Thứ 3, 18/06/2024, 05:11[GMT+7]

Từ không chuyên...đến chuyên nghiệp

Thứ 2, 20/06/2011 | 09:21:01
2,086 lượt xem
Trước khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp, tôi đã có 7 năm làm cộng tác viên, thông tin viên cho Báo Quân đội nhân dân. Thực ra, cái ước mơ làm văn, làm báo đã hình thành trong tôi từ những ngày còn học cấp II. Sau khi học hết phổ thông tôi tình nguyện nhập ngũ để hy vọng được vào chiến trường và đánh giặc, vừa viết lách, như rất nhiều những nhà văn, nhà báo thời chống Mỹ cứu nước.

Tác nghiệp của các phóng viên. Ảnh: Ngọc Trâm

Chết nỗi, tôi lại vào binh chủng đặc công, yêu cầu sức khỏe rất cao, hai tháng huấn luyện, tôi bị trả về địa phương, do không đủ sức khỏe. Thế là tôi vào Xí nghiệp quốc phòng thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Nay là Tổng cục Công nghiệp - Quốc phòng và Kinh tế). Con đường viết báo không chuyên cũng bắt đầu từ đây.

 

Năm 1973, tôi viết một cái tin về phát huy sáng kiến cải tiến của một kỹ sư, phần nội dung tin có 300 chữ, nhưng sợ người biên tập không rõ, tôi đã viết giải thích thêm đến 500 chữ. Cẩn thận hơn, tất cả tin, bài gửi đi tôi đều lưu lại một bản trong quyển vở. Khi báo QĐND đăng, xem kỹ, đối chiếu với bản gốc thì người biên tập sử dụng nội dung tôi giải thích, mà không dùng cái tin tôi viết. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm để viết tốt hơn, ít phải sửa hơn.

 

Năm ấy, tôi có 7 tin, bài đăng, được Báo QĐND mời dự hội nghị thông tin viên và trao quyết định công nhận TTV của báo. 7 năm làm báo không chuyên, công tác ở một đơn vị sản xuất quốc phòng, tuy không bị sức ép về kế hoạch bài, vở... Nhưng tôi luôn phấn đấu để có nhiều tin, bài được đăng. Vì thế, năm nào tôi cũng được Báo QĐND công nhận là TTV xuất sắc; được mời dự hội nghị và các lớp bồi dưỡng chuyên đề. Làm CTV, TTV sướng nhất là thích thì viết, không thích thì thôi, không giốỏng như làm báo chuyên nghiệp.

 

Nhưng, làm báo chuyên nghiệp có lợi thế là phản ánh được sự kiện nhanh, kịp thời. Năm 1982, tôi quyết định chuyển ngành ra dân sự, làm báo địa phương. Do đã có 7 năm viết lách cho một tờ báo lớn của Trung ương, nên tôi nhập cuộc rất nhanh. Hai năm sau được đề bạt phó phòng rồi trưởng phòng văn xã. Tôi nhớ có anh bạn Q.H đang là giáo viên dạy cấp II ở Bắc Kạn, cũng là cộng tác viên, TTV của báo, nhưng sức viết không cao, tính phát hiện và khả năng nhanh, nhạy không nhiều. Anh H xin chuyển về làm báo, trước khi về tôi đã tâm sự thẳng thắn rằng: Anh không đủ sức để làm báo chuyên nghiệp: làm không chuyên, viết ngẫu hứng, có cũng được, không có tin, bài cũng chẳng sao.

 

Làm báo chuyên nghiệp buộc anh phải viết, phải làm theo kế hoạch. Về công tác ở tòa soạn một thời gian, chuẩn bị báo xuân, tôi lên kế hoạch giao cho anh ta đi viết về một trường cấp II ở huyện Võ Nhai. Từ trung tâm huyện vào trường này đi bộ khá xa, không có xe ô tô.

 

Ngày ấy, Ban biên tập quy định: Bài Tết, các trưởng phòng duyệt trước, sau đó đưa đọc toàn phòng để lấy ý kiến rồi chuyển đến thư ký tòa soạn. Anh H đưa tôi đọc lần thứ nhất không đạt yêu cầu; tôi trả lại, bảo sửa lần thứ 2 cũng vậy, chẳng hơn là mấy so với lần đầu. Tôi bắt phải viết lại, anh nói: - Xếp cứ đưa ra phòng, nếu phòng không nhất trí thì em viết lại.

- Tôi bảo: Mình đọc chưa được, thì anh em cũng không chấp nhận, đưa ra họ bảo là mình dễ dãi, không loại từ đầu.

Năn nỉ mãi, tôi đành chấp nhận, kết cục là tất cả mọi người nhất trí phải viết lại.

 

Sau cuộc họp, tôi gặp H và nói thẳng:

- Bài này anh không đến tận trường để lấy tài liệu, đúng không?

- Em về tận nơi để làm việc với nhà trường đấy ạ. Tôi bảo:

- Sau tết, tôi sẽ lên trường đấy xem trước tết có làm việc với anh không nhé.

Đến nước này thì H thú nhận là không đến trường, chỉ vào phòng giáo dục xin báo cáo tổng kết, rồi về viết.

 

Tôi nói với H rằng: Ngay từ đầu tôi đã nhận ra điều đó, vì bài viết không có hồn, trường này, tôi đã đến và nếu tả trong bài sẽ rất hay. Do thời gian đã quá gấp, nếu bắt cậu ta đi thì không kịp thời gian. Tôi đành phá rào và nói: Tớ sẽ viết lại bài này, xong cậu chép nộp cho phòng.

 

Cậu ta vui ra mặt. Nhưng, sau đó tôi bị tổng biên tập gọi lên “trần” cho một trận

- Tại sao anh viết hộ bài cho cậu H. Tôi chống chế: Em chỉ sửa sang một chút thôi chứ.

Tổng biên tập nói: Nếu cậu H viết được như thế này thì phúc đức quá, giỏi quá, tôi không phải lo nhiều. Đặc sệt cái giống văn của anh, mà anh còn cãi. Lần sau, không được làm hư phóng viên như thế, nếu không chất lượng thì vứt bỏ.

 

Sau này, khi tôi về Hà Nội học đại học báo chí thì H cũng xin đi hợp tác lao động ở Liên Xô (cũ).

 

Như vậy, có người làm báo không chuyên khi làm chuyên nghiệp sẽ rất vững vàng. Nhưng nếu không thật sự có năng lực, viết được vài bài báo tưởng mình viết được báo, có thể làm báo chuyên nghiệp được như anh H. kể trên lại sẽ là rất sai lầm. Làm báo chuyên nghiệp đòi hỏi  không chỉ viết nhanh mà còn phải biết phát hiện vấn đề, chấp nhận áp lực, sẵn sàng lên đường, khi trưởng phòng hoặc Ban Biên tập yêu cầu. Không có kiểu làm chăng, hay chớ và làm túc tắc, đến đâu thì đến.

 

Nhân ngày báo chí Việt Namon>, xin có một vài tâm sự nhỏ về nghề.

 

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa