Nhẹ tênh sau cuộc chiến...
Và trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, lận đận của đời nghệ sỹ nhưng giọng hát ấy, tiếng đàn ấy vẫn luôn vang lên đầy kiêu hãnh. “Quốc bảo” của âm nhạc dân tộc Việt Nam (nhận định của nhạc sỹ Tô Vũ) giờ đây đang sống một cuộc sống đầy khó khăn và vất vả, nhưng chưa bao giờ thấy vơi đi niềm đam mê, sự nhiệt huyết như một lẽ sắp đặt tự nhiên gắn vào số phận của ông. Người nghệ sỹ già bảo rằng ông thấy lòng mình nhẹ tênh sau cuộc chiến…
1. NSƯT Kim Sinh luôn khắc ghi trong lòng mình những kỷ niệm về cuộc chiến mà ông đã đi qua. Mới đó mà đã mấy chục năm, ông nhớ như in cái buổi sáng hôm ấy lúc cả nước còn đang ngập trong khói lửa bom đạn của giặc Mỹ, Đài phát thanh Tự do của chế độ Nguỵ quyền cho phát sóng một đoạn băng trong đó có chỉ rõ tên ông: “Này tên Việt cộng Kim Sinh hãy nghe đây…” và liền ngay sau đó là sáu câu vọng cổ được một nghệ sỹ khiếm thị khác là Vĩ Văn (người được xếp vào hàng Tam hùng cổ nhạc miền Nam) đàn bằng lục huyền cầm (hay còn gọi là đàn ghi ta phím lõm).
Thời gian ấy ông cùng Đoàn cải lương Chuông Vàng thường xuyên tham gia biểu diễn trên sóng của Đài Phát thanh Giải phóng. Và ngay ngày hôm sau, sáu câu đối đáp lại sự khiêu khích từ Đài Tự do của Nguỵ được Kim Sinh với ngón đàn điêu luyện của mình thể hiện đã vang lên trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi khi đất nước thống nhất, hai người nghệ sỹ khiếm thị tài hoa mới có dịp được diện kiến nhau, Văn Vĩ có cơ hội để bộc bạch với Kim Sinh rằng sự khiêu khích bằng ngón đàn trên sóng phát thanh ngày ấy chỉ là do Đài phát thanh Tự do cố tình sắp đặt mà ông không hề được biết.
Cảm mến tiếng đàn, tài năng của nhau, hai bậc kỳ tài đã kết tình huynh đệ. Kẻ Nam, người Bắc và cùng bị giam cầm trong bóng tối nên cái cách mà hai người nghệ sỹ mù liên lạc với nhau cũng thật lạ thường: ghi âm lại lời nói và những tiếng đàn rồi gửi đến cho nhau giãi bày tâm sự. Kim Sinh bảo rằng, chắc đến tận khi nhắm mắt xuôi tay ông cũng sẽ không thể nào quên được cái buổi hoà nhịp đàn, lời ca với Vĩ Văn mừng Bắc Nam xum họp một nhà. Chớp mắt mà ông đã chân mỏi tay run, còn nghệ sỹ Vĩ Văn cũng thành người thiên cổ tự bao giờ…
2. Dù đã bước sang tuổi 81 (sinh năm 1930), nhưng Kim Sinh vẫn còn giữ nguyên vẹn tất cả những ký ức mà ông đã đi qua với một trí nhớ thật đặc biệt. Ông kể nhiều về mẹ mình – cô hàng xén chợ Hôm mãi đến ngoài 30 tuổi mới sinh ra ông. Nhưng sự ác nghiệt của số phận đã rơi xuống cuộc đời ông vào lúc Kim Sinh mới được có 3 tháng tuổi. Mẹ ông kể lại cho ông nghe lúc đó ông bị đau mắt nặng, mẹ đưa ông đến bệnh viện khám rồi “đốc tờ” Tây nhỏ một loại thuốc gì đó màu nâu đậm vào đôi mắt ông. Mấy tháng sau thì xảy ra nhiều biến chứng (mà sau này ông mới được biết là do bị bác sỹ dùng nhầm thuốc), cậu bé Kim Sinh vĩnh viễn bị cướp mất đi ánh sáng. Ông trở thành người mù từ lúc mới 3 tháng tuổi – có nỗi đau nào hơn?
Cha ông chán nản vì bệnh tật của cậu con trai nhỏ, uống rượu suốt và than phiền nhiều, thậm chí còn muốn đem ông mang đi cho các bà xơ. Nhưng mẹ ông, người đàn bà hiền lành và cam chịu không nỡ lòng rời xa núm ruột của mình nên kiên quyết giữ ông lại. Chấp nhận mất chồng chứ không chịu mất con, bà bảo với chồng rằng muốn bỏ đi đâu, với ai thì đi nhưng cậu bé Kim Sinh phải để bà nuôi. Rồi chồng bà đi thật, bỏ bà lại với con. Phận đàn bà trong thời chiến, bà chẳng còn cách nào khác đành phải bế con về nương nhờ bố mẹ đẻ mình ở bãi Vân Hồ trước cửa đình Đông Hạ của Hà Nội thời bấy giờ. Cậu bé Kim Sinh lớn lên ở đó. Phía trước cửa nhà ông ngoại là bãi chăn bò, nơi cứ chiều chiều lại có các anh lính ra đó tập kèn, những thanh âm đầu tiên về âm nhạc đã lưu vào ký ức của cậu bé mù từ ngày đó.
Kim Sinh được khoảng 11- 12 tuổi thì nhà ông ngoại chuyển về sống tại Ngõ chợ Khâm Thiên. Như một lẽ sắp đặt, ông ở ngay gần nhà của những nghệ sỹ cải lương danh tiếng lúc bấy giờ là Tường Vy, Bích Thuận. Lọt vào đôi tai của cậu bé mù những âm thanh trầm bổng, da diết của cổ nhạc dân tộc đã làm cháy lên ước muốn được chơi đàn, được cất lên giọng hát của mình. Ông xin mẹ cho đi thọ giáo các bậc thầy đàn cổ khi ấy là ông Sinh “răng vàng”, ông Thiệu “tài tử”.
Cậu bé mù Kim Sinh bắt đầu lang thang khắp phố phường Hà Nội để nghe đàn, học hát. Nghe có người mách tận dưới làng Vạn Thái Bạch Mai có đàn ca sáo nhị thâu đêm suốt sáng hay lắm ông cũng tìm xuống bằng được. Sự quyết tâm và ham học đàn hát cũng được đền bù, 14 – 15 tuổi ông đã thành kép hát được mến mộ bởi những ngón nghề điêu luyện, đã được những nghệ nhân hàng đầu chốn kinh kỳ lúc ấy như bà Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc… cho đi theo biểu diễn cùng. Và cứ như thế, Kim Sinh trở thành nghệ sỹ từ khi còn rất trẻ.
3. Năm 1983, Kim Sinh là một trong những nghệ sỹ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Đóng góp của ông cho nền âm nhạc truyền thống là không thể phủ nhận. Kim Sinh thuộc lớp nghệ sỹ đầu tiên sáng lập ra Đoàn cải lương Chuông Vàng lừng lẫy một thời. Ông là một nghệ sỹ rất đa năng, chơi giỏi rất nhiều nhạc cụ dân tộc (đàn nguyệt, đàn tứ…) và cả một số nhạc cụ hiện đại (như ghi ta, vĩ cầm). Không những thế Kim Sinh còn hát được vô số làn điệu cải lương, chèo, xẩm… Có lẽ đây là một tài năng hiếm có của nền âm nhạc Việt Nam. Ông còn sáng tác rất nhiều làn điệu cho nghệ thuật truyền thống rồi còn tham gia giảng dạy. Rất nhiều những nghệ sỹ thành danh đã coi ông là thầy, có thể kể đến Phương Khanh, Như Quỳnh, Quỳnh Châu, Thanh Thanh Hiền… Không chỉ truyền dạy những ngón nghề điêu luyện, họ còn tìm thấy ở ông lòng yêu nghệ thuật đến cháy bỏng.
Các nhà nghiên cứu về nghệ thuật âm nhạc truyền thống vẫn thường coi Kim Sinh là một kho tàng cổ nhạc vô giá, một từ điển sống trong lĩnh vực này. Nhạc sỹ Tô Vũ đã từng phát biểu: “Để tìm hiểu dân ca, dân nhạc hãy tìm đến với Kim Sinh…”. Còn NSND Đào Mộng Long cũng đã nhắn nhủ thế này: “ Nếu chúng ta không khai thác hết tài năng của Kim Sinh, có khi sau này phải sang Nhật, sang Mỹ để tìm hiểu về âm nhạc dân tộc Việt Nam” - một cách nói trào phúng của bậc thầy sân khấu Việt Nam dành cho tài năng Kim Sinh.
Không chỉ nổi danh trong nước, bạn bè thế giới cũng ngưỡng mộ tài năng của Kim Sinh. Ông đã từng đi biểu diễn ở nhiều nơi như Nhật , Mỹ…Nhiều chương trình biểu diễn độc đáo của ông đã được đưa sang Na Uy, Đan Mạch, Canađa…Năm 1992 Công ty King Record của Nhật Bản thực hiện CD The Art of Kim Sinh (Nghệ thuật Kim Sinh). Năm 1997 Hãng truyền hình Lilly Acoustic của Mỹ làm CD Artistry of Kim Sinh (Tài năng Kim Sinh)…những sản phẩm âm nhạc này hiện nay vẫn còn lưu truyền trên thế giới. Vài năm gần đây vì lý do sức khoẻ, có rất nhiều lời mời đi lưu diễn nước ngoài, nhưng ông đều từ chối.
4. Kim Sinh còn thuộc lòng rất nhiều những bài thơ mà khán giả vì yêu quý tài năng và trân trọng lòng yêu nghề của ông đã viết tặng. Ông xúc động đọc cho tôi nghe một đoạn:
“ Dễ đâu cười khóc cùng đàn
Ngàn năm tôi luyện sắc vàng dễ đâu
Hỡi người nặng tuổi cao đau
Trải qua bãi bể non dâu với Kiều
Đàn anh đến với cô liêu
Đàn anh xóm nhỏ thôn nghèo sẻ chia…” (Đào Anh Kha)
Ông tâm sự rằng chính sự yêu quý và thương mến của khán giả khắp nơi như thế đã trở thành động lực, niềm tin tiếp sức cho người nghệ sỹ như ông trên con đường nghệ thuật đầy gian nan, trắc trở, có lúc tưởng như phải đứt gánh giữa đường. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền, những đận suy yếu của nghệ thuật truyền thống…chưa bao giờ làm Kim Sinh nản lòng. Tình yêu và sự kỳ vọng cuối đời ông dành cho cô con gái út Kim Ngọc sinh năm 1984 đang theo học Âm nhạc truyền thống tại Nhạc viện Quốc gia với ước mong nối nghiệp cha. Vừa học, vừa đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp vào đồng lương hưu ít ỏi của cha để trang trải cuộc sống gia đình, Kim Ngọc đang cố gắng để thay cha già làm trụ cột cho mái nhà nhỏ của mình. Người đời vẫn bảo, nghệ sỹ thường đa đoan, nhất là những người nghệ sỹ tài hoa. Chẳng biết có phải vậy không nhưng nghệ sỹ Kim Sinh thì đúng là đã gặp nhiều lận đận, trắc trở trong chuyện tình duyên. Người vợ hiện tại và cô con gái nhỏ từ lâu đã và sẽ là bến đỗ bình yên cho tuổi già của người nghệ sỹ đa đoan như lời ông nói. Sóng gió của cuộc đời nghệ sỹ dường như đã ở đâu đó rất xa…
5. Tôi đến thăm nghệ sỹ Kim Sinh vào một buổi tối Hà Nội mưa phùn nặng hạt. Con phố nhỏ Bảo Linh nằm phía gần cầu Chương Dương trở nên trơn tuột khó đi. Căn phòng trọ nhỏ xíu của ông nằm trên gác hai phải đi qua mấy chục bậc cầu thang chật chội mới đến. Căn phòng hơn chục mét vuông dành cho ba người. Tất cả sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ cũng chỉ có từng ấy không gian. Trần nhà hoen ố, cũ kỹ và có vẻ thiếu ánh sáng. Khu vệ sinh vẫn còn phải dùng chung với cả khu tập thể.
Khi tôi đến người vợ hiền của ông đang lúi húi nấu cơm tối, còn cô con gái nhỏ đi làm chưa về. Trong cái không gian chật chội ấy vẫn đầy ắp những kỷ vật của đời nghệ sỹ. Gần ba chục cây đàn các loại là tài sản vô giá ông còn lưu giữ được. Câu chuyện của chúng tôi diễn ra trong cái không gian ấy, thỉnh thoảng lại bị gián đoạn bởi tiếng văng tục của mấy cậu trai mới lớn đi qua cầu thang chung của khu tập thể. Cả tiếng nhạc xập xình dành cho tuổi teen phát ra từ đài nhà hàng xóm… Những lúc ấy tôi thấy ông khẽ thở dài. Vậy nhưng khi hỏi về ước muốn cuối đời ông vẫn dành ước mơ cho nghệ thuật.
Ông mong âm nhạc truyền thống sẽ trở về đúng giá trị của nó. Ông mong công chúng sẽ tìm về với cội nguồn dân tộc. Và ông mong cô con gái nhỏ của mình sẽ thành tài… Còn cuộc sống hiện tại, ông không phàn nàn gì. Đời nghệ sỹ đa đoan, cuối đời dù vẫn phải sống trong cảnh khó khăn nhưng bình yên trong bến đỗ của mình. Đó cũng là Hạnh phúc. Ông bảo còn mong gì hơn thế… Nhưng sao tôi vẫn thấy chút gì xót xa.
Rồi ông ôm đàn – cây đàn nguyệt đã theo ông buồn vui suốt cuộc đời nghệ sỹ. Nghe tiếng đàn và giọng hát của ông, mới thấu hiểu rằng tại sao ông được coi là tài năng lớn. Dứt đàn, Kim Sinh lại thủ thỉ ôn lại những năm tháng ông đã đi qua suốt cả thời chiến rồi thời bình. Bằng niềm kiêu hãnh của trái tim nghệ sỹ, Kim Sinh bảo rằng ông luôn thấy lòng mình nhẹ tênh…
Nhìn người nghệ sỹ già mái đầu bạc trắng, gày gò ôm đàn với tất cả niềm đam mê cất lên những thanh âm như rút ra từ gan ruột mình, tôi mới thấm thía cái câu ông nói khi đàn “tê dại cánh tay run…”
Đào Bảo Khánh
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh