho hạt dài nấu dai có gạo tẻ, giống lúa cạn cho gạo màu nâu đen có gạo cẩm, gạo nương. Hạt gạo khi xay vỡ nhiều mảnh là tấm, thành bột là cám.

Hạt lúa tốt được giữ lại là giống. Cây lúa con là mạ. Gốc và thân cây bị cắt ngọn là rạ, bông cọng phơi khô là rơm. Hạt gạo đồ khô để nguyên hạt là cơm, xôi, nấu loãng với nước là cháo, xay nhuyễn ra bột  nặn vuốt là bánh...

Cũng có các ngữ và câu nói về người và vật dựa vào hình dạng hay đặc tính của lúa như xinh như cây lúa, bé như cái tấm, muỗi như trấu, đâm bị thóc chọc bị gạo, cơm no bò cưỡi, xôi hỏng bỏng không, lửa gầm rơm lâu ngày cũng bén... Trong cuộc sống thường nhật phục vụ việc trồng lúa cũng có nhiều vật dụng. Khi làm đất là các loại cày, bừa, cuốc, xẻng, gậy, thuổng. Khi gặt hái, vận chuyển là liềm, dao, nhíp, quang gánh, xe bò, cút kít. Khi tích trữ, chế biến hạt là nong, nia, giần, sàng, cót, bồ, thúng, mủng, chày, cối, xong chảo...

Mỗi dân tộc ở nước ta đều coi lúa là cây thiêng, tặng vật của thần linh và có nhiều nghi lễ tôn vinh lúa. Các làng quê đều có tục thờ Thần Nông, các vua Hùng và tiền tổ có công truyền dạy dân cách trồng lúa. Hàng năm, vào mồng bốn tháng giêng sau khi ra đình cúng thành hoàng, cao lão trong làng sẽ trực tiếp hoặc cử nam thanh nữ tú cày, cấy một vài đường đầu tiên ở thửa ruộng của đình gọi là làm lễ tịch điền cầu may, lấy mẫu để người dân theo đó thực hành trên ruộng của nhà. Phong tục này đã có từ thời vua Lê Đại Hành với quan niệm cầy sâu, cuốc bẫm lúa tốt bời bời.

Nhiều người tin lúa có hồn biết vui giận yêu ghét nên khi gieo trồng rất nhẹ nhàng. Khi cấy, gặt hái đều ngửa tay ôm đỡ thân bông lúa. Khi đạp thóc, xay sát, cất trữ cũng luôn tươi cười vui vẻ tránh làm hồn lúa sợ hãi. Mọi nhà đều dành những nơi sạch đẹp, cao ráo nhất để thóc gạo cầu mong lúa sẽ ở mãi nhà mình. Vào ngày tết Nguyên Đán, người Việt luôn có phong tục cúng bánh chưng, bánh dày. Vào Tết Cơm mới mừng lúa về nhà, đồng bào dân tộc thiểu số cũng có truyền thống làm bữa cơm tập thể khoản đãi bạn bè, người thân, xóm giềng và cảm ơn cây lúa. 

Bài, ảnh: Chu Mạnh Cường 

(Đống Đa, Hà Nội)

 

  • Từ khóa