Chủ nhật, 28/07/2024, 21:29[GMT+7]

Người cao tuổi với phong trào văn nghệ quần chúng

Thứ 2, 31/07/2017 | 08:59:59
5,661 lượt xem
Với phương châm sống vui - sống khỏe - sống có ích, những năm qua, người cao tuổi tham gia ngày càng tích cực vào phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Điều đó không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn đem lại sức sống mới trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Câu lạc bộ chèo xã Thái Thượng (Thái Thụy) tập luyện tại khu di tích.

Nặng lòng với chiếu chèo quê hương

Về xã Minh Tân, huyện Đông Hưng, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Đinh Bá Vát, một trong những người cao tuổi giữ vai trò quan trọng trong câu lạc bộ chèo của địa phương. Đam mê những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết từ ngày còn thơ bé, khi chưa biết đánh vần, đọc chữ, vậy nhưng cuộc sống với bộn bề lo toan khiến cho ông Vát đến tận khi đã “quá nửa đời người”, không còn vướng bận nỗi lo “cơm áo” mới có thể sống hết mình với tình yêu nghệ thuật dân gian. Không cần thù lao, ông tự nguyện dành cả thời gian, công sức và địa điểm của gia đình để gây dựng câu lạc bộ chèo với thành viên là những người trong xóm ngoài làng. Để rồi, cứ tối tối, ông cùng gần 30 thành viên trong câu lạc bộ lại tụ họp để luyện tập những lời ca, điệu múa ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Trong đó, nhiều vở chèo cổ cũng được những người nông dân chân lấm tay bùn với cả cuộc đời “dầm sương dãi nắng” quê ông dày công tập luyện.

Đam mê là vậy, ông Vát chưa khi nào thôi trăn trở bởi huyện Đông Hưng vốn nổi danh trong và ngoài nước với làng chèo Khuốc nhưng đến nay vẫn chưa có câu lạc bộ chèo của cả huyện. Bởi vậy mà vừa qua, niềm vui lớn nhất của ông Vát, đó là đã tổ chức được buổi giao lưu, gặp gỡ của 20 câu lạc bộ chèo đến từ các xã trong toàn huyện. Những tiết mục chèo dù còn đơn sơ, mộc mạc nhưng đều xuất phát từ tình yêu, niềm tự hào với loại hình nghệ thuật cổ truyền của cha ông.

Tham gia buổi giao lưu, nhiều người ấn tượng với tiết mục được biểu diễn bởi cô giáo Cao Hồng Bấc và các em nhỏ đến từ lớp học chèo cổ của làng Khuốc. Là con gái của cố nghệ nhân dân gian Cao Kim Trạch, nay tuổi đã cao, bà Bấc luôn trăn trở về việc trao truyền đến thế hệ trẻ những làn điệu chèo truyền thống. Bởi vậy mà lớp học chèo cổ đã được bà dày công thực hiện. Nhớ lại ngày đầu, các em đến với lớp chưa đông, giọng chèo chưa mượt mà, động tác múa còn vụng dại.

Vậy nhưng ngày qua ngày, sĩ số của lớp nay đã lên đến trên 40 thành viên, với độ tuổi từ lớp 2 đến lớp 9. Điều đó là niềm khích lệ, cổ vũ tinh thần lớn lao đối với các thành viên trong câu lạc bộ chèo truyền thống xã Phong Châu. 

Bà Quách Thị Thu, một thành viên của câu lạc bộ chia sẻ: Hát chèo từ ngày còn nhỏ, giờ đây đã lên chức bà, tôi thường truyền lại cho con cháu trong gia đình những lời ca điệu chèo cổ. Giờ đây lại cùng mọi người tham gia chỉ dạy tại lớp học chèo cổ, mong con cháu của làng giữ được truyền thống cha ông.

Nhân tố tích cực trong hoạt động của địa phương

Là thành viên trong ban quản lý khu di tích đền Sơn Thọ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, ông Giang Văn Thuyên là một trong những người cao tuổi luôn tham gia tích cực trong mỗi hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ khu di tích. Không chỉ tích cực đóng góp ý kiến về nội dung các vở diễn, ca khúc được lựa chọn mà ông Thuyên còn giữ vai trò nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong câu lạc bộ, đồng thời khích lệ và ủng hộ bà con nhân dân đến xem và cổ vũ cho mỗi buổi tập luyện. Bởi vậy mà giờ đây câu lạc bộ văn nghệ khu di tích thu hút thành viên ở mọi lứa tuổi tham gia, các hoạt động được tổ chức đạt hiệu quả về cả số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Một buổi tập văn nghệ của người cao tuổi xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương.

Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương cũng là nơi hội tụ đa số người cao tuổi tham gia. Mới thành lập, nhưng số lượng thành viên đã đông đảo, với độ tuổi từ 50 đến ngoài 70 tuổi, luôn tích cực với hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương. Mới thành lập, nguồn kinh phí còn nhiều hạn chế, vậy nên các thành viên đều tự nguyện góp công, góp của. 

Ông Bùi Công Toàn, chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ: Chúng tôi đều là những người cao tuổi trong xã, nay thành lập nên câu lạc bộ vừa để gìn giữ truyền thống của cha ông, vừa khích lệ các thành viên sống vui - sống khỏe - sống có ích.

Nay cũng đã ngoài 50 tuổi, bà Hoàng Thị Luyến là thành viên ít tuổi nhất nên đảm nhận vai trò biên tập các điệu múa cho những vở diễn, tiết mục của câu lạc bộ. Tuy hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện lại đều là những người nông dân chưa quen với việc đứng trên sân khấu nhưng bà Luyến nhận thấy rằng những phút giây thả hồn vào âm nhạc giúp cho các thành viên sống lại với quá khứ hào hùng, hun đúc niềm tự hào và phát huy vai trò của người cao tuổi trong cuộc sống hàng ngày. Cũng bởi vậy mà mọi hoạt động của câu lạc bộ đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ và nhân dân trong xã.

Không phải là những nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp nhưng với tình yêu và niềm tự hào về truyền thống dân tộc, nhiều người cao tuổi đã tự học hỏi, trau dồi vốn hiểu biết về nghệ thuật chèo và đang là nhân tố tích cực trong những hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương. Tuổi đã cao, họ lại trở thành những người “giữ lửa” và “truyền lửa” cho cộng đồng, nhất là giúp thế hệ trẻ có thêm niềm đam mê trong việc chung sức gìn giữ văn hóa dân tộc.



Ông Trần Đức Chiến, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương

Thành lập câu lạc bộ văn nghệ với các thành viên chủ yếu là những người cao tuổi trong xã, chúng tôi mong mỏi người cao tuổi có thể phát huy tốt vai trò của mình trong những hoạt động của địa phương và mang lời ca, tiếng hát đến với đông đảo bà con nhân dân. Qua các hoạt động, tôi nhận thấy rằng các thành viên có tinh thần tích cực, vui vẻ hơn và tình làng nghĩa xóm cũng trở nên gắn bó, thân thiết hơn. Có lẽ bởi vậy nên câu lạc bộ đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn.

Ông Đinh Bá Vát, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo xã Minh Tân, huyện Đông Hưng

Tôi nhận thấy yếu tố giúp gắn kết các thành viên trong câu lạc bộ là tình yêu nghệ thuật truyền thống và tinh thần đoàn kết. Ngoài các thành viên cao tuổi, tôi mong muốn và cũng thường xuyên khích lệ thế hệ trẻ có thể tham gia tích cực hơn vào các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương để thêm tự hào và tiếp nối nghệ thuật của quê hương.

Cô giáo Cao Hồng Bấc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng

Để có thể tạo dựng và duy trì các hoạt động của lớp học hát chèo cổ, tôi tự bỏ kinh phí, khích lệ các em nhỏ có chung niềm đam mê trong và ngoài xã tới tham gia học. Dạy các em không chỉ là dạy hát, dạy múa, truyền dạy nghề mà trên tất cả là niềm đam mê, thôi thúc trong lòng: mình là người con của làng Khuốc nên phải biết giữ gìn và trao truyền đi những điệu chèo cổ của quê hương.


Anh Tú